Một người dù thành công đến đâu đi nữa cũng sẽ có lúc không được thỏa lòng, cũng có lúc làm việc vô ích. Bất cứ ai đạt được thành tựu đều phải có khả năng chịu đựng thất bại và gian nan. Càng là người có thể làm được những việc lớn lao, gây dựng được sự nghiệp vững chãi thì càng phải nhẫn chịu được khó khăn, thất bại, suy sụp, thậm chí là cô đơn và thống khổ hơn người bình thường. 

Trí tuệ cổ nhân: Nhẫn chịu thất bại và gian nan
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Trong cuốn “Khuyến nhẫn bách châm” có đoạn viết: “Đời người khi thất bại, khi chưa gặp được cơ hội mà muốn được phú quý thì rất khó, giống như thu hoạch mùa màng nơi ruộng sỏi. Đợi khi gặp được cơ hội, muốn có được phú quý thì dễ như hái trái trong vườn nhà. Chẳng phải là được mất có số, phú quý do trời sao?” Gặp thời cơ hay không gặp thời cơ, thành công hay thất bại trong đời vốn là lẽ thường tình. Cho nên khi thất bại, suy sụp hoặc gặp lúc gian nan thì cần phải học được nhẫn chịu. Đó mới là người thấu hiểu nhân sinh.

Không thể chịu đựng được suy sụp, thất bại, gặp cảnh suy sụp liền tức giận thì người thương tổn không phải người khác mà chính là bản thân mình. Chi bằng khi gặp lúc gian nan thì nhẫn nại, bình tĩnh, chậm rãi quan sát sự biến hóa và phát triển của sự tình, từ đó tìm kiếm cơ hội. Danh dự có thể từ trong khuất nhục mà được chương hiển, đức độ có thể từ trong ẩn nhẫn mà được bồi dưỡng thêm lên.

Đối với sự việc như thế, mà đối với người lại càng cần như thế. Người không thể chịu được người khác xúc phạm mình, một khi phát giận thì sẽ dễ làm hại người khác. Người không thể chịu được người khác áp chế, chèn ép mình thì khi phẫn nộ sẽ không để tâm đến sự an nguy của bản thân. Có người bị một chút đả kích thì cảm thấy giống như bị người khác quất roi trước mặt đông người, nhất định phải tìm cách trả thù. Còn có người sau khi bị người khác ức hiếp thì liền tức giận đến mức không chịu đựng được, phẫn nộ tới cùng cực. Những người như vậy đều không thể trở người có tu dưỡng đáng được tôn trọng.

Một ví dụ về kiểu người kém nhẫn chịu được thất bại hay suy sụp là nhân vật lịch sử Kình Bố thời Hán Sở tranh hùng. Kình Bố là người ngạo mạn tự phụ. Trước đây, cả Kình Bố và Lưu Bang đều được phong làm vương. Sau này vì thất thế, Kình Bố đến nương nhờ Lưu Bang, tưởng rằng Lưu Bang sẽ tiếp đãi mình trịnh trọng. Nhưng Lưu Bang lại tiếp kiến Kình Bố mà ngồi bên giường rửa chân. Kình Bố tức giận đến mức muốn tự sát. Nhưng sau khi trở về nơi ở của mình, Kình Bố thấy màn trướng, xe cộ, đồ ăn thức uống đều giống hệt như của Lưu Bang. Biết mình được hậu đãi thì Kình Bố lại chuyển sang rất đỗi vui mừng. Sự tức giận và vui mừng của Kình Bố trước ngoại cảnh cho ta thấy được tính khí và khả năng nhẫn chịu của ông lớn nhỏ ra sao. 

Cổ ngữ có câu: “Thất bại là bóng tối trước bình minh”. Khi đối mặt với suy sụp và gian nan, oán giận hay phẫn nộ đều là vô ích. Nếu có thể bình tĩnh ứng phó, đừng để bị khó khăn trở ngại áp chế, học cách tiếp nhận hoàn cảnh và cố gắng điều chỉnh bản thân thì sẽ có được tương lai tươi sáng, rạng rỡ hơn. 

Trong lịch sử, các danh nhân để lại cho đời những tác phẩm kiệt xuất, những chiến công hiển hách hay những tấm gương về tinh thần kiên trung bất khuất đều là người có thể nhẫn chịu được thất bại, suy sụp. Khổng Tử gặp hoạn nạn mà viết nên kinh Xuân Thu, Tôn Tử bị cắt gót chân mà để lại truyền kỳ về binh pháp, Khuất Nguyên bị ghét bỏ oan uổng mà viết nên bài “Ly Tao” vang danh thiên hạ. Năm xưa Tư Mã Thiên bị cung hình, sỉ nhục cực độ. Vậy mà ông quan chép sử ấy có thể nhẫn nhịn chịu sỉ nhục, chê cười, sống một cuộc sống không phải nam không phải nữ. Tư Mã Thiên đã lấy tinh thần kiên cường ẩn nhẫn và dũng khí quên mình để viết bộ “Sử ký”, một trong những cuốn sử nổi tiếng thế giới.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: