Trong Sử Ký của Tư Mã Thiên có viết: “Thánh nhân thậm họa vô cố chi lợi”, nghĩa là bậc thánh nhân cho rằng món lợi vô duyên vô cớ, món lợi tự dưng mà có được, là căn nguyên sinh ra tai họa. Trong cuộc sống, người có tầm nhìn xa trông rộng hiểu rằng có những món lợi là không nên nhận, có những món lợi là không thể nhận.

Trí tuệ cổ nhân: Món lợi tự dưng có được là mầm tai họa
(Tranh minh họa qua Aboluowang.com)

Người xưa cho rằng “có được thì phải mất”, “không mất thì không được”, “không có công thì không thể nhận lộc”, người ngày nay lại nói “thứ gì cũng có giá của nó”. Trong binh pháp Tôn Tử còn nói rằng “Nhị binh chớ thực” (địch cho quân ra nhử mồi thì hãy mặc kệ), “Quân hữu sở bất kích” (có những kẻ địch mình không nên đánh), “Địa hữu sở bất tranh” (có những vùng đất mình không nên tranh). Đây là những đạo lý nhân sinh bất biến, tương đồng với nhau, khuyên răn con người không nên thấy cái lợi mà tùy tiện nhận.

Sử Ký chép câu chuyện về nước Triệu ham lợi mà suy vong như sau. Thời kỳ Chiến Quốc, nước Triệu ở phía Bắc của Trung Nguyên, thường xuyên bị các nước mạnh ức hiếp, nhiều lần bị nước Tề, nước Tần đánh chiếm, mất nhiều phần đất. Hơn nữa, người Hồ còn thường xuyên quấy nhiễu nước Triệu. Sau này, Triệu Vũ Linh Vương thành công chấn hưng triều chính, thực lực của nước Triệu gia tăng mạnh mẽ và trở thành cường quốc có thể một mình chống lại nước Tần.

Năm 262 TCN, nước Tần tấn công nước Hàn. Hàn Vương sợ hãi muốn cắt đất Thượng Đảng cho nước Tần cầu hòa. Nhưng người Thượng Đảng không chịu. Phùng Đình hiến kế không cắt Thượng Đảng cho nước Tần mà dâng cho nước Triệu, để Tần và Triệu trở mặt, Triệu phải giúp Hàn.

Khi Triệu Vương nghe tin bỗng dưng có được 17 tòa thành của Thượng Đảng thì vô cùng mừng rỡ, vội vàng truyền Bình Dương Quân đến hỏi. Bình Dương Quân nghe xong thì vô cùng bình tĩnh đáp rằng: “Thần từng nghe nói, bậc thánh nhân cho rằng vô duyên vô cớ mà đắc lợi thì thông thường đều là mở đầu của tai họa”.

Triệu Vương không cho là đúng, tự nghĩ mình là người đại nghĩa, Hàn Vương cam tâm dâng đất cho mình. Bình Dương Quân can ngăn nhưng không được Triệu Vương tiếp nhận.

Nước Tần được tin nước Triệu nhận đất của Hàn. Tần Vương lập tức tấn công nước Triệu, khiến nước Triệu sa vào trận Trường Bình nổi tiếng. Trong trận này, Triệu Vương lại không tin tướng tài Liêm Pha, trúng kế của Tần, làm cho quân Triệu thảm bại. 40 vạn hàng quân Triệu bị Bạch Khởi giết chết. Thất bại này làm cả nước Triệu chấn động, không còn có thể khôi phục lại được nữa, 38 năm sau diệt quốc.

Bậc quân tử thấy lợi không quên nghĩa, ngay những kẻ theo đuổi lợi ích vẫn phải hiểu rằng “có những vùng đất không nên tranh”, “có những món lợi không thể nhận”. Trong lịch sử, hết thảy các bậc trí giả có tầm nhìn xa đều sẽ không ham muốn chút lợi “đưa đến tận miệng” mà trước sau đều thực sự bỏ tâm trí và sức lực của mình để đạt được mục tiêu mình theo đuổi.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: