Thầy tách khôn khỏi dại

Thầy dặn trò trong chuyện học, thầy khuyên trò về chuyện đời: dại làm cột con, khôn làm cột cái, mà đi học để làm người khôn và sau này ra đời cũng để tiếp tục làm người khôn, để bảo vệ chính nhân cách của mình và luôn biết yêu cầu xã hội chung quanh tôn trọng nhân cách này: chim khôn ai nỡ bán, người khôn ai nỡ nặng lời. Trong thế giới của thiện ác lẫn lộn, nơi mà hai loại người rất khác nhau sống chung với nhau bằng nghịch ngữ, người thì khẩu xà tâm Phật, kẻ thì khẩu Phật tâm xà, vì trong không gian miễn phí này của lời nói: lời nói chẳng mất tiền mua! Thầy có khi phải thay thế cha mẹ mà khuyên trò: giữ miệng như giữ nút bình, cũng chỉ vì: lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. Giữa thế giới đối xử qua lời nói, thầy chỉ ra cho trò cái khôn cư trú chỗ nào: khôn khéo lấy miệng mà sai, vung dại lấy vai mà đỡ. Nhưng người khôn mà thầy muốn đào tạo là người khôn có đạo lý, lấy đạo đức của mình làm con ngươi trong mọi ứng xử, vì người khôn này là kẻ biết nghe-hiểu-thấu: điều hay lẽ phải. Mà điều hay đang ở trong khu vực của lý trí, là chỗ dựa của trí tuệ, đã mang nội lực của tuệ giác; còn lẽ phải hiển hiện trong đạo lý dẫn dường cho luân lý, nơi mà con người sống chung với nhau không phải để sát phạt, để truy diệt nhau, mà sống chung vì có bổn phận và trách nhiệm với nhau1.

Sự qua lại giữa điều haylẽ phải, là sự dẫn dắt nhau qua lý trí và đạo đức, và khi cả hai dung hòa rồi thống nhất với nhau thành một khối, thì chân dung của người khôn xuất hiện, mà người khôn của những người khôn khác chính là thầy, thầy dùng cái khôn để nâng đỡ kẻ này, rồi cứu rỗi kẻ kia, bảo vệ kẻ nọ. Trong lịch sử của Việt tộc có loại người thầy đó, chính là Nguyễn Bỉnh Khiêm (1409-1585), không những cứu Nguyễn Hoàng khi khuyên chúa này nên vào Nam không những để thoát chết trước tay chúa Trịnh mà còn để dựng nghiệp; thầy cũng giúp nhà Mạc khuyên họ lên vùng cao để giữ thân, mà bảo nghiệp. Muốn làm thầy trước hết phải biết: nhìn xa trông rộng.

Nhân dạng nhìn xa trông rộng là nét chính làm nên chân dung người thầy, tạo nội lực cho bài giảng, tạo sung lực cho phân tích, tạo hùng lực cho giảng thích của thầy trước trò. Năm 1993, Passeron (giòng thác mạnh của khoa học luận trong khoa học xã hội hiện đại, cùng lúc là nguồn nước bền của phương pháp luận điền dã thực địa của xã hội học), có lần kể cho tôi nghe câu chuyện khi ông và Bourdieu (chủ trì phái tái sản xuất xã hội, minh chủ của luận thuyết khống chế trong bất công xã hội), khi cả hai cho xuất bản tác phẩm Tái sản xuất (Reproduction) mà tái sản xuất đây là tái sản xuất bất bình đẳng làm nên tái sản xuất bất công trong xã hội. Thì người thầy của Passeron và Bourdieu đã đưa cả hai vào đại học Sorbonne vào làm trợ giảng cho mình, đó chính là Aron, minh sư của xã hội học cận đại, cầu vồng dày bản lĩnh biết nối triết học và xã hội học qua các phân tích vĩ mô, lại là đối thủ tri thức của Sartre trong hậu bán thế kỷ hai mươi vừa qua.

Có lần thầy Aron tuổi trọng gọi hai thầy tuổi trẻ là Passeron và Bourdieu vào trao đổi về sự thành công ngoài tưởng tượng của tác phẩm của hai thầy trẻ này trong giới học thuật, và Aron đã phát biểu một câu «ngược đời» trước sự thành công của tác phẩm này là: “Các bạn đã mang thêm nước để đổ vào cối xay của Sartre” (“Vous apportez de l’eau au moulin de Sartre”). Thầy Passeron tâm sự thêm là ngay khi nghe xong câu này, Passeron và Bourdieu đều nghĩ là Aron vừa giận, vừa trách hai môn đệ của mình đã thêm nước để đổ vào cối xay của đối thủ của thầy mình. Nhưng Passeron kể thêm là với tháng rộng năm dài, và khi nghiền đi ngẫm lại, thì đây là một nhận định rất sáng suốt của một minh sư, trong bối cảnh của giới trí thức sau đệ nhị thế chiến, khâm phục và tôn vinh chủ thuyết hiện sinh của Sartre, để rồi cùng rơi vào con đường chống bất bình đẳng để loại bỏ bất công với Sartre2.

Nhưng chính những kẻ theo Sartre đã bật đèn xanh cho chủ thuyết cộng sản của Marx, rồi cổ súy cho các đảng cộng sản tại Âu châu, có nhiều trí thức cổ vũ cho hành động này, bằng cách lấy thẻ đảng viên của các đảng cộng sản Âu châu. Họ chưa biết sự khác biệt một trời một vực giữa chủ thuyết cộng sản của Marx và các đảng cộng sản mà Lénin, Staline, Mao… chính là những lãnh tụ dùng bạo quyền để bạo hành dân tộc họ, dùng bạo lực để hành hung dân tộc họ. Lénin, Staline, Mao… của các đảng cộng sản từ khi ra đời là nguồn chết chớ không phải nguồn sống. Và những nạn nhân sống sót qua những cuộc thanh trừng, thảm sát của bọn này, thì nhận ra là thực trạng của chủ thuyết cộng sản chính là bất bình đẳng của mọi bất bình đẳng, bất công của mọi bất công. Và câu cuối của Passeron vói tôi hôm đó là: «Aron đúng là thầy, vì ông biết nhìn xa, vì biết nhìn tự trên cao nhìn xuống, nhưng luôn luôn tôn trọng tự do của các môn sinh của mình, dù tự do đó đã đưa các môn sinh của mình tới sai đường lạc lối ».

Đánh thức hệ thức
(kiến thức, tri thức, trí thức, ý thức, nhận thức)

Từ xa xưa lắm, trước công nguyên, tổ sư của triết học là Platon đã kể về người thầy của mình là Socrate: “Giáo khoa của thầy luôn khích thích sự học hỏi, cụ thể là kích hoạt để trò đặt những câu hỏi; thầy học nhiều vì thầy đã đi xa, không những bằng tri thức mà còn bằng kinh nghiệm của cá nhân thầy, kinh nghiệm sống làm nên tri thức sống muôn vẻ. Mỗi lần trò tiến thêm trên con đường kiến thức, trò lại gặp thầy trên con đường nhân trí; chưa hết con đường kiến thức của thầy làm trò nhận ra là cả một sự khám phá những tri thức, luôn làm trò ngạc nhiên trong vui học…”. Đánh thức tri thức chính con đường học của Platon mà thầy Socrate đã vạch ra đã ít nhiều được tổ tiên Việt mô thức hóa rồi: học không mệt, dạy không nghỉ. Cha ông mình còn thêm vào: học không bao giờ muộn, mà từ gia đình tới hệ thống giáo dục phải làm rõ lên một giáo lý đã làm nên giáo dục Việt: cha muốn con hay, thầy mong trò khá. Đây là một ẩn số của nhân cách, sẽ làm nên phong cách của thầy, tạo ra tư cách của trò, đó là câu chuyện biết ơn-mang ơn-đền ơn của trò đối với thầy (mà thầy thì không bao giờ muốn trò trả ơn). Trò chỉ cần tiếp tục để tiếp nối trọng trách giáo dục bằng giáo lý của thầy là trao truyền ba hệ: hệ thức (kiến thức, tri thức, trí thức, ý thức, nhận thức); hệ thông (thông minh, thông thạo, thông thái); hệ sáng (sáng kiến, sáng chế, sáng tạo), tới các trò của các thế hệ mới.

Cái thực giáo dưỡng cái đạo để làm người, để trò được thành tài rồi thành nhân là nhờ thầy, đây là phương trình đường dài của: có tích mới dịch nên tuồng, mà tích và tuồng luôn có chỗ dựa là sự thật-chân lý-lẽ phải. Tích lẫn tuồng luôn được đúc kết qua kết cấu, kết cuộc, kết luận… đó là con đường của kết quả của chuyện học, vì học là học phải tới nơi tới chốn, chớ không phải học trong biệt vô tăm tích. Học là để lại cái tăm của mình, lộ ra nhân diện, rồi nhân dạng, và nhân cách đây là hiệu quả của quan hệ thầy-trò, vì thầy luôn dặn trò nên cẩn trọng trước cái mất tăm mất tích, theo kiểu sông dài cá lội biệt tăm, thuộc loại đường dài ngựa chạy biệt tăm.

Sự thông minh của trò giúp trò nhận ra biên giới giữa nội dung giáo khoa và quyền năng của thầy, nhưng chính trò cũng biết phối hợp cả hai, liên minh với cả hai hiểu là trong một bài học có bài học của giáo án nằm trong giáo trình, và sâu xa trong bài học này có bài học của thầy, lúc kín đáo trao truyền, lúc tế nhị khuyên răn tới trò luôn «sáng dạ» để hiểu thầy, luôn «sáng lòng» để tâm giao đắc khí với thầy. Hiển hiện trong não bộ của trò, câu nói thẳng thắn của tổ tiên khi muốn tách người khôn ra khỏi kẻ dại: làm đầy tớ người khôn hơn làm thầy người dại, đây là lời minh chú của thầy, sẽ theo trò suốt kiếp học hành, luôn đi tìm sự thông minh qua sự thông thái của thầy, nhận ra sự thông minh của thầy qua sự thông thạo của tri thức. Thầy đánh thức hệ thức (kiến thức, tri thức, tri thức, trí thức, ý thức, nhận thức), rồi thầy vực dậy luôn cả hệ thông (thông minh, thông thái, thông thạo), mà thầy đâu cần nói nhiều: Khôn ngoan chẳng lọ nói nhiều/ Người khôn mới nói nửa điều cũng khôn.

Đi tìm tri thức đúng lý giải và trúng trong kết quả là đi tìm thầy cao trong học thức, rộng trong học lực, sâu trong học hành, vì thầy đã đi thật xa trong học luyện.

Nhưng mỗi người thầy có sự cẩn trọng riêng của mình khi hoàn thành một giáo án, có sự nghiêm cẩn khi cấu trúc một giáo trình, vì thầy hiểu hơn ai hết là: sai một ly di một dặm. Khi chấp bút cũng vậy, bút sa gà chết, và thầy biết hơn ai hết là có khi người cũng chết theo, và sự mạch lạc của thầy là đường đi nẻo về của giáo khoa nghiêm túc, nó ngược lại với các ý đồ xấu sinh ra từ thâm ý tồi: Người khôn đón trước rào sau/ Để cho người dại biết đâu mà mò. Thầy không muốn làm loại người khôn có thâm ý, thầy gần với loại người khôn cẩn thận: Chim khôn chưa bắt đã bay/ Người khôn chưa nói dang tay đỡ lời. Rồi thầy sẽ dạy cái khôn này cho trò, nếu trò hiểu tại sao thầy nghiêm cẩn trong tri thức, càng đi theo thầy qua tháng rộng, năm dài, thầy sẽ khuyên và luôn dặn là: Người khôn chưa đắn đã đo/ Chưa đi biển cả đã dò nông sâu.

Đây là câu chuyện rộng hơn không gian học đường, người ta còn nhớ sự cẩn trọng của thi hào Goethe, dãy ngân hà tinh sáng của thi ca tâm thức, nguồn suối vừa sâu, vừa mạnh của thi từ biết đánh thức trí năng, và ông nhìn hệ thống đại học thuở nào bằng sự nghi ngại qua câu hỏi: «Ai dạy được và ai không dạy được?». Người dạy được là kẻ đưa được hệ thức (kiến thức, tri thức, tri thức, trí thức, ý thức, nhận thức) một cách trọn vẹn trong giáo khoa, một cách đầy đủ trong giáo trình, một cách toàn lý trong giáo án, nhưng vẫn chưa là thầy theo đúng trong sự chờ đợi của Goethe. Đúng là bậc thầy, thì trò sẽ thấy các giá trị tâm linh của nhân sinh đã có mặt trong bài học dày giá trị nhân lý, nhân tính làm nên chiều cao của nhân phẩm, chiều sâu của nhân tâm. Nên thầy luôn dặn dò phải luôn tránh: Khôn ba năm, dại một giờ! Khôn dại có lãnh thổ tách biệt nhau, nhờ sự sáng suốt của cái khôn luôn tỉnh táo trước ranh giới khôn dại: Trăm cái khôn dồn một cái dại. Mà trong đời sống hằng ngày thì: Thằng dại hại thằng khôn, nhưng thầy sẻ dạy trò là kẻ khôn thì không được khinh người, qua kiểu nói: Rồng vàng tắm nước ao tù/ Người khôn ở với người ngu bực mình.

Truyền phương trình nghề-nghệ-nghiệp

Quan hệ của thầy thậttrò thật là quan hệ của hệ thức: nhận kiến thức để xây tri thức, cõng tri thức rồi bồng trí thức, dìu ý thức để nâng nhận thức; chưa đủ quan hệ này có gốc, rễ, cội nguồn của đạo lý hay, đẹp, tốt, lành của tổ tiên, nơi mà nhân nghĩa làm nên giáo lý có bổn phận với đồng bào, đồng loại, có trách nhiệm với đất nước mình và thế giới của nhân loại. Một quan hệ thật giữa thầy thậttrò thật mang cường độ của đạo đức biết chia sẻ nỗi khổ niềm đau với tha nhân, mang trình độ của nhân đức yêu môi sinh, quý môi trường: một quan hệ trùm phủ lên cả kiếp người. Một quan hệ thật trong trao truyền thật, biết đi thật xa để hệ thức (kiến thức, tri thức, tri thức, trí thức, ý thức, nhận thức) được chung lưng đấu cật với hệ luận (lý luận, lập luận, giải luận, diễn luận), lại biết dựa vào hệ lý, có giáo lý biết nâng nhân lý. Thầy (thật) luôn để dấu ấn lâu dài, bền bỉ cho kiếp người của trò, vì chỉ có thầy mới làm rõ ba ẩn số trong nhân kiếp, rồi xếp cả ba theo thứ tự chỉnh lý nhất, để sự toàn lý của cả ba ẩn số thành một phương trình mà thầy đã có câu trả lời, thầy đã mở cả ba cửa cùng lúc; đó là nghề, nghệ, nghiệp. Mà giờ đây trò đã hiểu để viết là nghề-nghệ-nghiệp, liên kết của ba ẩn số mà thầy đã lập được thành liên minh cho cả ba để trao tặng trò phương trình thành tài để thành người: thành công học đường-thành tài nghề nghiệp-thành đạt kinh tế-thành tựu xã hộị.

Khi học nghề với thầy, với thời gian thầy sẽ mở lối vào nghệ mang thuật lý của sáng tạo, nếu trò có kỹ năng trong sáng kiến, thầy sẽ đưa trò tới nơi tới chốn của sáng chế, khi thành công thì chính trò đã nhận ra là thầy vừa trao tặng cho mình một nghiệp. Nghề nghiệp sẽ theo trò cả đời, với thao tác của nghệ, nơi mà nghệ thuật không chỉ khung vào văn chương, âm nhạc, hội họa… Ở đây, nghệ của tâm lực song đôi với nghề dầy trí lực, từ kỹ thuật tới phương pháp, mang từ thành công của học lực tới thành tài của học vị, từ thành đạt của học hàm tới thành tựu cho một đời người. Từ đó hệ thức (kiến thức, tri thức, tri thức, trí thức, ý thức, nhận thức) sẽ trở lại như một dấu ấn vĩnh viễn: sinh nghề tử nghiệp, trong tỉnh táo để sáng suốt, không hề hốt hoảng trong lo sợ vì chữ: tử, mà tử vì nghiệp ở đây mang hình tượng thật đẹp của nhân tri giờ đã thành nhân trí. Mà Nguyễn Du3 đã mô thức hóa được lời của người-dặn-người, như thầy đã từng dặn trò: “Đã mang lấy nghiệp vào thân/Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”.

Tạo nghề, lấy nghệ nâng nghiệp là câu chuyện của cả đời người, có khi đời người đã dứt rồi mà chuyện nghề-nghệ-nghiệp vẫn chưa xong đối với thầy, vì làm thầy là làm thầy với ít nhất hai nỗi lo: lo là mình có truyền nghề trao nghệ tới trò đã đầy đủ chưa? Khi nhận một trọng trách giảng-dạy-trao-truyền tới trò thì bản thân mình là thầy có được học trọn vẹn chưa? Tại đây, thầy đã khác các kỹ thuật viên, giáo viên, giảng viên, giáo sư vì thầy không học thuộc lòng, mà thầy tôi luyện từ kiến thức tới tri thức của thầy, để thầy rèn luyện tới nơi tới chốn, từ ý thức tới nhận thức của trò về phương trình nghề-nghệ-nghiệp. Cụ thể là thầy khuyên trò không nên học như gà đá vách, không nên học như bị nhồi sọ trong ngu dân, không nên học như tự tra tấn vào trí não của chính mình; nhưng ngược lại thầy biết đưa chữ nhẫn vào chữ học: muốn rành nghề chớ nề học hỏi.

Học là kiên nhẫn với thời gian như nhẫn nại với giáo trình, ẩn nhẫn hàng ngày để song hành cùng giáo lý, đó là con đường dài của nghề-nghệ-nghiệp mà chính trò đã chứng kiến trực tiếp sự kiên nhẫn của thầy và của trò, đi tìm tri thức, đi tìm đạo đức, cả hai thầy và trò đã được hun đúc qua: kiên cường. Chính kết quả tích cực của nhẫn làm lộ ra biện chứng mà tổ tiên Việt đã dặn con cháu: ấu bất học, lão hàn vi, rõ ràng là lúc còn trẻ ham chơi mà biếng học, khi về già dở khóc dở cười. Hãy cẩn thận với chữ nhẫn của thầy, trong đó có sự thông minh của kiên nhẫn, có sự sáng suốt của lòng kiên cường, thầy không cực đoan: thứ nhất hay chữ, thứ nhì dữ đòn; thầy không có quá khích: người roi voi búa. Vì bạo động trong quan hệ thầy-trò, sinh ra bạo hành của thầy đối với trò, sinh ra bạo động của trò đối với thầy, đây chính đại nạn của môi trường học đường của Việt Nam hiện nay. Nó tới từ độc đảng mà muốn độc tôn để độc quyền thì chỉ có thể dùng bạo quyền, hệ bạo (bạo lực, bạo động, bạo hành) xuất hiện khi đảng độc tài biết mình bất tài trong quản lý xã hội, muốn độc trị mà không biết quản trị4.

Hệ bạo là hiện thân của cái ác trong xã hội, nó hiện nguyên hình của nó qua cái xuẩn trong hệ thống giáo dục hiện nay, chính cái xuẩn tạo ra cái ngu để dung dưỡng cái dốt, đẻ ra cái dại. Mà trọng trách giáo dục là xóa đi xuẩn, ngu, dốt, dại, bằng hệ thức (kiến thức, tri thức, trí thức, ý thức, nhận thức) để thăng hoa hệ thông (thông minh, thông thạo, thông thái), rồi thực hiện cho bằng được hệ sáng (sáng kiến, sáng chế, sáng tạo). Phải phân tích cho rành mạch hậu quả của hệ thống giáo dục việt nam hiện nay để giải thích cho rõ ràng về thảm nạn của nó: giáo dục đã bị rơi xuống vực sâu, nó đang bị bùn nhơ của xuẩn, ngu, dốt, dại làm nó ngộp thở để rồi nó phải bị chết ngộp bùn bẩn!5 Câu chuyện nghề-nghệ-nghiệp có gốc, rễ, cội, nguồn của câu chuyện sự thật-chân lý-lẽ phải, tại đây thầy giáo dưỡng trò bằng sự thật của nghề (có (sự) thực mới vực được đạo), chân lý của nghệ (chân, thiện, mỹ), lẽ phải của nghiệp (sinh nghệ tử nghiệp). Tất cả phải là sự thật, phải được giảng dạy trong chân thật; không gian giáo dục làm nên môi trường của kiến thức, được thực chứng qua chứng minh từ toán học tới đạo đức học, chuyện học giả-điểm giả-thi giả-bằng giả trong giáo dục độc đảng của Việt Nam hiện nay không những là phản giáo dục, gian giáo khoa, trộm giáo trình, lận giáo án, mà còn là chuyện: ám sát giáo dục! Thủ tiêu giáo lý!

Bác Hoàng Xuân Hãn, người thầy ngay trên thượng nguồn Việt Nam học, người thầy tin yêu của của các mạch nước sâu Hán Nôm, trong những giờ cuối của cuộc đời mình, khi nghe bác gái hỏi bên giường bịnh: «Ông muốn trối trăn gì không? Ông muốn dặn dò gì không cho thế hệ sau?», giây phút đó bác Hãn thật bình tĩnh trong sáng suốt trả lời: «Đâu có gì đâu mà trăn trối, có gì đâu mà dặn dò, mỗi người trong cuộc sống có công việc của mình, thì cứ làm cho đúng, cho tốt thôi, chớ đâu cần ai phải dặn ai!». Đây là một người thầy đã đắc đạo, biết đắc tâm với chính mình, vì đắc trí với kết quả của phương trình nghề-nghệ-nghiệp6.

(Còn tiếp)

Lê Hữu Khóa
Tác giả gửi Trí Thức VN

Chú thích:

1. Lê Hữu Khóa, Tự Luận, Anthropol-Asie, Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).

2. Lê Hữu Khóa, Anthropologie du Vietnam, Tome III, Anthropol-Asie, Ed. Les Indes Savantes.

3. Lê Hữu Khóa, Nghệ Luận, Anthropol-Asie, Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).

4. Lê Hữu Khóa, Dân Luận, Anthropol-Asie, Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).

5. Lê Hữu Khóa, Chính Luận, Anthropol-Asie, Facebook VÙng Khả Luận (Trang thầy Khóa).

6. Lê Hữu Khóa, Anthropologie du Vietnam, Tome IV, Anthropol-Asie, Ed. Les Indes Savantes.

Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học * Giám đốc Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO-Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á * Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các công trình nghiên cứu Việt Nam học của giáo sư Lê Hữu Khóa, bạn đọc có thể đọc và tải qua Facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).

Xem thêm phần 1 tại đây.