An nguy cùng với được mất và họa phúc mà một người gặp phải đều chỉ là tương đối, chúng có thể chuyển hóa cho nhau bất kể lúc nào. Cho nên, những người có trí tuệ cao xa thời xưa khi sống ở trong bình an thì đều suy nghĩ đến những mối nguy ẩn náu trong đó.

Phúc họa luân chuyển: Sống yên ổn đừng quên ngày gian nguy
(Tranh minh họa: Thời Thanh, Bảo tàng Cố Cung quốc gia Đài Loan)

Trong sách “Lã Thị Xuân Thu” viết rằng, ở lúc đang thông đạt thuận lợi thì phải nghĩ đến lúc khốn cùng bức bách. Đặc biệt là lúc thành công, con đường đang rộng mở, thì nơi đâu cũng có người đố kỵ ghen ghét, càng phải thận trọng dè dặt giống như đang đứng trước vực sâu, như đang đứng trên băng mỏng. Khi đạt được mong ước thì phải suy nghĩ đến những gian khổ đã trải qua, khi đang được hưởng phúc thì phải đề phòng tai họa ẩn náu, không quên lời giáo huấn của cổ nhân “phúc hề họa sở phục” (phúc là nơi ẩn náu của mối họa).

Các bậc quân chủ tài đức sáng suốt khi có được lãnh thổ rộng lớn thì càng cảm thấy cẩn trọng, khi lực lượng càng mạnh thì càng cảm thấy dè dặt. Bởi vì họ biết rằng, có được lãnh thổ rộng lớn chính là kết quả của việc tước lấy đất đai của nước láng giềng, lực lượng càng cường thịnh đều là kết quả của việc chiến thắng nước đối địch. Nếu mà làm điều đó một cách bất nghĩa, họ ắt sẽ gặp phải sự oán hờn và căm hận của quân địch và nước láng giềng. Oán hờn và căm hận càng nhiều thì chẳng phải càng đáng sợ sao? Cho nên, bậc quân chủ tài đức sáng suốt sống trong yên ổn thì đều nghĩ đến lúc gian nguy, khi thông đạt thì nghĩ đến lúc trắc trở, khi đạt được thì nghĩ đến lúc mất đi.

Thời nhà Chu, Chu Vũ Vương chiến thắng nhà Ân, thuận theo lòng của bách tính, vậy mà sau khi tiến vào đất Ân, ngay khi còn chưa xuống xe đã mệnh lệnh phong cho con cháu của các đời vua trước làm chư hầu. Ông phong cho con cháu Hoàng Đế đất Chúc, phong cho con cháu vua Nghiêu đất Kế, phong cho con cháu vua Thuấn đất Trần, phong cho con cháu Thần Nông đất Tiêu. Sau khi xuống xe, ông lại phong cho con cháu vua Vũ nhà Hạ đất Kỷ, phong cho con cháu Ngô Thái Bá đất Ngô và con cháu vua Thiếu Khang nhà Hạ đất Việt, lập con cháu vua Thang làm Tống quốc quân.

Dù đã diệt nhà Ân, Chu Vũ vương vẫn luôn suy nghĩ về cách giữ gìn cơ nghiệp, giáo hóa dân chúng, an định xã tắc. Khi bàn bạc với Chu Công Đán, ông nói: “Ta phải nhớ lấy bài học của các triều đại bị diệt vong, muốn an định thiên hạ, chú ý làm tốt việc dân. Xét từ hình thế địa lý, lưu vực sông Lạc, Y là trung tâm thiên hạ, nên dựng đô ở đó”. Vì vậy ông quyết định xây dựng thêm Đông đô ở Lạc Ấp.

Sau khi đã làm như vậy, Chu Vũ Vương cảm thấy vẫn lo âu, thở dài và chảy nước mắt, mệnh lệnh cho Chu Công Đán mời các lão thần của nhà Ân, hỏi nguyên nhân nhà Ân diệt vong, dân chúng hy vọng điều gì, mong muốn điều gì.

Các lão thần của nhà Ân đáp rằng: “Hy vọng khôi phục nền an trị thời đại Trung Hưng Bàn Canh nhà Thương”. Vì thế, Chu Vũ Vương mở kho thóc, cứu tế người nghèo, miễn trừ nợ cho dân chúng, các chính sách đều có lợi cho dân chúng, phóng thích những tội phạm nhẹ. Ngoài ra ông còn sửa chữa phần mộ của Tỷ Can (chú Trụ Vương, thời nhà Thương), phong cho các chi sĩ hiền đức có công tạo lập nhà Chu làm chư hầu, ban thưởng đất cho các quan Đại khanh, giảm thuế cho các trí thức… Sau đó Chu Vũ Vương mới trở về miếu của Chu Văn Vương để báo công.

Chu Vũ Vương sau khi chiến thắng nhà Thương, từ cử chỉ, lời nói và việc làm đều rất cẩn trọng, e dè, không dám qua quýt, càng không dám tự cao tự đại. Trong sách “Kinh Dịch” viết: “Tố lí hổ vĩ, chung cát”, cử chỉ thận trọng dè dặt giống như giẫm chân lên đuôi hổ thì cuối cùng được may mắn, thật là có đạo lý.

Triệu Tương Tử, vị tông chủ thứ 9 của nhà Triệu, phái tướng Tân Mục Tử đi đánh kẻ địch. Sau khi giành thắng lợi, chiếm được hai tòa thành ở phía trái và giữa, Tân Mục Tử phái sứ giả về báo tin với Triệu Tương Tử.

Triệu Tương Tử đang dùng cơm, sau khi nghe tin báo, nét mặt ông lộ vẻ lo lắng. Thấy vậy, người hầu đứng bên cạnh liền hỏi: “Trong vòng một ngày, quân ta đánh hạ được hai tòa thành là điều đáng mừng. Tại sao quân vương lại lộ vẻ ưu tư như vậy?”

Nghe thế, Triệu Tương Tử đáp: “Thủy triều sông Trường Giang và Hoàng Hà dâng lên không quá hai ngày, mưa bão dù lớn cũng không quá một ngày, mặt trời khi ở đỉnh đầu cũng chỉ tồn tại trong khoảnh khắc. Nay họ Triệu ta chưa tích lũy được bao nhiêu công đức mà lại có thể một ngày chiếm đến hai tòa thành, ta e tai họa sắp giáng xuống đầu.”

Triệu Tương Tử nghe thấy tin chiến thắng không những không dương dương tự đắc, vui mừng phấn khởi mà trong tâm đã có suy nghĩ đến những mối họa ẩn sau đó. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến họ Triệu hưng thịnh, cuối cùng chia ba nước Tấn, lập ra nhà Triệu, một trong Chiến quốc thất hùng.

Luôn cẩn thận, thời thời khắc khắc không buông lơi dự cảm về mối họa là khởi đầu của phúc đức và hưng thịnh. Còn dương dương tự đắc với cái lợi trước mắt thì thông thường là điều kiện tiên quyết của diệt vong. Giành được thắng lợi là việc không quá khó, khó là khó ở chỗ an định được thành quả. Những bậc quân chủ tài đức sáng suốt sở dĩ có thể an định được thành quả, không gặp tai họa, truyền lại phúc cho đời sau chính là họ có trí tuệ “sống yên ổn nghĩ đến ngày gian nguy”.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: