Ánh sáng của trao, ánh dương của truyền

Ngày trò gặp thầy, thì trò đã gặp mái trường cùng các thầy cô, và trò vào không gian giáo dục rộng bao la lại được gặp thầy, rồi thầy giúp mình thành tài, lại đưa đường chỉ lối cho mình thành người. Cơ may này thật sắc nhọn, và trò phải biết mài dũa quan hệ thầy-trò này, và nên bắt đầu bằng cách trở lên thượng nguồn của ánh sáng trí thức. Chính ánh sáng trí thức đã giúp trò nhận thức là trò được giảng-dạy-trao truyền bởi những ánh dương đã có từ lâu, vì trước thầy đã có tổ, trước tổ đã có nhiều thượng tổ khác trong một cõi sáng trong xa xăm. Và, trò càng đi xa, vào sâu các thượng nguồn xa xăm này thì trò sẽ nhận ra mình chỉ là người mới tới, «sinh sau đẻ muộn», trong chuyên khoa này, trong chuyên ngành này, trong chuyên môn này. Trò mới tới như đứa trẻ vừa lọt lòng trong một chuyên nghiệp mà người xưa đã để lại bao công trình, mà nhờ thầy nên trò mới thấy các ánh sáng trí thức tới từ nghiên cứu, khảo sát, điều tra, điền dã… Tất cả các công trình này đã làm nên tầm vóc cho chuyên khoa, bản lĩnh cho chuyên ngành, thâm lực cho chuyên môn mà trò sẽ đại diện không những thầy mà cho cả các tổ, để trở thành chuyên gia sắc sảo, nhờ có chuyên nghiệp sắc nhọn.

Thầy đào tạo trò thành tài, thầy giáo dưỡng trò thành người, hữu ích cho đồng bào, đồng loại; hữu dụng cho quê hương, cho đất nước, nên thầy không chỉ giảng-dạy-trao-truyền cho một cá nhân trò chỉ biết lo cơm áo gạo tiền, chỉ chú tâm vào giá áo túi cơm, chỉ chăm sóc chén cơm manh áo cho riêng trò. Mà thầy đào tạo một cá thểcá tính và thầy sẽ biến thành chủ thể với nội công của trí tuệ, với ý lực của đạo đức, với giá trị của nhân phẩm. Quan hệ thầy-trò trong phương trình cá thể-chủ thể chắc chắn xa chuyện học để lấy bằng, dùng học vị để chiếm học hàm, mà thực tâm của thầy là vận dụng học lực để vào nhân lực học theo nghĩa trọn vẹn nhất về tri thức để hiểu biết về con người, về nhân loại. Thầy dùng sung lực của «thành tài» để tạo ra hùng lực «thành người» cho trò, không phải cho riêng sự ích kỷ của trò, mà đào tạo trò vì nhân tính, nhân tri, nhân trí trực tiếp phục vụ cho nhân sinh, nhân thế, nhân loại. Vì thế nên quan hệ thầy-trò có chiều rộng của nhân vị, có chiều cao của nhân phẩm, có chiều sâu của nhân quyền, quan hệ này dùng lý trí rồi dùng trí tuệ để chế tác ra tuệ giác của nhân bảnnhân văn là quan hệ thầy-trò đi xa, đi sâu trong nhân tâm, nên nó thường vừa đi lên, lại vừa đi sâu, nó vượt mọi quan hệ xã hội khác, từ trí tuệ tới đạo lý.

Quan hệ thầy-trò là điểm hội tụ không những của tri thức, lý trí, trí tuệ, tuệ giác, mà nó làm ngã tư thông minh cho đạo lý hay, đẹp, tốt, lành gặp được luân lý của bổn phận và trách nhiệm đối với đồng bào, đồng loại, để cả hai đạo lý và luân lý làm nên đạo đức của nhân tính luôn muốn có quan hệ xã hội tốt để có đời sống xã hội tốt cùng sinh hoạt xã hội tốt. Quan hệ xã hội tốt qua cơ chế xã hội tốt; đời sống xã hội tốt qua giáo dục tốt; sinh hoạt xã hội tốt qua giáo lý tốt. Chữ tốt trong giáo dục có lõi là giáo lý không phải là một tính từ suông, nó là tâm thức của ý nguyền làm nên nhận thức của ý nguyện, và hai từ: nguyền nguyện, là những mồi lửa nhen nhúm sẵn sàng bùng cháy, rồi bừng sáng lớn như ánh dương soi chiếu để soi sáng học lộ của trò, nguyền của thầy giỏi tạo ra trò tốt, và nguyện của trò chăm tin vào thầy giỏi.

Trong quan hệ thầy-trò, có hai loại ánh sáng: loại thứ nhất là ánh sáng chói chang để lan tỏa; loại thứ nhì là ánh sáng ngấm ngầm trong thầm lặng nhưng bền bỉ như lời nguyền, lời nguyện. Loại thứ nhất là ánh sáng chói chang mạnh để lan tỏa rộng là các tác phẩm, là sự nghiệp của thầy qua bài viết và sách vở, cho mọi người của mọi nơi. Loại thứ nhì là ánh sáng ngấm ngầm sâu trong thầm lặng vững bền, đó chính là lời nói riêng của thầy đối với trò, nó không phải là lời giảng trước mọi người, nó là lời chỉ, lời bảo, lời khuyên, lời răn, có khi là lời trăn trối khi thầy phải rời cõi đời này, nó chính là bài học của bài học, nhưng không giành cho mọi trò, mà chỉ giành riêng cho trò của thầy. Chắc chắn đây là lời tâm huyết, mang thực chất lời của tâm can, mà thầy muốn trao đủ, trao trọn, trao hết cho trò, mà chỉ có trò biết, nên chỉ có trò hưởng! Trong quan hệ thầy-trò luôn có bí mật của tâm giao, có tuyệt mật của tâm thế, nó là thâm mật của thầy đối với trò, mà có khi thầy qua đời rồi, giờ tới trò cũng sắp qua đời, mà trò sẽ không kể cho ai nghe, và sẽ không ai biết mật hệ của thầy-trò, đã được tôi luyện qua mật độ trong quan hệ thầy-trò. Một mật độ giữa thầy trò mà không ai hình dung đúng được, xét đoán trúng được! Trò hiểu thầy là trò hiểu hệ tâm (tâm huyết, tâm can, tâm giao, tâm thế) của thầy; thầy tin trò là thầy tin trò giữ được hệ mật (bí mật, thâm mật, tuyệt mật) làm nên mật độ của mật hệ có một không hai!

Hùng lực giảng-nội lực học

Trò của thầy không như các học sinh, sinh viên khác, trò thấy ngay, thấy rõ hùng lực của lý trí, của trí tuệ, của tuệ giác của thầy nằm ngay trong lời giảng của thầy, và thầy cũng là người nhận rõ, nhận ra ngay là trò biết nghe để hiểu, biết lắng nghe để gắng học, đây là chỉ báo đầu tiên để thầy trò được gặp nhau, để cái hẹn của học thành cái ngộ của tri. Sâu hơn nữa, hùng lực của lý trí, của trí tuệ, của tuệ giác của thầy khi được trò tiếp nhận trong lời giảng là sức bật để trò biết đây là cơ may mà trò phải biến thành cơ hội của hạnh ngộ, mà hạnh ngộ không hề lý thuyết cũng chẳng trừu tượng, không hề mờ ảo cũng chẳng mơ mộng. Nó là một dàn phóng có sức mạnh của chuyện thay đời đổi kiếp, trước hết nó làm cho trò thay đổi không những phương pháp học tập mà cả con đường học hành; kế đến nó làm cho trò phải xếp đặt lại các phương án của tương lai một cách chỉnh lý nhất. Cao hơn nữa nó còn có các biến hóa khác, nó giúp trò nhận ra: người thầy này đã làm thay đổi một cách tích cực, có khi là triệt để ba tư cách của trò: tư cách học tập, tư cách luyện tập, tư cách tu tập, đây là một biến đổi lớn, mà trò có nhận thức rõ ràng nhất.

Khi có chuyển đổi cấp tiến trong học tập-luyện tập-tu tập, thì trò đã nhận ra là nhân sinh quan của mình về mặt lý trí có hướng đi lên; rồi trò đã có ý thức là thế giới quan của mình về mặt giáo lý đang theo hướng thăng hoa; và trò có nhận thức là vũ trụ quan của mình về mặt tuệ giác trước nhân loại vừa mở theo chiều cao, vừa mở theo chiều rộng, nhờ thầy mà trò được đi thật xa! Thầy là kẻ có hùng lực chuyển hóa rồi chuyển đổi nhân sinh quan, thế giới quan, vũ trụ quan của trò, một chuyện mà cha mẹ, gia đình không thực hiện được; một chuyện mà nhiều tập thể, nhiều cộng đồng trong xã hội không làm được! Quan hệ thầy-trò luôn mang theo hệ lực (nội lực, sung lực, hùng lực) có khi làm nên mãnh lực, vì nó dựa vào năng lực của thầy biết đánh thức, lại biết cõng, bồng, bế, ẵm chính năng khiếu của trò, để sau đó là nâng, đỡ, đẩy, thúc này thành năng tài. Sự liên kết làm nên liên minh của hệ năng (năng lực-năng khiếu-năng tài), làm nên thành quả của thành nhân! Một xã hội đang có một nền giáo dục điêu đứng như giáo dục Việt Nam hiện nay đi vào ma lộ của học giả-thi giả-điểm giả-bằng giả là xã hội đó đang truy diệt quan hệ thầy-trò, mà cụ thể là xiết cho đến chết hệ năng (năng lực, năng khiếu, năng tài).

Giáo lý chân chính làm nên giáo dục liêm chính luôn biết bảo vệ, bảo quản, bảo trì hệ năng (năng lực, năng khiếu, năng tài), vì đây chính là linh hồn của sự tiến bộ của lý trí, chiều cao tâm linh của sự tiến hóa của trí tuệ, chiều rộng đạo lý của sự thăng hoa của tuệ giác. Tại đây, trò nhận ra sự thâm học: học là học qua một người, vì được người đó truyền, người đó chính là thầy! Nên học với thầy không những học kiến thức chung chung, mà nhờ có thầy, nên học được trường sử của nhân lý, dựng lên tính toàn diện của nhân tri của nhân trí; mà thầy vừa là ngã tư đã thành công trong giao lưu trí tuệ, và thầy còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Từ đây, thầy đang «dọn đường» một cách chỉnh chu để trò đi tới, đi xa, đi rộng, đi sâu, đi cao vào chính tương lai của mình với kiến thức luận đã được chia-sẻ bởi thầy-trò; với phương pháp luận đã được chung-đôi của thầy-trò qua bao đoạn đường của học thuật; với khoa học luận đã được chung-chia từ thầy-trò qua những thứ thách của lý trí. Chia sẻ kiến thức làm nên chia chung trí tuệ; chung chia tuệ giác chế tác ra cùng-chia nhau: nhân vị! Từ nhân vị này luôn được nâng niu bởi nhân trinhân trí; luôn được săn sóc bởi nhân bảnnhân văn; luôn được chăm lo bởi nhân tâmnhân đức, làm nên nhân đạo của nhân phẩm, mà nhân quyền sẽ là sứ giả đại diện cho nhân loạinhân sinh trước nhân thế luôn bị đe dọa bởi bạo quyền lãnh đạo vô tri, tà quyền tham quan vô minh, ma quyền tham tiền vô giác, nên:

  • Thầy khuyên trò phải ý thức là bạo quyền lãnh đạo vô tri, không có hệ minh (thông minh, thông thạo, thông thái) nên nó sẽ che lấp cái ngu của nó bằng cái ác của hệ bạo (bạo lực, bạo động, bạo hành), đừng trông chờ bạo quyền lãnh đạo vô tri trong đối thoại nhân tri để cùng nhau tìm ra được hệ sáng (sáng kiến, sáng lập, sáng tạo), đây là chuyện không tưởng!
  • Thầy khuyên trò có nhận thức là tà quyền tham quan vô minh, không có hệ liêm (liêm chính, liêm khiết, liêm sĩ) nên nó sẽ trùm phủ cái xuẩn của nó bằng cái trộm, cắp, cướp, giật của nó qua hệ tham (tham quyền, tham ô, tham nhũng), đừng chờ đợi tà quyền tham quan vô minh để đối điện nhân trí để cùng nhau tìm ra được chuyện cải thiện để cải tiến, đây là chuyện mơ tưởng!
  • Thầy khuyên trò phải có tri thức là ma quyền tham tiền vô giác, không có hệ lương (lương thiện, lương tri, lương tâm) nên nó sẽ giấu kín cái tham của nó bằng cái thâm của hệ âm (âm lực, âm giao, âm hành), đừng mong đợi ma quyền tham tiền vô giác đối trọng với nhân lý để cùng nhau tìm ra được hệ (đạo lý, luân lý, giáo lý), đây là chuyện tưởng tượng!

Cả ba lực lượng này (bạo quyền lãnh đạo vô tri, tà quyền tham quan vô minh, ma quyền tham tiền vô giác) chính là âm binh trong âm lộ, sợ ánh sáng của sự thật lột mặt nạ của chúng, sợ mặt trời chân lý lột trần nội chất của chúng, sợ bình minh của lẽ phải bóc tận thâm tâm xấu, tồi, tục, dở của chúng, được sinh ra bởi tà tâm thâm, độc, ác, hiểm của trục lợi-vụ lợi-tư lợi (gian nghiệp trong điếm lộ).

Nhưng trong thâm tâm của thầy thì ba việc này vẫn có thể làm được, bằng bài học của một người thầy rất lớn của Việt tộc đó là Ức Trai Nguyễn Trãi: «Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, mang trí nhân thay cường bạo». Đây chỉ là công thức của tư duy, nếu muốn biến nó thành mô thức cho hành động, thì trò phải trả lời ít nhất năm câu hỏi: Ta là ai? Ta sống để làm gì? Ta làm được gì? Ta hành động vì ai? Ta đứng về phía nào của nhân sinh?

  • Ta là ai? Ta phải là chủ thể, tức là một cá thể có cá tính, biết bổn phận của mình với đồng bào, đồng loại; có trách nhiệm với tổ tiên, với các thế hệ sau, với đất nước, lại có hệ sáng (sáng kiến, sáng lập, sáng tạo) để đưa dân tộc và quê hương theo hướng thăng hoa, có đóng góp với nhân loại, nhân thế.
  • Ta sống để làm gì? Ta sống với nội dung của tri thức làm nên lý trí với kiến trúc của trí tuệ có tuệ giác của nhân tâm, có nội dung vì mình và cũng vì tha nhân; có giá trị từ đạo lý đẹp tới đạo đức tốt làm nên quan hệ hay trong xã hội lành, và chính nội dung sống này và giá trị sống này làm nên ý nghĩa sống trong nhân sinh của mọi chúng ta.
  • Ta làm được gì? Ta làm ngay từ thượng nguồn của sinh hoạt xã hội với các đề nghị tích cực cho nhân quần, ta tiếp tục đối thoại với tinh thần xây dựng các quan hệ xã hội với tha nhân, từ trao đổi với tập thể tới đàm phán với cơ chế; ta cùng các lực lượng xã hội khác đi vào quyết định xây dựng một đời sống xã hội tốt lành bằng những hành động đúng. Như vậy, ta làm được bốn hành tác mà cũng là bốn giai đoạn trong cuộc đời của một chủ thể: đề nghị-đối thoại-quyết định-hành động.
  • Ta hành động vì ai? Ta hành động vì công bằng để chống bất công, ta hành động để cổ vũ cho hệ đa (đa tài, đa trí, đa lực, đa năng, đa hiệu,) có trong nội lực của đa nguyên, để chống lại hệ độc (độc tài, độc quyền, độc trị, độc tôn) của độc đảng chính là độc lộ vô cùng độc hại cho dân tộc và đất nước, vì nó là con đẻ của hệ vô (vô minh, vô tri, vô giác, vô cảm).
  • Ta đứng về phía nào của nhân sinh? Ta đứng về phía bình đẳng để chống lại bất bình đẳng, đứng về phía công bằng mà chống bất công; cụ thể ta đứng về phía các nạn nhân của bất bình đẳng, của bất công để cùng họ đấu tranh vì công bằng-tự do-bác ái qua dân quyền của dân chủ, qua nhân phẩm của nhân quyền. Tức là: ta đứng về phía nước mắt!

Quan hệ thầy-trò, có chỗ dựa là cấu trúc tuệ giác của thầy biết dựng, biết xây kiến trúc trí tuệ cho trò, nơi mà cấu trúc giáo chế tác ra kiến trúc trí!

Tạm kết (vì nhân kết): ẩn hiện chân dung thầy

Ẩn hiện quanh ta chân dung của kẻ làm thầy! Saint Augustin, tư tưởng gia tin tưởng tuyệt đối vào thượng đế, nhưng cùng lúc có những câu hỏi cho thượng đế, mà nếu thượng đế đúng là thượng đế, thì thượng đế phải là thầy của muôn loài để trả lời trong toàn lý câu hỏi của Saint Augustin: trong nghề giáo, thì ai được gọi làm thầy? Mà câu trả lời có trong hành tác của giáo dục, với chân dung người thầy có quyền năng chỉ, bảo, giáo, dưỡng trò. Thầy không những mang nội lực của kiến thức, bản lĩnh của tri thức, tầm vóc của ý thức, gân cốt của nhận thức mà trò thấy thầy ngay trong giáo khoa, giáo trình, giáo án, tức là thầy đã ở ngay bên trong giáo lý để lao tác giáo dục.

Cao hơn nữa, trò thấy thầy bằng chính con đường thầy đã đi, giờ đã là lời giảng, tiếng dạy của thầy, và lạ nhất là lời thầy nói ra mà trò biết nghe lời thầy, thì một ẩn số khác lại xuất hiện, mà xã hội học giáo dục gọi là cơ may xã hội (chance sociale). Nên hiểu cơ may như một ngẫu nhiên của sơ ngộ khi lần đầu gặp thầy, mà trò biết ngay tức khắc đây là hạnh ngộ, và sự thông minh của trò đã biết biến hội ngộ thành tái ngộ, rồi cả hai biến hạnh ngộ này thành trường ngộ, đeo đuổi cả hai suốt đời. Vì trong nghề giáo, có một chuyện lạ là một người thầy sẽ tự chọn trong tư duy của mình một đứa học trò, môn sinh của tri thức, môn đệ của tâm giao. Mà trò cũng vậy, đi trọn con đường học, rồi đi hết con đường đời, trò biết làm tổng kết để dựng lên nhân kết là mình hình như chỉ kính yêu để cả đời quý trọng một người thầy. Ơn thầy giờ đã thành thờ thầy! Chính đây là câu nói của thầy Pottier, thầy của giáo khoa nhân tâm làm nên giáo trình nhân từ với giáo án tự tin biết dựa vào tự do để xây lên tự trọng, có nói riêng với tôi năm 1983 để thấy sự khác biệt giữa các văn hóa, nơi mà mỗi văn hóa đều có giáo lý riêng của mình, khi thầy tâm sự: «Cái khác tưởng nhỏ, nhưng rất sâu xa giữa giáo dục Âu châu và giáo dục Á châu, là tại đây phương Tây ngừng ở chỗ kính thầy vì biết trọng thầy, còn Á châu thì đi xa hơn, biết kính, trọng, quý, yêu thầy mà lại biết thờ thầy như tôn vinh một giá trị thiêng liêng hiếm có trên đời», phân tích này theo tôi bao năm qua trong các nghiên cứu về giáo dục học so sánh.

Nhưng cũng tại Âu châu nơi đào tạo mình gần nửa thế kỷ qua, có lần tôi gặp thầy Ricoeur, Trường Giang của triết luân lý, Nam Tào của hiện tượng luận, năm 1996 khi tôi đã thành giáo sư, mà luôn gọi ông là maître (thầy). Có lần trong một hội thảo, thầy có nói riêng rất nhỏ vào tai tôi: Đừng gọi tôi là thầy! rồi thầy vừa cười, vừa ra dấu cho tôi hiểu là thầy không xứng đáng được gọi là thầy! Tại sao những người mà ta gọi là thầy, mà trước đó họ đã là thầy trong thiên hạ, với một sự nghiệp làm nên bởi bao tác phẩm kinh điển, mà họ luôn khiêm tốn trong nhún nhường, có phải đây là nhân cách của các đại sư? 

Có một lần khác, trong một hội thảo về khoa học chính trị mà tôi tổ chức, tôi có mời giáo sư Gauchet, dẫy trường sơn của lý thuyết luận dân chủ, đại dương rộng sâu của học thuyết nhân quyền, và năm 2010 giữa hội thảo với vài trăm người tham dự, tôi tâm sự trước mọi người là: «Tôi không được học thầy lần nào, nhưng qua các tác phẩm của thầy, thì thầy đã là thầy của tôi rồi!», tôi thấy đồng nghiệp, sinh viên tham dự hơi ngạc nhiên về câu này, nhưng người ngạc nhiên nhất là thầy Gauchet. Thầy nhìn tôi rất lâu, và tôi thấy thầy cười. Năm sau đó, khi có hẹn với thầy tại nhà xuất bản Gallimard, thầy có nhắc lại câu của tôi, và thầy có tâm sự là thầy rất xúc động về câu này. Tôi phải làm không khí bớt «bị xúc động» đi, nên tôi trích và dịch câu là: «’Một chữ nên thầy’ của người Việt là nền của giáo lý Việt, còn tôi thì đọc bao nhiêu tác phẩm của thầy, hằng triệu triệu chữ, thì thầy là thầy là đúng rồi!». Chiều hôm đó khi chia tay nhau, thầy nói nhỏ cho tôi đủ nghe: «Giáo lý này làm đẹp nhân dạng trong giáo dục!».

Lê Hữu Khóa
Tác giả gửi Trí Thức VN

Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học * Giám đốc Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO-Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á * Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các công trình nghiên cứu Việt Nam học của giáo sư Lê Hữu Khóa, bạn đọc có thể đọc và tải qua Facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).