Một vị triết gia từng nói: “Ma nạn lớn thành tựu nên đại anh tài, gian khổ lớn thành tựu nên đại tuấn kiệt, vui buồn lớn viết nên đại nhân sinh”. Đời người, rất nhiều khi tưởng là họa mà lại là phúc, càng ở vào nghịch cảnh càng là cơ hội để sinh mệnh thăng hoa.

Trong họa có phúc: Nghịch cảnh khiến sinh mệnh thăng hoa
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Một người bình thường phần lớn đều ước ao quyền thế và phú quý, nhưng Lý Lâm Phủ triều nhà Đường làm tể tướng đến 20 năm, cả quyền thế và phú quý đều hơn người mà không có được chiến tích hay tác phẩm nào được lưu danh lịch sử. Thậm chí ông ta còn bị sử sách xếp vào hạng gian thần, người đời lên án.

Nhưng danh thần triều nhà Tống, Phạm Trọng Yêm, thì ngược lại. Phạm Trọng Yêm mất cha từ lúc chưa đầy 2 tuổi, mẹ đi tái giá ở nơi xa. Một mình ông phải lên chùa sống nhờ. Hàng ngày, ông đều chăm chỉ đọc sách, ngay cả một bát cháo cũng phải chia làm ba bữa. Cuộc sống của ông gian khổ đến mức người đời khó lòng tưởng tượng được. Dù vậy, cuối cùng ông vẫn trở thành danh thần nổi tiếng, được sử sách lưu danh thiên cổ.

Nhà sử học triều Tống, Tư Mã Quang cũng là một ví dụ. Tư Mã Quang sinh ra trong cảnh bần hàn, cơ cực. Trải qua cuộc đời nhiều gian khổ, cuối cùng ông đã viết ra tác phẩm để đời “Tư trị thông giám”.

Có thể thấy, những ma nạn mà một người gặp phải trong cuộc đời chưa hẳn đã là họa, rất có thể đó lại là một loại tài phú vô hình. Khi ở vào nghịch cảnh, gặp phải ma nạn, nếu một người có thể giữ tâm cho chính, có cái nhìn và hành vi đúng đắn thì rất có thể sẽ tạo nên một nhân cách phi phàm.

Một người sinh ra và lớn lên trong bằng phẳng giàu có thường ít có sự đột phá mà thu hoạch được thành tựu hơn so với người sống trong gian khổ. Trong lịch sử có rất nhiều minh chứng cho thấy, bậc thánh hiền đều là trải qua khổ nạn, chịu đựng đủ loại thống khổ, trải qua thử thách dài lâu lại có thể thành tựu được những điều phi thường.

Đại văn hào Tô Đông Pha triều Tống cũng là một minh chứng cho điều này. Tô Đông Pha là người trải qua ma nạn mà thành tựu cuộc đời mình.

Cả cuộc đời Tô Đông Pha trải qua năm triều đại, bao gồm: Tống Nhân Tông, Tống Anh Tông, Tống Thần Tông, Tống Triết Tông, Tống Huy Tông. Đây thực sự là những thời kỳ mà triều đình có nhiều biến động, các phe phái không ngừng tranh giành đấu đá lẫn nhau. Tô Đông Pha tuy là thiên tài có một không hai, hiếm thấy, nhưng cả đời ông đều bị tiểu nhân hãm hại.

Khi nhà Tống ngày một suy yếu, khủng hoảng toàn diện vì thâm hụt ngân sách, Hoàng đế Tống Thần Tông đã mời Vương An Thạch, một nhà kinh tế đồng thời là một đại thần, tiến hành cải cách. Tuy chính sách của Vương An Thạch đưa ra rất táo bạo và tiến bộ nhưng lại làm tổn hại lợi ích của dân chúng, khiến dân chúng oán hờn. Các quý tộc bị đụng chạm quyền lợi cũng quay lưng bất mãn.

Tô Đông Pha chính là người phản đối kế hoạch cải cách của Vương An Thạch quyết liệt nhất. Ông cho rằng đó là hành động bất nghĩa, làm tổn hại người dân. Thậm chí ông còn công khai phê phán chúng trong những bài thơ của mình. Khi phe của Vương An Thạch giành được quyền lực trong triều, Tô Đông Pha trở thành cái gai trong mắt họ.

Sau khi bị người nhà Vương An Thạch vu cáo, hãm hại, Tô Đông Pha bị Hoàng đế Tống Thần Tông nghi ngờ, ghét bỏ. May nhờ có Tư Mã Quang đỡ lời, Hoàng đế mới nguôi ngoai, không trị tội ông mà chỉ giáng chức và chuyển ông ra Hàng Châu.

Nhưng Hàng Châu vẫn không phải là điểm đến cuối cùng của Tô Đông Pha. Ông còn phải chịu thêm nhiều phen bị đối thủ hãm hại, quy tội khi quân rồi bị đày tới những vùng xa xôi, cách trở như Mật Châu, Hoàng Châu.

Vài năm sau, Tô Đông Pha được vua Tống Thần Tông phục chức và mời về kinh đô giao cho việc chép sử. Dù vậy, sự ân xá này cũng chỉ là tạm thời. Chẳng bao lâu sau, khi Hoàng đế Tống Triết Tông lên ngôi, tể tướng Chương Đôn – người bạn thân hồi trẻ của ông đã buộc tội ông phỉ báng tiên đế. Tô Đông Pha lại bị cách mọi chức tước, lần thứ hai phải chịu cuộc sống lưu đày cực khổ trăm bề. Ông phải đi hơn 4500 cây số xuống Huệ Châu rồi tiếp tục bị đày ra đảo Hải Nam ở miền cực Nam hẻo lánh. Năm 1100, vua Triết Tông băng hà ở tuổi 24. Tô Đông Pha được ân xá, cho trở về quê cũ và mất năm 64 tuổi.

Trong suốt những năm tháng gian khổ đó, Tô Đông Pha không hề từ bỏ sở thích được viết thơ. Cứ vừa được ra khỏi ngục, Tô Đông Pha lại cầm bút viết. Ông viết thơ cả trên đường đi lưu đày. Khi đối mặt với nhân sinh khổ ải, bị triều đình giáng chức nhiều lần, bị tiểu nhân hãm hại, ông vẫn không tiêu cực bi quan, không oán thán hận thù mà càng ngày càng lạc quan, càng ngày càng khoáng đạt rộng lượng, trên có thể hầu Hoàng Thượng chơi đùa, dưới có thể kết giao với cả kẻ ăn mày.

Mặc dù cuối đời ông kết thúc trong lưu đày, nhưng Tô Đông Pha để lại cho đời những triết lý nhân sinh, những kiệt tác chất chứa tinh thần lạc quan và tin tưởng tràn đầy. Những áng thơ của ông đã truyền cảm hứng vào trái tim hàng triệu người dân như một lời nhắc nhở rằng, ngay cả ở vào những thời khắc khó khăn nhất vẫn luôn có chỗ cho niềm hy vọng.

Những thăng trầm trong đời người, từ góc độ khác mà quan sát cũng có thể là ơn trạch của thượng thiên. Người đang ở trong khổ nạn, nếu có thể thủ vững sự cao quý trong tâm linh thì những đau khổ sẽ trở thành nấc thang để linh hồn thăng hoa. Trong họa có phúc, những ma nạn trong đời của một người cuối cùng đều là bàn đạp để người ấy đi đến sự thành công, thành tựu được sứ mệnh cao quý của sinh mệnh.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: