Làm quan nhất phẩm, nắm trong tay 4 bộ, nhưng Trịnh Hoài Đức không có nhà riêng. Ông sống liêm khiết và là tấm gương sáng về đạo làm quan.

Trịnh Hoài Đức: Vị quan nhất phẩm đứng đầu 4 bộ nhưng không có nhà riêng
Mộ Trịnh Hoài Đức ở thành phố Biên Hòa. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên, Wikipedia, Public Domain)

Xuất thân

Khi nhà Thanh lật đổ nhà Minh lập ra triều đại mới, nhiều người Hoa không theo nhà Thanh, chọn đến Đại Việt.

Năm 1679, nhóm người Hoa của Trần Bình Xuyên khoảng 3.000 người cùng 50 thuyền đến Đàng Trong, xin làm dân xứ Việt. Chúa Hiền thấy họ cùng quẫn mà đến, lại tỏ lòng trung thực mong được an cư lạc nghiệp nên tiếp nhận. Thấy nhiều vùng đất Cao Miên ở phía nam màu mỡ nhưng chưa được khai phá, Chúa giao cho họ, lại phong cho quan tước ở vùng Gia Định, Nông Nại (Đồng Nai ngày nay).

Nhóm Người Hoa đến Đồng Nai, hát hiện ra Cù Lao Phố, một bãi sa bồi hoang sơ nằm giữa sông Hương Phước (một đoạn của sông Đồng Nai). Nơi đây vô cùng thuận tiện giao thương đi lại, dễ dàng ngược lên phía bắc hay xuôi xuống phía nam, thuận tiện ra biển Cần Giờ hay sang tận Cao Miên.

Người Hoa khai phá và xây dựng Cù Lao Phố thành nơi thuận tiện giao thông thủy bộ, buôn bán tấp nập, trở nên phồn thịnh, giàu có và nhanh chóng trở thành trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của cả vùng Nam bộ.

Trong nhóm người Hoa này có ông Trịnh Hội, nguyên quán huyện Trường Lạc, tỉnh Phúc Châu, Trung Quốc, theo Trần Thượng Xuyên vào khai khẩn đất Cù Lao Phố. Sự phát triển nhanh chóng của Cù Lao Phố khiến những người Hoa nơi đây cũng ngày càng ổn định và giàu có.

Trịnh Hội có con trai Trịnh Khánh. Là người hiểu sâu biết rộng, Trịnh Khánh có con trai là Trịnh Hoài Đức. Tuy nhiên năm Trịnh Hoài Đức 10 tuổi thì cha Trịnh Khánh mất. Dù không thấy sử liệu ghi nguyên nhân vì sao mất sớm, nhưng đây là thời điểm năm 1776 và 1777, quân Tây Sơn đánh Gia Định, tàn phá Cù Lao Phố, người Hoa bị thảm sát, trung tâm thương mại hoàn toàn bị phá hủy. Có thể ông Trịnh Khánh bị mất trong cuộc tàn sát này.

Theo học với thầy giỏi

Cù Lao Phố bị tàn phá, nhà cửa không còn, Trịnh Hoài Đức năm ấy 10 tuổi phải theo mẹ chạy đến trấn Phiên (tức Gia Định) sinh sống. Tại đây Trịnh Hoài Đức được theo học với cụ Võ Trường Toản – bậc danh sĩ tài ba ở Nam bộ, là người thầy của rất nhiêu danh sĩ. Võ Trường Toản cũng vì lánh nạn Tây Sơn mà định cư dạy học tại đây.

Trịnh Hoài Đức miệt mài học tập. Các bạn học cùng thời của Trịnh Hoài Đức có những người mà sau này đều thành danh như Lê Quang Định, Ngô Tùng Châu. Thời gian này đã tạo nhân cách của Trịnh Hoài Đức, một con người yêu nước thương dân mà lại rất liêm khiết.

Sau 10 năm theo học với thầy Võ Trường Toản, năm 1788 chúa Nguyễn Ánh nhờ sự ủng hộ to lớn của dân chúng đã đánh bật được quân Tây Sơn ra khỏi Nam bộ. Chúa cho mở khoa thi để tìm người hiền tài phụng sự cho Giang Sơn Xã Tắc.

Làm quan tận tụy, liêm khiết

Trịnh Hoài Đức đỗ khoa thi, được bổ nhiệm làm Hàn lâm chế cáo. Năm sau 1789, ông được cử làm Tri huyện Tân Bình, rồi kiêm thêm làm Điền tuấn, phụ trách việc trông coi chuyện khai khẩn đất đai, ruộng đồng ở Gia Định.

Sách “Quốc triều sử toát yếu” chép rằng: “Năm Kỷ Dậu (1789), tháng 6,… mới đặt quan Điền tuấn (coi về sự cày cấy làm ruộng), cho bọn Hàn lâm chế cáo là Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Tùng Châu, Hoàng Minh Khánh, cả thảy 12 người kiêm việc này”.

Năm 1793, Nguyễn Phúc Cảnh được phong làm Đông cung Thái tử, Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định được phong làm Đông cung Thị giảng, giảng dạy cho Thái tử. Khi Thái tử được cử trấn thủ Diên Khánh (thuộc tỉnh Khánh Hòa ngày nay), hai ông cũng đi theo.

Năm 1794, ông được cử làm Hộ bộ Hữu Tham tri. Năm 1801, khi chúa Nguyễn Ánh đánh chiếm Kinh thành Phú Xuân rồi tiến ra bắc diệt nhà Tây Sơn, Trịnh Hoài Đức đều lo hậu cần và tiếp quân lương đầy đủ, góp phần quan trọng cho chiến thắng của quân Nguyễn.

Năn 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi Vua, hiệu là Gia Long. Trịnh Hoài Đức được phong làm Thượng thư bộ Hộ, ông được tin tưởng làm chánh sứ sang nhà Thanh báo tin vua Gia Long đăng quang.

Làm quan nhất phẩm nhưng không có nhà riêng

Năm 1821, Trịnh Hoài Đức được thăng Hiệp biện Đại học sĩ, hàm nhất phẩm, giữ chức Thượng thư bộ Lại kiêm Thượng thư bộ Binh . Dù quyền cao chức trọng nhung ông ông vẫn không có nhà riêng để làm việc.

“Đại Nam liệt truyện” ghi chép lại rằng: “Đức không có nhà riêng, vua cho 3.000 quan tiền và gỗ, gạch ngói, cho làm nhà để làm chỗ nghỉ ngơi tắm gội. Đức bèn làm vườn quỳ ở phía ngoài cửa Đông. Rồi lại kiêm lĩnh Thượng thư Bộ Lễ.”

Làm quan nhất phẩm, nắm giữ 4 bộ trong tay mà Trịnh Hoài Đức vẫn chưa xây nhà riêng cho mình. Ông cả một đời liêm khiết, không bao giờ động đến của công, quả là một tấm gương sáng về đạo làm quan.

Năm 1823, khi đã 59 tuổi, ông dâng biểu xin thôi nhiệm và trở về Gia Định, lý do là vợ mới mất chưa chôn, bản thân lại bị bệnh hàn thấp. Vua Minh Mạng phải cử đại thần Phạm Đăng Hưng đến ban cho ông sâm quế để tẩm bổ và thuyết phục ông trở lại Triều đình. Ông đành xin nghỉ phép 3 tháng, rồi lại đến Triều tiếp tục công vệc.

Năm 1825, Trịnh Hoài Đức mất, vua Minh Mạng thương tiếc bảo các thị thần rằng:

“Trịnh Hoài Đức giữ tính thuần thục, có công từ lâu. Buổi đầu trung hưng rất được Tiên đế đặc chỉ bổ dụng, khi đi sứ nhà Thanh, lúc vào Hiệp trấn Gia Định đều làm nên công trạng, nổi tiếng thuần lương. Từ ngày trẫm lên nối ngôi đến nay, vốn biết Đức là người trung hiền, cất lên làm chức lớn, thường bàn chính sự, Đức có nhiều ý kiến rất hay. Vẫn tưởng đãi ngộ dài lâu, gìn giữ mãi ngôi cao lộc cả, chẳng ngờ năm ngoái Đức mắc bệnh nặng, ta tức khắc sai Ngự y điều trị. Gần đây, bệnh lại nặng hơn, ta khiến thị vệ đem nhung quế thuốc y dụng ban cho, nhưng thuốc thang không cứu kịp. Nay Đức chết đi, ta nghe tin mà không ngờ nước mắt rỏ xuống…”

Trịnh Hoài Đức làm quan qua hai đời vua Gia Long và Minh Mạng, trải qua các vị trí khác nhau. Hơn nữa, ông cũng để lại nhiều tác phẩm văn chương đáng chú ý: “Cấn Trai thi tập”, “Gia Định Tam gia thi tập”, “Thoái thực trung biên tập”, “Minh Bột di ngư”, “Quan quang tập'”, “Khả dĩ tập”, “Tự truyện”, “Lịch đại kỷ nguyên”, “Khương Tế lục”, “Đi sứ cảm tác”

Tác phẩm nổi bật và được biết đến nhiều nhất của Trịnh Hoài Đức là “Gia Định thành thông chí”. Đây là bộ bách khoa tự điển địa lý nhân văn Gia Định xưa (Nam bộ ngày nay). Tác phẩm này được nhiều người yêu mến tìm hiểu khảo cứu, được xem là sách gối đầu giường cho những ai muốn tìm hiểu về vùng đất Nam bộ.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: