Trong lịch sử, có một số tác phẩm văn học làm cải biến hình ảnh thật sự của nhân vật, “Tam Quốc Diễn Nghĩa” là một tác phẩm đặc biệt như vậy. Vì sự sống động và nổi tiếng của nó mà rất nhiều nhân vật lịch sử đã bị nhìn nhận không đúng. Chẳng hạn vì để làm nổi bật Gia Cát Lượng, nhân vật Chu Du trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” đã được mô tả là người lòng dạ hẹp hòi, ghen ghét người hiền, nhưng Chu Du trong lịch sử lại được xem là bậc kỳ tài khoan dung cao thượng.

Chu Du trong lịch sử là bậc kỳ tài khoan dung cao thượng
Bức “Xích Bích Đồ”. Trận Xích Bích gắn liền với tên tuổi của Chu Du và cũng là cảm hứng cho các tác phẩm nghệ thuật đời sau. (Tranh: Họa sĩ Vũ Nguyên Trực thời Kim, Public Domain)

Trong “Tam Quốc Chí”, một sử liệu về thời Tam Quốc của tác giả Trần Thọ có viết về Chu Du như sau: “Tính tình khoáng đạt, đại lượng… là bậc kỳ tài!” Ông đối với người bề dưới đều có lễ nghĩa, được mọi người vô cùng kính trọng. Trong cuốn “Giang biểu truyện” cũng làm rõ hình ảnh Chu Du khi đề cập tới mối quan hệ của ông với Trình Phổ.

Trình Phổ là công thần khai quốc của Đông Ngô, từ thời Tôn Kiên đã theo chủ ra sống vào chết, lập được nhiều chiến công hiển hách. Ông lớn tuổi hơn Chu Du nhưng chức vị lại thấp hơn nên sinh lòng không phục. Vì thế, Trình Phổ nhiều lần vũ nhục Chu Du nhưng Chu Du trước sau đều thủy chung khoan dung tha thứ, cung kính đối đãi Trình Phổ, nhẫn nhịn vì việc nước.

Sau nhiều lần như vậy, Trình Phổ đã sinh lòng cảm động, kính trọng Chu Du. Về sau, khi nhắc đến Chu Du, ông nói: “Dữ chu công cẩn giao, như ẩm thuần lao, bất giác tự túy”, ý nói làm bạn với Chu Du giống như uống rượu ngon, không biết bị say lúc nào.

Có thể khiến cho Trình Phổ tâm cao khí ngạo trở nên cảm động và ngợi ca, đủ để thấy trí tuệ và sức hấp dẫn về nhân cách của Chu Du lớn thế nào.

Trong sử sách còn ghi chép rằng Tào Tháo đã phái Tưởng Cán đến dụ dỗ Chu Du, nhưng Tưởng Cán về báo lại với Tào Tháo rằng: “Nhã lượng cao trí, phi ngôn từ sở nhàn”, ý là Chu Du là người độ lượng, trí cao vời không từ nào có thể thuyết phục được.

Lưu Bị lúc đến Kinh Khẩu mượn Kinh Châu đã từng đàm luận với Tôn Quyền rằng Chu Du là người văn võ song toàn, bậc anh tài kiệt xuất trong thiên hạ. Ngoài ra, Chu Du từng cho Lưu Bị mượn binh, đây quả thực là một việc mà người có lòng dạ hẹp hòi không thể làm được.

Trong “Dung trai tùy bút” của tác giả Hồng Mại đời nhà Tống viết rằng, từ xưa đến nay tướng soái thống lĩnh có không ít người có tính cao ngạo, đố kỵ ghen ghét với người tài giỏi hơn mình. Nhưng “Tôn ngô tứ anh tướng” tức Chu Du, Lỗ Túc, Lữ Mông và Lục Tốn không phải người như vậy. Chu Du tận sức tiến cử Lỗ Túc, đây là một ví dụ điển hình.

Nhà văn lớn triều Tống là Tô Thức cho thấy, ít nhất ở triều đại nhà Tống, hình tượng của Chu Du vẫn là phi thường ngay chính. Nhưng từ triều Nguyên thì hình tượng Chu Du bắt đầu thay đổi, làm ảnh hưởng đến người đời sau, khiến họ hiểu sai về con người ông. Đến cuối thời Nguyên đầu thời Minh thì cuốn tiểu thuyết “Tam Quốc Diễn Nghĩa” ra đời.

Đôi nét về Chu Du theo sử sách

Theo ghi chép trong “Tam Quốc Chí”, Chu Du (175 -210) tên tự là Công Cẩn, sinh ra trong một đại gia tộc có nhiều người làm quan ở huyện Thư, Lư Giang, An Huy ngày nay. Ông nội của Chu Du là Chu Cảnh và chú là Chu Trung đều làm quan Thái úy. Cha của Chu Du là Chu Dị từng làm huyện lệnh Lạc Dương. Có thể nói, gia tộc Chu Du là một trong những gia tộc hiển hách thời bấy giờ.

Chu Du là bậc kỳ tài. Ông từ lúc trẻ đã nổi tiếng là người có tướng mạo tuấn tú, thân hình cao lớn, tráng kiện. Theo sử sách ghi chép, Chu Du từ lúc còn ít tuổi đã tinh thông âm luật, chơi đàn giỏi. Dù đã uống hết ba chung rượu nhưng chỉ cần người chơi đàn mắc một lỗi nhỏ ông vẫn phát hiện ra. Không chỉ tinh thông âm nhạc, nho nhã khôi ngô, Chu Du còn có tài năng quân sự phi phàm.

Vào những năm cuối Đông Hán, quần hùng khởi binh. Phá lỗ tướng quân Tôn Kiên thảo phạt quyền thần Đổng Trác và chuyển nhà đến huyện Thư. Con trai của Tôn Kiên là Tôn Sách cùng độ tuổi với Chu Du. Hai người họ gặp nhau, có cùng chí hướng nên rất thân thiết, tình cảm như anh em. Chu Du còn cho gia đình Tôn Sách ở dãy nhà phía nam hướng ra đường lớn của nhà mình. Hai nhà cùng giúp đỡ nhau lúc khó khăn. Về sau, Chu Du và Tôn Sách hợp binh chinh chiến, đánh đâu thắng đấy, không gì cản nổi, xưng bá ở Giang Đông.

Viên Thuật thấy Chu Du là người có tài, bèn mời ông đến làm bộ tướng. Nhưng Chu Du nhận thấy Viên Thuật không phải là người có thể làm được việc lớn, nên tìm cách thoái thác, chỉ xin làm quan huyện ở Cư Sào để tìm cách trở về Giang Đông theo Tôn Sách.

Tôn Sách được tin Chu Du trở về nên đã tự mình nghênh đón và phong ông làm Kiến Uy trung lang tướng. Đồng thời, Tôn Sách cũng giao cho Chu Du điều khiển 2000 quân và 50 ngựa chiến. Năm ấy Chu Du mới 24 tuổi, mọi người đều tôn sùng ông và gọi ông là “Chu Lang”.

Từ đó trở đi, Chu Du hiệp trợ cho Tôn Sách chinh chiến bốn phương. Sau khi đánh chiếm được Hoãn Thành (tỉnh An Huy ngày nay), họ gặp hai tiểu thư con của Kiều công và lấy làm vợ. Tôn Sách lấy người chị tên là Đại Kiều, Chu Du lấy người em tên là Tiểu Kiều.

Năm 200, Tôn Sách gặp chuyện qua đời, Chu Du phụ tá em trai của Tôn Sách là Tôn Quyền. Trương Chiêu phụ trách việc triều đình, Chu Du phụ trách việc binh lính. Lúc ấy ở Giang Đông có thuyết pháp “Nội sự bất quyết vấn Trương Chiêu, ngoại sự bất quyết vấn Chu Du”, tức là việc nội bộ không quyết được thì hỏi Trương Chiêu, việc bên ngoài không quyết được thì hỏi Chu Du.

Năm 208 CN, sau khi Tôn Quyền quyết ý thảo phạt Giang Hạ, Chu Du được bổ nhiệm làm Tiền Bộ Đại Đô Đốc. Cũng trong năm này, trận Xích Bích khiến Chu Du nổi tiếng khắp nơi. Chu Du kỳ tài như vậy, khiến cả Lưu Bị và Tào Tháo đều có tâm ghen tức, đều từng nói xấu Chu Du.

Chu Du vốn muốn giam lỏng Lưu Bị, lợi dụng Quan Vũ và Trương Phi đánh trận, nhưng Tôn Quyền vốn muốn đối tốt với Lưu Bị. Sau khi Lưu Bị giành được Kinh Châu, Tôn Quyền muốn liên minh với Lưu Bị đối phó Tào Tháo nên không dùng kế của Chu Du. Ông cũng không phản đối mà nghĩ kế khác, đề xuất đánh vào đất Thục, vừa tận dụng cơ hội Tào Tháo mới thua, lại vừa khiến cho mong muốn chiếm Thục của Lưu Bị vốn đang yếu ớt không thể thành.

Sau khi Tôn Quyền đồng ý với kế sách ấy, Chu Du gấp rút về Giang Lăng chuẩn bị, nhưng bị bệnh nặng ở Ba Khâu rồi qua đời.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: