Trong cuộc sống, không ít người thường dùng quan niệm của bản thân, cho rằng điều này là tốt, điều kia là xấu và áp đặt lên người khác. Tuy nhiên thường thường khi bị áp đặt thì đối phương đều rất khó tiếp nhận, không những không thấy cảm kích mà ngược lại còn cảm thấy khó chịu. Đây chính là vì mỗi người, mỗi vật đều có tính tự nhiên, đều cần sự hợp lý, thấu hiểu và cảm thông thì việc cần làm mới có thể thuận lợi.

Trí tuệ cổ nhân: Thuận tính tự nhiên thì mọi sự thông đạt
(Ảnh minh họa: Thampitakkull Jakkree, Shutterstock)

Trang Tử nói nhiều về việc sống hòa hợp với tự nhiên. Trong “Trang Tử. Biền mẫu” “Trang Tử. Mã đề”, ông đều trình bày quan điểm người cần phải tôn trọng tự nhiên, thuận theo bản tính, thuận theo đức tính của người và vật.

Ông cũng cho rằng người ta đều là có tư tâm, mọi việc làm thông thường đều là để thỏa mãn cái dục của chính mình. Rất nhiều việc người làm, trên danh nghĩa là thương người khác nhưng trên thực tế vẫn chỉ là yêu chính mình. Mỗi người đều có bản tính tự nhiên của chính mình, mỗi người cũng đều có tài năng và hữu dụng. Muốn khuyên can một người, nên tìm hiểu bản tính của họ. Cách thức khuyên can cũng nên là phù hợp với bản tính vốn có của họ. Nếu một người chỉ dùng điều mình mong muốn để cải biến người khác thì sẽ rất khó để có được kết quả tốt đẹp như mong muốn.

Trong “Hoa Nam Kinh” của Trang Tử có chép một câu chuyện ngụ ngôn sử dụng nhân vật là những cái tên nổi tiếng của Nho gia như sau.

Nhan Hồi đi về phía đông đến nước Tề làm quan. Khổng Tử lo lắng cho Nhan Hồi nên biểu hiện ra vẻ mặt u sầu. Học trò Tử Cống nhìn thấy vậy, liền rời chiếu tiến đến hỏi: “Học trò xin được hỏi, Nhan Hồi đi đến nước Tề làm quan, sao thầy lại có sắc mặt u sầu?”

Khổng Tử đã thở dài và nói rằng:

Ngày trước, Quản Tử nói rằng: “Túi nhỏ không thể đựng được vật lớn, dây ngắn không thể múc nước giếng sâu”. Phận của mỗi người phải phù hợp với thuộc tính mà mình có, không thể cưỡng cầu mà gia tăng hay giảm bớt được. 

Nhan Hồi sau khi đến nước Tề sẽ nói với quốc quân nước Tề những lời đạo lí của Nghiêu Thuấn, Hoàng Đế, lại còn đặc biệt tán dương những sự tình của thời kỳ Toại Nhân thị, Thần Nông thị. Nhan Hồi lại còn nói ra hoài bão của mình. Quốc quân nước Tề nghe xong sẽ lí giải không được, lí giải không được sẽ phát sinh nghi hoặc. Nếu nghi hoặc thì Nhan Hồi gặp tai ương rồi.

Xưa có câu chuyện “Lỗ Hầu dưỡng điểu”. Có một con chim biển bay đến vùng ngoại thành nước Lỗ. Lỗ Hầu cho là điềm lạ, nghênh đón và đưa nó vào Thái miếu, dâng rượu ngon cho nó uống, tấu nhạc Cửu Thiều cho nó nghe, giết trâu mổ dê làm thức ăn cho nó. Kết quả con chim bi thương u buồn, không dám ăn một miếng, không dám uống một li, chỉ ít lâu sau là chết.

Lỗ Hầu đã dùng cách mà mình thích để nuôi chim chứ không phải dùng cách chim thích để nuôi chim. Nếu một người biết dùng cách mà chim yêu thích để nuôi chim thì sẽ để nó bước trên bãi cát, lượn trên sông hồ, ăn tôm cá, hoạt động theo tập tính, sống một cuộc sống tự do tự tại. Con chim nghe thấy tiếng người thì đều sẽ cảm thấy sợ hãi, huống hồ là Lỗ Hầu còn tấu nhạc huyên náo.

Nếu tấu nhạc “Hàm Trì”, “Cửu Thiều” nơi núi rừng sông nước, loài chim tầm thường nghe được sẽ lập tức bay đi mất, loài thú tầm thường nghe được sẽ lập tức chạy mất, loài cá tầm thường nghe được sẽ lập tức lặn mất, nhưng người nghe được sẽ vây lại tán thưởng. Chỉ có loài chim gần với Đạo, hiểu được nhạc thì mới câu thông được với nhạc. Cá ở trong nước thì sống tự do tự tại, người ở trong nước thì chẳng được bao lâu sẽ chết. Đặc tính của sinh mệnh là khác nhau, do đó mà tập tính yêu ghét cũng khác nhau.

Bậc thánh hiền xưa kia hiểu được điều này nên không cưỡng cầu dựa theo một khuôn mẫu nhất định để bồi dưỡng nhân tài, cũng không cưỡng cầu bồi dưỡng một kỹ năng giống nhau cho tất cả mọi người. Họ không yêu cầu mọi người phải có năng lực như nhau. Họ để một người làm những gì người ấy giỏi và những gì phù hợp với bản chất của người ấy. Họ cũng cho rằng danh, vị, thực tài phải phù hợp, nghĩa lý phải thích ứng với hoàn cảnh. Làm được như vậy thì mọi thứ đều sẽ thông đạt, gọi là “Điều lí thông đạt, phúc phận thường tại”.

Trên thực tế, nhu cầu vật chất và trạng thái tinh thần của mỗi người là khác nhau. Trong quá trình kết giao, tiếp xúc, cần tìm hiểu phương thức và cách sống của đối phương, hiểu được mong cầu của đối phương mới có thể thông thuận trao đổi. Nếu không, đem những điều mà bản thân mình cho là tốt để áp đặt lên đối phương thì sẽ xảy ra kết quả không mong muốn giống như câu chuyện “Lỗ Hầu dưỡng điểu”.

Theo KKnews.cc
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: