Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi (Diệt Hỷ) với chiều dài hơn 600 năm đã ảnh hưởng to lớn đến lịch sử cũng như văn hóa tinh thần của người Việt. Các triều đại như Đinh, tiền Lê, Lý đều dựa vào các thiền sư nhằm giáo hóa dân chúng, giúp nâng cao đạo đức cũng như văn minh tinh thần xã hội. Bên cạnh đó, các thiền sư cũng có võ thuật rất cao thâm.

Vài truyền kỳ về võ thuật của thiền sư phái Diệt Hỷ
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Các thiền sư như Pháp Hiền, Định Không, Đinh La Quý, Vạn Hạnh, Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu, Thiện Ông, Ma Ha, Minh Không… đã giúp bậc vương giả Đại Việt các đời đưa ra những chính sách chống ngoại xâm và xây dựng đất nước. Không chỉ vậy, trong lĩnh vực tâm linh, dân gian cũng lưu truyền rằng các đời thiền sư đã đoán biết trước và phá tan kế hủy long mạch nước nam của phương Bắc. (Xem bài: Chuyện thiền sư Việt phá giải thuật phong thủy của Cao Biền)

Khởi nguồn của võ phái Đông A

Các thiền sư thuộc dòng phái Diệt Hỷ rất giỏi võ thuật. Tổ sư Tì Ni Đa Lưu Chi đến Vạn Xuân vào năm 580, ở tại chùa Pháp Vân (chùa Dâu) tỉnh Hà Bắc. Vị thiền sư này đã khai sinh ra dòng thiền phái Diệt Hỷ và lưu truyền trường phái võ thuật của mình.

Sau khi Tì Ni Đa Lưu Chi mất, đệ tử của ông là Pháp Hiền lên thay, tiếp tục truyền Phật Pháp và võ thuật cho dân chúng. Một đệ tử xuất sắc của ông là Trần Tự Viễn đã học được tinh hoa võ thuật, truyền lại cho dân chúng nhằm chống lại ách đô hộ của nhà Tùy – Đường.

Hậu duệ nhà Trần sau này gọi môn võ của dòng họ mình là võ phái Đông A (chiết tự từ chữ Trần). Các binh tướng nhà Trần với dòng võ Đông A này đã 3 lần đánh bại sự xâm lược của quân Mông Thát. (Xem bài: Điều giúp nhà Trần ba lần đánh bại đội quân hùng mạnh nhất thế giới)

Nhưng dòng lịch sử chảy trôi đã khiến nhiều tinh hoa võ thuật bị thất truyền.

Truyền thụ võ thuật cho cả bậc quân vương

Lý Công Uẩn là vị vua sáng nhập nhà Lý, triều đại được coi là thịnh vượng nhất trong lịch sử Đại Việt. Năm 3 tuổi, Lý Công Uẩn được Lý Khánh Văn nhận làm con nuôi. Năm 7 tuổi thì ông được Lý Khánh Văn đưa lên chùa nhờ thiền sư nổi tiếng của phái Diệt Hỷ lúc đó là Vạn Hạnh kèm cặp dạy dỗ.

Sư Vạn Hạnh khen đứa trẻ này là: “Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ” (Đại Việt Sử ký Toàn thư ).

Sư Vạn Hạnh đã truyền thụ Phật Pháp và võ học cho Lý Công Uẩn, giúp ông trở thành người có tài văn võ hiếm có, sau này trở thành vị Vua khai sinh ra nhà Lý.

Nói về võ thuật của Lý Công Uẩn, năm 2010 tại đại hội võ thuật cổ truyền tỉnh Bình Định, võ sư Trần Duy Linh đã thu hút sự chú ý của giới võ thuật Việt Nam qua một tiết mục biểu diễn múa thương. Võ sư chia sẻ rằng đó là bài U linh thương của vua Lý Công Uẩn.

Võ sư Trần Duy Linh nói trên báo Bình Định rằng:

“Bài võ ngàn năm này của vị vua đầu tiên nhà Lý, người khởi sự dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long (Hà Nội ngày nay) vào năm 1010, sáng tạo ra…”

Theo đó, bài võ của vua Lý Công Uẩn được Tổ Hư Minh (người sáng lập hệ phái Long Hổ Không Hồng vào thời Hậu Lê) ghi chép lại trong cuốn “Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp” (quyển sách ghi chép binh thư võ thuật của các vị tướng qua nhiều đời) và hiện chỉ được truyền qua trí nhớ của các đời đệ tử môn phái này.

Tài phép của thiền sư

Có khá nhiều câu chuyện về trí huệ của các thiên sư phái Diệt Hỷ: đoán trước và hóa giả được việc Cao Biền trấn yểm phong thủy, tiên đoán trước chiến thắng trong các cuộc chiến chống Chiêm Thành và Tống, giúp nhà Vua ra các chính sách trị quốc, v.v.. Bên cạnh đó cũng có những chuyện nói về tài phép của các thiền sư, một điều thậm chí vượt trên võ thuật.

Có một câu chuyện về tài phép của thiền sư Maha được lưu truyền trong cuốn Thiền Uyển Tập Anh và rất nổi tiếng trước đây. Maha vốn là người Chiêm Thành, thông minh từ nhỏ, ông là đệ tử đời thứ 11 của phái Diệt Hỷ. Vua Lê Đại Hành nghe tiếng ông liền mời ông vào triều. Nhà Vua cho mời 2 lượt nhưng thiền sư Maha không vào triều. Vua vẫn kiên nhẫn cho mời tiếp lần thứ 3, lúc này thiền sư Maha mới đành miễn cưỡng.

Khi được nhà Vua hỏi, thiền sư Maha đáp rằng mình là “cuồng tăng tu tại chùa Quán Âm”. Câu trả lời khiến nhà Vua cho rằng thiền sư xem thường và thất lễ với mình. Vua nổi giận, sai người nhốt thiền sư vào trong chùa Quán Tri (Ninh Bình).

Biết tiếng thiền sư có võ học cao thâm, lại có tài phép, nhà Vua sai khóa cửa ngục rất cẩn thận, cho cấm quân vây quanh. Ai cũng nghĩ thiền sư rồi sẽ có kết cục thật bi thảm, nhưng qua một đêm đến sáng hôm sau, mọi người đã thấy thiền sư Maha ngồi trong phòng dành cho các tăng nhân. Lấy làm lạ, mọi người chạy đến thì thấy cửa ngục vẫn khóa và lính canh vẫn thay nhau nhìn không rời mắt.

Sự việc này đã khiến vua Lê Đại Hành kinh sợ, biết thiền sư có phép lạ. Vua liền thả thiền sư đi.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: