Trương Quả Lão là một trong Bát Tiên, tám vị Tiên truyền kỳ của Đạo giáo. Ông là một kỳ nhân có thực, được ghi chép lại trong cuốn chính sử “Đường Thư”. Thời nhà Đường, Trương Quả Lão sống ẩn cư ở Trung Điều Sơn, Hằng Châu. Người đương thời đều cho rằng ông đã đắc Đạo, có thể trường sinh bất lão.

Truong Qua Lao cuoi lua nguoc 04
Tranh Bát Tiên. (Tranh: Walters Art Museum, Wikipedia, Public Domain)

Các Hoàng đế nhà Đường là Đường Thái Tông, Đường Cao Tông cùng Võ Tắc Thiên đều vô cùng ngưỡng mộ Trương Quả Lão. Họ đều từng nhiều lần mời ông rời núi gặp mặt nhưng ông luôn từ chối không gặp. Đến thời Đường Huyền Tông, Hoàng đế phái người tìm kiếm ông, cho xe ngựa đến đón ông vào cung, tỏ lòng thành kính và phong cho ông làm “Ngân thanh quang lộc đại phu”. Trong thời gian đó, Trương Quả Lão đã triển hiện ra rất nhiều điều thần bí làm chấn động trên dưới hoàng cung.

Khi Đường Huyền Tông gặp Trương Quả Lão, thấy ông già yếu hom hem, liền hỏi ông: “Khanh đã đạt được thuật trường sinh bất lão nhưng sao trông khanh già yếu vậy, tóc thưa bạc, mặt móm như thế?”

Trương Quả Lão trả lời: “Không có đạo thuật nào chống lại được tuổi già, cho nên tôi trông già nua như vậy. Tôi cảm thấy xấu hổ về điều này. Tuy nhiên, nếu tôi nhổ hết chỗ răng và tóc còn lại, liệu răng và tóc mới sẽ mọc lên chăng?”

Sau đó ông đứng ngay giữa cung điện bứt tóc bẻ răng ra, Hoàng đế thấy thế có một chút kinh sợ và gọi người đưa ông xuống nghỉ. Chỉ một lát sau, Trương Quả Lão quay lại cung điện với một diện mạo hoàn toàn mới, tóc đen, răng trắng. Các quan lại trong triều thấy thế rất kính phục, nhưng dù ai, kể cả Hoàng đế hỏi xin phương pháp để cải lão hoàn đồng thì ông đều khước từ .

Trương Quả Lão: Vị tiên "cưỡi lừa ngược" trong Đạo giáo
Bức “Trương Quả kiến Minh Hoàng”, mô tả cảnh Trương Quả Lão gặp Đường Huyền Tông. (Tranh: Nhậm Nhân Phát thời Nguyên, Three Thousand Years of Chinese Painting, Yale University Press, Wikipedia, Public Domain)

Võ Tắc Thiên cũng từng cố gắng mời Trương Quả Lão tới. Để thoát lệnh này, ông giả bộ chết ở phía trước một ngôi đền. Vào thời gian đấy, trời mùa hè nóng nực nên cơ thể ông sớm bắt đầu phân hủy và bốc mùi. Võ Tắc Thiên nghe tin này đã từ bỏ ý định. Nhưng rồi không lâu sau, có người thấy Trương Quả Lão xuất hiện trong núi Hoàn Châu.

Trương Quả Lão mỗi ngày đi ra ngoài đều cưỡi một con lừa trắng. Con lừa của ông không ăn cỏ hay uống nước. Còn có truyền thuyết rằng khi hoàng hôn, ông sẽ vỗ vào con lừa của ông và nó sẽ biến thành một cuộn tranh. Sau đó ông mang cất nó đi. Sáng hôm sau, ông lại lấy tranh ra khỏi túi, thổi lên và nó lại biến thành một con lừa sống.

Trương Quả Lão cũng có một điểm đặc biệt là ông rất hay cưỡi lừa ngược. Vì sao ông lại cưỡi lừa ngược?

Trương Quả Lão: Vị tiên "cưỡi lừa ngược" trong Đạo giáo
Tranh trong bộ “Tiên Phật kì tung sáp đồ” mô tả Trương Quả Lão cưỡi lừa ngược. (Tranh: Hồng Tự Thành thời Minh, Wikipedia, Public Domain)

Trong “Bát Tiên đắc đạo truyện” của đạo nhân Vô Cấu triều nhà Thanh có ghi chép: Vào những năm cuối triều đại nhà Đường, Trương Quả Lão tình cờ gặp Trương Đạo Lăng. Hai cao nhân gặp nhau, họ đàm đạo về rất nhiều điều trong Trời đất. Trương Quả Lão hiểu rõ thế sự khiến Trương Đạo Lăng cảm thán mãi không thôi.

Trương Quả Lão còn nói: “Ngàn năm sau, trong xã hội sẽ xuất hiện việc quan không lo việc nước, chỉ biết nhận hối lộ, mọi việc đều dựa vào đó là được giải quyết. Việc này không còn lén lút nơi tối tăm. Trong dân chúng, hiếu đạo mất đi, phóng túng dâm loạn khởi xướng. Người người chỉ lo cầu lợi cho mình, không kể gì đến liêm sỉ lễ nghĩa nữa.”

Sau đó, Trương Quả Lão chỉ vào chữ “Loạn” (亂) và luận rằng: “Một đao một thương, người sống ta chết, hỗn chiến ở khắp bốn phương tám hướng chính là đại loạn, nhưng kỳ thực đó vẫn chưa tính là loạn thực sự. Bởi vì cái loạn này chỉ là loạn ở sự việc. Sự việc dù rằng loạn nhưng người vẫn là người. Một khi người hóa thành quỷ, nhân tâm đều không còn mới chính là đại loạn thực sự. Tục ngữ nói: Lòng người đảo lộn, thiên đạo đảo ngược. Những chữ này đúng là để nói về thời kỳ này.”

Truong Qua Lao cuoi lua nguoc 03
Trương Quả Lão. (Tranh: Trương Lộ thời Minh, Shanghai Museum, Wikipedia, Public Domain)

Hơn nghìn năm sau, ngày nay khi nghĩ về những lời này của Trương Quả Lão, người ta không khỏi phải suy ngẫm. Kỳ thực, ông cưỡi lừa ngược không phải là thú vui, mà vì ông phát hiện ra rằng thói đời, đạo đức nơi trần thế chính là như vậy. Người ta càng cho rằng xã hội tiến bộ, phát triển, thì đạo đức lại càng tụt lùi, nhân loại càng rời xa Đạo. Xã hội thời xưa dẫu có chiến tranh thì về cơ bản vẫn duy trì được luân lý đạo đức, trong tâm của người ta phổ biến là có lằn ranh, có giới hạn, có thể nhận biết tốt xấu. Ngày nay dù nhân loại có gìn giữ hòa bình đến đâu, dù luật pháp có kiện toàn đến mức nào, dù nền văn minh vật chất có tiến bộ ra sao, thì trong tâm của rất nhiều người đều là tranh đấu, đều là lợi ích, đều là vì bản thân mà không màng đến người khác, thậm chí là lạnh lùng tàn nhẫn. Những sự việc con trẻ giết ông bà cha mẹ một cách vô cảm không phải là như vậy hay sao?

Cho nên Trương Quả Lão cưỡi lừa ngược chính là để điểm hóa cho những người hữu duyên, hy vọng họ có thể thông qua đó mà hiểu được dụng ý của ông, tìm lại bản tính thiện lương của mình, thậm chí bước lên con đường tu luyện, đắc được Đạo, lội ngược dòng mà được cứu độ. Đây chính là dụng tâm của ông.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: