Trong Tăng Quảng Hiền Văn có câu: “Nhẫn đắc nhất thì chi khí, miễn đắc bách nhật chi ưu”, nhịn được cơn tức giận một lúc sẽ tránh được mối lo trăm ngày. Sự tình hôm nay có lớn đến mấy thì đến ngày mai cũng sẽ là chuyện cũ. Hiện thực năm nay dù có trầm trọng đến đâu thì tới năm sau cũng trở thành quá khứ mất rồi. Khi cảm xúc qua đi, những biến cố tưởng chừng lớn lao rồi cũng sẽ là một câu chuyện kể. Một người nếu có thể kiểm soát được cảm xúc của mình thì sẽ dễ dàng giải quyết được vấn đề, cho dù vấn đề khó đến thế nào cũng sẽ biến thành vấn đề đơn giản hơn, dễ giải quyết hơn.

Sách Thái Căn Đàm viết: “Tính táo tâm thô giả nhất sự vô thành, tâm hòa khí bình giả bách phúc tự tập”, nghĩa là người hấp tấp, nóng nảy, xao động vội vàng thì sẽ rất khó có được thành tựu, còn người ôn hòa điềm đạm, thái độ ổn định vững vàng thì các loại phúc phận đều sẽ tự nhiên đến.

Tức giận và ngốc nghếch tựa như một cặp bài trùng. Một khi lửa giận nổi lên thì con người dễ làm ra những việc nông nổi ngốc nghếch. Người sống mà luôn bị cảm xúc chi phối thì sẽ trở thành nô lệ cho cảm xúc trong suốt cuộc đời. Trái lại, người ôn hòa có thể bảo trì được lý trí thanh tỉnh, kiểm soát được cảm xúc của bản thân nên sẽ tránh được những cạm bẫy hay những họa nạn do cảm xúc đem lại.

Trí tuệ cổ nhân: Nhịn cơn tức giận một lúc, tránh được mối lo trăm ngày
(Ảnh minh họa: Grassmemo, Shutterstock)

Aesop, tác gia nổi tiếng người Hy Lạp, từng nói rằng: “Cơn tức giận thường mang sẵn trong mình sự trừng phạt của nó”. Khi nộ hỏa tấn công nội tâm một người thì đồng nghĩa với việc tai họa cũng sắp ập đến với người ấy. Bởi vì tức giận sẽ làm họ đánh mất lý trí và những quyết định được đưa ra lúc ấy đều dựa vào cảm xúc, tám chín phần đều là sai lầm.

Hoàng đế Napoleon là một vị tướng tài vĩ đại, nhưng ông cũng nổi tiếng vì không kiểm soát tốt được cảm xúc và cơn nóng giận của bản thân. Bởi vậy có người nói đùa rằng: “Một người có thể kiểm soát tốt được cảm xúc của mình còn vĩ đại hơn một vị tướng có thể hạ gục cả một thành phố”. Nóng giận là điều ai ai cũng có, để nó phát ra là bản năng, còn kiềm chế được nó mới là bản sự.

Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, hễ tức giận thì bản thân đều sẽ chịu tổn hại. Ở công ty, một người nổi giận với ông chủ thì có thể bị mất việc, cáu kỉnh với đồng nghiệp thì sẽ bị họ xa lánh. Nổi giận với khách hàng thì có thể mất đi lợi ích, nổi giận với đối tác thì sẽ có thể gây thù chuốc oán. Trong gia đình, nếu một người nổi giận với người thân thì sẽ khiến không khí gia đình ngột ngạt. Cho nên ở bất kỳ hoàn cảnh nào người ta đều cần phải học được cách bình tĩnh, kiềm chế bản thân. Tính khí tốt là tài phú của con người, một người có thể tu dưỡng tính khí tốt thì tự nhiên sẽ có được phúc khí.

Có một câu chuyện cổ Tây Tạng như vậy. Xưa có một người tên là Ái Địa Ba, cứ mỗi khi tức giận vì tranh chấp với ai đó, Ái Địa Ba liền tức tốc về nhà, chạy quanh nhà và đất của mình ba vòng. Những người khác hỏi anh ta vì sao lại làm như vậy nhưng anh ta không trả lời. Chỉ là mỗi lần chạy xong như vậy, Ái Địa Ba lại càng thêm cố gắng làm việc. Cũng bởi vậy mà đất đai của anh ta càng ngày càng lớn. Dù vậy Ái Địa Ba vẫn duy trì thói quen này cho đến lúc già. Tất nhiên càng ngày thì Ái Địa Ba cũng nổi giận càng ít hơn.

Một ngày kia, Ái Địa Ba tóc đã bạc lại nổi trận lôi đình. Và thế là ông lại chống gậy đi quanh đất đai của mình 3 vòng, vừa đi xong thì mặt trời cũng đã lặn. Ái Địa Ba mệt quá, ngồi trên đất thở hổn hển.

Cháu trai của ông nhìn thấy vậy liền hỏi: “Vì sao mỗi khi tức giận ông phải chạy khắp đất 3 vòng như vậy?”

Ái Địa Ba lúc này mới mở lòng nói: “Lúc còn trẻ, mỗi khi vừa cãi vã, tranh chấp, tức giận với ai, ông đều chạy quanh ruộng đất ba vòng, vừa chạy vừa nghĩ bụng nhà cửa, ruộng vườn của mình nhỏ như vậy, làm gì có thời gian, tư cách tức giận người khác chứ? Vừa nghĩ như vậy, cơn tức giận liền tan biến, cho nên ông dùng tất cả thời gian vào công việc”.

Người cháu của Ái Địa Ba lại hỏi: “Vậy sao khi tuổi đã cao rồi, lại trở thành người giàu có rồi, ông vẫn chạy quanh ruộng đất ba vòng khi tức giận chứ?”

Ái Địa Ba đáp: “Bây giờ khi ông đi quanh ruộng đất ba vòng, ông vừa đi vừa suy nghĩ, nhà cửa của mình đã lớn như vậy, ruộng đất cũng nhiều như vậy, sao mình còn phải so đo tính toán với người khác làm gì chứ? Vậy là ông lại hết tức giận”.

Con người sống trên đời, không thể việc nào cũng được như ý, thậm chí với đại đa số chúng ta mà nói, cuộc đời có 8, 9 phần là điều không thỏa nguyện. Giữa người với người, điều khác nhau chính là có thể kiểm soát được cảm xúc của bản thân hay không. Người có thể khắc chế được những suy nghĩ xấu như nóng giận, tật đố, kiêu ngạo… thì tất sẽ đạt được thành quả xứng đáng.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: Lấy vợ lấy đức không lấy sắc, kết bạn kết tâm chẳng kết tài