Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư đến Thăng Long, đánh dấu thời kỳ văn minh phát triển đến cực thịnh. Đến thời vua Lý Thái Tông thì Vua lập ra “Hình thư”, bộ luật thành văn đầu tiên của đất nước.

Nhu cầu về một bộ luật thành văn

Khi vua Lý Thái Tông lên ngôi, vì không có luật định rõ ràng nên nhiều vụ án dù cùng một tội nhưng các nơi lại xử khác nhau, khiến người bị xử nặng, người bị phạt nhẹ, lòng người không phục.

Năm 1042, Vua sai Trung thư san định luật lệ, biên thành sách gọi là “Hình thư”. Ngô Sĩ Liên có ghi chép lại rằng:

“Trước kia, trong nước, việc kiện tụng phiền nhiễu, quan giữ việc hình câu nệ luật văn, cốt làm khắc nghiệt, thậm chí bị oan uổng. Vua lấy làm thương xót, sai sửa định luật lệnh, châm chước cho, thích dụng với thời bấy giờ, chia ra môn loại, biên ra điều khoảng làm sách hình luật của mọi triều đại để cho người xem dễ biết. Sách làm xong, chiếu ban ra cho thi hành. Dân đều lấy làm tiện”.

Bộ luật “Hình thư” ra đời thay thế cho các quy chế, luật lệ, chiếu chỉ trước đó. Việc áp dụng bộ luật này khiến cho việc xử án trở nên công bằng hơn.

“Hình thư” có 3 quyển, tiếc rằng đến nay đã thất truyền, chỉ có thể từ pháp lệnh cũng như các vụ án được ghi chép lại để tìm hiểu.

Theo những ghi chép từ “Đại Việt Sử ký Toàn thư” thì bộ luật “Hình thư” có tính pháp điển quy định về tổ chức Triều đình, quan lại và hệ thống quân đội. Bộ luật này cũng đưa ra những quy định về sở hữu và mua bán đất đai, tài sản, các quy định về thuế. “Hình thư” cũng định tội và đưa ra quy định trị tội đối với những hành vi gậy nguy hiểm cho xã hội.

Đặc biệt là dựa trên văn minh Phật giáo đang phát triển thời bấy giờ, “Hình thư” đưa ra những tội nằm trong “thập ác”, bao gồm:

  • Mưu phản: làm nguy xã tắc.
  • Mưu đại nghịch: làm nguy tông miếu, cung khuyết.
  • Mưu bạn nghịch: nổi loạn theo giặc.
  • Ác nghịch: đánh giết ông bà cha mẹ.
  • Bất đạo: giết người vô tội.
  • Đại bất kính: dùng những đồ dành riêng cho vua, trộm và giả mạo ấn vua.
  • Bất hiếu: mắng chửi hay không để tang ông bà cha mẹ.
  • Bất mục: đánh giết những người thân thuộc gần.
  • Bất nghĩa: dân giết quân, trò giết thầy, lính giết tướng, con giết cha.
  • Nội loạn: thông dâm với họ hàng thân thiết, thiếp của ông hay cha.

(Theo Đại cương lịch sử Việt Nam)

Người thời đó nếu phạm phải tội trong “thập ác” thì không được phép chuộc tội, còn lại phạm tội khác thì được phép nộp tiền bù đắp để chuộc tội.

Vì sao tạo ra luật?

Ngày nay nhiều người cho rằng đến thời nhà Lý, do xã hội phát triển văn minh nên mới hình thành được bộ luật đầu tiên của đất nước. Nhưng nhìn lại lịch sử, ban đầu vốn không có luật định, chỉ có các nguyên tắc hay quy định đơn giản để đối nhân xử thế trong xã hội, như thế cũng đủ để xã hội tuân theo đó mà ổn định.

Khi xã hội ngày càng tạp loạn thì con người ngày càng trở nên phức tạp, chỉ lo bảo vệ lợi ích bản thân và gia đình mình, vì thế các quy định cũng ngày càng phức tạp hơn. Dần dần những quy tắc đưa ra không đủ sức để ổn định xã hội nữa.

Xã hội phức tạp, nhiều người chỉ vì bản thân mình, chuẩn mực đạo đức đi xuống khiến các vụ án nhiều hơn, khó phân xử hơn, đòi hỏi phải có một bộ luật thành văn mới có thể ổn định được xã hội. Từ đó mà “Hình thư” ra đời.

Sự ước chế cao hơn luật pháp

Việc ra đời của một bộ luật có thể khiến người ta không dám có những hành vi sai trái, nhưng họ không dám làm điều gì xấu là do sợ bị phạt theo luật định chứ không phải là do chuẩn mực đạo đức tốt lên. Khi không ai nhìn thấy hoặc khi tìm ra kẽ hở thì người ta vẫn làm điều xấu. Vì thế bộ luật chỉ có ý nghĩa răn đe khiến người tra không dám làm điều gì xấu chứ không có tác dụng giáo dục hay nâng cao đạo đức con người.

Hiểu được điều này, các Vua khai quốc thời Lý phát triển mạnh Phật giáo, các chùa chiền được xây dựng ở khắp nơi. Các Vua khai sáng nhà Lý là Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông đều là những người tu luyện. Họ muốn dùng Phật Pháp giáo hóa muôn dân, khiến lòng người hướng thiện, tự bản thân ước chế được tâm mình, không nghĩ điều xấu, không làm điều xấu. Niềm tin vào tín ngưỡng giúp đạo đức thăng hoa, xã hội ổn định chứ không phải là luật pháp.

Từ bộ luật thành văn đầu tiên của Đại Việt nhìn lại lịch sử
Vua Lý Thái Tổ cho tu sửa chùa Quỳnh Lâm. (Ảnh: Yeudongtrieu, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)
Từ bộ luật thành văn đầu tiên của Đại Việt nhìn lại lịch sử
Vua Lý Thánh Tông cho xây dựng chúa Báo Thiên. (Ảnh: Emile Gsell, Manhhai Flickr, Public Domain)

Theo dòng lịch sử

Nhìn lại lịch sử, những thời kỳ huy hoàng nhất của dân tộc kỳ thực đều gắn liền với niềm tin tín ngưỡng.

Thời nhà Đinh, Tiền Lê tín ngưỡng Phật Pháp, các thiền sư như Khuông Việt, Đạo Hạnh… đều được nhà Vua tin tưởng hỏi ý kiến trị quốc, nhờ đó mà đánh bại ngoại xâm, ổn định lòng người.

Thời nhà Lý thì các vị Vua khai quốc đều là người tu luyện, dùng Phật Pháp trị quốc khiến văn minh phát triển rực rỡ, Giang Sơn hùng mạnh.

Thời nhà Trần, các vị Vua khai quốc cũng đều là người tu luyện, dùng Phật Pháp giáo hóa muôn dân, Giang Sơn hùng mạnh mà 3 lần đánh bại đại quân Nguyên Mông vốn hùng bá khắp thế giới.

Thời Hồng Đức thịnh trị là thời vua Lê Thánh Tông dùng Nho giáo trị quốc, phát triển mạnh giáo dục, đất nước có được hiền tài mà hùng mạnh, bờ cõi mở rộng, lân bang không dám xâm phạm.

Thời kỳ Đàng Trong, các chúa Nguyễn dùng Phật Pháp ổn định lòng dân, trải qua 200 năm 8 đời chúa Nguyễn, lãnh thổ Đàng Trong kéo dài từ vùng đất Thuận Hóa – Quảng Nam đến tận vùng cực nam, định hình nên nước Việt ngày nay.

Có thể thấy những thời kỳ huy hoàng nhất của dân tộc đều có chung đặc điểm là niềm tin tín ngưỡng giúp đạo đức thăng hoa mà hùng mạnh, mở rộng bờ cõi, lân bang e sợ.

*

Đến thời kỳ lịch sử sau này, các bộ luật Hồng Đức thời nhà Lê, luật Gia Long thời nhà Nguyễn quy định chặt chẽ và nghiêm khắc hơn. Ngày nay, luật pháp càng thêm nhiều quy định và chi tiết hơn trước đến mức hoàn thiện. Tuy nhiên điều gì đã xảy ra?

Trong sử Việt đã có những thời kỳ ghi chép rằng: “Ngủ đêm mọi nhà không phải đóng cửa, hầu như không có trộm cắp”. Kỳ thực chỉ gần trăm năm trước thôi, người ta cũng không phải cửa khóa, then cài. Nhưng dường như điều này ngày nay không có?

Luật pháp ngày nay dù ngày càng hoàn thiện, nhưng không quản được tâm của người. Người ta lại đi ngược với văn hóa truyền thống, tôn sùng vô Thần, đấu tranh giai cấp, tôn sùng hưởng thụ. Nhiều người không làm việc gì xấu không phải do họ là người tốt mà là do sợ làm điều xấu sẽ bị trị tội theo luật định. Họ luôn tìm ra kẽ hở của luật pháp, khi không có ai biết thì sẵn sàng phạm tội vì lợi ích cá nhân.

Nếu đạo đức có thể nâng cao, một khi nhân tâm được quy chính, ai ai cũng tự xem xét bản thân mình, thì không ai nghĩ đến việc xấu có hại cho người khác. Muốn đạo đức thăng hoa trở lại thì cần có niềm tin tín ngưỡng, quay về với các giá trị phổ quát trong văn hóa truyền thống của dân tộc.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: