Rất nhiều người hiện đại đã hình thành thói quen không quan tâm đến chuyện của người khác, cho rằng đó là “chuyện chẳng liên quan đến mình”. Dù thấy ai có bị hàm oan, bị bức hại, bị vu khống đến đâu nhưng nếu “chẳng có liên quan gì đến mình”, lại cũng “chẳng quen biết” thì người ta chỉ “nghe cho biết” mà thôi. Tuy nhiên cổ nhân lại từ những chuyện tưởng chừng không đâu ấy mà nhìn ra được bản thân, nhìn ra được xã hội, hay thậm chí nhìn thấy được quốc nạn, thấy được rằng “tất cả đều có liên quan đến mình”.

Trong sách “Liệt nữ truyện” thời Tây Hán có chép câu chuyện về một người phụ nữ minh trí như thế này.

Trí tuệ cổ nhân: Từ "chuyện chẳng liên quan đến mình" nhìn thấy quốc nạn
Tranh trong cuốn “Họa Lệ Chu Thúy Tú”, Hác Đạt triều Thanh. (Public Domain)

Vào thời nhà Chu, ở ấp Tất Thất thuộc nước Lỗ có một cô gái mất cả cha lẫn mẹ. Người anh trai sau đó cũng gặp tai nạn mà qua đời. Vì trong nhà chẳng còn ai, cô gái đó đến tuổi lập gia thất mà không có người thân đứng ra tìm mai mối, nên vẫn chưa có chồng.

Một lần cô gái đứng dựa vào cột ngoài nhà buồn bã thở dài, mọi người thấy thế có phần thương cảm. Một người hàng xóm đi qua nói: “Cô vì sao mà bi ai như vậy? Có phải là muốn lấy chồng rồi không? Để tôi mai mối cho cô nhé?”.

Cô gái nói: “Tôi đâu phải vì bản thân không lấy được chồng mà khổ não, tôi ưu sầu vì Lỗ Công già rồi mà Thái tử thì lại còn quá nhỏ!”.

Người phụ nữ hàng xóm nghe cô gái nói chuyện không đâu như thế thì không thể không bật cười nói: “Đây là việc của Lỗ Công, có liên quan gì đến cô đâu!”.

Cô gái lại nhỏ nhẹ: “Trước, một vị khách người nước Tấn lỡ đường đến xin ngủ nhờ, ông ta buộc ngựa ở trong vườn rau nhà tôi. Không ngờ con ngựa giằng dây cương chạy loạn, dẫm đạp vườn rau, khiến cho tôi cả năm không có rau quỳ để ăn.”

Cô gái lại tiếp lời: “Con gái nhà hàng xóm bỏ trốn cùng người khác, họ kéo anh trai của tôi đuổi theo. Không ngờ mấy ngày liền mưa dầm, nước sông dâng cao, anh trai trượt chân chết đuối, từ đó tôi mất đi anh trai.”

Sau đó cô gái lại nói đến việc nước Lỗ: “Hôm nay Lỗ Công đã già, nhưng Thái tử lại còn rất nhỏ. Lỗ quốc sẽ có nạn, mối họa rồi cũng sẽ đến thân mình. Cho nên tôi mới buồn bã không thôi.”

Người phụ nữ hàng xóm im lặng không nói được gì.

Sử sách ghi lại rằng Lỗ Trang Công lâm trọng bệnh khi con là Cơ Ban còn nhỏ. Ông bèn phó thác con cho em trai là Quý Hữu. Nhưng hai người em trai khác của Lỗ Trang Công lại tư thông với vợ ông, âm mưu làm loạn. Cơ Ban lên ngôi mới được 2 tháng thì bị giết. Gia tộc ba người em trai của Lỗ Trang Công sau một thời gian làm loạn thì hợp lực cầm quyền, tạo ra điều mà lịch sử gọi là thời kỳ “Tam Hoàn” của nước Lỗ, kéo dài suốt 300 năm. Bởi vì có sự tồn tại của nhiều thế lực nên nước Lỗ luôn nằm trong cảnh thay ngôi đổi vị, loạn lạc cũng từ đó mà ra. Kể cả lúc thế lực nước Lỗ có vẻ khởi sắc thì bên trong cũng vô cùng nhiều mâu thuẫn.

Chuyện xung quanh, xảy ra tưởng như không lên quan đến bản thân, lại ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân mình. Một con ngựa buộc ở vườn nhà có thể dẫn tới cả năm không được ăn rau. Người con gái hàng xóm bỏ đi cũng có thể khiến anh trai qua đời. Từ chuyện vua già, con nhỏ mà thấy được quốc nạn. Bởi vậy người xưa tán thưởng cô gái ấp Tất Thất, và câu chuyện này được chép vào trong “Liệt nữ truyện”.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: