Trở thành hào phú giàu có nhất miệt Lục tỉnh, ông Trạch bắt đầu việc thu mua đất trong thời gian dài. Đến thập niên 1930-1940, ông Trạch đã có 200.000 héc-ta đất, kể cả đất ruộng và làm muối, tức gần 3 lần quốc đảo Singapore ngày nay.

Thu mua đất

Dân gian kể rằng ông Trạch mua lại những phần đất của anh chị em bên vợ, đất của những điền chủ thất cơ lỡ vận. Có người kể rằng ông cũng giao dịch mua lại sòng phẳng đất của các hộ xung quanh. Cũng có người cho rằng những hộ không muốn bán thì ông lại ép buộc họ phải bán lại đất. Dẫu sao đó là chuyện đồn đại nên không thể biết chính xác. Thực tế là đất của gia đình ông cứ mở rộng mãi không ngừng.

Ông Trạch cho xây ngôi nhà đẹp nhất miền Tây lúc đó, với 2 tầng, 2 đại sảnh do kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Toàn bộ vật liệu đều chở từ Pháp sang, trang trí nội thất như đồ sứ và gỗ được đưa từ Trung Quốc đến.

Hội đồng Trạch

Năm 1914, chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, Đức tấn công Pháp, liên quân Anh – Pháp cùng chống lại Đức. Tại Việt Nam, chính quyền Pháp đưa ra khẩu hiệu “Rồng Nam phun bạc diệt Đức tặc” kêu gọi các phú hộ ủng hộ tiền bạc giúp quân Pháp.

Ông Trạch đã ủng hộ với một số tiền rất lớn, tương đương 10.000 lượng vàng, tức gần 400kg vàng vào lúc đó. Chính quyền Pháp trao cho ông “Ân thưởng Ngũ đẳng Bội tinh” (Légion d’honneur), đồng thời thu xếp cho ông đắc cử vào Hội đồng Tư vấn Mật viện. Từ đó ông có thêm tên khác là “Hội đồng Trạch”.

Chủ tịch Ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam

Đầu thế kỷ 20, các công ty quan trọng ảnh hưởng đến nền kinh tế Nam kỳ đều là của Pháp và người Hoa. Chính vì thế tiếng nói của người Việt trong Hội đồng thành phố yếu hơn cộng đồng người Pháp và người Hoa.

Những người Việt có tinh thần dân tộc xác định rằng người Việt cần có ảnh hưởng kinh tế, từ đó mới có tiếng nói trong Hội đồng thành phố.

Tháng 11/1926, một số doanh nhân, nhà báo, điền chủ và trí thức đã họp tại trụ sở của Hội kỹ nghệ và doanh nhân An Nam tại số 76 rue La Grandière (nay là đường Lý Tự Trọng Sài Gòn) để thành lập Công ty Tín dụng An Nam (còn có tên khác là: Việt Nam ngân hàng).

Từ cậu bé ở đợ đến hào phú giàu có bậc nhất Nam kỳ Lục tỉnh (P2)
Trụ sở Công ty Tín dụng An Nam (Việt Nam Ngân hàng) ở góc Boulevard Charner và Ohier, Sài Gòn (nay là góc đại lộ Nguyễn Huệ và Tôn Thất Nghiệp) (Ảnh: Manhhai, Flickr)

Ông Lê Văn Gồng ban hành điều lệ hoạt động và cũng là người chủ trì cuộc họp quan trọng này. Cuộc họp cùng thống nhất thành lập Ngân hàng Việt Nam với số vốn 250.000 đồng bạc từ 10.000 cổ phần, mỗi cổ phần 25 đồng. Sau đó kêu gọi người Việt cùng tham gia mua cổ phần.

Tháng 8/1927, tại cuộc họp Đại hội cổ đông, ông Trần Trinh Trạch quyết định tham gia góp vốn và trở thành cổ đông lớn nhất, trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông Lê Văn Gồng làm giám đốc. Công ty Tín dụng An Nam (Việt Nam ngân hàng) là Ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam.

Ngân hàng hoạt động với tôn chỉ là “làm vẻ vang cho xứ mình”. Thành lập năm 1927, sau 12 năm hạt động Ngân hàng đã tăng trưởng hơn 5 lần.

Từ cậu bé ở đợ đến hào phú giàu có bậc nhất Nam kỳ Lục tỉnh (P2)
Quảng cáo của công ty tín dụng An Nam (Việt Nam Ngân hàng) trên báo Sài Gòn, 26/2/1935. (Ảnh tư liệu)

Làm việc thiện vào cuối đời

Lúc về già, ông Trạch cảm thấy có những việc mình làm trước đây là không phải, nên quyết định làm nhiều việc thiện.

Các dịp mừng thọ khi 50 tuổi, 60 tuổi, 70 tuổi, ông cho xét hết các giấy nợ của tá điền, xóa nợ cho hộ dân, đồng thời lại phát tiền của lúa gạo cho người nghèo. Mỗi lần như thế người dân Bạc Liêu đều vui mừng. Không chỉ ở Bạc Liêu, ông Trạch cũng làm từ thiện khắp cả nước.

Từ quan điểm của người Pháp, nhà nghiên cứu Pierre Procheux đã viết về ông Trạch trên một tờ báo Pháp như sau: “Ông Trần Trinh Trạch nổi tiếng nhất về các đóng góp xã hội như xây cất Cư xá Đại học Đông Dương ở Hà Nội và vận động lạc quyên giúp quỹ cứu trợ Pháp quốc”.

Năm 1943, ông Trần Trinh Trạch mất sau khi mừng thọ 70 tuổi.

Con cháu

Là một hào phú giàu có, nhưng ông Trạch không giáo dục con cái được tốt. Các con của ông nổi tiếng ăn chơi. Người con được ông kỳ vọng nhất là Trần Trinh Huy được chiều chuộng, trở thành cậu ấm ăn chơi, sau này được gán cho cái tên “công tử Bạc Liêu”. Gia sản cũng theo đó mà vơi đi dần.

Năm 1970, con cháu ông Trần Trinh Trạch phải bán căn nhà cuối cùng được 28 cây vàng. Số vàng này chia cho mỗi gia đình để tự mưu sinh.

Tài sản khổng lồ của hào phú Trạch tiêu tán chỉ sau chưa đầy 30 năm. Điều này quả đúng với những câu nói của cổ nhân: “Để lại cho con bạc vàng đầy kho, cũng không bằng dạy con một pho kinh sách”; “Bình yên lo lúc nguy khốn, tiết kiệm biết tránh xa hoa”.

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: