Trịnh Tùng (1550 – 1623) (1), quê làng Sóc Sơn (2), huyện Vĩnh Phúc, phú Thiệu Hóa, trấn Thanh Hóa (nay là làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hoá), con thứ hai của Thế tổ Minh Khang Thái vương (3) Trịnh Kiểm. Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì: “Ngày 20 tháng 8 năm Canh Ngọ (1570), vua sắc phong cho Trịnh Tùng làm Trưởng Quận công, Tiết chế thủy bộ chư dinh, cầm quân đánh giặc” (4).

Sự kiện trên đây đối với sự nghiệp của dòng họ Trịnh có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trong số 12 đời chúa Trịnh (5), (1539 – 1787), tổng cộng 249 năm, có thể nói tài năng và nhân cách của Trịnh Tùng vào bậc nổi trội hơn cả. Sử gia Phan Huy Chú, mặc dù biên soạn bộ Lịch triều hiến chương loại chí (6), vào đầu triều Nguyễn, nhưng trong đó, ông cũng hết lời ca ngợi Trịnh Tùng: “Ông tính khoan hậu, yêu người, khéo vỗ về tướng sĩ, đoán tình thế của giặc không sai, dùng binh như thần. Trong 20 năm kinh dinh đất nước, cuối cùng dẹp được kẻ tiếm nghịch, khôi phục nhà Lê, công trùm thiên hạ, oai lừng khắp nơi, mới được sắc phong vẻ vang, lễ đãi long trọng. Ông thực sự làm Chúa cầm quyền binh, công lao sự nghiệp danh vọng lừng lẫy” (7).

Triết vương Trịnh Tùng: Người mở đầu cơ nghiệp chúa Trịnh
(Ảnh: Facebook Tuổi trẻ Trịnh tộc)

Về võ công: Hoàn thành công cuộc trung hưng của nhà Lê

Từ khi Trịnh Tùng thực sự thay Trịnh Kiểm cầm quyền binh vào năm 1570, đến khi ông qua đời năm 1623, tổng cộng khoảng 54 năm. Trong năm 54 năm ấy, ông đã mất tới 23 năm (1570 – 1592) để hoàn thành công cuộc đánh bại vương triều Mạc, khôi phục cơ đồ của nhà Lê sơ.

Khác với thân phụ của mình là Trịnh Kiểm, xuất thân từ một gia đình bần bách (Trịnh Kiểm […] mồ côi cha từ khi lên 6. Mẹ con nghèo đói, ai cũng khinh rẻ – Trịnh gia chính phả), khi Trịnh Tùng chào đời vào năm 1550, thì Trịnh Kiểm đã được vua Lê giao cho nắm giữ toàn bộ binh quyền. Như vậy có thể đoán định rằng: Trịnh Tùng đã được học tập khá bài bản, và vì sinh vào thời chiến, lại là con nhà tướng, chắc chắn ông được dạy và nghiên cứu binh pháp kỹ lưỡng. Tìm hiểu những trận đánh, những chiến dịch đối đầu với quân đội nhà Mạc, chứng tỏ Trịnh Tùng am hiểu và thông thạo binh pháp.

Đương thời, triều Mạc có hàng loạt tướng lĩnh rất giỏi, giầu kinh nghiệm trận mạc như: Mạc Kính Điển, Nguyễn Quyện, Mạc Đôn Nhượng, Mạc Ngọc Liễn…. Trong số đó, Nguyễn Quyện được coi là danh tướng thời bấy giờ. Sử cũ từng viết về Nguyễn Quyện như sau: “….Oai thanh của Nguyễn Quyện ngày một lừng lẫy, làm danh tướng của họ Mạc. Các tướng mạnh tài giỏi ở miền Giang Đông (chỉ miền đất triều Mạc nắm giữ – NMT) đều cho mình không bằng” (8). Còn tướng Mạc Kính Điển, cũng được các sử thần thời Lê Trung hưng đánh giá rất cao: “Kính Điển là người nhân hậu dũng lược, thông minh trí tuệ, nhanh nhẹn, hiểu việc, trải nhiều gian hiểm, cần lao trung thành…” (9).

Muốn đánh thắng được những tướng lĩnh tài ba trên đây của triều Mạc, rõ ràng Trịnh Tùng cũng phải có phẩm chất của một danh tướng. Đọc Đại Việt sử ký toàn thư của các sứ thần thời Lê hoặc Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, chúng ta đều dễ nhận thấy tài dụng binh, giỏi liệu thế địch, để chiến thắng trong các trận đánh nhau với quân nhà Mạc, do Trịnh Tùng đích thân chỉ huy.

Trong số đó, phải kể tới hai chiến dịch lớn có tính quyết định tới sự sụp đổ của triều Mạc, đó là chiến dịch diễn ra vào tháng 10 năm Kỷ Sửu (1589), Trịnh Tùng thân chỉ huy đại binh đánh dẹp các huyện Yên Khang. Trong trận này, ông trực tiếp đối trận với tướng Mạc Đôn Nhượng, người thống lĩnh binh quyền của triều Mạc (thay cho Mạc Kính Diển, chết vào năm 1580). Để đánh lừa Mạc Đôn Nhượng, Trịnh Tùng dùng kế: “…Giả cách lui quân để dẫn giặc vào chỗ hiểm, giặc tất khinh ta, đem hết quân đuổi theo, ta đem trọng binh đánh úp, tất là phá được” (10). Quả nhiên, Mạc Đôn Nhượng bị mắc mưu. Trận này, quân đội nhà Lê toàn thắng, nhà Mạc đại bại: “Chém được hơn 1.000 thủ cấp, bắt sống được hơn 600 người. Quân giặc tan vỡ chạy dài. Các tướng Mạc sợ run, đều thu nhặt quân tàn trốn về Kinh ấp (tức Kinh đô Thăng Long – NMT)” (11).

Chiến dịch thứ hai là vào đầu năm 1592, Trịnh Tùng chỉ huy đại quân, từ Thanh Hóa, tiến ra Bắc, đánh chiếm Thăng Long lật đổ triều đình nhà Mạc. Trong Đại Việt thông sử, Lê Quý Đôn cho biết số quân đội của nhà Lê Trung hưng tham gia chiến dịch này là khoảng 6 vạn người. Trước khi xuất quân, Trịnh Tùng đã khéo léo và sáng suốt tiến hành những biện pháp để động viên tinh thần toàn binh sĩ và thu phục nhân tâm, như: Lập đàn tế Trời đất, tế Thái tổ Cao hoàng để (tức Lê Lợi – NMT) và các vị hoàng đế của triều Lê sơ, cùng là các linh thần núi sông và các danh tướng xưa nay trong nước, hay ban bố “Ba điều quân luật: 1. Không được tự tiện vào nhà dân lấy của hái rau; 2. Không được cướp bóc tài vật, chặt phá hoa mầu; 3. Không được hiếp dâm đàn bà con gái, cùng là vì thù riêng mà giết người. Ai trái thì chém rao cho mọi người biết” (12).

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng: tài làm tướng trong Con người – Thống soái tối cao Trịnh Tùng là điều cần thiết, nhưng chưa đủ để lật đổ hoàn toàn được vương triều Mạc, đã đứng vững và phát triển trong vòng 65 năm (1527 – 1592) trên vùng đất Bắc triều, có bề dày văn hóa, nhân tài phong phú, của cải dồi dào, dân cư đông đúc. Bởi trong thực tế của các trận chiến Mạc – Trịnh, các danh tướng của triều Mạc như Mạch Kính Điển, hay Nguyễn Quyện, về mặt tài năng quân sự, chắc chắn không thua kém nhiều so với Trịnh Tùng. Vậy, cái để làm nên chiến thắng trong con người thực sự đứng đầu triều đình Lê Trung Hưng, xét cho cùng là cái gì? Theo chúng tôi, đó chính là nhân cách lớn của một bậc quân vương, ở Trịnh Tùng, mà sử gia Phan Huy Chú goi là “tính khoan hậu, yêu người, khéo vỗ về tướng sĩ”, như đã dẫn ở trên.

Triết vương Trịnh Tùng: Người mở đầu cơ nghiệp chúa Trịnh
Chúa Trịnh Tùng.

Trong khi, nhà Lê Trung hưng dưới sự dẫn dắt của Trịnh Tùng, một con người đầy khoan dung đại lượng, tài ba sáng suốt (theo chúng tôi, ông được truy tôn là: “Triết vương” – tức bậc “Chúa sáng suốt, minh triết” – là rất đúng), thì nhà Mạc đang ở vào thời Mạc Mậu Hợp (1562 – 1592) trị vì. Trong số 5 vị vua của triều Mạc (13), đóng đô ở Thăng Long, thì Mạc Mậu Hợp là người có năng lực và tư cách kém nhất. Lê Quý Đôn trong Đại Việt thông sử cho biết khoảng hơn 10 năm cuối, tính từ năm 1577 trở đi, trong triều đình nhà Mạc, sự suy đồi và hoang mang đã lên tới tột đỉnh. Có tới hàng chục tờ sớ của các viên đại thần như: Thượng thư bộ Hộ Giáp Trưng, Thiêm đô Ngự sử Lại Mẫn, Thượng thư bộ Hộ Đặng Vô Cạnh, Thượng thư bộ Lại Trần Văn Nghi, ứng vương Mạc Đôn Nhượng, Thiếu bảo Trần Thị Thầm…. dâng lên Mạc Mậu Hợp hoặc xin “thay đổi hết chính sự thối nát”, hoặc xin được giải chức để về hưu trí.

Mạc Mậu Hợp sa đọa đến mức, vào tháng 8 năm Nhâm Thìn (1592), khi đại thần của Trịnh Tùng vừa bao vây, đánh phá vùng ngoại vi Kinh thành Thăng Long chưa được bao lâu, thì ông vua triều Mạc này đã tính kế giết chết tướng Nam đạo, chỉ huy thủy quân của Bắc triều là Bùi Văn Khuê, để cướp vợ họ Bùi là Nguyễn Thị Niên. Mạc Mậu Hợp u mê không biết rằng: quân đội nhà Lê Trung hưng chỉ sở trường ở bộ binh và tượng binh, còn họ rất kém về thủy quân. Với hành động bất nghĩa, bất trí kể trên, Mạc Mậu Hợp đã đẩy đội thủy quân do Bùi Văn Khuê chỉ huy về phía Trịnh Tùng. Chính Trịnh Tùng cũng phải thừa nhận: “Trước đây, ta thường thắng trận bằng bộ binh và tượng binh, lực lượng đó chỉ có thể dùng ở phía Tây – Bắc thôi. Nếu muốn đánh về miền Đông – Nam, phi thủy quân không thể đảm đương nổi. Nay được thủy quân của Văn Khuê, ta sẽ dùng ngay, theo đường Trường Yên, ra mạn Duy Tân, Phú Xuyên, rồi tiến binh theo đại lộ, thì không còn lẽ gì là không thắng… Đất đai của bản triều có thể hẹn ngày khôi phục” (14).

Có thể nói một cách khái quát: Nhà Mạc bị sụp đổ bởi dưới sự trị vì của ông vua “hoang dâm chơi bời” Mạc Mậu Hợp, còn nhà Lê hoàn thành công cuộc trung hưng được là do có sự lãnh đạo sáng suốt của Triết vương Trịnh Tùng.

Khách quan mà nói, việc nhà Lê Trung hưng khôi phục được quyền binh, cuộc chiến tranh Nam – Bắc triều chấm dứt, khiến cho nhân dân ta thời bấy giờ cũng đỡ phải đổ máu trong cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn vô cùng tàn khốc.

Về văn trị: Tạo dựng cơ sở ban đầu cho chính quyền họ Trịnh

Trịnh Kiểm (1503 – 1570), thân phụ của Trịnh Tùng, mặc dù là người có công cùng với Nguyễn Kim, xây dựng những cơ sở ban đầu cho sự nghiệp trung hưng của vương triều Lê. Cả cuộc đời chinh chiến dòng dã 30 năm trời (1539 – 1569), Trịnh Kiểm có công rất lớn với nhà Lê, nhưng trước khi qua đời, đúng 1 năm, vào tháng 2 năm Kỷ Tỵ, ông cũng chỉ được gia phong: chức là Thượng tướng, tước là Thái quốc công và được tôn là Thượng phụ (15). Như vậy, về mặt chính danh, vào cuối đời, Trịnh Kiểm chưa được phong vương tước, tức ở vào ngôi Chúa như sử gia đời sau gọi là các vị chúa Trịnh, từ Trịnh Tùng trở đi.

Công lao của Trịnh Tùng, được sử gia Phan Huy Chú đánh giá là “sự nghiệp danh vọng lừng lẫy”, trong khi đó với Trịnh Kiểm, sử gia họ Phan chỉ nhận xét là “Ông có nhiều chiến công” (16). Điều đó không có gì là lạ, bởi vì chúa Trịnh Tùng đã lãnh đạo công cuộc trung hưng của triều Lê đi tới thành công trọn vẹn vào năm 1592. Với “sự nghiệp lừng lẫy” này, danh vọng của Trịnh Tùng đã vượt ra ngoài biên giới nước ta, Tháng 3 năm Kỷ Hợi (1599), viên quan Tả giang nước Minh là Trần Đôn Lâm sai Vương Kiến Lập đem ngựa tốt, đai ngọc, mũ Xung thiên sang gửi tặng cho Trịnh Tùng. Mục đích của việc làm trên, theo Trần Đôn Lâm là để “xin kết tình láng giềng”, đồng thời ông còn gửi hai cái thiếp, trong viết tám chữ: “Quang hưng tiền liệt. Định quốc nguyên huân” (17) (nghĩa là: Sáng tỏ công người trước. Yên nước công đứng đầu).

Ngày mùng 7 tháng 4 năm Kỷ Hợi (1599), vua Lê Thế Tông ban kim sách, phong Trịnh Tùng làm: Đô Nguyên súy, Tổng quốc chính, Thượng phụ Bình An vương. Trịnh Tùng còn được mở phủ Chúa, đặt quan thuộc. Từ đấy, phàm những việc đặt quan, thu thuế, bắt lính, trị dân, đều thuộc quyền Trịnh Tùng. Vua Lê chỉ còn giữ hai việc có tính chất hình thức là: thiết triều và tiếp sứ mà thôi. Từ đó về sau, họ Trịnh cứ thế tập tước Vương, gọi là Chúa Trịnh. Như vậy, “Họ Trịnh đời đời tập phong tước Vương bắt đầu từ [Trịnh] Tùng” (18).

Triết vương Trịnh Tùng: Người mở đầu cơ nghiệp chúa Trịnh
Đám tang Chúa Trịnh Tùng. Tranh từ cuốn “Recueil de Plusieurs Relations et Traites” của J.B.Tavernier, Chevalier và Baron D’Aubonne 1679.

Sau khi dứt được họ Mạc, thu giang sơn lại cho nhà Lê, đồng thời sắp xếp xong việc thông sứ với nhà Minh, việc mà Trịnh Tùng quan tâm tiếp theo đó là củng cố và quy chuẩn hóa các kỳ thi Nho học. Thực ra, ngay từ khi còn đứng chân ở Thanh Hóa, để thu phục nhân tài với Bắc triều nhà Mạc, Trịnh Tùng đã cho mở lại khoa thi Hội từ tháng 8 năm Canh Thìn (1580). Khoa Canh Thìn này, triều Lê Trung hưng lấy đỗ được 6 tiến sĩ, trong số đó có Nguyễn Văn Giai (1554 – 1628), người huyện Thiên Lộc, trấn Nghệ An và Phùng Khắc Khoan (1528 – 1613), người huyện Thạch Thất, trấn Sơn Tây đều là các bậc nhân tài lỗi lạc. Tuy nhiên, nếu so với các khoa thi Hội cùng năm của nhà Mạc, thì số Tiến sĩ mà nhà Lê Trung Hưng lấy đỗ, ít hơn nhiều.

Chúng ta đều biết từ khoa Canh Thìn (1580) đến khoa Nhân Thìn (1592), nhà Lê Trung hưng đều tổ chức thi ở sách Vạn Lại, trấn Thanh Hóa. Thời bấy giờ tuy chia làm hai giáp (Đệ nhất Giáp Chế khoa xuất thân và Đệ nhị giáp Đồng chế khoa xuất thân), nhưng chưa có thi Đình. Năm Ất Mùi (1595), chúa Trịnh Tùng mới chính thức khôi phục lại phép thi Đình. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tháng 3 năm Ất Mùi (1595), thi Hội các cử nhân trong nước ở bến Thảo Tân, cho Nguyễn Trực và Nguyễn Viết Tráng đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Đức Mậu 4 người Đồng Tiến sĩ xuất thân” (19).

Trịnh Tùng bắt đầu cầm quyền binh từ năm 1570 và mất năm 1623, hưởng thọ 74 tuổi. Trong thời gian ấy, Trịnh Tùng thực sự ở vị thế ngôi Chúa 23 năm (1599 – 1623). Theo chúng tôi, ông đã hoàn thành được 3 công việc lớn lao dưới đây:

1. Tiếp tục sự nghiệp của ông ngoại (Nguyễn Kim) và thân phụ (Trịnh Kiểm), Trịnh Tùng đã hoàn thành trọn vẹn công cuộc trung hưng của vương triều Lê, đồng thời tạo dựng cơ nghiệp ban đầu cho chính quyền họ Trịnh sau này.

2. Khôi phục và chuẩn hóa các khoa thi Nho học để tuyển chọn nhân tài, bổ sung quan lại cho bộ máy Tổ chức chính quyền Lê – Trịnh, từ đó, thúc đẩy và phát triển việc học tập và giáo dục trên toàn quốc.

3. Đặt ra quy chế tuyển binh và các chính sách đội quân mạnh đủ sức bảo vệ chính quyền Lê Trung hưng, trong đó có quyền lợi của dòng họ mình.

Chúng tôi cho rằng, với những công lao sự nghiệp trên đây, Trịnh Tùng xứng đáng được tôn xưng là vị Chúa mở đầu cho sự nghiệp gần 250 năm của dòng họ Trịnh, dưới thời Lê Trung hưng.

TS. Nguyễn Minh Tường

Đăng lại từ Facebook Tuổi trẻ Trịnh tộc

Chú thích:

1. Về năm sinh của Trịnh Tùng, chúng tôi dựa vào sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, cho biết: Trịnh tùng hưởng thọ 74 tuổi. Như vậy, ông sinh vào năm Canh Tuất (1550), mất năm Quý Hợi (1623), tính tuổi theo Dương lịch là thọ 73 tuổi, nói thọ 74 tuổi là tính theo Âm lịch.

2. Sóc Sơn: chữ Sóc, còn gọi là Sáo (nghĩa là cái giáo). Thơ Phạm Ngũ Lão: “Hoành sáo giáng sơn cáp kỷ thu”. Cho nên trong Trịnh gia chính phả, Trịnh Như Tấu ghi: “Cụ Hưng tổ Phúc ấm vương Trịnh Liễu, người làng Sáo Sơn, huyện Vinh Phúc…” (tr. 9).

3. Sách Trịnh gia chính phải của Trịnh Như Tấu ghi nhầm là: Minh Khang đại vươngTrịnh Kiểm. Đáng ra, theo sách Đại Việt sử ký toàn thư và sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (mục: Dòng dõi chúa Trịnh, phần Nhân Vật chí) phải là Minh Khang Thái vương. Đây vừa là tước hiệu được truy tôn vừa là miếu hiệu để thờ trong Thái miếu họ Trịnh. Chữ Thái trong từ “Thái vương” có hàm nghĩa: “Chúa mở đầu”.

4. Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học Xã hội, H. 1972, tập 4, tr 155.

5. Mười hai đời chúa Trịnh là: 1. Trịnh Kiểm, 2. Trịnh Tùng, 3. Trịnh Tráng, 4. Trạnh Tạc, 5. Trịnh Căn, 6. Trịnh Cương, 7. Trịnh Giang, 8. Trịnh Doanh, 9. Trịnh sâm, 10. Trịnh Cán, 11. Trịnh Tông, 12. Trịnh Bồng.

6. Phan Huy Chú biên soạn Lịch triều hiến chương loại chí, trong vòng 10 năm (1809 – 1819). Năm 1821, khi đang giữ chức Biên tu trường Quốc Tử Giám, Phan Huy Chú đã dâng sách này lên vua Minh Mệnh.

7. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. Nxb Sử học, H. 1960, tập 1, tr 176.

8. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, H. 1972, tập 4, tr 168.

9. Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tập 4, tr 171

10. Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tập 4, tr 181.

11. Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tập 4, tr 182.

12. Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tập 4, tr 186.

13. Năm vị vua Mạc ở Thăng Long là: 1. Mạc Đăng Dung, 2. Mạc Đăng Doanh, 3. Mạc Phúc Hải, 4. Mạc Phúc Nguyên, 5. Mạc Mậu Hợp.

14. Lê Quý Đôn toàn tập Nxb Khoa học Xã hội, H. 1978, tập 3, Đại Việt thông sử, tr 356.

15. Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tập 4, tr 151.

16. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. Sđd, tập 4, tr 175.

17. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tập 4, tr 226.

18. Khâm định Việt sử thông giám cương mục: Nxb Giáo dục, H. 1998, tập 2, tr 222.

19. Đại Việt sử ký toàn thư sđd, tập 4, tr 206.

Xem thêm: