Đời người, mọi việc đều nên “tùy ngộ mà an”, thích ứng với bất kỳ cảnh ngộ nào, giống như nước khi ở trên trời cao là mây bay, nước khi ở trong bình là nước tĩnh lặng. Đây là một loại cảnh giới, cũng là trí tuệ trong xử thế và làm người.

Trí tuệ làm người: Mây ở trời cao, nước ở bình
(Ảnh: Ken Phung, Shutterstock)

Cổ ngữ có câu: “Vân tại thanh thiên, thủy tại bình”, mây ở trời cao, nước ở bình. Câu nói này chứa đựng triết lý nhân sinh sâu sắc. Nước ở trên trời cao là mây bay, sau khi hạt mưa được hình thành sẽ rơi xuống đất. Mây ở trên trời do nước biến hóa mà thành, nước ở dưới đất lại do mây chuyển hóa mà tạo ra. Có thể nói, mây và nước là cùng chất nhưng không cùng hình, là hai trạng thái trong chu kỳ tự nhiên. Mây trắng là nước, biển cả là nước, sương mai là nước, tuyết cũng là nước mà băng đá cũng là nước… Mặc dù đều là nước nhưng hình thái lại có biến hóa khác nhau.

Sách “Ngũ đăng hội nguyên” quyển 5 có ghi lại câu chuyện về một vị cao tăng thời nhà Đường như vậy. Thời Đường có một vị cao tăng tên là Duy Nghiễm, đã tu hành hơn 30 năm và là người rất nổi tiếng trong vùng. Ở địa phương cũng có một vị quan Thái thú tên là Lý Cao, cuộc sống thấm đẫm ưu phiền. Thái thú hy vọng có thể diện kiến và được vị cao tăng này chỉ điểm. Tuy nhiên thỉnh mời rất nhiều lần mà vẫn chưa được gặp mặt.

Không còn cách nào khác, Thái thú đành phải đích thân lên núi viếng thăm. Nhưng khi đến gặp được cao tăng thì thấy vị cao tăng chỉ ngồi tĩnh tâm đọc Kinh sách mà không để ý gì tới ông.

Thái thú đợi rất lâu và rất kiên nhẫn, nhưng mấy người đi theo ông thì không thể chờ đợi thêm được nữa. Một người trong số họ nói: “Thái thú ở đây!”

Cao tăng Duy Nghiễm vẫn không mảy may để ý. Thái thú Lý Cao lúc này cũng không thể nhẫn thêm được nữa liền nói: “Thật sự là gặp mặt không bằng nghe danh!”

Thiền sư lúc này mới đáp: “Thái thú! Sao ngài lại quý tai hơn mắt ư!”

Thái thú Lý Cao biết mình đã nói lỡ nên vội vàng khom người tạ lỗi. Thái thú hỏi: “Thưa Đạo là gì?

Thiền sư Duy Nghiễm dùng ngón tay chỉ lên trời và chỉ xuống đất, rồi hỏi rằng: “Ngài hiểu điều này có ý nghĩa gì không?” 

Thái thú rất bối rối lắc lắc đầu. Cao tăng lại nói một câu: “Vân tại thanh thiên, thủy tại bình”, mây ở trời cao, nước ở trong bình. Thái thú Lý Cao nghe xong thì hiểu ra và viết một bài thơ:

Luyện đắc thân hình tự hạc hình
Thiên chu tùng hạ lưỡng hàm kinh
Ngã lai vấn đạo vô dư thuyết
Vân tại thanh thiên thủy tại bình.

Tạm dịch:

Luyện được thân hình như dáng hạc
Dưới ngàn gốc tùng hai hòm kinh
Ta tới hỏi đạo, đáp không dư lời
Mây ở trời cao, nước ở bình.

Kỳ thực, mây và nước đều là nước, chỉ là khi nó thành mây, nó tự do bay đến bay đi, du du tự tại. Còn khi nó trở thành nước, thì nó tĩnh tĩnh an nhiên ở trong bình. Con người cũng là như thế, chỉ cần nội tâm bảo trì được sự an nhiên trong sáng, bản chân không thay đổi thì sự biến hóa của ngoại cảnh cũng không thể làm thay đổi được tâm mình, còn hình thức bên ngoài của con người thay đổi chẳng qua chỉ là sự thích ứng cho phù hợp mà thôi.

Nước ở trong bình có thể tùy theo bình mà vuông mà tròn, có thể cương có thể nhu, có thể lớn có thể nhỏ, cũng giống như mây trắng trên trời cao, khi là đám mây lớn, lúc lại tan ra thành những đám mây nhỏ, tự do tự tại. Khi một người hiểu được đạo lý thích ứng giống như nước, ở trên trời cao là mây, ở trong bình là nước, có thể “tùy ngộ mà an” thì sẽ hiểu được sự đơn giản của khoái hoạt, hạnh phúc. Người như vậy sẽ coi nhẹ được ham muốn dục vọng, phàm là mọi việc đều có thể thuận theo tự nhiên, không cưỡng cầu, không quan tâm hơn thua. Con đường đời của họ tự nhiên cũng sẽ thoải mái tự tại.

Trong sách “Tam Tự Kinh” viết: “Nhân chi sơ, tính bản thiện, tính tương cận, tập tương viễn”, người ta lúc đầu vốn có cái tính tốt lành, tính ấy gần giống nhau nhưng do thói tục mà khác nhau. Con người dễ dàng có được tâm thiện lương trong nhất thời, nhưng để bảo trì tâm thiện lương ấy trong thời gian dài thì không hề dễ dàng. Nhưng mây trên trời cao hay nước ở trong bình lại có thể bảo trì được màu sắc thuần khiết của chúng. Con người nên là như vậy, phải luôn tu dưỡng bản thân, loại bỏ những tâm tính không tốt thì mới có thể bảo trì được tâm thiện lương thuở ban đầu như mây và nước.

Bất kể phiền não gì nơi thế gian, chỉ cần có thể buông bỏ được thì có thể giải thoát. Nhưng người thế gian bị trói buộc bởi danh, lợi, tình nên không nhiều người có thể buông được. Cho nên thống khổ và phiền não giống như sợi gai quấn quanh trái tim họ, không ngừng làm đau họ. Có một cao tăng từng nói: “Lâm trận không sợ sống chết là cái dũng của tướng quân. Vào núi không sợ hổ báo là cái dũng của thợ săn. Vào nước mà không sợ giao long là cái dũng của ngư dân”. Đời người chỉ cần không sợ hãi một vài điều là có thể thành công, chỉ cần không sợ hãi hết thảy là có thể siêu thoát thế tục. Nhưng người ta chỉ không sợ hãi khi không bị ràng buộc chấp nhất bởi điều gì, thậm chí cả sự sống và cái chết, để mọi việc thuận theo tự nhiên. 

Đời người tuy rằng có những khó khăn gian khổ, nhưng nếu có thể học được từ sự tiêu sái của mây và điềm tĩnh của nước, dùng bình thường tâm mà đối đãi với hết thảy vạn sự vạn vật thì nhân sinh sẽ trở nên bình yên và thản đãng vô cùng.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: