Cuộc đời của mỗi người trên thế gian này đều không giống nhau. Có người cả đời gặp nhiều điều may mắn, như ý, khỏe mạnh, trường thọ. Có người đến tận tuổi trung niên vẫn gian nan, về già mới được an khang. Có người thời trẻ thì phú quý, vẻ vang nhưng về già lại cơ cực. Có người cả đời lận đận vất vả, mọi việc đều không được như ý. Nguyên nhân gì khiến vận mệnh của mỗi người là khác nhau?

Trí tuệ cổ nhân: 12 yếu tố tác động đến vận mệnh của một người
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

1. Mệnh

Người xưa cho rằng mệnh của một người là cố định, không thể thay đổi, là “tiên thiên chú định”. Nghĩa là khi một người xuất sinh thì đã được an bài mệnh sẵn rồi. Đây là nói về những điều lớn trong đời, như cha mẹ, hôn nhân, một số chuyện thành đạt tương đối trọng đại, cùng các mối quan hệ liên đới quan trọng.

Từ nghĩa hẹp mà giảng, người xưa có thể thông qua ngày giờ sinh, bát tự, v.v.. suy tính ra quỹ đạo vận hành, vinh nhục, phúc họa, bần phú, thọ yểu trong cuộc đời của một người. Một số sự việc được đoán định là chính xác từ khi còn rất trẻ.

Từ nghĩa rộng mà giảng, trong cuộc đời một người có những điều mà có làm gì cũng không thể thay đổi được. Đây là điều mà người ta thường gọi là số phận, là nhân quả, là luân hồi.

2. Vận

Vận cũng được gọi là vận thế, là điều có thể thay đổi được. Có thể lấy một ví dụ hình tượng như vậy. Nếu ví đời người là một con đường có sẵn điểm đầu, điểm cuối, thì một người đi xe loại gì, những điểm trung gian quan trọng ra sao, con đường gập ghềnh bằng phẳng như thế nào, đó là “mệnh”. Còn cụ thể, một người lái xe như thế nào để đi hết cuộc đời thì lại là “vận”.

Một số người nguyên vốn đã có xe tốt, đường tốt, nhưng lại để bản thân “nước chảy bèo trôi”, không lái tốt, nên kết quả là về đến đích đấy, nhưng xe hỏng, người thương, để lại sự buồn bã cho tâm linh và một linh hồn mắc nợ. Trái lại, nhiều người vốn ban đầu chỉ có chiếc xe không tốt, đường đi lại đầy chông gai, gập ghềnh khúc khuỷu, nhưng bởi vì cả đời cần cù chịu khó, cẩn thận từng ly từng tý, lái xe rất chuyên tâm, kết quả đời vẫn có thể bình an, thậm chí khi đến nơi thì còn khiến cho bản thân thăng hoa, quảng kết thiện duyên, “mệnh” của đời sau sẽ thật là tốt.

Cũng bởi thế mới có cách nói “bói mệnh, đoán mệnh”, nhưng lại nói “cải vận”.

3. Phong thủy

Phong thủy không chỉ bao gồm môi trường tự nhiên mà còn bao gồm cả môi trường xã hội. Nếu ví con người như một cái cây thì phong thủy chính là môi trường mà cái cây này sinh sống, bao gồm thổ nhưỡng, ánh sáng, lượng nước, các sinh vật khác ở xung quanh… Môi trường bên ngoài này tất nhiên là rất quan trọng, nhưng giống cây và nỗ lực sinh trưởng của cây cũng rất quan trọng. Nhân tố bên ngoài và nhân tố nội tại của cây là có sự ảnh hưởng tương hỗ qua lại.

4. Tích đức

Cổ nhân thường giảng: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Bất luận là Nho gia, Phật gia hay Đạo gia thì đều đề xướng việc giúp người tích đức, hành thiện tích đức, nhẫn nhịn tích đức.

Một ví dụ kinh điển nhất được ghi chép trong lịch sử chính là câu chuyện về Viên Liễu Phàm đời nhà Minh. Viên Liễu Phàm được một cao nhân đoán mệnh cho từ thời niên thiếu, thấy rằng không điều gì không đúng, cảm thấy vận mệnh là không cải biến được. Tuy nhiên sau này ông gặp một vị thiền sư, thực hành theo lời thiền sư dạy bảo, hành thiện tích đức, nhẫn nại khổ hạnh, thì thấy vận khí cải biến, không còn hoàn toàn giống như lời tiên tri thời xưa. Từ đó Viên Liễu Phàm viết “Liễu Phàm tứ huấn”, răn dạy mọi người nhận thức được sự chân thực của vận mệnh, tiêu chuẩn phân biệt rõ thiện ác, phương cách sửa sai hướng thiện, từ đó thấy được sự hiệu nghiệm của việc hành thiện tích đức. (Xem thêm chuyện Viên Liễu Phàm trong bài: Trí tuệ của cổ nhân: Cải biến vận mệnh)

5. Đọc sách Thánh hiền

Đọc sách chính là việc học văn hóa, tăng thêm tri thức, là một quá trình học tập suốt đời. Thông qua đọc sách, chúng ta có thể thu hoạch được tri thức, kết giao bạn bè, mở rộng tầm nhìn và còn có thể nâng cao bản thân.

Đọc sách Thánh hiền là phương thức nhanh chóng và tốt nhất để học hỏi văn hóa mấy ngàn năm từ cổ chí kim, thu nạp được lượng tri thức rộng lớn và trở thành người có trí tuệ. Nhờ đọc sách chúng ta có thể thông hiểu lời răn dạy của các bậc hiền triết xưa, rút ra những bài học, hấp thụ tinh hoa, hình thành những quan niệm đúng đắn cho bản thân.

Đọc sách Thánh hiền giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn, không còn bị giới hạn bởi một góc nhỏ bé của cuộc sống. Cùng với việc không ngừng đọc sách, người ta sẽ hun đúc nên một tấm lòng rộng mở, lý tưởng và tín niệm cao xa hơn. Cho nên từ xưa đến nay, đọc sách Thánh hiền luôn là phương pháp quan trọng thay đổi vận mệnh của một người.

6. Tên

Cổ nhân có câu: “Cho con nghìn vàng không bằng cho con một cái tên”. Người xưa rất coi trọng việc đặt tên con. Các danh gia vọng tộc hoặc dòng dõi Nho sinh đều rất coi trọng việc đặt tên cho con cái sao cho có ý nghĩa. Ở trên bề mặt, một cái tên tốt, có ý nghĩa, sẽ có tác dụng khích lệ đối với cuộc đời mỗi người, thậm chí còn có tác dụng dẫn dắt, chỉ dẫn. Ở sâu hơn một chút, một số nhân tố trong tên cũng có tác động đến vận khí của một người, dù khá yếu. Ngày nay vẫn có những người mong muốn đổi tên với hy vọng có thể thay đổi một chút vận khí.

7. Tướng

Tướng cũng là một nhân tố cho thấy vận mệnh của một người. Người xưa có rất nhiều kiểu xem tướng, bao gồm cả tướng tay, tướng mặt, tướng đi đứng, cốt tướng, v.v.. Ngoài ra, nhà Phật còn giảng rằng: “Tướng do tâm sinh, tâm do cảnh tạo, cảnh tùy tâm chuyển”. Tướng của một người là biểu hiện nội tâm và thói tật của người ấy. Những thứ này ngược lại đều có ảnh hưởng đến vận. Trong các sách cổ còn chép chuyện khi một người làm việc đại Thiện, thì sẽ có Thần linh đến “cải tướng” cho họ. Ở bề mặt mà xét, người thẳng lưng thẳng, biểu hiện khiêm cung, toát ra chính khí, tất sẽ gợi lên thiện cảm và lòng tin nơi người khác, làm việc sẽ thông thuận.

8. Kính Thần

Kính Thần nghĩa là luôn có tâm kính sợ Thần linh, bởi Thần linh là tồn tại cao hơn, là tuân theo đạo Trời mà bảo hộ nhân loại. Nhìn lại quá trình phát triển của văn minh nhân loại, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều truyền thuyết về Thần, như Thiên Chúa phân chia hỗn độn, Bàn Cổ khai thiên lập địa, Nữ Oa vê đất nặn ra người, Thần rồng Lạc Long Quân và tiên nữ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng là thủy tổ của người Bách Việt. Trong tôn giáo cũng có những người giác ngộ đắc Đạo thành Tiên, La Hán tu xuất khỏi Tam giới, Bồ Tát đại từ đại bi, Phật Đà phổ độ chúng sinh, Chúa Giê-su chịu tội thay người… Sự cứu độ của người, chính là sự giải thoát khỏi luân hồi thông qua tu luyện, thay đổi toàn bộ vận mệnh và sinh mệnh của người, cũng là do Thần bảo hộ và dẫn dắt.

Cho đến ngày nay trong phần thâm sâu nhất của mỗi người vẫn lưu giữ những ký ức về “Thần”, về “Trời”. Vì thế mà cho dù là người cố chấp, ngoài miệng luôn nói không tin Thần Phật nhưng ở vào bước đường cùng thì đều phát ra từ nội tâm của mình một tiếng than: “Trời ơi!”. Cho dù là người kiêu căng ngạo mạn, tự cho rằng bản thân mình “không sợ Trời, không sợ Đất” nhưng ở vào lúc không thể đảo ngược được tình cảnh nữa thì cũng đành phải chấp nhận “số Trời”. Lâu dần những điều này trở thành câu cửa miệng, có phần bất kính với Trời Đất, cũng bởi con người hiện đại xa rời Đạo, xa rời Thần mà ra.

9. Kết giao với quý nhân

Người xưa có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Trong cuộc sống, rất ít người đạt được tới cảnh giới “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Nếu xung quanh một người đều là những người đạo đức cao thượng, thì đạo đức của người ấy cũng sẽ trở nên cao thượng. Trái lại, nếu một người luôn kết giao với những người có đạo đức thấp kém, thì dần dà phẩm hạnh đạo đức của người này cũng sẽ xấu đi. Bởi vì không mang tâm hướng thượng nên dễ làm ra những việc xấu, sẽ ảnh hưởng tới vận khí của bản thân mình.

10. Dưỡng sinh

Dưỡng sinh là giữ thân tâm đều khỏe mạnh. Thời xưa, dưỡng sinh không chỉ đơn giản là sự vận động thân thể giống như ngày nay người ta thường nói. Dưỡng sinh là bao gồm cả dưỡng tâm và dưỡng thân. Khi Hoàng Đế tới tìm Quảng Thành Tử cầu đạo, điều đầu tiên ông ngộ ra được là đạo dưỡng sinh bắt đầu bằng việc phóng hạ những dục vọng tư tâm. Đây kỳ thực chính là bước đầu của tu luyện. Tu luyện có thể cải biến nhân sinh, có thể cải biến vận mệnh, có thể thăng hoa sinh mệnh.

11. Trạch nghiệp và trạch ngẫu

Trạch nghiệp tức là chọn nghề nghiệp công việc, trạch ngẫu là việc chọn bạn đời, kết hôn lập gia đình. Để có một sự nghiệp thành công cũng cần phải lập chí, phải kiên định không ngừng làm việc mới mong có thành công. Còn để chọn được người bạn đời thì quý nhất là vợ chồng hòa thuận, hai người đồng lòng. Đằng sau một người đàn ông thành công luôn có một người phụ nữ thầm lặng, đằng sau một người phụ nữ hạnh phúc đều có một người đàn ông đáng tin.

12. Xu cát tị hung

Cổ nhân nói: “Thiên hữu bất trắc phong vân, nhân hữu đán tịch họa phúc” tức là Trời có những cơn mưa bão bất ngờ, con người có họa phúc không thể đoán trước được. Nhưng trong dòng chảy dài của lịch sử, người ta thông qua tri thức của bậc Thánh nhân mà tổng kết ra và thu hoạch được rất nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Chỉ cần chúng ta có thể dụng tâm học hỏi, vận dụng những tri thức ấy một cách thích hợp thì có thể “xu cát tị hung”, chiêu mời vận may, rời xa hung tai.

Có thể thấy, trong những nhân tố kể trên, chỉ có “Mệnh” là nhân tố tiên thiên. 11 điều còn lại đều có thể thông qua sự cố gắng của bản thân mà phần nào cải thiện vận. Tuy nhiên cải thiện ít hay nhiều thì cần xem sự tu thân tích đức, không thể nào cưỡng cầu mà được.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: