Từ xưa đến nay, có rất nhiều người khi gặp việc không thuận, tai ương không ngừng xảy đến thì sẽ bắt đầu đi xem bói, đoán vận mệnh bản thân, hy vọng thông qua việc này để tìm cách thay đổi số mệnh của mình. Tuy nhiên phần lớn những người ấy đều không được như ý. Về vấn đề vận mệnh này, trong “Tương bặc thiên” của “Thiên khẩu thiên” trong “Trương Tam Phong toàn tập” có ghi chép lại những đàm luận của Trương Tam Phong về số mệnh và cách thay đổi số mệnh của con người..

Trương Tam Phong vì sao nhiều lần cự tuyệt gặp mặt Hoàng đế?
(Tranh: Ntdvn.com)

Trương Tam Phong là một vị chân nhân đắc Đạo nổi tiếng của Đạo gia, được nhiều đời Hoàng đế nhà Minh sùng kính. Tuy nhiên ghi chép về ông lại vô cùng khác biệt. Trong cuốn “Phương kỹ truyền” của Minh sử có viết, Trương Tam Phong là người Ý Châu, Liêu Đông, tên là Toàn Nhất, một tên khác là Quân Bảo, Tam Phong là tên hiệu. Cũng có tài liệu ghi chép rằng Trương Tam Phong sinh ra vào triều nhà Kim. Cũng có thuyết pháp nói rằng Trương Tam Phong sống ít nhất là trên 150 tuổi, thọ hơn danh y Tôn Tư Mạc thời nhà Đường.

Dù sao thực tế là suốt nhiều đời Hoàng đế nhà Minh đều có ghi chép về ông, và cho rằng sở dĩ tuổi thọ của Trương Tam Phong cao như vậy là vì ông tu luyện trong Đạo gia, pháp môn của ông chú trọng cả tâm lẫn thân, giữ gìn tâm và thân, hậu đức minh đạo. Thái Cực Quyền để lại sau này dù không có tâm pháp, chỉ có động tác tu thân, mà cũng khiến cho người ta đạt được hiệu quả thần kỳ.

Những điều ghi chép về Trương Tam Phong trong cuốn “Minh sử” tương đối vắn tắt, sơ lược. Nhưng về những điều thần bí của Trương Tam Phong thì cũng có ghi chép như: mùa nóng hay lạnh đều mặc rất ít quần áo, có thể ăn nhiều và cũng có thể không ăn trong mấy tháng, có thể đi ngày ngàn dặm, cũng có thể nhập táng mà vẫn sống lại, ngao du tứ phương, tung tích kỳ bí…

Những đàm luận mà Trương Tam Phong lưu lại cho hậu thế là rất thâm sâu, cũng bàn đến nhiều khía cạnh của việc tu luyện và những điều huyền bí, như thuật toán quái đoán biết vận mệnh.

Trước khi bàn về vận mệnh, Trương Tam Phong chia người ta làm ba thứ hạng, bao gồm thượng, trung, hạ. Trong đó, ông cho rằng người “thượng phẩm” và người “hạ phẩm” đều là hữu mệnh. “Hữu mệnh” này, thực tế chính là vận mệnh và mệnh lý là đã được định sẵn rồi, là vô cùng khó để cải biến. Trong “Dương Hóa đệ thập thất” của “Luận Ngữ”, Khổng Tử giảng: “Duy thượng tri dữ hạ ngu bất di”, ý nói khó thay đổi được người có tầm hiểu biết rộng và kẻ ngu đần. Trương Tam Phong thì giảng: “Duy thượng dữ hạ, tính thụ nan di”, ý tứ chính là vận mệnh của người thượng phẩm và hạ phẩm là khó thay đổi.

Khổng Tử nói người tốt và người xấu là khó thay đổi, hay cũng nói phẩm đức của họ như thế nào thì cơ bản là như thế đấy. Bởi vì phẩm đức là cội nguồn của vận mệnh, nên Trương Tam Phong lại giảng rằng rất khó để cải biến vận mệnh và mệnh lý của người cực tốt và người cực xấu.

Vậy còn người trung phẩm thì sao? Đối với người trung phẩm, Trương Tam Phong cho là họ “vô mệnh”. Ở đây ý ông nói rằng mệnh lý của người trung phẩm là không rõ ràng, thuộc tình trạng “không tốt không xấu”. Số người trung phẩm trong xã hội cũng là nhiều nhất.

Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử viết: “Thượng sĩ văn đạo cần nhi hành chi. Trung sĩ văn đạo nhược tồn nhược vong. Hạ sĩ văn đạo đại tiếu chi. Bất tiếu bất túc dĩ vi đạo”. Bậc thượng sĩ nghe đạo thì gắng sức thi hành, kẻ hạ sĩ nghe đạo thì cảm thấy buồn cười, căn bản sẽ không học đạo. Còn người trung sĩ thì rơi vào trạng thái “nhược tồn nhược vong”, muốn học đạo thì học, không muốn học thì không học, thuộc vào tình huống “tùy lúc, không ổn định”. Cho nên, người trung phẩm sẽ tùy lúc có thể ở vào trạng thái trên hoặc dưới.

Trương Tam Phong cũng chỉ ra bản chất việc đoán mệnh của các thầy tướng, chính là chỉ có thể đoán ra thân mệnh bề mặt mà không thể đoán được tâm tính của một người. Họ chỉ có thể đoán được mệnh lý của một người mà không thể đoán ra phẩm đức của một người. Đã đoán không ra tâm tính của một người, thì đoán như thế nào ra được vận mệnh chân chính của người đó đây? Bởi vì mệnh của kẻ trung sĩ là không ổn định, họ lúc có thể làm được việc thiện, lúc lại có thể làm việc ác, nên không thể tùy tiện đoán.

Nhưng vô luận là tình huống nào, nếu trung sĩ không thể hoàn toàn thoát ly khỏi xu hướng trượt xuống làm “hạ sĩ”, không kiên định hoàn toàn tự mình học đạo thì cuối cùng sẽ mất đi cơ duyên, hoàn toàn mất đi khả năng đắc đạo và tu đạo. Cho nên, Trương Tam Phong khuyên: “Ly hạ tuyệt hạ nãi phi hạ”, rời xa hạ phẩm, đoạn tuyệt hạ phẩm và không phải là hạ phẩm. Người trung phẩm nhất định phải kiên định với ý chí của mình, hoàn toàn đoạn tuyệt với những thói quen của người “hạ phẩm”.

Từ những lời đàm luận của Trương Tam Phong có thể kết luận rằng, với đại đa số con người thì “tướng do mình sửa, mệnh do mình tạo”. Đây chính là lời răn tốt nhất cho quảng đại người “trung phẩm”. Bản tính và bản tâm của mình mới là bản chất chân chính của mệnh lý, hơn nữa còn có thể cải biến được. Mệnh lý của con người không phải là nhất định không thể thay đổi được.

Bản thân vận mệnh không phải là cố định bất biến, mà là có biến số phụ thuộc vào lựa chọn của con người. Nghĩa là trên đường đời, đến một bước nào đó, nếu lựa chọn thế này thì sẽ rẽ sang hướng này, nếu lựa chọn thế kia thì sẽ rẽ sang hướng kia. Tuy nhiên trên tổng thể là đều có tưởng thưởng và hậu quả, đều có nhân quả, đều có duyên phận. Cho nên mới nói, người có tâm tính cao thì cả tâm và thân đều chính, người đó tất sẽ có tướng tốt. Phẩm đức của một người là thần kỳ hơn toán quái, người có thể kiên định giữ vững đạo đức thuần khiết thì chính là người có mệnh tốt vậy.

Cuối cùng, Trương Tam Phong khuyên thế nhân phải tự mình nắm chắc tâm tính và phẩm đức của mình, lại khuyên những người thầy tướng tốt phải khuyến khích người đến đoán mệnh hãy tu tâm tích đức, làm người tốt, làm người lương thiện, làm một người có khí phách. Như vậy, tự nhiên tướng của họ cũng được cải biến và mệnh của họ cũng tốt hơn.

Trong lịch sử nhân loại thì kỹ năng toán quái, đoán mệnh, tiên tri đặc biệt xuất hiện trong tất cả các chính giáo, trong tất cả các nền văn minh, thậm chí từng rất hưng thịnh trong một giai đoạn thời gian. Một số văn tự như chữ Giáp Cốt của phương Đông cổ đại chính là do toán quái mà thành. Tại những ngọn núi cao thời xa xưa ở khắp nơi trên thế giới đều xuất hiện truyền thuyết về những con người tu luyện, đắc Đạo và ẩn cư tại đó. Thuận theo sự phát triển của xã hội thì nhiều người cho rằng đó chỉ là truyện Thần thoại không có thực mà thôi. Tuy nhiên khi đối diện một cách nghiêm túc với những tiểu thuật mà người xưa để lại, người ta mới buộc phải suy ngẫm khi nhận ra có những điều không thể giải thích bằng kiến thức khoa học hiện hữu.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: