Từ khoảng 300 năm trước công nguyên, Mạnh Tử đã khuyên răn người đời: “Sinh nơi hoạn nạn, chết trong an lạc”, nhưng đây có lẽ không phải là cách nghĩ của đại đa số người hiện đại. Chúng ta thường bị khống chế bởi tính lười nhác, tham thú hưởng lạc, muốn tránh né khổ nạn càng nhiều càng tốt.

Trí tuệ cổ nhân: Sinh trong hoạn nạn, chết nơi an lạc
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Trong “Cáo Tử Hạ”, Mạnh Tử viết:

“Vua Thuấn xuất thân nơi đồng ruộng, Phó Duyệt được tiến cử từ khi còn là thợ xây, Giao Cách được tiến cử từ quầy bán cá muối, Quản Di Ngô được tiến cử khi còn là binh sỹ, Tôn Thúc Ngao được cất nhắc từ vùng ven biển, Bách Lý Hề được tiến cử từ nơi chợ búa. Nên khi trời giao sứ mệnh trọng đại cho những người ấy, trước hết ắt phải làm khổ tâm chí họ, làm nhọc gân cốt họ, khiến thân xác họ đói khát, hao tổn thân họ, nhiễu loạn việc họ làm. Cho nên người ấy mới động tâm mà học cách nhẫn nại, làm giàu thêm những tài năng người ấy chưa có. Người ta thường lầm lỗi rồi sau đó mới có thể sửa đổi; thống khổ trong lòng, mới biết cân nhắc, toan tính về sau, vậy mới làm nên việc; biểu lộ trên nét mặt, phát ra trong tiếng nói, sau người khác mới thấu hiểu họ. Vậy nên nói là sinh trong hoạn nạn, chết nơi an lạc.”

Vua Thuấn nổi danh trong Ngũ Đế thời thượng cổ, nổi tiếng hiền lương. Bấy giờ khi Thuấn đang làm ruộng thì được vua Nghiêu tới mời về. Bởi vậy nói rằng “Vua Thuấn xuất thân nơi đồng ruộng”.

Phó Duyệt vốn là một người dùng ván ép đất xây tường, thân phận nô lệ. Vua nhà Thương được báo mộng cho có người hiền giúp nghiệp tên là Duyệt, bèn cho người vẽ hình đi khắp nơi tìm kiếm. Sau đó tìm thấy Duyệt ở đất Phó Nghiêm, đưa về lập làm Tể tướng, gọi là Phó Duyệt. Phó Duyệt ngày đêm giúp đỡ và răn dạy vua, cuối cùng sau nhiều năm đã chấn hưng được nhà Thương vốn đang suy sụp.

Giao Cách là trọng thần do Cơ Xương tiến cử cho Trụ Vương. Ông xuất thân từ quầy hàng bán muối và cá. Thời Trụ Vương sa đọa, ông một mực ở bên can gián, cuối cùng vì lời ngay lẽ thẳng mà bị Trụ Vương ra lệnh ném vào “sài bồn” chứa rắn rết. Giao Cách không muốn chịu nhục nên nhảy từ lầu cao xuống mà chết.

Khi trước Tề Hoàn Công còn là công tử, tranh ngôi báu, thì Quản Di Ngô (Quản Trọng) suýt nữa giết Tề Hoàn Công, sau bị bắt giam lại trong ngục. Bào Thúc Nha tiến cử Quản Trọng cho Tề Hoàn Công. Cuối cùng Quản Trọng trở thành một vị Tể tướng nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử.

Khi cha bị hại, Tôn Thúc Ngao cùng mẹ lánh nạn nơi vùng biển phương xa. Sau này do được đề bạt, Tôn Thúc Ngao phụ giúp Sở Trang Vương. Ông thi hành giáo hóa, trên dưới hòa hợp, phong tục tốt đẹp, giảm nhẹ hình phạt, quan lại không tham nhũng, giặc cướp không nổi lên, dân chúng sinh hoạt an vui, khiến nước Sở trở nên giàu mạnh.

Thời Tần Mục Công, Bách Lý Hề bỏ trốn sang đất Uyển, bị nước Sở bắt lại, trở thành nô lệ. Tần Mục Công nghe nói Bách Lý Hề là người hiền tài, bèn sai người sang chuộc về nước, nhưng sợ rằng người Sở biết nên chỉ chuộc bằng 5 tấm da dê. Tần Mục Công cùng Bách Lý Hề bàn chính sự suốt 3 ngày, rồi trao quyền chính cho ông. Bách Lý Hề làm tể tướng mấy năm, đánh Trịnh, lập vua nước Tấn, cứu họa nước Sở, thi hành giáo hóa, làm cho các tộc người ở phương xa đều theo phục.

Từ những tấm gương nổi tiếng nói trên, Mạnh Tử mới đúc kết được đạo lý “sinh trong hoạn nạn, chết nơi an lạc”, cũng chính là “ngọc bất trác bất thành khí”, khối ngọc quý nếu không trải qua quá trình đẽo gọt, tạo hình thì nó vĩnh viễn chỉ là một khối ngọc ở bên trong lớp đá thô kệch, xù xì.

Ngày nay, đời sống vật chất đã được nâng cao, rất nhiều người từ khi sinh ra hầu như không phải chịu chút khổ gì. Rất nhiều trẻ con đều lớn lên trong mật ngọt, dần dần dưỡng thành tính ích kỷ, không thể hiểu được đạo lý “Sinh trong hoạn nạn, chết nơi an lạc”. Trong quan niệm của rất nhiều người, truy cầu hưởng lạc là điều đương nhiên. Họ coi những quan niệm như “Không làm mà hưởng”, “Một đêm thành danh”, “Hưởng thụ xa xỉ, phóng túng dục vọng” thành xu hướng giá trị của bản thân. Rất nhiều người trẻ không muốn nỗ lực cống hiến mà thường oán trách. Khi gặp chút khó khăn trong cuộc sống hay phải làm thêm một chút việc, họ liền cảm thấy bất bình, cảm thấy rằng bản thân đang chịu thiệt thòi rất lớn.

Kỳ thực chịu khổ không phải là việc xấu. Trên thực tế, khổ nạn có thể giúp mài giũa ý chí của con người, giúp nội tâm trở nên mạnh mẽ, có thể hoàn thành đại sự. Những việc hữu ích cho con người đa phần lại khiến người ta không quá thoải mái. Ví dụ như dậy sớm dẫu khó nhưng lại có thể khiến thân thể khỏe mạnh. Làm việc với người nghiêm khắc có thể không vui nhưng lại giúp dưỡng thành thói quen làm việc hiệu quả cao. Thuốc tuy đắng nhưng có thể làm khỏi bệnh, sự thật tuy không muốn nghe nhưng lại có lợi cho người.

Xưa nay, nếu một người từ bé đến lớn sống chỉ hưởng phúc, không phải chịu bất kỳ nỗi khổ nào, cũng không nỗ lực làm điều gì tốt đẹp, thì đa phần kết cục của họ về nửa sau cuộc đời đều rất thê thảm. Có câu nói vui rằng: “Có nạn sớm tiêu, có bệnh sớm trị, có khổ sớm chịu” là việc tốt chứ không phải việc xấu.

Dựa theo “Sinh trong hoạn nạn, chết nơi an lạc”
Đăng trên Minghui.org
Tác giả: Nhất Ngôn

Xem thêm:

Mời xem video: