“Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” là một cuốn sách thực sự hay và mình học được rất nhiều điều, dù có đến phân nửa thời gian mình đọc sách và suy ngẫm từ góc độ một người con. Mình tin cuốn sách này mang lại nhiều lợi ích cho những bậc cha mẹ cho việc nuôi dạy và yêu thương con cái đúng cách. Đồng thời, bạn đọc cũng có được những bài học quý giá cho bản thân qua phương pháp giáo dục của người Do Thái, nhấn mạnh vào kỹ năng sinh tồn và không ngừng trau dồi tri thức mỗi ngày.

Triết lý giáo dục Do Thái trong "Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương"
(Ảnh minh họa: Ronnachai Palas, Shutterstock)

Lúc đầu tựa đề cuốn sách có khiến mình hiểu lầm đôi chút, vì từ tàn nhẫn làm mình liên tưởng đến việc dùng roi vọt. Không ngờ nó trái ngược hoàn toàn với suy nghĩ ban đầu này của mình. Tàn nhẫn ở đây là sự nghiêm túc của cha mẹ trong việc giáo dục con cái, nghiêm khắc trong việc thực hiện những nguyên tắc đã đề ra, không nhượng bộ trước những đòi hỏi vô lý của con, không có điều kiện thì tự tạo ra điều kiện để con trải nghiệm khó khăn, nghịch cảnh và biết buông tay để con có thể tự lập. Thực tế, cha mẹ Do Thái không dùng roi vọt và cũng ít khi lớn tiếng quát mắng con cái. Họ thể hiện sự tôn trọng tuyệt vời với con cái và sử dụng sự lạc quan và tình yêu duy trì nhịp đập gia đình.

Tác giả Sara Imas là một người Do Thái (Israel) sinh ra và lớn lên ở Thượng Hải, Trung Quốc. Bà được cha mình giáo dục theo cách của người Do Thái nhưng khi kết hôn và sinh ba người con ở Trung Quốc, bà lại trở thành một người mẹ Trung Quốc chính hiệu, yêu thương con mù quáng. Sau khi trở về Israel, bà tiếp xúc với phương thức giáo dục trẻ ở Israel và dần nhận ra những sai lầm của mình. Bà đã dần thay đổi cách thức và đã khiến con mình có được sự lột xác hoàn hảo. Dù làm bất cứ công việc gì chúng ta đều cần phải có sự học hỏi, trau dồi tri thức và thực nghiệm nó. Việc làm cha mẹ lại là một trong những việc khó nhất trên thế giới này thì những người đảm nhận công việc này càng cần phải trang bị cho mình kiến thức sâu rộng và không ngừng học hỏi mỗi ngày.

Cuốn sách được chia là 05 chương và lời nhắn nhủ tổng kết lại của tác giả tới các bậc làm cha mẹ.

Chương I. Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương: Quá trình chuyển đổi cách thức giáo dục của bà khi tiếp xúc với phương pháp giáo dục xuyên quốc gia (Trung Quốc và Do Thái).

Chương II. Yêu con trong nguyên tắc có làm có hưởng: Đây chính là tinh hoa trong phương pháp giáo dục Do Thái. Giúp con có kỹ năng sinh tồn, biết sống tự lập.

Chương III. Trì hoãn sự thỏa mãn trên danh nghĩa của tình yêu: Chỉ ra sai lầm hại con khi quá nuông chiều theo ý thích của con. Cách thức để biết yêu con và biết dạy con.

Chương IV. Càng yêu con, càng lùi bước: Cha mẹ cần dần buông tay để con tự lập. Tình yêu của cha mẹ chính là tình yêu hướng tới sự phân ly. Cách thức để buông tay con để con tự đứng vững trên đôi chân của mình. Cha mẹ là người làm quân sư cho con chứ không phải là người quản gia của con.

Chương V. Cha mẹ nhẫn tâm để yêu thương con sâu đậm: Yêu thương con đúng cách để con có thể vừa nhận được sự giáo dục giúp con trưởng thành, tự lập, vừa cảm nhận được tình yêu vô bở bến của cha mẹ.

Bà lấy phương pháp giáo dục Do Thái làm chuẩn mực và chỉ ra những điểm sai lầm trong phương pháp giáo dục con của cha mẹ Trung Quốc. Cho dù những lời giáo huấn của ông cha để lại từ xưa có điểm tương đồng với phương pháp giáo dục của người Do Thái, nhưng dường nhưng những ông bố, bà mẹ Trung Quốc đã quên đi mà tập trung vào việc dành tình yêu cho con, không tương đồng với việc dạy con, tạo ra những sai lệch gây hại cho con.

Bà kể về quá trình chuyển đổi của bản thân trong phương pháp giáo dục con nhờ vào sự tiếp xúc với giữa hai nền văn hóa Trung Quốc và Do Thái. Nhận ra sai lầm trong cách yêu con của mình, bà đã kịp thời thay đổi, nhờ có sự góp ý thẳng thắn từ một người mẹ Do Thái. Các con bà giờ đây đều đã trưởng thành và đạt được những thành công ngoài mong đợi của bà. Bà nói về các nguyên tắc trong phương pháp giáo dục của người Do Thái và những cách thức cho việc giáo dục có ý nghĩa, tạo ra giá trị và đạt được thành quả.

Bà nhấn mạnh vào tinh hoa trong phương pháp giáo dục chính là kỹ năng sinh tồn mà chủ đạo là nguyên tắc “có làm có hưởng”. Không để cha mẹ biến thành nô lệ của con cái và không biến con cái thành những kẻ ăn bám. Dạy cho con những kỹ năng sinh tồn cơ bản ngay từ khi con còn nhỏ, ở độ tuổi con bắt đầu biết nhận thức (hai tuổi trở lên), như phương pháp quản lý tài sản, trân trọng giá trị của việc có làm có hưởng, phương pháp quản lý thời gian, đầu tư đúng cách cho nguồn vốn mình có, kỹ năng giao tiếp, kết nối với người khác.

Vì mỗi đứa trẻ có những đặc điểm và tính cách khác nhau, nên việc nuôi dạy con cần người mẹ phải trở nên tinh tế trong việc nhận biết được tâm lý của con để có thể áp dụng những phương pháp giáo dục hợp lý, đúng thời điểm. Không áp dụng một cách máy móc để tránh đưa đến tác dụng ngược lại. Điều này một lần nữa yêu cầu sự học tập và nỗ lực không ngừng của bậc làm cha mẹ.

Mặc dù cuốn sách có rất nhiều đoạn lặp, nhưng mình đánh giá cao giá trị mà cuốn sách mang lại. Điều quan trọng nhất là những gì mình học được sau khi gấp cuốn sách lại.

Cảm ơn cha mẹ vì những hy sinh và nỗ lực dạy dỗ con. Khi đọc cuốn sách này mình thực sự cảm thấy biết ơn cha mẹ, dù mình nhận được phần lớn tình yêu hình tử cung. Nếu bố mẹ không nỡ buông tay thì con sẽ tự đẩy mình ra để tự lập hơn.

Theo Goodreads.com
Huong Pham

Xem thêm:

Mời xem video: