Người xưa có câu: “Trời không tuyệt đường người”. Câu cổ ngữ không chỉ thể hiện niềm hy vọng mong mỏi của con người khi ở vào bước đường cùng mà còn ẩn chứa lòng tin tín ngưỡng của người xưa.

Trí tuệ của cổ nhân: Trời không tuyệt đường người
(Ảnh minh họa: Nejron Photo, Shutterstock)

Câu nói “Trời không tuyệt đường người” bao hàm hai tầng ý nghĩa. Thứ nhất là thông qua câu nói ấy, người xưa muốn biểu đạt rằng Trời đất chi phối vận mệnh của con người. Thứ hai, chính là nói đến cái đức của Đạo Trời, nghĩa là Trời có đức hiếu sinh, nhất định sẽ cho con người một cơ hội bên trong đại nạn. Nhưng một người làm sao mới có thể nắm bắt được cơ hội ấy? Như thế nào mới có thể từ trong tuyệt cảnh mà tìm được con đường ra cho sinh mệnh của mình? Hồi 87 trong Tây Du Ký có thể làm rõ lý niệm của cổ nhân đối với vấn đề này.

Trong hồi 87 “Quận Phượng Tiên khinh trời bị hạn, gặp Ngộ Không cứu thế cầu mưa” của thiên truyện Tây Du Ký, thầy trò Đường Tăng tiến vào quận Phượng Tiên, nước Thiên Trúc, nhìn thấy quan sai đang dán bảng cáo thị. Qua đó, bốn thầy trò biết được rằng quận Phượng Tiên bị hạn đã lâu, quan sai đang tìm kiếm pháp sư cầu mưa cho dân chúng. Đường Tăng nói với ba đồ đệ: “Các con, ai có thể làm phép cầu mưa cứu giúp dân chúng thì hãy giúp họ.”

Tôn Ngộ Không vừa nghe câu hỏi của Đường Tăng thì liền cười. Con khỉ này vốn có tài “gọi gió kêu mưa”, “dời sông lấp biển”, cho nên cầu một trận mưa chỉ là một việc quá dễ dàng.

Ngộ Không bèn niệm chú cậy nhờ Long Vương. Nhưng bởi vì không có thánh chỉ của Ngọc Đế, Long Vương không dám tùy tiện cho mưa xuống. Ngộ Không nghe vậy liền tới Thiên cung, rồi được một vị Thiên Vương kể rõ nguyên do quận Phượng Tiên gặp đại hạn lâu như vậy.

Quận Hầu quận Phượng Tiên trong lúc bất cẩn dâng cúng Thần linh thì cãi nhau với vợ, mạo phạm Ngọc Đế, khiến mâm cỗ cúng tế bị xô đổ xuống đất, lại để cho chó ăn đồ cúng tế. Hai vợ chồng họ phạm tội với Thượng Thiên nên Ngọc Đế đã lập ra ba việc: “đợi gà ăn hết núi gạo”, “chó liếm hết núi bột”, “lửa thiêu đứt khóa” thì quận Phượng Tiên mới có mưa. Nhưng mà ở trên trời núi gạo cao mười trượng, núi bột cao hai mươi trượng, đều là phép lạ, khóa lại là khóa vàng của thiên cung, làm sao mà ba việc ấy dứt cho được? Ngộ Không còn thử làm phép thổi bay núi gạo núi bột mà chỉ trong phút chốc chúng lại tự động đầy.

Tôn Ngộ Không trước đây đã từng “đại náo thiên cung” mà phạm tội bất kính với Trời, cuối cùng bị Phật Tổ Như Lai bắt nhốt ở dưới Ngũ Hành Sơn 500 năm. Con khỉ cũng hiểu rõ rằng không có tội nào lớn hơn tội bất kính với Thượng Thiên. Chính vì chuyện này nên Ngộ Không xấu hổ, tự ý thức được và không dám đi bái kiến Ngọc Đế để cầu xin. Nhưng nếu không cầu được mưa thì dân chúng quận Phượng Tiên phải chịu cảnh khổ mà chết dần. Điều này làm con khỉ gãi đầu gãi tai.

Thiên Vương hiểu được suy nghĩ của Tôn Ngộ Không nên cười và nói: “Đại Thánh không cần quá lo lắng, con người nếu như có một thiện niệm, làm kinh động Thượng Thiên, thì núi gạo và bột sẽ lập tức sụp đổ, xích khóa sẽ tự nhiên đứt.” Ngộ Không có ý hiểu, đành bất lực quay về hạ giới.

Ngộ Không trở về liền nói nguyên nhân cho Quận Hầu, khuyên nhủ Quận Hầu rằng: “Ông nếu như hồi tâm hướng thiện, sớm niệm Phật đọc Kinh, thì đại nạn tất sẽ được hóa giải. Còn nếu như vẫn không thay đổi, ta cũng không thể nói nhiều.”

Quận Hầu bản tính không xấu, nên vừa nghe Ngộ Không nói một lời thì lập tức lĩnh ngộ hiểu rõ ngọn ngành. Ông dẫn dân chúng dâng hương bái lạy Trời đất, thành tâm thành ý cung kính lễ Phật kính Trời.

Bởi vì dân chúng vùng Phượng Tiên biết quay đầu, ai ai cũng sửa lòng, kính Phật, một lòng hướng thiện, nên núi gạo, núi bột tự nhiên sụp đổ, xích khóa cũng tự mất. Ngọc Đế thấy dân chúng thành tâm cải sửa tâm tính nên lập tức truyền chỉ cho các chính Thần ban mưa.

Kỳ thực chuyện của Quận Hầu tuy là biểu hiện ở nhà Quận Hầu, nhưng là gián tiếp phản ánh sự bất kính của dân gian trong vùng đối với Trời đất. Lịch sử xưa nay đều cho thấy rằng “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, nếu một quốc gia, một vùng đất mà người đứng đầu xấu xa, thì tương ứng ở bên dưới, dân chúng cũng ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình, không tuân theo Đạo, không coi trọng đức. Đây là nguyên nhân chính khiến quận Phượng Tiên chịu hạn.

Tất nhiên, Tây Du Ký có nhiều dị bản, có dị bản mô tả Ngọc Đế như con người dưới trần, hận thù chuyện vặt vãnh; cũng có dị bản mô tả sơn thần thổ địa gièm pha nói xấu dân chúng; cũng có dị bản mô tả Ngộ Không dùng phép thuật mà khiến các hình phạt biến mất. Những cách mô tả này dù sao cũng khác xa so với tín ngưỡng chính giáo thời xưa, thậm chí mang hơi hướng thế tục. Còn tình tiết chúng ta kể ở trên có thể nói là ứng hợp với văn hóa truyền thống nhất, cũng giải thích lý niệm “Trời không tuyệt đường người” của cổ nhân một cách đầy đủ. Do vậy có thể coi đó là kịch bản tốt đẹp nhất, thiện lương nhất.

Đoạn câu chuyện này nói cho chúng ta biết rằng, nếu con người có thể thực sự xuất ra thiện niệm thì thiện niệm ấy sẽ có sức mạnh to lớn hơn cả phép thuật của Tề Thiên Đại Thánh. Đồng thời, cũng nói rõ cho con người thế gian biết được rằng, trong đại nạn, thì mỗi một khổ nạn mà người phải chịu đều là có nguyên nhân, không có điều gì là vô duyên vô cớ.

Con người đứng trước cái ác nhỏ thì bỏ qua, đứng trước cái ác lớn thì bàng quan, như vậy con người chính là ở trong hoàn cảnh nguy hiểm. “Trời không tuyệt đường người”, không phải Thần Phật không từ bi mà là Thần Phật đang chờ nhân tâm con người chuyển biến, nhận ra tội lỗi của mình, nguyện ý phát tâm hướng thiện, quy chính bản thân thì tuyệt cảnh mà con người đang gặp phải sẽ lập tức biến đổi.