Tử Cấm Thành được xem là quần thể kiến trúc cung điện hoàng gia lớn nhất thế giới, chiếm diện tích 720.000m2 với rất nhiều gian cung điện lầu các, khí thế huy hoàng. Vì đây là một quần thể kiến trúc cực lớn, có lẽ không ít người sẽ tự hỏi số lượng gian phòng trong Tử Cấm Thành là bao nhiêu.

Vì sao Tử Cấm Thành chưa bao giờ ngập úng?
(Ảnh: Chuyuss, Shutterstock)

Liên quan đến số lượng gian phòng trong Tử Cấm Thành, từ trước đến nay có nhiều tư liệu không đồng nhất. Có tư liệu nói Tử Cấm Thành bao gồm 9999 gian phòng, có tư liệu lại nói Tử Cấm Thành có 9999 gian rưỡi, còn có tư liệu cho rằng Tử Cấm Thành có hơn một vạn gian phòng.

Trong “Cố Cung tùng đàm” của tác giả Tiêu Chính Văn có viết: “Theo thống kê của chuyên gia thực địa kiến trúc cổ, trong Cố Cung tất cả phòng ốc lớn nhỏ, bao gồm điện, đường, lâu, trai, các… là 8707 gian. Bởi vậy nói phòng trong Cố Cung có 9999 gian rưỡi là không chính xác, chỉ là truyền thuyết mà thôi”.

Hay trong “Cố Cung sử thoại” của tác giả Đan Sĩ Nguyên cũng viết: “Theo các học giả lịch sử khảo chứng, Cố Cung vốn có hơn một vạn gian phòng, trải qua thời gian lâu dài, một số phòng bị mục nát, sập đổ hoặc bị thiêu cháy, nhưng đại thể số lượng gian phòng vào khoảng hơn 8000. Năm 1972, các chuyên gia kiến trúc cổ căn cứ theo tiêu chuẩn thông hành ‘tứ trụ nhất gian’ để tiến hành thống kê toàn diện số lượng gian phòng trong Cố Cung, kết quả là Cố Cung có hơn 90 sân lớn nhỏ, phòng ốc có 980 toà và số phòng là 8707 gian.”

Thiết kế truyền thống thời xưa là “tứ trụ nhất gian”, phòng ốc trong Tử Cấm Thành cũng được xây dựng theo kiến trúc này. Tùy thuộc vào khoảng cách giữa bốn trụ dài ngắn khác nhau mà tạo thành các gian phòng có diện tích lớn nhỏ khác nhau. Có phòng lớn, có phòng nhỏ, nhưng không có khả năng tồn tại nửa phòng. Như vậy cách nói Tử Cấm Thành có 9999 gian rưỡi là xuất phát từ đâu? Có mấy loại thuyết pháp.

Vì sao Tử Cấm Thành chưa bao giờ ngập úng?
Các kiến trúc chính trong Tử Cấm Thành. (Tranh: Henry Pei, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Thuyết pháp thứ nhất: Vào thời điểm trước khi tu kiến Tử Cấm Thành, Minh Thành Tổ dự định tổng số lượng gian phòng trong Tử Cấm Thành là một vạn. Đó là vì Hoàng đế muốn lấy ý nghĩa “vạn thọ vô cương” (sống lâu muôn tuổi), “vạn sự như ý”, “vạn tái tường hòa” (vạn năm an lành, hòa bình), “vạn phúc vạn lộc” để biểu thị. Ngoài ra lựa chọn số lượng gian phòng lớn sẽ khiến quần thể kiến trúc thể hiện ra khí khái oai phong của Hoàng gia.

Nhưng tương truyền rằng đến thời điểm khởi công, Minh Thành Tổ nằm mơ. Trong mộng, Ngọc Hoàng triệu kiến Minh Thành Tổ đến Lăng Tiêu Điện, nói rằng chỉ Thiên Cung mới có một vạn gian phòng, cho nên phòng ốc trong Hoàng cung ở nhân gian không thể vượt quá một vạn.

Minh Thành Tổ không dám kháng mệnh, nên khi tu kiến Tử Cấm Thành đã cắt bớt đi nửa gian, còn lại 9999 gian rưỡi. Đây là truyền thuyết dân gian.

Xoay quanh con số “vạn” này, còn có một chuyện. Đó là từ thời Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, Chu Nguyên Chương đã hỏi nhà tiên tri, vị quân sư khai quốc Lưu Bá Ôn về vận mệnh của nhà Minh. Lưu Bá Ôn đã đáp: “Vạn tử vạn tôn” (“Số trời mênh mông, ta là chủ vạn con vạn cháu, hà tất phải hỏi”). Mặc dù trong lòng Chu Nguyên Chương hiểu đạo lý rằng không một triều đại nào có thể tồn tại mãi mãi, nhưng khi nghe được câu trả lời của Lưu Bá Ôn, Hoàng đế cũng không hỏi thêm nữa. Kỳ thực Lưu Bá Ôn ẩn ý rằng giang sơn triều Minh sẽ truyền tới Hoàng đế Sùng Trinh, tức Vạn Lịch Hoàng đế. (Xem thêm: Ba bức tranh tiên tri Lưu Bá Ôn để lại cho Hoàng đế Minh mạt Sùng Trinh)

Tử Cấm Thành có tổng cộng 9999 gian phòng?
(Ảnh: HelloRF Zcool, Shutterstock)

Thuyết pháp thứ hai: Việc tu kiến Tử Cấm Thành do Lưu Bá Ôn chủ trì. Minh Thành Tổ muốn thể hiện sự chí cao vô thượng của Đế vương, và cũng để biểu minh lòng kính ngưỡng đối với Trời nên đã lệnh cho tu kiến Hoàng thành bao gồm 9999 gian rưỡi. Nhưng khi Lưu Bá Ôn chủ trì mua sắm vật liệu và sai khiến dân công thì cảm thấy cuộc sống của dân chúng khổ cực, trong khi Hoàng gia lại xây dựng rất rầm rộ. Trong lòng ông nghĩ: “Việc xây dựng như thế này cần phải mất bao nhiêu lượng bạc nữa đây?”

Thế là Lưu Bá Ôn âm thầm đem bản vẽ thiết kế Hoàng cung sửa lại. Do đó số lượng phòng giảm đi hàng trăm gian. Lưu Bá Ôn nghĩ: “Tử Cấm Thành rộng lớn như vậy, điện phủ bên trong rốt cuộc có bao nhiêu, ai mà đếm được? Ta nói bao nhiêu thì là bấy nhiêu.” Vì vậy, sau khi tu kiến xong, Lưu Bá Ôn liền bẩm báo với Hoàng Đế rằng Tử Cấm Thành có tất cả 9999 gian phòng rưỡi. Minh Thành Tổ tin lời Lưu Bá Ôn nói là thật. Và cũng từ đó có thuyết pháp 9999 gian phòng rưỡi.

Các tư liệu lịch sử và thực địa cho thấy trong Tử Cấm Thành, kiến trúc một gian phòng cũng không phải lúc nào cũng hoàn toàn theo nghĩa truyền thống, mà còn bao gồm cả điện, đường, cung, lâu, hiên, các, trai… Với quy mô to lớn, loại hình kiến trúc hoàn bị, hoa lệ, Tử Cấm Thành luôn khiến người tham quan cảm thán không dứt.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: