Trong mối quan hệ giữa người với người, thành tín là một mỹ đức không thể thiếu. Khổng Tử nói: “Người không có chữ tín thì chẳng làm nên việc gì”, “Dân không có chữ tín thì quốc gia chẳng thể đứng vững”. Thành tín là điều không thể thiếu trong cuộc sống, hàng ngàn hàng vạn năm qua, vô số các bậc danh nhân đều có những trải nghiệm thiết thân về điều này. Trong những cuốn thư tịch cổ cũng ghi chép lại rất nhiều câu chuyện nhân nghĩa, lấy thành tín làm gương cho hậu thế.

Chu Mục là cháu của tể tướng Đông Hán Chu Huy, khi lên 5 tuổi đã nổi tiếng vì sự hiếu thuận. Khi cha mẹ mắc bệnh, ông cũng không màng ăn không uống, tới khi sức khỏe của song thân hồi phục, ông mới ăn uống trở lại. Khi tuổi còn nhỏ, Chu Mục đã thuộc Ngũ Kinh, chăm chỉ nghiên cứu học vấn và rất mực tài hoa. Ông rất ghét kẻ ác, không kết giao với người không tâm đầu ý hợp.

Sử sách còn ghi lại một câu chuyện thành tín của Chu Mục. Chuyện kể rằng nhà ông có nuôi một con heo. Một hôm con heo sinh bệnh, Chu Mục cho người mang ra chợ bán và dặn dò rất cẩn thận rằng: Con heo này có bệnh, khi bán phải nói cho người mua biết. Không ngờ người hầu mang ra chợ bán, sau khi tìm được người mua, lại không hề nói về tình trạng của con heo, vậy nên bán được với giá cao.

Sau khi biết chuyện, Chu Mục thân là cháu tể tướng, lập tức chạy ra chợ, trả lại phân nửa số tiền cho người mua. Người mua không nhận, Chu Mục bỏ lại tiền rồi rời đi.

Vào thời Tây Ngụy, cách thời Chu Mục gần 400 năm sau, Thái Thú Triệu Bình là Mạnh Tín cũng có nghĩa cử thành thực không lừa gạt người khác như vậy.

Do gia cảnh nghèo khó, Mạnh Tín đã phải nghỉ học tòng quân, sau đó ông làm quan tới chức Thái Thú Triệu Bình. Trong thời gian nhậm chức, ông hành sự khoan dung, độ lượng và hòa ái, nên những thân sĩ giàu sang không ai dám vi phạm pháp lệnh.

Vì Mạnh Tín làm quan thanh liêm, nên sau khi mãm nhiệm, cuộc sống tương đối khó khăn, trong nhà chỉ có một con trâu già. Vì thiếu lương thực, cuộc sống khó bề tiếp tục, người cháu của ông bèn giấu ông bán trâu đi để mua chút củi gạo.

Sau khi hai bên ký kết xong khế ước mua bán, vừa hay Mạnh Tín về đến nhà. Nhìn thấy người mua trâu, ông mới biết chuyện bán trâu. Ông nói với người mua trâu rằng: “Con trâu này có bệnh, làm lụng một chút là bệnh phát tác, ông mua cũng chẳng ích gì cho ông.” Nói xong còn đánh người cháu 20 gậy, trách phạt cậu ta không được lừa dối người khác.

Người mua trâu vô cùng kinh ngạc, đứng bên than thở hồi lâu mới rời đi.

Người mua trâu này kỳ thực là một người có quyền thế thời Tây Ngụy lúc bấy giờ, sau này là thuộc hạ của Chu Văn Đế Vũ Văn Thái. Chu Văn Đế biết chuyện vô cùng tán dương phẩm hạnh của Mạnh Tín, bèn mời ông làm thầy giáo cho con trai mình, còn đặc biệt ban thưởng cho ông quan cao lộc hậu. Sau khi Mạnh Tín từ quan vì tuổi cao, nhà vua còn ban cho ông ngựa xe, sập ngồi, gậy chống, y phục và giường màn…

Thành thực là gốc lập thân, người không thành thực chẳng thể kết giao. “Dục đương đại nhiệm, tu thị đốc thực”, muốn đảm nhiệm trọng trách, cần phải thành thực. Làm người, chỉ khi thành tín mới được người khác tôn trọng, mới có chỗ đứng vững chắc trong xã hội. Đối với công việc cũng vậy, dù là vấn đề gì, đều cần thực sự cầu thị, tuyệt đối không thể làm giả, thất tín với mọi người.

Trong giao tiếp giữa người với người, điều quan trọng là phải giữ sự thành tín. Cổ nhân coi việc thủ tín là một trong những phẩm hạnh làm người vô cùng quan trọng, coi trọng việc nói có uy tín, làm ra kết quả. Con người trong xã hội nếu không thủ tín, chắc chắn không ai muốn kết giao, lại càng chẳng thể nhận được sự tín nhiệm từ người khác.

Khổng Tử từng nói: “Người mà không giữ chữ tín, không biết có thể thành người được không.” Chữ tín là sinh mệnh thứ hai của con người, thậm chí đôi khi là sinh mệnh thứ hai của một quốc gia.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: