Trong Tây Du Ký, Thiên Bồng Nguyên Soái bởi vì say rượu, đùa giỡn chọc ghẹo Hằng Nga nên bị Ngọc Hoàng trục xuất khỏi Thiên giới, đến nhân gian đầu thai, mà đầu thai nhầm làm heo. Sau khi hạ phàm, Thiên Bồng Nguyên Soái nương thân ở động Vân Sạn, lấy tên là Trư Cương Liệp. Về sau, Trư Cương Liệp được Bồ Tát thụ giới, cắt đứt ngũ huân (5 thứ gia vị người tu hành không ăn) và tam yếm (3 loài kiêng không giết thịt). Bởi vậy mà ông được Đường Tăng đặt cho cái tên “Bát Giới”. Nhưng 8 điều giới này, theo thiển ý của người viết, không chỉ có hàm nghĩa như vậy, mà còn là 8 loại tâm mà Trư Bát Giới cần bỏ.

Trư Bát Giới vượt qua "8 giới" mà tu thành
(Tranh: Utagawa Kuniyoshi, Museum of Fine Arts, Public Domain)

Trư Bát Giới toàn thân đều mang khuyết điểm và tật xấu nhưng cuối cùng cũng được tính là tu thành. Mặc dù ông không tu được chính quả, nghĩa là không có quả vị cao như La Hán, Bồ Tát… nhưng cũng được Phật Như Lai phong làm “Tịnh Đàn Sứ Giả”. Ban đầu, khi bắt đầu “giới”, Bát Giới cũng không “giới” triệt để hoàn toàn và cũng không tình nguyện. Dù đã được thụ giới nhưng Bát Giới vẫn đến Cao Lão Trang, lừa cưới được con gái nhà lành.

Trong quá trình đi Tây Thiên lấy kinh, được sư phụ là Đường Tăng, sư huynh là Tôn Ngộ Không, sư đệ là Sa Tăng không ngừng trông nom giám sát, nhắc nhở kịp thời đúng lúc, Bát Giới từng chút từng chút thực hành “giới” và cuối cùng ít nhiều đã đoạn dứt được 8 chủng tâm. Vậy 8 “giới” mà Trư Bát Giới đã vượt qua bao gồm những gì?

1. Giới tham ăn

Bởi vì tham ăn nên trên đường đi lấy kinh, Bát Giới đã gặp rất nhiều phiền toái, vô cùng nguy hiểm. Nếu không có sự ngăn cản, trợ giúp kịp thời của Tôn Ngộ Không thì Trư Bát Giới sớm đã trở thành “món ngon” trong miệng yêu quái. Trong dịp ăn trộm quả nhân sâm, tính tham ăn của Bát Giới biểu hiện rõ nhất. Sau này, Bát Giới từng bước từng bước từ bỏ tật xấu này.

2. Giới háo sắc

Khi bắt đầu bước trên hành trình đến Tây Thiên lấy kinh, Trư Bát Giới hễ nhìn thấy mỹ nữ là lập tức thần hồn điên đảo, không còn phân biệt được người hay yêu quái nên đã nhiều lần bị nguy hiểm. Về sau này, nhờ sự dạy bảo tận tình của sư phụ, sự trêu đùa của Tôn Ngộ Không và Sa Tăng, đặc biệt là Bồ Tát hóa phép tạo ra quan ải tình sắc, Bát Giới dần ngộ ra và ước chế tính háo sắc này.

3. Giới tham của

Trên đường đi lấy kinh, mỗi khi gặp yêu quái ngăn trở, gặp khó khăn kiếp nạn lớn, Trư Bát Giới luôn áng chừng phần của cải của mình trong đoàn rồi sau đó đề xuất chia chác. Dưới sự “mắng nhiếc” của Tôn Ngộ Không và khiển trách của Sa Tăng thì ý niệm phân chia tài sản trong đầu Bát Giới mới dần dần mất đi.

4. Giới đố kỵ

Vì ghen ghét đố kỵ, Trư Bát Giới luôn là người châm ngòi ly gián, ngấm ngầm hại Tôn Ngộ Không. Đường Tăng trong lòng ít nhiều cũng hiểu rõ tâm đố kỵ này của Bát Giới. Ngộ Không và Ngộ Tĩnh nhiều lần vạch trần, khiển trách đúng lúc mới khiến cho “âm mưu” của Bát Giới lần lượt thất bại. Dần dần, Bát Giới đã vượt qua được khuyết điểm này, khiến cho bản thân mình hoàn toàn dung nhập, hỗ trợ sư huynh, sư đệ hoàn thành sứ mệnh lấy kinh.

5. Giới giả dối

Trư Bát Giới đã có rất nhiều lần làm chuyện lừa gạt, dối trá. Đứng trước hành vi không tốt này, Tôn Ngộ Không đã nhiều lần sử dụng phép biến hóa của mình để kịp thời uốn nắn cho Bát Giới. Điều này là giúp Bát Giới vứt bỏ “giả” mà theo “thật”.

6. Giới nhàn hạ

Khi Tôn Ngộ Không bị đuổi đi, Trư Bát Giới vì tham ngủ nên đã làm hại Đường Tăng bị yêu quái bắt vào huyệt động. Không những thế, nhiều lần trên đường đi xin đồ ăn, đi chăn ngựa, Bát Giới lại trốn ở trong rừng cây mà ngủ ngon lành.

Mỗi lần bắt gặp Bát Giới lười biếng, Tôn Ngộ Không lại biến thành những con côn trùng nhỏ để trêu cợt. Hoặc là Tôn Ngộ Không sẽ tự mình làm trước, giúp Bát Giới nhìn thấy mà làm theo. Cứ như vậy, khiến cho Bát Giới xấu hổ, không dám lười biếng nữa.

7. Giới sợ khổ, sợ khó

Trên đường đi lấy kinh, núi cao, vực sâu, lại có vô vàn khổ nạn giữa đường. Mỗi khi gặp khó khăn, khổ nạn, Trư Bát Giới lại dễ dàng đòi rút lui, nửa đường bỏ cuộc không muốn tiếp tục đi lấy kinh nữa. Những lúc ấy, sư phụ, sư huynh và sư đệ, thậm chí là bạch long mã đều khai thông, khuyến khích, khích lệ Trư Bát Giới, tăng cường tín tâm. Cuối cùng, Trư Bát Giới cũng cam tâm tình nguyện hết lòng hết sức cho sứ mệnh của mình và hoàn toàn thoát ra khỏi loại tâm sợ khó sợ khổ này.

8. Giới tham công lao

Trư Bát Giới có công phu cao nhưng lại bị tính xấu che khuất. Gặp yêu quái phải lúc hăng hái thì sẵn sàng giao tranh, nhưng gặp lúc tính lười nổi lên là lẩn mất, “vừa đánh vừa lui”, thậm chí lừa huynh đệ để chạy một mình. Nhưng Trư Bát Giới lại có tính tham công lao, luôn muốn tranh công. Khi được ai khen là “công đầu” thì nở mày nở mặt, bất kể nông sâu. Bởi vậy cũng không ít lần Bát Giới gặp họa. Được phong làm “Tịnh đàn sứ giả” rồi, Bát Giới vẫn còn so bì vì không có quả vị. Bởi thế ở bước cuối cùng đó, đích thân Phật Như Lai phải điểm hóa để Bát Giới vứt bỏ hoàn toàn một chút cái tâm này.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: