Phạm Trọng Yêm có bốn người con trai, trong đó, một người là trợ thủ đắc lực của cha, một người là Tể tướng, một người là quan Thượng thư và một người làm Thị lang bộ hộ. Họ đều là những người tài đức, quan cao, bổng lộc nhiều, nhưng lại sống một cuộc đời thanh liêm, giản dị. Tất cả là nhờ phương pháp giáo dục con của ông.

Chuyện Phạm Trọng Yêm giáo dục cả bốn con thành người tài đức
(Ảnh minh họa tổng hợp: Trí Thức VN)

Từ nghèo khó mà đi lên

Phạm Trọng Yêm, tên tự là Hi Văn, người huyện Ngô (Giang Tô, Tô Châu ngày nay). Ông là hậu nhân của Tể tướng Phạm Lữ Băng triều nhà Đường. Năm ông lên 2 tuổi thì cha mất, bởi vì gia cảnh bần cùng, mẹ ông không có sức mưu sinh nuôi con nên đã mang theo ông mà tái giá. Lớn lên, ông từ biệt mẹ, lên chùa sống nhờ và học tập.

Thời thiếu niên, Phạm Trọng Yêm ở trong chùa học tập, gia cảnh vô cùng nghèo túng. Nói đến tình cảnh bần hàn của ông, cuốn “Ngũ triêu danh thần ngôn hành lục “ ghi chép rằng: “Đối với một người khác mà nói, thật khó có thể chịu được cuộc sống bần hàn, khổ cực như Phạm Trọng Yêm. Nhưng Phạm Trọng Yêm lại không cho rằng sống như thế là khổ.”

Mỗi ngày ông chỉ nấu một nồi cháo loãng pha một chút muối, sau đó đợi cháo nguội lạnh, ông lại lấy dao chia cháo thành ba phần, mỗi bữa chỉ ăn một phần với dưa muối. Suốt một thời gian dài 3 năm, ông đã sống bần hàn như vậy.

Vào những năm niên hiệu Đại Trung Tường Phù thời vua Tống Chân Tông, Phạm Trọng Yêm đã thi đỗ tiến sĩ và bước vào con đường làm quan. Đến năm thứ 3 Khánh Lịch thời vua Tống Nhân Tông (1043), ông được thăng chức thành xu mật phó xứ, tham tri chính sự (phó tể tướng). Trong năm này, ông cùng Phú Bật, Hàn Kỳ đề xuất cải cách công việc triều chính. Nhóm của ông đề xuất cái mà sử sách sau này gọi là “đáp thủ chiếu điều trần thập sự” (10 điều cần cải cách), trong đó có “minh truất trắc, quân điền phú, tu võ bị, giảm dao dịch” (bổ nhiệm, bãi miễn rõ ràng; thu thuế quân điền; tu sửa võ bị, bớt lao dịch), sử sách Trung Quốc gọi là “Khánh Lịch tân chính” hay “Khánh Lịch chi trị”. Cuộc cải cách Khánh Lịch này nhanh chóng thất bại vào năm 1045, do bị các quan lại sợ mất lợi ích phản đối, ông bị giáng chức, chuyển tới Đặng Châu, Hàng Châu, Thanh Châu.

Phạm Trọng Yêm là một nhà văn, nhà thơ tài ba. Trong tác phẩm “Nhạc dương lâu kí”, ông viết: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi nhạc nhi nhạc” (Lo trước điều lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ). Câu này được người đời sau lưu truyền như một câu danh ngôn. Trên thực tế, câu nói này cũng là chỉ khát vọng trị quốc và chuẩn tắc hành vi của ông.

Ông vô cùng nghiêm khắc đối với bản thân mình. Ông từng nói: “Ta ban đêm nằm trên giường, luôn phải nghĩ lại những hành vi đã làm ban ngày. Nếu những việc làm của ngày hôm đó là thỏa đáng, không có sai sót gì thì ta có thể an tâm ngủ ngon. Nhưng nếu không phải vậy, thì đêm đó sẽ không ngủ được ngon, ngày hôm sau nhất định phải sửa chữa sai sót ấy.”

Tiết tháo cao thượng

Phạm Trọng Yêm khi theo mẹ chuyển đến nhà họ Chu từng kết bạn với một vị phương sĩ (xưa gọi những người cầu tiên học đạo là phương sĩ). Lúc vị phương sĩ này bị bệnh nặng, đã gọi Phạm Trọng Yêm đến giường và nói: “Ta biết thuật luyện ngân nhưng con trai của ta lại còn quá nhỏ, chưa thể truyền cho nó được nên ta sẽ truyền lại cho ngài.” Nói xong, vị phương sĩ này liền đem bí quyết mà mình biết truyền lại cho Phạm Trọng Yêm và qua đời.

Hơn mười năm sau, Phạm Trọng Yêm làm quan trong triều, con trai của vị phương sĩ này lúc ấy cũng đã trưởng thành. Phạm Trọng Yêm liền cho người gọi cậu ta đến và giao lại toàn bộ bí truyền mà năm xưa cha cậu để lại. Điều khiến người đời cảm phục chính là trải qua nhiều năm như vậy nhưng Phạm Trọng Yêm chưa từng liếc mắt nhìn qua bí truyền ấy một lần. Điều này cho thấy, tiết tháo của ông cao thượng đến ngần nào.

Phạm Trọng Yêm bởi vì từ nhỏ đến lớn, sống cuộc sống nghèo khổ, cần kiệm cho nên khi làm quan cũng vô cùng giản dị, không bao giờ xa hoa mà quên gốc. Trong nhà ông, nếu không phải là có khách thì thức ăn là vô cùng đơn giản. Vợ và con của ông, sống một cuộc sống chỉ ở mức “cơm đủ ăn, áo đủ mặc”. Nhưng đối với người bên ngoài, ông và gia đình lại vô cùng phóng khoáng, thường xuyên bố thí, cứu giúp người nghèo khổ.

Dạy con sống giản dị

Lúc ở Tô Châu, Phạm Trọng Yêm mua một ngàn mẫu ruộng tốt ở vùng ngoại ô để nuôi sống những người dân bần cùng. Phạm Trọng Yêm thường xuyên dạy con phải sống giản dị, tiết kiệm. Ông thường nói: “Lúc bần hàn, ta đã cùng mẹ của các con phụng dưỡng bà nội. Bởi vì trong nhà nghèo khó nên đã không thể phụng dưỡng tốt cho bà nội được. Hiện giờ đã có bổng lộc cao hơn, có điều kiện để phụng dưỡng tốt thì bà lại không còn sống trên đời nữa. Mẹ của các con cũng sớm qua đời, đây là chuyện làm ta đau lòng nhất. Cho nên, ta sao có thể để các con sống xa hoa thoải mái được, đó là vui hưởng phú quý mà quên mất cái gốc.”

Ngày cưới của Phạm Thuần Nhân, bởi vì cô dâu có phần xinh đẹp hơn người nên Phạm Thuần Nhân rất vui vẻ, dùng tơ lụa đắt tiền làm màn. Việc này đối với những gia đình quan lại khác là một việc bình thường, nhưng đối với Phạm Trọng Yêm thì lại là một việc không vui. Ông nghiêm khắc nói với con trai: “Tơ lụa quý là dùng để làm màn sao? Nhà chúng ta xưa nay sống thanh bần giản dị, sao con có thể tùy tiện phá hủy gia pháp như vậy được? Con nếu dám lấy lụa quý làm màn, cha sẽ ở ngay trong sân mà đốt nó đi!”

Dưới sự quản giáo nghiêm khắc của Phạm Trọng Yêm, gia đình họ Phạm trước sau đều giữ gìn được nếp sống thanh bần, giản dị. Không chỉ thế, các con của Phạm Trọng Yêm chịu ảnh hưởng từ cách sống của ông nên cũng rất yêu thích giúp đỡ người khác, vui với việc trợ giúp người nghèo. Họ luôn lấy cha làm tấm gương để học hỏi, noi theo.

Dạy con biết làm việc nghĩa

Thời Phạm Trọng Yêm còn làm quan ở Tuy Dương, một lần ông đã sai con trai Phạm Thuần Nhân đến Tô Châu để vận chuyển một thuyền lúa. Lúc ấy Phạm Thuần Nhân còn rất trẻ. Khi anh ta vận chuyển thuyền lúa về đến Đan Dương thì gặp người bạn cũ tên là Thạch Mạn Khanh. Phạm Thuần Nhân hỏi anh ta: “Tại sao anh ở lại đây lâu như vậy?”

Thạch Mạn Khanh đáp: “Nhà tôi đang có tang nhưng không có tiền để đưa linh cữu về quê nhà.”

Phạm Thuần Nhân nghe xong, liền cho Thạch Mạn Khanh nguyên cả thuyền đầy lúa, để anh ta có tiền về quê.

Phạm Thuần Nhân trở về nhà, không biết thưa chuyện với cha thế nào nên đứng mãi bên cạnh cha thật lâu không nói gì.

Phạm Trọng Yêm thấy vậy, hỏi: “Con lần này đến Tô Châu, có gặp người bạn nào không?”

Phạm Thuần Nhân trả lời: “Khi đi ngang qua Đan Dương, con tình cờ gặp Thạch Mạn Khanh. Cậu ấy đang có tang người thân nhưng không có tiền để đưa linh cữu về quê, nên bị mắc lại ở đó”.

Phạm Trọng Yêm liền nói với con: “Vậy sao con không lấy hết thuyền lúa mà tặng cho cậu ấy?”

Phạm Thuần Nhân nghe thấy cha nói vậy, trong lòng cảm thấy mừng rỡ, trả lời: “Thưa cha! Con đã tặng cả thuyền lúa cho cậu ấy rồi”.

Phạm Trọng Yêm nghe con trai nói xong thì rất vui vẻ, khen con làm vậy là rất đúngBcKCN8

Từ sau sự việc đó, người đời đều hiểu rằng, gia phong của Phạm Trọng Yêm đã được truyền cấp thành công cho con trai ông rồi.

Đào tạo nên những con người tài đức

Mặc dù quyền cao chức trọng, bổng lộc lớn, nhưng Phạm Trọng Yêm không để lại tiền của cho con cái, mà toàn bộ dùng vào việc thiện, cứu khổ phò nguy, truyền đức nhân, lấy việc thiện làm vui cho con cháu. Con trai cả của ông là Phạm Thuần Hữu mới 16 tuổi đã theo cha chinh chiến với Tây Hạ, lập được chiến công liên tiếp, là trợ thủ đắc lực của cha. Con trai thứ Phạm Thuần Nhân sau này làm Tể tướng, suốt 50 năm làm quan luôn tận tụy với trách nhiệm công tác. Người con thứ 3 là Phạm Thuần Lễ làm quan tới Thượng thư. Con trai thứ 4 Phạm Thuần Túy làm tới Thị lang bộ Hộ.

Tất cả những người con của Phạm Trọng Yêm đều chịu ảnh hưởng của cha, lời nói và việc làm đều gương mẫu, đều là những người chính nghĩa, dám nói thẳng, yêu thương dân. Họ đều nổi tiếng thanh liêm, tác phong giản dị, trước sau như một. Những bổng lộc làm quan họ đều dùng hầu hết vào việc thiện, cứu khốn phò nguy, tiếp bước và mở rộng thêm chí hướng của cha, trong khi cuộc sống của bản thân họ và gia đình lại vô cùng giản dị.

Làm cha mẹ, ai cũng muốn để lại cho con cháu những gì tốt đẹp nhất. Nhưng thực ra, dù có chu cấp tiền của nhiều đến đâu cũng chỉ là vật ngoài thân, giáo dục coi trọng Đức hướng thiện mới đúng là mang lại phúc báo lâu dài cho con cái. Bởi vậy mà giáo dục trong các gia đình thời xưa đều lấy việc dạy luân lý đạo đức làm cốt lõi cao nhất.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: