Thiên Đàn (Đàn thờ trời) là đàn lớn nhất trong 4 đàn ở Bắc Kinh, được xây dựng vào năm Vĩnh Lạc thứ 18 triều Minh. Diện tích của quần thể kiến trúc Thiên Đàn lớn hơn khoảng 4 lần so với diện tích của Tử Cấm Thành. Đây là nơi các Hoàng đế triều Minh và Thanh làm lễ tế trời. Thiên Đàn được thiết kế theo tư tưởng “Kính Thiên tín Thần”, cả về mặt kiến trúc và nghệ thuật đều thể hiện ra lòng tôn kính trời của người xưa.

Tư tưởng "kính thiên tín thần" trong kiến trúc của Thiên Đàn
Kỳ Niên Điện, kiến trúc nổi tiếng trong Thiên Đàn. (Ảnh: HelloRF Zcool, Shutterstock)

Tòa nhà chính của Thiên Đàn có hình tròn, tượng trưng cho trời tròn. Đỉnh của điện chính được lợp bằng ngói lưu li màu xanh, tượng trưng cho trời xanh. Thiên Đàn có sáu thiên môn, bao gồm các kiến trúc chính như Viên Khâu Đàn (bệ thờ chính, là nơi Hoàng đế làm lễ tế Trời), Hoàng Khung Vũ (nơi đặt các bài vị tế trời vào những ngày không phải dịp tế lễ), Kỳ Niên Điện (nơi Hoàng đế đến cầu vào mùa hè cho mùa màng tươi tốt). Hoàng Khung Vũ cùng Kỳ Niên Điện đều thiết kế theo kiểu hình tròn, phần mái theo kết cấu chóp nhọn cong vút, khiến cho  toàn thể kiến trúc như bay lên trời cao.

Hoàng Khung Vũ và Kỳ Niên Điện được nối với nhau bằng Đan Bệ Kiều. Đan Bệ Kiều bằng phẳng rộng lớn, ở giữa được lát đá trắng, bề mặt hơi lồi lên trên theo hình vòng cung. Con đường này dài 60m, rộng 29m, được phân thành 3 lối đi riêng: Thần đạo là lối đi dành cho Thần thánh, Ngự đạo là lối đi dành cho Hoàng đế và Vương đạo là lối đi dành cho quan viên, đại thần. Một điểm đặc biệt của Đan Bệ Kiều là nó cao dần từ phía Nam lên phía Bắc hàng mét, ngụ ý tượng trưng cho con đường lên trời.

Viên Khâu Đàn là nơi Hoàng đế làm lễ tế Trời. Nó là một đài rỗng hình tròn, gồm có ba tầng, mỗi tầng có chín bậc thềm bằng đá hoa cương có lan can. Số lượng mặt bàn, số lượng bậc thềm, số lượng lan can và số lượng cột trụ đều là bội số của 9. Trong “Kinh Dịch” cho rằng, số 9 là con số chỉ sự tốt lành, may mắn. Cho nên, thông qua số 9, kiến trúc Viên Khâu Đàn muốn nhấn mạnh địa vị tối cao của Trời.

Kinh Troi Thien Dan 04
Viên Khâu Đàn. (Ảnh: Ian & Wendy Sewell, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Đứng trên Viên Khâu Đàn, nhìn ra bốn bên mênh mông rộng lớn, khiến cho người ta có cảm giác như tay chạm được tới trời, chân có thể rời xa mặt đất, như đang đi trên trời vậy. Đứng trên Thiên Tâm Thạch (khối đá hình tròn ở trung tâm của Viên Khâu Đàn) nói chuyện, cho dù chỉ dùng thanh tâm rất nhỏ nhưng lại có thể sinh ra tiếng vọng rất lớn. Điều này khiến con người cảm nhận được rằng: “Nói nhỏ ở nhân gian, trời nghe thấy như sấm”. Đây cũng là lời cảnh tỉnh của người xưa.

Hoàng Khung Vũ là một cung điện nhỏ, gồm một tầng hình tròn. Đây là nơi đặt các bài vị thần tế trời vào những ngày thường. Xung quanh Hoàng Khung Vũ có một bức tường quây thành hình tròn, đây chính là bức vách hồi âm nổi tiếng. Vách hồi âm này hết sức kỳ diệu, nếu đứng ở một bên, chỉ cần nói nhỏ là ở bên kia có thể nghe rõ mồn một.

Kinh Troi Thien Dan 03
Hoàng Khung Vũ. (Ảnh: Maros Mraz, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Kỳ Niên Điện là nơi Hoàng đế đến cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Đây là một tòa điện lớn hình tròn có ba tầng mái, lợp ngói lưu li màu xanh, phần chóp mái được đúc bằng kim loại vàng, có các hoa văn tinh xảo, cao 38m, đường kính dài 32m, vừa hùng vĩ vừa đồ sộ, khiến cho người ta có một loại khí thế  vươn lên.

Đỉnh của Kỳ Niên Điện được lợp bằng ngói lưu li màu xanh đậm, tương phản với màu xanh nhạt của bầu trời. Điều này càng thể hiện ra sự sáng tỏ và trong trẻo của bầu trời. Kiến trúc của Kỳ Niên Điện gắn liền với nền văn hóa nông nghiệp. Bốn trụ thông thiên trong điện tượng trưng cho bốn mùa trong năm, 12 cột ở bên ngoài mái hiên của tầng một tượng trưng cho 12 tiếng đồng hồ trong ngày, 12 cột ở tầng giữa tượng trưng cho 12 tháng trong năm, tổng cộng là 24 cột, tượng trưng cho 24 tiết khí. Kiến trúc của Kỳ Niên Điện khiến người ta khi bước vào thì có cảm giác giống như đang vân du tiên cảnh, khi bước ra lại thấy trời đất mênh mông, vô tận như đang ở nơi thiên giới.

Kinh Troi Thien Dan 02
Kỳ Niên Điện. (Ảnh: Maros Mraz, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Thiên Đàn nổi tiếng bởi sự thanh bình và sâu lắng. Vẻ đẹp nghệ thuật của nó chủ yếu thể hiện ở ba phương diện là cao, tròn và trong xanh.

Các kiến trúc của Thiên Đàn đều cao, như Kỳ Niên Điện cao hơn điện Thái Hòa của Tử Cấm Thành khoảng 3m. Cao là cao thượng, thể hiện sự rộng lớn và cao cả của bầu trời, cũng thể hiện uy quyền “chí cao vô thượng” của Trời, từ đó khiến con người cảm nhận được sự vĩ đại của Trời và sự nhỏ bé của con người. Con người phải biết lượng sức mình, đừng tranh đấu với Trời mà nên thuận theo sự vận hành của tự nhiên.

Không chỉ các kiến trúc chính của Thiên Đàn có hình tròn mà mỗi tòa nhà còn tạo thành nhiều vòng tròn đồng tâm, khiến cho kiến trúc của Thiên Đàn dung hợp với hình vòm của bầu trời tạo thành một chỉnh thể. Tròn không chỉ là hình dạng tròn mà còn là biểu tượng của sự tường hòa, chứa đựng vạn vật trong vũ trụ, tuần hoàn lặp đi lặp lại, sự hồi báo. Điều này nhắc nhở con người biết cân nhắc mỗi lời nói, hành vi việc làm của mình. Bởi vì hết thảy đều có nhân quả báo ứng.

Kinh Troi Thien Dan 05
Bên trong Kỳ Niên Điện. (Ảnh: Saad Akhtar, Flickr, CC BY 2.0)

Màu xanh là cảnh giới của thanh cao, là thể hiện của sự chất phác, trong sạch, rõ ràng sáng tỏ, gạn đục khơi trong… Màu sắc cơ bản của Thiên Đàn là màu xanh lam. Màu xanh này hài hòa với màu xanh của bầu trời, màu xanh của rừng cây, thể hiện ra sự tươi tốt, sinh sôi và dồi dào.

Có thể nói, tổng thể kiến trúc của Thiên Đàn thể hiện ra vũ trụ quan “Thiên nhân hợp nhất”, thể hiện ra truyền thống kính Thiên tín Thần, biết ơn biết hồi báo, hiểu được quan hệ nhân quả “thiện ác hữu báo”, từ đó giáo hóa con người, đồng thời lưu lại nét văn hóa truyền thống cao thượng cho người đời sau.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: