Trời Hà Nội bắt đầu vào đông, những cơn gió lạnh mang theo hạt mưa lay bay thổi qua cửa sổ. Tôi nằm co ro bên cạnh là thằng Nam. Tiếng gió cứ rít mang theo những cơn mưa ngày càng đậm hạt hơn.

Sáng nay tôi tự cho phép mình nghỉ một buổi chủ nhật. Cái nghề chạy xe ôm như tôi ngoài lịch hẹn trước ra thì đều phải lang thang khắp phố, hoặc ra quán trà đá bà Lành ngồi đó đợi khách ở mấy khu chung cư và khách sạn. Hôm qua đài báo gió mùa về, ít người ra đường, tôi cũng không có khách đặt lịch hôm nay.

Nhà trọ tôi thuê, tôi và thằng Nam ở. Kể từ ngày thằng Nam em họ tôi ra học đến nay cũng được gần bốn năm. Giờ nó thực tập xong, chuẩn bị ra trường. Trong khi tôi mải mê ngủ, thằng Nam đã mò dậy đi đâu đó, rồi về gọi lớn:

– Anh Hùng ơi, dậy đi!

Tôi trả lời ề à:

– Hôm nay tao nghỉ, mày cho tao nghỉ thêm chút đi, dậy làm gì sớm.

Nó lúi húi kéo chiếc chiếu ra, rồi lấy bát. Nghe tiếng bát đũa, tôi lại ngán ngẩm nghĩ đến món xôi mỗi buổi sáng thằng Nam hay mua:

– Tao không ăn đâu, mày ăn đi.

Thằng Nam kéo chân tôi nói:

– Anh dậy uống với em vài ly, mai em về quê, không biết khi nào em mới ra.

Đôi mắt nó buồn buồn. Tôi thấy bất ngờ, thằng Nam mỗi khi về đều nói trước mà về cũng chỉ tranh thủ mấy ngày, sao hôm nay nó lại bảo vậy. Căn gác trọ này hai anh em tôi với bao kỷ niệm vui buồn, quả thực nếu không có thằng Nam tôi cũng thấy lạc lõng. Ngót nghét 30 tuổi, những người như tôi giờ lẽ ra phải có gia đình vợ con rồi, thế mà tôi vẫn đi về một mình với căn nhà trọ. Trước giờ chỉ duy nhất có cây đàn và thằng Nam là nghe tôi tâm sự. Nó hay an ủi: “Anh là người tốt mà, rồi sẽ gặp điều lành”. Cái nghề xe ôm, kiếm đủ tiền trong ngày mà không bị lừa, bị cướp, hay không gặp mấy anh cảnh sát giao thông là lành rồi đó.

Tôi ngồi bật dậy:

-Mày về không ra nữa là sao?

Nam không trả lời trực tiếp, chỉ đưa đôi mắt nhìn ra cửa sổ. Bên ngoài gió vẫn thổi mạnh, cây lộc vừng cứ đung đưa qua lại văng những giọt nước đọng lại trên lá vào cái thành cửa sổ. Tựa mình vào tường, nó moi gói thuốc cuối giường của tôi, châm thuốc, rồi từ từ nói:

– Nhà em bố mẹ già rồi, chị gái thì lấy chồng ở tận Tây Nguyên, đợt vừa rồi bão lại đổ bộ vào làng em…

Nó nhìn theo làn khói suy tư rồi nói tiếp:

– Em phải về giúp bố mẹ dọn lại cái mái nhà bị tốc ngói. Sau đó em sẽ xin lên thị trấn làm công nhân, ở đó để tiện đi lại chăm lo cho bố mẹ e.

Thằng Nam cúi xuống rót chén rượu đẩy về phía tôi:

– Anh uống với em một ly nhé

Chén rượu nuốt vào thấy bụng cay cay, đúng là mỗi người một cảnh ngộ.

Nhìn thằng Nam bước đi xa dần trong mưa bay, tôi thấy lòng mình chua xót…

Còn nhớ lần tôi phải về quê thăm mẹ ốm. Ấy là lúc tôi quyết định làm xe ôm vì thất nghiệp, mà chạy mãi không kiếm đủ tiền về. Hôm đó tôi qua gửi tiền trọ, cô Vân dặn:

– Con cứ cầm tiền về thăm mẹ đi, nếu chú hỏi thì bảo cô thu rồi.

Đến khi ra ngõ gặp chú, định gửi tiền, thì chú lại nắm tay bảo:

– Con cứ cầm tiền về thăm mẹ đi, nếu cô hỏi thì bảo chú thu rồi.

Tôi hiểu vì sao thằng Nam lại quyết định như vậy. Nó đi, căn phòng giờ chỉ còn tôi với cây đàn. Đã lâu tôi không đàn, cũng bới cái quá khứ buồn đằng sau nó.

Tôi thuê trọ trên tầng hai của căn nhà ba tầng đã hoen ố, nằm cạnh căn biệt thự của cô Vân chủ nhà. Ba năm trước, con gái cô Vân du học về, những ngày đó tôi hay dậy sớm, lắng nghe tiếng chổi mỗi sáng tinh mơ, lòng bồi hồi. Cứ sáng có tiếng chổi quét là tôi lại mò dậy ngắm Ngọc Lan qua khung cửa sổ.

Ngọc Lan thường quét sân rồi ngồi ở cái ghế đá ngắm bình minh. Bên đó đất rộng, trước nhà trồng chi chít cây. Nhà cô có cả mấy người làm vườn và quét dọn, nhưng không hiểu sao Ngọc Lan vẫn dậy sớm.

Cũng có lần Ngọc Lan bắp gặp ánh mắt tôi nhìn cô qua khung cửa sổ, cô chỉ nhẹ cười… Tôi biết mình cũng chẳng xứng với cô, nên thi thoảng ôm đàn ra đánh những khúc nhạc buồn.

Tôi nhớ có lần Ngọc Lan qua chơi. Cô hỏi:

– Anh Hùng công việc hôm nay thế nào?

Tôi gãi đầu, trả lời có chút chua chát:

– Thì em biết rồi đấy, nghề xe ôm cũng chỉ kiếm tiền đủ sống qua ngày.

Ngọc Lan cười, như hiểu được, cô nói:

– Ở nước ngoài mọi người không đánh giá con người bằng nghề nghiệp đâu anh.

Ngọc Lan nói tiếp:

– Khi nào rảnh anh Hùng chở Ngọc Lan đi ngắm Hồ Tây nhé?

Tôi bối rối:

– Ngọc Lan.. muốn đi lúc nào cứ bảo tôi… tiền xe ôm miễn phí…

– Miễn phí là sao?

– Ờ thì…

Trước ngày Ngọc Lan đi, cô Vân và chú Thành gọi tôi qua ăn cơm. Cô chú coi tôi như người trong nhà, nên thường hay gọi qua ăn cơm cùng. Nhưng lần ấy tôi nhất định lảng tránh…

Hôm đi, Ngọc Lan nhìn tôi ngập ngừng:

– Giá anh Hùng…

Tôi cười buồn, tiễn Ngọc Lan. Sau này cô Vân nói Ngọc Lan đã kết hôn ở Nga, từ đó cây đàn cũng trở nên xa lạ.

Hôm nay căn phòng trống vắng, chỉ còn mình tôi. Sáng tôi dậy sớm chở cô Vân ra hồ. Cái ngõ trọ quanh co cứ như chính cuộc đời tôi vậy…

Lê Nguyên

Xem Thêm: