Trong phương pháp trị tâm bệnh thời cổ đại, người ta thường hay sử dụng phương pháp ngũ hành tương khắc. Điều này không chỉ thu được hiệu quả lớn mà còn thể hiện ra trí tuệ tuyệt vời của người xưa.

Trí tuệ cổ nhân: Ngũ hành tương khắc trị tâm bệnh
(Ảnh: Dragon Images, Shutterstock)

Ngũ hành là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, có mối quan hệ tương sinh và tương khắc. Trong mối quan hệ tương sinh, mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ, thổ sinh kim, kim sinh thủy, thủy sinh mộc. Còn trong mối quan hệ tương khắc, mộc khắc thổ, thổ khắc thủy, thủy khắc hỏa, hỏa khắc kim, kim khắc mộc.

Theo Trung y cổ đại thì ngũ tạng của con người là can, tâm, tì, phế, thận, chúng đối ứng với ngũ hành. Can thuộc mộc, tâm thuộc hỏa, phế thuộc kim, tì thuộc thổ, thận thuộc thủy. Bởi vì chúng có thuộc tính Ngũ hành nên cũng mang theo lý tương sinh tương khắc. Theo lý tương sinh: can sinh tâm, tâm sinh tì, tì sinh phế, phế sinh thận, thận sinh can. Và theo lý tương khắc: can khắc tì, tì khắc thận, thận khắc tâm, tâm khắc phế, phế khắc can.

Các danh y thời cổ đại hiểu biết điều này nên đã vận dụng nó vào việc trị liệu các loại bệnh, đặc biệt là bệnh tâm lý. Thông thường việc trị liệu như vậy đem lại hiệu quả rất lớn.

Theo đó, mỗi một tạng lại ẩn giấu một phần của tinh thần con người, như can giấu hồn, tâm giấu thần, tì giấu ý và trí, phế giấu phách, thận giấu tinh và chí. Khi một người bị bệnh về tâm lý thì chính là tinh thần của người đó bị bất thường. Do đó, các danh y thời cổ đại có thể lợi dụng quan hệ tương sinh tương khắc và ẩn giấu này để chữa trị.

Trong giới Trung y cho rằng, vui quá có thể làm tổn thương tâm, giận sẽ làm tổn thương can, ưu tư làm tổn thương tì, buồn phiền làm tổn thương phế, hoảng sợ làm tổn thương thận.

Chẳng hạn một người có “Thần” bị tổn thương thì chính là “Tâm” (hỏa) người đó phát bệnh, người ta có thể dùng “Thận” (thủy) để khắc chế nó. Ngoài ra cũng có thể lợi dụng “Thận” là chủ tinh và chí đến để khắc cái “Thần”, như vậy là có thể trị được bệnh. Hay ví dụ như người bi thương, đau buồn quá mức thì sẽ khiến “Phách” bị tổn thương. Khi “Phách” bị tổn thương thì phải dùng “Tâm” (thần) đến để trị bệnh. Sử dụng phương pháp này, các danh y có thể chữa trị hiệu quả các loại bệnh về “Thất tình”, là bệnh do hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục sinh ra.

Trong lịch sử có câu chuyện danh y Chu Đan Khê thời nhà Nguyên trị bệnh cho một bệnh nhân mắc chứng bệnh bi thương được ghi trong “Trung y dưỡng sinh”.

Chu Đan Khê là một danh y nổi tiếng sống vào thời nhà Nguyên. Ông được người đương thời biết đến là một vị danh y tài giỏi, đức hạnh. Đương thời, có một vị tiên sinh vì mất vợ mà sinh ra bi thương đau buồn cực độ, cuối cùng sau một thời gian như vậy thì mang bệnh nặng, khó thở, người vô lực. Đan Khê vừa gặp vị tiên sinh này thì đoán biết ngay nguyên nhân sinh bệnh.

Theo lý tương khắc trong Ngũ hành, bi thương là bệnh của phế (thuộc kim), kim bị hỏa khắc, hỏa chính là tâm. Vì vậy, Đan Khê đã dùng phương thuốc hỏa tâm khắc phế kim để chữa bệnh cho vị tiên sinh này.

Đan Khê tiến hành bắt mạch cho vị tiên sinh rất kỹ càng rồi nói: “Mạch của ngài như mạch người đang mang thai vậy, có lẽ không lâu nữa là sẽ sinh”. Vị tiên sinh nghe kết luận của Đan Khê thì cảm thấy tức cười, đứng lên và nói: “Ngươi đúng là lang băm”.

Từ sau hôm ấy, hễ gặp ai, vị tiên sinh này đều chế nhạo Đan Khê, nói: “Mọi người đều cho rằng Chu Đan Khê là danh y tài giỏi. Giỏi gì mà giỏi? Ngay cả bắt mạch còn không chính xác. Nói tôi đang mang thai, còn nói không lâu nữa sẽ sinh.” Cứ mỗi lần kể lại với mọi người, vị tiên sinh lại phá lên cười thật to. Một thời gian sau, bệnh của vị tiên sinh không thuốc mà khỏi.

Ngoài việc vận dụng ngũ hành tương khắc để trị tâm bệnh ra thì người xưa cho rằng trạng thái tốt nhất của một người là ôn hòa, cân bằng. Vì thế, một người có tinh thần thoải mái, không lo lắng, không phiền não, không suy nghĩ quá nhiều cũng sẽ không dễ dàng bị mắc bệnh.

Nhưng một người phải như thế nào mới có thể có nội tâm thoải mái tĩnh tại? Kỳ thực chỉ cần người ấy buông bỏ bớt dục vọng và sự cố chấp của bản thân đi thì đã có thể thực hiện được rồi. Không chỉ là người bệnh mà một người khỏe mạnh bình thường cũng nên giảm bớt dục vọng, ham muốn của bản thân, như vậy tương lai sẽ tránh được các loại bệnh do “Thất tình” gây ra.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời nghe radio: