Cổ nhân nói: “Làm việc thiện đắc thiện báo, làm điều ác gặp ác báo, nhà nào tích thiện nhà đó được may mắn, nhà nào hành ác sẽ gặp tai ương”. Người lương thiện luôn suy nghĩ vì người khác, phẩm chất cao thượng của họ khiến cho người và Thần đều khâm phục, vòng xoay nhân quả sẽ đưa phúc đức đến với họ. Thời cổ đại đạo đức cao thượng phổ biến khắp nơi, con người kính sợ Trời đất Thần linh, rất nhiều vị quan giữ mình thanh liêm, nhân từ lương thiện, được lưu danh sử sách.

Trí tuệ cổ nhân: Quan nhân từ được phúc báo
(Tranh minh họa: Vision Times tiếng Trung)

Vương Tư Mẫn là một vị quan nhân từ thời nhà Minh. Ông nhậm chức tại nha huyện Hoàng Nham. Bấy giờ có một người bị vu cáo tội trộm cướp và bị bắt giam. Vương Tư Mẫn biết rằng người này bị oan, bèn biện bạch cho ông ta trước mặt huyện lệnh. Sau này huyện lệnh đã phóng thích người này vô tội.

Sau này Vương Tư Mẫn tham gia khoa cử tuyển chọn quan viên và được thăng làm phán quan Thái Châu. Năm đó Thái Châu có lũ lớn, quan Ngự sử đến vùng thiên tai tuần tra. Vương Tư Mẫn cầm cuốn sách rất dày đề tên những người dân bị đói, đi tìm ngự sử, xin được cứu tế. Ngự sử không đồng ý, Vương Tư Mẫn bèn ôm danh sách đó nhảy xuống sông tự tận. Ngự sử thất kinh, vội vàng sai người vớt ông ta lên và đồng ý mở kho cứu tế.

Sau này Vương Tư Mẫn về quê lo chuyện tang sự. Một hôm, khi đang đi khắp nơi tìm kiếm mảnh đất làm mộ phần, ông tìm được một nơi có phong thủy rất tốt. Đột nhiên ông gặp lại người trước kia bị hàm oan, từng được ông phóng thích. Người đó vội vàng chạy tới chào hỏi ông: “Đây chẳng phải Vương đại ân nhân sao, ngài làm gì ở đây vậy?”

Vương Tư Mẫn bèn kể lại sự tình, nói rằng mình đang tìm một mảnh đất tốt làm mộ phần cho cha, cảm thấy mảnh đất trước mặt rất phù hợp. Không ngờ người đó nói: “Ngọn núi này là của nhà tôi. Tôi được nhận ân đức tái sinh của ngài, sao có thể tiếc mảnh đất này được.” Thế là Vương Tư Mẫn dời mộ của phụ thân tới nơi đó.

Sau này cháu của Vương Tư Mẫn đỗ tiến sĩ, làm quan tới chức Tham Chính. Tằng tôn Vương Đình Chiêm làm quan tới chức Thượng Thư bộ Hình, xuất hiện trong phần Liệt truyện của Minh sử. Tằng tôn Vương Đình Đống làm quan tới chức Hàn Lâm. Con cháu đời sau của Vương Tư Mẫn đời nào cũng có người vinh danh bảng vàng. Tất cả điều này đều bắt đầu từ vị quan nhân từ Vương Tư Mẫn.

Trong “Thuyết văn giải tự” có giải thích chữ “Nhân” rằng: “Thiên địa chi sinh, tối quý giả dã”, ý nói lòng nhân từ là điều quý giá nhất, là giá trị cốt lõi bên trong con người. Trong “Luận Ngữ” lại viết: “Chí sĩ nhân nhân, vô cầu sinh dĩ hại nhân, hữu sát thân dĩ thành nhân”, ý nói một người trong lòng có chí lớn và đức nhân, sẽ không vì tham sống sợ chết mà tổn hại đức nhân, họ không tiếc hy sinh tính mạng vì chính nghĩa. Chuyện Vương Tư Mẫn ôm sách cứu tế nhảy sông chính là như vậy.

“Thái thượng cảm ứng thiên” còn viết: “Họa phúc vô môn, duy nhân tự triệu; thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình”, ý nói họa phúc của một người đều không ngẫu nhiên mà đến, đều là do bản thân người ấy tự chiêu mời mà đến. Làm ác thì gặp họa, làm lành thì đắc phúc, sự báo ứng như hình đi với bóng, không hề sai lệch.

Vòng xoay nhân quả, thiện ác hữu báo, là thiên lý tồn tại khách quan, không vì ý muốn chủ quan của con người mà hoán chuyển. Khi một người làm một việc thiện giúp người thì thuận theo vòng xoay nhân quả ấy, người đó cũng sẽ được người khác giúp đỡ.

Cổ ngữ nói: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, ý nói đạo trời không phân biệt người thân thích, đối xử công bằng với tất cả chúng sinh, nhưng làm việc thiện là phù hợp với đạo trời, nên đạo trời ắt có sự quan tâm chiếu cố tới bản thân họ.

Dựa theo “Quan tư pháp thời xưa đối đãi với phạm nhân như thế nào”
Đăng lại từ Minghui.org

Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: