Đức thực sự là lấy Đại Đạo làm hạt nhân, làm chuẩn tắc. Nếu rời khỏi Đại Đạo, tuy vẫn là tên gọi ấy, nhưng đã không còn là Đức nữa. Do đó thủ Đức, cần phải duy trì Trung Dung, Đức Trung Dung mới là Đức thực sự. “Đại Đạo vi tông, Đức bất tương hại”, lấy Đại Đạo làm tôn chỉ, không có xung đột với chỉnh thể, không hại lẫn nhau thì mới là Đức. Để làm rõ ý này, hãy nhìn lại hai điển cố khá nổi tiếng trong sách cổ.

Từ hai điển cố suy ngẫm lại về đạo Trung Dung
(Tranh minh họa: Họa sĩ Cừu Anh đời Minh, Public Domain)

Câu chuyện “Vĩ Sinh ôm cột” kể rằng thời Xuân Thu, nước Lỗ có một thanh niên tên là Vĩ Sinh, hẹn gặp mặt với một cô gái ở dưới cầu. Khi đến giờ hẹn, cô gái không tới, lúc này nước sông dâng cao, để giữ lời hứa Vĩ Sinh ôm chặt chân cột dưới cầu không chịu rời, cuối cùng bị chết đuối.

Điển cố này rất nổi tiếng trong lịch sử, đầu tiên có ghi trong Trang Tử, sau có trong Sử ký, được người đời trong các thời đại ca tụng là khuôn mẫu trong việc giữ lời hứa, và từ đó phát triển thành thành ngữ: “Vĩ Sinh bão trụ, Vĩ Sinh chi tín” (Vĩ Sinh ôm cột, cái tín của Vĩ Sinh).

Tuy nhiên Đức của Vĩ Sinh có đúng là Đức không?

Thứ nhất: Nam nữ độc thân hẹn gặp dưới gầm cầu, đây là việc không đúng lễ, vi phạm Lễ Đức.

Thứ hai: Nữ nhân tới thời gian đã hẹn mà không tới, thì dĩ nhiên là thất ước, nhưng có thể do nguyên nhân đặc thù hoặc gặp phải nhân tố bất khả kháng nào đó chăng? Vĩ Sinh cứ như vậy ôm cột mà chết, tất nhiên anh ta không thất tín, nhưng anh ta có nghĩ cho cô gái kia không? Anh ta đã hãm cô gái vào tình huống bội tín bội nghĩa, vô tình vô nghĩa, hại đến tính mạng người. Anh ta chỉ cố chấp vào chữ Tín của mình, mà không chú ý tới người khác, không thể nghĩ đến người khác, không có lòng khoan thứ bao dung, vi phạm Đức nhân từ, khoan thứ.

Thứ ba: Nước sông dâng nhanh, nhưng Vĩ Sinh hoàn toàn có thể chui khỏi gầm cầu, chạy lên trên cầu, hoặc tránh sang nơi cao gần đó, tức là có thể trông thấy cây cầu, giữ mình không bị ngập, lại có thể giữ được Tín, mà không làm tổn hại đến Đạo Đức người khác, cớ sao mà không làm? Sao cứ nhất mực cầu chết một cách quá cố chấp như thế? Đây là phạm vào Trí.

Thứ tư: Xả sinh thủ nghĩa (quên mình vì nghĩa), xả thân tử vì Đạo là một Đức hạnh to lớn phi thường, nhưng phải trân quý sinh mệnh, tuyệt đối không thể coi rẻ sinh mệnh, cân nhắc chết vậy có đáng không? Nếu vì Đại Đạo, vì quốc gia, vì hạnh phúc của chúng sinh mà chết, để đạt được mục đích đạo nghĩa, thì cái chết có ý nghĩa, cái chết thật vĩ đại. Nhưng Vĩ Sinh chỉ vì lỗi lầm của một người con gái mà chết (người con gái sai hẹn), cái chết có thể nói là hèn hạ. Người ta sinh ra giữa Trời đất, chưa nói đến việc không trân trọng sự an bài và ban ân của Trời đất Thần linh, chí ít thân thể tóc da là do cha mẹ ban cho, không được làm tổn hại, thì tối thiểu cũng đã trái với Hiếu Đức.

Theo phân tích trên, Vĩ Sinh ôm cột đã vi phạm Đạo Trung Dung. Anh ta một mình cường điệu chữ Tín, đi sang cực đoan, tổn hại chỉnh thể của Đức hạnh, xa rời Đại Đạo.

Tiếp theo là câu chuyện Ngu Công dời núi. Câu chuyện này ghi trong Liệt Tử, đại ý như sau:

Câu chuyện kể rằng, tại phía nam Ký Châu, bờ bắc Hoàng Hà, có hai ngọn núi cao tên là Thái Hành và Vương Ốc. Ở phía bắc của hai ngọn núi có một ông lão tên là Ngu Công, tuổi đã gần 90. Hai ngọn núi cản trở đường đi, dù ra hay vào đều phải đi đường vòng rất xa, khiến Ngu Công vô cùng băn khoăn. Ông quyết định kiên nhẫn san bằng được hai ngọn núi này, lại gọi con cháu cùng làm. Dù ở độ tuổi gần đất xa trời, nhưng ông lão Ngu Công không vì tuổi già sức yếu mà khoanh tay đứng nhìn. Ông tâm niệm “tích tiểu thành đại”, cho dù mỗi ngày chỉ có thể dời đi một chút đất đá, nhưng cứ kiên nhẫn thì các thế hệ con cháu của ông sẽ thành công. Tinh thần và ý chí kiên định của Ngu Công đã làm cảm động Thiên đế. Ngài bèn lệnh cho con trai của Đại lực thần Khoa Nga Thị di dời hai ngọn núi này giúp ông.

Vậy Đức Nhẫn của Ngu Công có đúng là Đức không?

Ngu Công ở dưới chân hai ngọn núi Thái Hàng và Vương Ốc, thấy rằng hai ngọn núi này chặn đường của ông, làm ông không tiện đường đi. Vậy là ông xuất ra một cử chỉ cuồng vọng muốn san bằng hai ngọn núi lớn. Nếu chỉ vì hai ngọn núi chắn đường, thì chuyển nhà có được không? Sao cứ phải dời núi? Theo cách đó mà làm, chẳng phải núi cao khắp thế gian đều phải san bằng?

Đầu tiên, Ngu Công làm vậy là vi phạm Đạo tự nhiên, phá hoại môi trường sinh thái. Chỉ vì tư lợi mà cuồng vọng dời núi lấp biển, ngạo mạn trước tự nhiên cao rộng, lấy khẩu hiệu cải tạo tự nhiên, vô tri phá hoại tự nhiên, phá hoại môi trường.

Thứ hai, Ngu Công chỉ vì cái lợi của mình mà làm hại con cháu muôn đời. Ngu Công dời núi, khi đã hơn 90 tuổi, làm không nổi, nên lệnh con cháu khuân vác gian khổ lao lực, lại còn hại cả trẻ con hàng xóm. Dời chuyển đất đá của hai ngọn núi Thái Hàng, Vương Ốc đem lấp biển Bột Hải, một năm chỉ được một lượt đi về. Khi người khác hảo tâm khuyên ngăn ông vẫn chấp mê bất ngộ, nói rằng quyết làm đến chết, không dời được núi, nhưng sẽ lệnh cho con cháu muôn đời về sau dời tiếp, con cháu thì vô cùng vô tận, chỉ cần không đoạn tử tuyệt tôn, thì sẽ có ngày núi kia san phẳng. Cũng may là Ngu Công chỉ làm hại con cháu của ông ta, người như vậy mà làm quân vương, thì chẳng phải là ngày tàn của thế giới sao?

Cuối cùng Liệt Tử nói, tinh thần cố chấp của Ngu Công đã làm cảm động Thần linh, kết quả là Thần linh đã giúp Ngu Công dời hai ngọn núi sang nơi khác. Đây là sự khinh nhờn đối với Thần linh.

Lão Tử viết “Đại Trí giả nhược ngu” (Người đại tài trí thì trông vẻ ngoài đần độn), Liệt Tử có thể là muốn biểu đạt ý này, nhưng tầng thứ không đủ, không lý giải được ý nghĩa thực sự của Đạo, nên đã đi lệch đường.

Trong câu chuyện này, điều muốn thể hiện là tinh thần kiên trì không thay đổi, không bao giờ từ bỏ của Ngu Công. Ngu Công là mang đức tính này phát huy đến cực điểm. Nhưng bất kỳ Đức tính nào cũng đều không sợ đem nó phát huy tới cùng cực bao nhiêu, điểm mấu chốt là phải đem nó dung nhập vào chỉnh thể mà phát huy, tuyệt đối không thể cô lập nó, nhấn mạnh nó một cách thiên kiến. Nếu ở trong chỉnh thể, thì càng phát huy đến cực điểm càng xuất sắc.

Nếu Ngu Công mang đức hạnh của ông dung nhập vào chỉnh thể mà phối hợp thi hành, thì quả thật là quá xuất sắc; nếu mang tinh thần kiên nhẫn không thay đổi này mà làm việc xấu, thì sẽ phá hoại đến cùng cực, gây tai họa ngàn năm. Đem bất kỳ đức tính nào cô lập lại, thì sẽ mất đi sự cân bằng của chỉnh thể, sẽ vì thiên kiến mà thành ác.

Nếu Ngu Công không dời núi lấp biển, mà làm đường, tận dụng năm tháng cuối đời, đồng thời hiệu triệu cháu con muôn đời, thuận theo thế núi, kết hợp thiên nhiên, làm một con đường, thuận tiện cho dân chúng mưu sinh, lại giải quyết được vấn đề của mình, làm hài hòa thiên nhiên và con người, chẳng phải là mang đức hạnh này phát huy đến hoàn mỹ hay sao? Như vậy mới có thể cảm động được Thần linh trong trời đất, xuất hiện Thần tích, thành tựu đại Đức.

Kỳ thực, rất nhiều sự tình sai biệt ở điểm này, vị tư vị ngã, cô lập nhấn mạnh cá thể, biểu dương cá tính, thì sẽ đi vào cực đoan, trở thành phá hoại. Chỉ có duy trì Trung Dung, mới giữ được vị trí bất bại.

Khi thiên hạ vẫn còn trong Đạo, thì hoàn toàn không có khái niệm Đức. Khi thiên hạ lệch khỏi Đạo, mới sinh ra Đức, Đức là các tiêu chuẩn hữu hình dựa vào Đại Đạo mà kiến lập nên, chỉ có tuân theo Đạo mới là Đức. Thưở ban đầu, nhân loại lệch khỏi Đạo chưa nghiêm trọng, nên Đức rất đơn giản. Thuận theo việc nhân loại càng ngày càng lệch khỏi Đạo một cách nghiêm trọng, tư dục ngày càng nhiều, nên Đức mới sinh ra càng nhiều, sự hình thành càng phức tạp, càng hoàn chỉnh hơn, phân thành nhiều thể loại như: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, Trung, Thứ, Hiếu, Đễ, Cung, Thuận, Trinh, Tiết, Khiêm, Kiệm…

Nội hàm của Nhân là yêu mến, bảo hộ vạn vật trong trời đất, và tình yêu thương to lớn nhất đối với vạn vật chính là làm cho tất cả trở về với Đại Đạo, đạt tới trạng thái hài hòa hoàn mỹ nhất, từ đó mà không còn thống khổ, không còn tai họa.

Nội hàm của Nghĩa là tuân theo Đạo và bảo vệ Đạo.

Từ đây có thể thấy, Nhân có thể sinh ra Nghĩa, Nghĩa có thể sinh ra Nhân. Cũng vậy, Nhân, Nghĩa có thể sinh ra Lễ, Trí, Tín, Trung, Hiếu… chúng đan xen với nhau, hình thành nên một mạng lưới quan hệ toàn tức, đó không phải là quan hệ đơn thuần giữa hai người, động đến một người, là động đến cả chỉnh thể.

Ví như nếu Nhân quá độ, vượt ra khỏi nguyên tắc, thì sẽ sinh ra ác, sẽ tổn hại đến chỉnh thể, khắc chế đến Đức của người khác. Nếu như đối với kẻ thập ác bất xá cũng muốn dùng Nhân để đối đãi, đối với hành vi tà ác phá hoại Đại Đạo, làm tổn hại vạn vật mà dùng Nhân, như vậy Nhân sẽ mất đi chuẩn mực và biên giới, sẽ trở thành Ác, trở thành công cụ bảo hộ dung túng tà ác, tổn hại đến vạn vật thì tất cả Đức bị tổn thất.

Cũng vậy, thủ tín quá độ, cố giữ lời hứa với tà ác, thì cũng trở thành ác. Trung quá độ, trung mà vô Đạo cũng là ác. Bất kỳ cái Đức nào khác, nếu quá độ, đánh mất nguyên tắc, thì đều như vậy.

Tất cả các Đức đều trong sự tương sinh tương khắc, hình thành nên tấm lưới quan hệ, trở thành một chỉnh thể. Bất kỳ Đức nào cũng phải được đặt vào tấm lưới này mà đánh giá, thì mới tránh được thái quá, duy trì cân bằng tổng thể, không rời xa Đại Đạo. Nếu lấy bất kể Đức nào đem ra dùng độc lập, thì sẽ thái quá, phá vỡ cân bằng tổng thể.

Thậm chí có lúc trong chỉnh thể, sẽ hình thành tình huống hai Đức xung đột lẫn nhau. Ví dụ, Trung và Hiếu không thể lưỡng toàn, lúc này nên chọn Đại Đạo, bỏ Tiểu Đạo, chọn lấy Trung mà bỏ Hiếu. Một ví dụ khác là khi phát sinh xung đột giữa Trung quân và bảo vệ Thiên Đạo, thì nhất thiết phải chọn Thiên Đạo mà bỏ Trung quân, đây chính là tuân theo nguyên tắc Đại Đạo vi tông.

Đây cũng giống như thân thể người, lục phủ ngũ tạng, gân cốt thịt da, kinh mạch huyệt vị cùng nhiều thể khác kết cấu cùng nhau mà tạo thành cơ thể con người, chúng là một tổng thể, một thứ tổn thương thì tổn thương tất cả, một thứ thịnh vượng thì tất cả thịnh vượng, không có một bộ phận nào có thể tồn tại đơn độc. Dưỡng sinh của Đông y, là chú trọng đến sự cân bằng của chỉnh thể, có vậy mới đạt khỏe mạnh. Nếu chỉ đơn độc chú trọng một bộ phận nào đó, chăm sóc riêng nó, cuối cùng làm cho nó vô cùng khỏe mạnh, nhưng lại làm tổn hại các bộ phận khác, mà bất kỳ bộ phận nào suy kiệt thì cơ thể người cũng sẽ dẫn đến tử vong, kết quả là bộ phận đó được bồi dưỡng mạnh khỏe đến đâu cũng vô ích, trái lại còn phá vỡ sự cân bằng của cơ thể con người, cùng theo đó mà bị hủy diệt.

Nhiều người cho rằng, Trung Dung chính là vạn sự đều không thể phát triển đến cực điểm. Kỳ thực là ngược lại, đạo Trung Dung nhấn mạnh vạn sự cần phát triển đến cực điểm, đạt tới trạng thái hài hòa hoàn mỹ cực điểm. Mấu chốt là phải dung nhập chỉnh thể mà làm tới cực điểm, không thể cô lập mà làm tới cực điểm, nếu không sẽ thành phá hoại. Khi ta đem sự vật cô lập lại, kỳ thực về căn bản đây chính là cái “tư” đang tác quái, đó cũng chính là nguyên nhân căn bản làm cho thiên hạ lệch khỏi Đại Đạo.

Khổng Tử nói: “Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa”. Kỳ thực đây chính là trí huệ của Trung Dung. Vạn vật trong thiên hạ đều không giống nhau, như vậy mới có thể cấu thành nên thế giới tự nhiên muôn màu muôn sắc, nếu mọi thứ trong thiên hạ đều giống hệt nhau, thì đó quả là điều đáng sợ! Đó là cách thức phát triển của virus và các tế bào ung thư. Duy trì Đạo Trung Dung, bảo trì chỉnh thể hài hòa, thì mới bảo trì được tính đa dạng của vạn vật trong tự nhiên, làm vạn vật không hại lẫn nhau, mỗi cái đều khác nhau, thế giới muôn màu muôn vẻ, đẹp đẽ vô cùng, đây chính là “hòa nhi bất đồng”. Nếu nhấn mạnh một vật một cách thiên kiến đến mức cô cô lập, thì nó sẽ phát triển vô độ, vượt khỏi giới hạn mà bản thân nó nên có, từ đó mà phá hỏng cân bằng của vạn vật, làm vạn vật đều bị nó xâm hại.

Khi vạn vật đều quy về trong Đạo, duy trì Trung Dung, thì đạt đến chỉnh thể thăng hoa, làm tất cả vạn vật đạt tới trạng thái hoàn mỹ cực điểm, xã hội con người đạt tới trạng thái xã hội nửa Thần, hợp nhất cùng Trời Đất, nuôi dưỡng vạn vật.

Trong Trung Dung viết: “Chỉ khi đạt tới trạng thái thiên hạ chí thuần vô tà, mới có thể hiển lộ bản tính tiên thiên, mới làm cho bản tính tiên thiên của con người hiển lộ ra được. Khi bản tính tiên thiên của con người hiển lộ, thì mới làm cho bản tính tiên thiên của vạn vật hiển lộ xuất lai. Làm cho bản tính tiên thiên của vạn vật đều hiển lộ ra, con người mới có thể trở thành một thể với Trời đất, trợ giúp thiên địa nuôi dưỡng vạn vật”.

Do đó thiên hạ nếu thực sự đạt tới Trung Dung, thì sẽ làm nhân loại cùng vạn vật trong tự nhiên cùng nhau thăng hoa, đạt tới cực điểm hài hòa mỹ hảo.

Dựa theo bài viết “Đại Đạo trị quốc: Gương soi Đạo Đức”
Đăng trên Chanhkien.org
Tác giả: Lý Đạo Chân

Xem thêm:

Mời xem video: