Mỗi cái đám cưới, bà lại già đi, mái tóc bạc hơn, da cũng nhăn nheo thêm vài phần. Sau khi kết hôn, ba cô con gái giống như diều no gió bị cắt dây bay cao bay mãi, rất ít khi về nhà thăm mẹ, mặc dù cô xa nhất thì bà cũng chỉ gả ở làng bên….

Bà là một quả phụ, số mệnh bi thương, chồng vì lao lực mà qua đời khi còn trẻ. Suốt mấy chục năm, bà làm việc quần quật nuôi ba cô con gái. Ai cũng nói rằng “về già nhờ con”, nhưng bà không được may mắn như vậy. Vì con, bà nỗ lực làm việc, chịu khổ chịu nhọc, cho đến khi con lấy chồng. Mỗi cái đám cưới, bà lại già đi, mái tóc bạc hơn, da cũng nhăn nheo thêm vài phần. Sau khi kết hôn, ba cô con gái giống như diều no gió bị cắt dây bay cao bay mãi, rất ít khi về nhà thăm mẹ, mặc dù cô xa nhất thì bà cũng chỉ gả ở làng bên.

Mùa đông năm nay, bà bắt đầu cảm thấy đi lại khó khăn hơn, mỗi sáng thức dậy bước xuống giường đã thấy mệt nhọc, chứ chưa nói đến chuyện vào bếp làm cơm. Bà bắt đầu suy nghĩ chuyện hậu sự của mình.

Vốn đã quen sống đơn độc, bà chưa bao giờ nghĩ đến việc làm phiền các con. Từ lâu rồi bà đã quyết định sống vậy cho đến lúc ra đi. Nhưng vẫn còn một điều mà bà ấp ủ trong tâm, chính là bà còn có một chiếc trâm vàng đã theo bà suốt bao năm tháng. Trước khi ra đi, bà muốn lưu lại cho các con một điều gì đó, cũng muốn biết xem trong ba cô, đứa nào hiếu thuận nhất. Có lẽ biết được điều này thì tâm bà mới an.

Sáng hôm đó, bà đến nhà cô con gái cả. Cô cũng có chút nhan sắc, được gả vào một gia đình khấm khá trong làng. Thấy mẹ đến thăm nhà, cô cũng chỉ mời mẹ ăn chút dưa muối chua, ít lạc rang và một bát cháo. Lạc rang cũng là loại lạc non phơi khô nhăn nheo chứ không phải lạc già.

Bà cảm thấy buồn buồn, mượn cớ răng miệng không tốt, ăn vài miếng rồi rời đi. Ra đến cửa, bà gặp cháu ngoại đi chơi về nói: “Bà ơi, bà đến nhà cháu ăn đi, hôm nay mẹ cháu làm món thịt lợn hầm đấy!” Bà nhẹ trả lời: “Bà ăn rồi, các con về ăn đi thôi”, nhưng trong tâm cảm thấy có gì đó đang đổ vỡ…

Bà lại đi đến nhà cô con gái thứ hai. Chồng cô kiếm được khá tiền, điều kiện sống cũng tốt. Thấy mẹ đến thăm, cô không vui lắm. Cô lấy một phần cơm còn thừa, xào giá đỗ và lấy thêm một ít nước nóng cho mẹ.

Cảm thấy mình thật giống một người ăn xin, bà im lặng ăn vài miếng, nước mắt chực rơi. Cô nhắm mắt làm ngơ: “Mẹ ơi, giờ đã quá giờ trưa rồi, mẹ cũng xem chuẩn bị về đi thôi, bố bọn trẻ sắp về rồi, con cũng còn phải bận việc nữa”. Bà mẹ gật đầu, rời đi.

Hai đứa đầu sinh khi bà còn sức, bà nhọc công nuôi nấng nhất, vậy mà… Tâm có phần nặng nhọc, bà đơn độc lê bước, xế chiều mới đến được nhà cô út ở làng bên. Đứa út số khổ, chồng nghèo, lại ở xa. Hơn năm rồi mà cuộc sống vẫn còn chật vật.

Thấy mẹ đến nhà, cô út vội mời mẹ ngồi uống nước, rồi vội dặn bà ngồi chờ để chạy ra ngoài. Bà thấy lòng mình chìm xuống tận đáy. Cái trâm vàng này có lẽ đành theo bà xuống mồ thôi!

Ngồi lặng một lúc lâu, bà đứng dậy đi về. Nhưng ra đến cửa thì bà gặp con gái. Tay mang chút thịt lợn, cô vui vẻ nói: “Mẹ ơi, tối nay mẹ đừng về, ở lại ăn cùng chúng con!”

Cô út vốn nghèo nhất, ngày thường đến dầu còn phải nhúng đũa mà xào nấu, lấy đâu ra tiền mà mua thịt? Tối đó ăn xong, bà mới để ý thấy cây trâm cài tóc mà cô út luôn yêu thích đeo đã chẳng còn.

Bà cảm động, hai mắt rưng rưng. Cô út thấy vậy vội cầm tay mẹ nói: “Mẹ ơi, chồng con đối xử với con rất tốt, cuộc sống tuy khó khăn nhưng mới chỉ là bắt đầu, mẹ đừng quá lo. Chồng con còn nói rằng, sang năm nếu điều kiện tốt thì sẽ đón mẹ về ở cùng.”

Bà mỉm cười, mắt ngấn lệ hạnh phúc. Bà với túi, lục lấy cây trâm vàng ra, kéo con vào lòng như một đứa trẻ, rồi cài trâm lên tóc cô. Bà nói: “Con gái, đây là thứ cuối cùng mà mẹ có thể cho con. Lúc khó khăn nhất mẹ cũng không bán nó đi, bởi vì nó là hy vọng. Chỉ có hy vọng thì mới có thể đi qua được những ngày khốn khó.”

Cô út nhẹ gật đầu im lặng, nhớ lại những ngày ba chị em còn ở cùng mẹ mà nước mắt cứ ứa ra. Chẳng bao lâu sau khi tâm nguyện hoàn thành, bà an lòng nhắm mắt.

Cô út và chồng sinh được một đứa con. Nó thành gia, lập nghiệp. Trong suốt những năm tháng sau này, cây trâm vàng vẫn luôn được cô nâng niu, từ năm này qua năm khác, từ khi mái tóc còn xanh cho đến tận khi bạc trắng. Cây trâm đó đã trở thành một niềm hy vọng của cô, nhắc cô rằng cuộc sống này không có khó khăn nào mà không thể bước qua được.

Thanh Thanh

Xem thêm:

Mời xem video: