Nói đến “trọng nam khinh nữ”, rất nhiều người nghĩ đây là tư tưởng Nho gia, cho rằng người nam thì cao quý còn người nữ thì thấp hèn. Kỳ thực câu nói này bắt nguồn từ Chu Dịch, cụ thể hơn là từ việc hậu nhân chắp vá lời nói của Khổng Tử khi viết phần Dịch Truyện chú thích cho Kinh Dịch. Trải qua quá trình cả nghìn năm, nhiều người dần dần hiểu sai hàm ý trong đó. Cuối cùng khi xảy ra đứt gãy mạch truyền thừa văn hóa thì câu nói này trở thành câu cửa miệng để chỉ trích sự bất công trong xã hội xưa. Quá trình hình thành và biến đổi hàm nghĩa này rất đáng để tham khảo và suy ngẫm.

Vài tìm hiểu về Kinh Dịch qua câu nói "trọng nam khinh nữ"
(Tranh: Họa sĩ Cừu Anh thời Minh, Public Domain)

Chu Dịch hợp thành bởi Dịch Truyện và Kinh Dịch, là sự ghi chép tổng hợp về những thành quả trên phương diện Dịch học của các nền văn minh đi trước. Trong đó Bát Quái có từ thời Phục Hy, Tiên Thiên Bát Quái có từ thời Đại Vũ, Hậu Thiên Bát Quái có từ thời Chu Văn Vương, những điều đó tạo nên Kinh Dịch. Khổng Tử tổng hợp ghi chép lại Kinh Dịch, sau đó viết phần Dịch truyện để làm rõ tổng quan và cách đọc Kinh Dịch. Nho giáo xếp Kinh Dịch là đứng đầu “Ngũ kinh” (Dịch, Thư, Thi, Lễ, Xuân Thu), còn Đạo giáo thì coi Chu Dịch là một trong “Tam huyền” (Lão Tử, Trang Tử, Chu Dịch).

Khổng Tử từng nhiều lần tới các quốc gia để tìm hiểu về Chu Lễ, bộ sách xuất hiện vào thời Chiến Quốc ghi chép về chế độ quan lại cùng những tập tục lễ nghi của đời Chu. Nhưng phải sau khi nghiên cứu Kinh Dịch, Khổng Tử mới tìm được đáp án cho mình. Cho nên có thể nói, tư tưởng của Khổng Tử chịu ảnh hưởng nhiều bởi Kinh Dịch và thực sự hoàn thiện sau khi ông nghiên cứu Kinh Dịch. Đây cũng là cuốn sách huyền ảo nhất trong Tứ Thư Ngũ Kinh.

“Trọng nam khinh nữ” là dịch từ câu “nam tôn nữ ti” ra. Mà “nam tôn nữ ti” không phải là câu nguyên gốc trong Kinh Dịch, cũng không phải câu nguyên gốc trong Dịch truyện do Khổng Tử viết. “Nam tôn nữ ti” bắt nguồn từ việc chắp vá hai đoạn trong Dịch truyện là tiết thứ Nhất và tiết thứ Tư của Hệ từ thượng.

Tiết thứ Nhất viết:

Thiên tôn địa ti. Kiền Khôn định hĩ. Ti cao dĩ trần. Quí tiện vị hĩ. Động tĩnh hữu thường. Cương nhu đoán hĩ. Phương dĩ loại tụ. Vật dĩ quần phân. Cát hung sinh hĩ. Tại thiên thành tượng. Tại địa thành hình. Biến hoá kiến hĩ.

Tiết thứ Tư viết:

Kiền đạo thành nam. Khôn đạo thành nữ.

Ở đây, tiết thứ Nhất miêu tả sự vận hành của quy luật vũ trụ, có thể tạm thời dịch như sau: Trời ở trên cao đất ở dưới thấp, càn khôn đã được định rõ là như thế. Sự vật lấy tôn ti cao thấp để trình bày rõ, cao thấp ra sao đã sẵn ở vị trí đó rồi. Sự vật từ đó mà phân sang hèn khác biệt, có động có tĩnh, có cương có nhu, có quần tụ cũng có phân chia, có may mắn cũng có tai họa. Trên trời có thiên tượng, dưới đất sẽ hiện thực hóa. Biến hóa của vũ trụ là như thế.

Tiết thứ Tư có thể dịch: Người nam là ứng với Càn, người nữ là ứng với Khôn. Đạo của Trời, đạo của Càn tạo thành người nam, đạo của Đất, đạo của Khôn tạo thành người nữ. Càn Khôn còn có một nghĩa là vũ trụ, câu nói này khá tương đồng với cách nói của Đạo gia: thân thể con người là một “tiểu vũ trụ”.

Người đời sau lấy ý của tiết thứ Tư, hợp với ý của tiết thứ Nhất, thành ra câu “nam tôn nữ ti”, sau này bị khoác lên nghĩa “trọng nam khinh nữ”. Tư tưởng ấy không thực sự rõ ràng dưới thời Nho giáo thịnh trị, nhưng dưới ngòi bút của một thời vận động cộng sản thì biến thành tội ác lớn của xã hội cũ. Nó cho thấy sự hiểu biết hời hợt về văn hóa truyền thống của các vị “học giả” luôn xem xét sự vật dưới góc nhìn “phê phán” của ý thức hệ.

Tư tưởng cốt lõi của Kinh Dịch chính là nhấn mạnh sự cân bằng, hài hòa của âm dương. Phàm là những gì không cân đối, không hài hòa thì cuối cùng sẽ bị lệch khỏi quỹ đạo. Mà vạn sự vạn vật trong vũ trụ cuối cùng đều phải quy về hài hòa và cân bằng. Sự cân bằng trong trời đất thể hiện ở nhiều phương diện khác nhau, tựu chung lại là “có trật tự”, như tiết thứ Nhất mô tả.

Trật tự nói trên có thể là càn khôn, có thể là trời đất, có thể là cao thấp, cũng có thể là sang hèn. Nhưng không nhất thiết cứ cao thì là sang, cứ thấp thì là hèn. Chu Dịch viết: “Địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tái vật”, đất ứng với Khôn (trong Càn Khôn), người quân tử lấy đức dày để nâng đỡ vạn vật. Ở đây ví cách hành xử của người quân tử như mặt đất, trong khi người quân tử là người nam, ứng với Càn, mà trời cũng ứng với Càn. Do vậy, không thể vì nam ứng với Càn mà gán nam là sang quý, không thể vì nữ ứng với Khôn mà gán nữ là hèn kém. Trong xã hội thời xưa, con cái mà dám xem mẹ mình là hèn thì chính là bất hiếu, bất lễ. Tương tự như vậy, quan lại không có ai dám xem thường Hoàng hậu cả. Hoàng đế lại cũng không thể đặt mình cao hơn Hoàng thái hậu.

Vũ trụ là càn khôn. Mỗi hành tinh trong vũ trụ cũng lại có trời đất. Đây vốn là một thể hài hòa, thể hiện ở cảnh giới rất cao. Con người sinh sống trong thế giới này cũng nên là như vậy. Xã hội con người nằm ở một cảnh giới thấp hơn trời đất, nhưng cũng có đạo lý của nó. Trên phương diện gia đình, nam ra nam, nữ ra nữ, nam có tính chất của nam, nữ có tính chất của nữ. Trên phương diện xã hội thì lại phân ra có tôn ti trật tự. Người trên cho ra người trên, người dưới cho ra người dưới. Hễ sự vật nào vượt ra ngoài tính chất của nó ở cảnh giới này thì sự hài hòa bị đánh mất, hỗn loạn sẽ phát sinh. Trật tự này khi xuống một cảnh giới thấp hơn nữa thì mới bắt đầu phân thành sang hèn, đẹp xấu, thấp hơn nữa thì là thơm thối, sạch bẩn, v.v… nhưng những khái niệm sang hèn, thơm thối như thế không được gọi là “tôn ti”, chỉ còn là biểu hiện vật chất hoặc cảm nhận mà thôi.

Do đó, tôn ti trật tự trong lễ nghi Nho giáo về cơ bản là để thể hiện đạo lý của trời đất, duy hộ đạo lý của trời đất, duy hộ trật tự của vũ trụ bên trong quan hệ xã hội của con người. “Tả truyện” viết rằng: “Lễ dĩ thuận thiên, thiên chi đạo dã”, Lễ là thuận theo Trời, là Đạo của Trời. Ý nghĩa của “tôn ti” cũng chính là như vậy.

Lại nói về tiết thứ Tư: nam ứng với Càn, nữ ứng với Khôn. Điều này phù hợp với đặc tính tự nhiên của nam nữ và cũng là phù hợp với học thuyết âm dương. Người nam và người nữ một khi thuận theo đạo, tuân thủ nghiêm ngặt vị trí, địa vị của mình thì gia đạo tự nhiên sẽ hưng vượng.

Tôn ti trong gia đình lại không có ý phân giỏi kém, sang hèn, đây là cách nói ở cảnh giới thấp hơn, không áp dụng được. Ví như không có ai dám nói Hoàng hậu là ti tiện vậy. Tôn ti trong gia đình kỳ thực chính là đạo âm dương giữa nam và nữ.

Người chồng là dương, phải lấy ngay thẳng cương trực làm gốc. Cương trực ở đây không phải chỉ đơn thuần là cương trực công chính, cũng không phải là khăng khăng giữ ý mình, mà có ý nói nam nhân phải có tri thức và cách nhìn nhận đúng đắn trong cách đối nhân xử thế. Một người chồng như vậy mới có khả năng giữ gìn, chèo chống được gia phong và chính khí của gia đình.

Người vợ là âm, phải lấy nhu hòa mềm mỏng làm gốc. Người phụ nữ phải có phẩm tính hiền lương, dịu dàng hiền hậu. Người phụ nữ như nước, an tĩnh mà khoan thai, không nóng nảy, không dong dài, làm lợi vạn vật mà không tranh giành. Một người vợ như vậy sẽ giữ được gia đình hòa thuận, trên dưới ấm êm.

Người đàn ông như trời, tráng kiện không ngừng, ở bên ngoài lo toan sự nghiệp, nuôi dưỡng gia đình. Người phụ nữ như đất, khiêm tốn mà nâng đỡ vạn vật, đảm bảo sự tồn tại của mái ấm. Nam chủ ngoại, nữ chủ nội là như vậy, ai cũng có một trách nhiệm riêng.

Thuận theo sự thay đổi của xã hội, ngày nay có rất nhiều nữ giới là đồng nghiệp của nam giới, nhưng sự khác biệt thiên tính giữa nam và nữ vẫn tồn tại một cách khách quan, dù người hiện đại có chê bai người xưa “trọng nam khinh nữ” như thế nào. Vì thế trong các cơ quan, doanh nghiệp, người lãnh đạo khéo léo vẫn ít nhiều căn cứ vào đặc tính ấy giữa nam và nữ mà phân công công việc cho phù hợp. Điều này xuất phát từ quy luật tự nhiên, cũng là quy luật của Trời đất, của vũ trụ, không thể thay đổi theo ý nguyện của con người vậy.

Quang Minh

Xem thêm:

Mời xem video: