Giữa thế kỷ 19 thời vua Tự Đức, nhà Nguyễn đã xuất hiện một số nhà thơ nổi bật, trong đó có bốn vị được vua Tự Đức đích thân làm thơ khen ngợi, đó là Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương. Trong đó Tùng Thiện Vương Miên Thẩm được ví là Thái Bạch Kim Tinh giáng thế.

Tùng Thiện Vương: Vị danh sĩ được ví là Thái Bạch Kim Tinh giáng thế
Tùng Thiện vương Nguyễn Phước Miên Thẩm. (Tranh thế kỷ 19, Wikipedia, Dương Tê chụp, Public Domain)

Thể hiện tài năng làm thơ từ khi còn nhỏ

Năm 1819, một phi tần của Thái tử Nguyễn Phước Đảm là Thục tần Nguyễn Thị Bửu sinh người con thứ 10 cho Thái tử, được vua Gia Long đặt tên là Nguyễn Phước Hiện.

Theo “Đại Nam liệt truyện”, thuở nhỏ bé Hiện rất hay khóc, khiến bà Thục tần rất lo mà không biết làm sao. Một đạo sĩ cho biết: “Đây là sao Thái Bạch Kim Tinh giáng sinh, làm lễ tiễn thì khỏi”. Bà Thục tần làm theo, quả nhiên từ đó bé Hiện hết khóc.

Năm 1820, vua Gia Long mất, Thái tử Nguyễn Phước Đảm lên nối ngôi, hiệu là Minh Mạng.

Khi Phước Hiện lên 3, 4 tuổi đã thể hiện là đứa bé rất đĩnh ngộ nên được cho học “Hiếu kinh”. Năm lên 7 tuổi, Phước Hiện được đến “Dưỡng Chính đường” học cùng với các các hoàng tử khác. Phước Hiện ít chơi đùa mà rất chăm học và tập trung, lại có trí nhớ truyệt vời nên thuộc được rất nhiều kinh điển.

Có hôm thấy trên án của mẹ mình có chiếc quạt đề bài thơ Đường thể ngũ ngôn, Phước Hiện cầm quạt đọc nhưng có mấy chữ chưa hiểu lắm, cảm thấy vần điệu rất hay, liền xin luôn cái quạt ấy.

Hôm sau Phước Hiện đưa chiếc quạt đến “Dưỡng Chính đường” hỏi thầy về loại thể thơ này, hỏi đến rành mạch hiểu nghĩa, rồi hỏi luật và cách gieo vần. Từ đấy Phước Hiện làm bài nào cũng kết hợp phép làm thơ. Năm 7, 8 tuổi cậu đã thể hiện được tài làm thơ.

Năm 1827, vua Minh Mạng đi tế Giao, Nguyễn Phước Hiện năm ấy mới 8 tuổi cũng đi theo và làm bài thơ “Tế Nam Giao”, khiến nhiều người trầm trồ tán thưởng, sử sách cũng ca ngợi.

Từ đó Phước Hiện thích ngao du sơn thủy, đến những nơi có phong cảnh đẹp và làm thơ.

Năm 1832, vua Minh Mạng làm bài thơ “Đế hệ thi” thể ngũ ngôn tứ tuyệt đặt tên cho con cháu của mình. Nguyễn Phước Hiện được đặt là Miên Thẩm, từ đó mang tên Nguyễn Phước Miên Thẩm.

Năm 1835, vua Minh Mạng lại ghé đàn tế Giao. Miên Thẩm năm ấy 16 tuổi cũng đi theo, thấy xung quanh trồng rất nhiều cây thông, ông làm bài “Vịnh cây thông”. Khi vua lên núi Ngự Bình liền bảo Miên Thẩm làm thơ, Miên Thẩm làm liền mấy bài và Vua khen hay.

Được Vua ban tước

Những bài thơ của Hoàng tử Miên Thẩm được xem là xuất chúng lúc bấy giờ. Năm 1839, vua Minh Mạng ban cho ông tước Tùng Quốc công, được lập Phủ riêng ở phường Liêm Năng, bên bờ sông An Cựu, Huế. Em trai khác mẹ của ông là Miên Trinh cũng rất có tài làm thơ, được phong làm Tuy Quốc công và được mở Phủ ở Tĩnh Phố, kế bên phủ của Tùng Quốc công Miên Thẩm.

Hai anh em cùng yêu thơ, phủ lại gần nhau nên thường xuyên gặp gỡ xướng họa, trờ thành hai nhà thơ nổi tiếng nhất lúc bấy giờ.

Năm 1841, vua Minh Mạng mất, con là Thiệu Trị lên nối ngôi. Năm 1843, vua Thiệu Trị ra bắc, Miên Thẩm đi theo và có tập thơ “Bắc hành”.

Khâm sứ nhà Thanh cảm phục

Năm 1847, vua Thiệu Trị mất, vua Tự Đức lên nối ngôi. Nhà Thanh cử Khâm sứ Lao Sùng Quang vốn đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ đến Kinh đô Phú Xuân làm lễ tấn phong cho Vua mới.

Theo sách “Tùng Thiện Vương” của Ưng Trình và Bửu Dưỡng, vua Tự Đức sai chọn lọc các bài thơ hay nhất của nhân tài trong nước lúc đó là Miên Thẩm, Miên Trinh, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Phan Thanh Giản, Hà Tôn Quyền… in thành tập “Phong nhã thống biên” làm “quà” nghênh tiếp Lao Sùng Quang, và cũng là để khoe văn tài của nước nhà.

Lao Sùng Quang xem thơ thì lấy làm nể phục danh sĩ nước nam, đặc biệt là Tùng Quốc công Miên Thẩm. Lao Sùng Quang đích thân tìm gặp Miên Thẩm để đàm đạo.

Miên Thẩm cùng Lao Sùng Quang cùng nhau xướng họa làm thơ rất tâm đắc. Sùng Quang từ trước đã khâm phục một số bài thơ của Miên Thẩm nên ngỏ ý muốn xem bản thảo. Miên Thẩm đưa tập thơ của mình ra, khi đọc đến bài “Khiển hoài”, Lao Sùng Quang rất khâm phục làm hai câu thơ khen ngợi rằng:

Độc đáo bạch âu hoàng diệp cú.
Mãn hoài tiêu sắt đái thu hàn.

Ưng Trình và Bửu Dưỡng dịch là:

Đọc đến câu “Bạch âu hoàng diệp”
Cả người ớn lạnh với hơi thu.

Thành lập “Mặc Vân thi xã”

Năm 1849, Miên Thẩm mở thêm Tiêu Viên sau Phủ đón mẹ cùng 3 em gái đến phụng dưỡng. Sau này 3 em gái ông lần lượt lấy chồng, rồi mẹ già yếu và mất. Ông dùng Phủ chính của mình làm nơi thờ tự, còn ông đến Tiêu Viên dựng lều tranh bên cạnh mộ mẹ suốt 3 năm. Năm 1854 khi mãn tang mẹ, ông được phong tước Tùng Thiện công.

Miên Thẩm thích cuộc sống thôn dã, trong Tiêu viên ông dựng Ký Thưởng viên để có thể giao lưu thơ phú với các tao nhân, mặc khách ở ngoài Kinh thành, cũng là nơi có nhiều sách cho mọi người cùng đến đọc.

Ông cùng em là Tuy Lý công lập ra “Mặc Vân thi xã” tập hợp được nhiều danh sĩ đương thời như Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Hà Tôn Quyền, Phan Thanh Giản, Nguyễn Đăng Giai, cùng nhiều các hoàng thân khác. “Mặc Vân thi xã” hoạt động sôi nổi với nhiều áng thơ hay.

Năm 1870, Tùng Thiện công Miên Thẩm mất, thọ 51 tuổi. Vua Tự Đức thương tiếc nghỉ chầu 3 ngày để tưởng nhớ. Năm 1878, vua Tự Đức lại truy phong cho ông là Tùng Thiện Quận vương. Đến năm 1936, vua Bảo Đại truy phong ông là Tùng Thiện vương.

Tùng Thiện Vương: Vị danh sĩ được ví là Thái Bạch Kim Tinh giáng thế
Lăng Tùng Thiện Vương ở gần chùa Từ Hiếu, Huế. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Tùng Thiện Vương chăm chú đọc kinh sách, không sách nào là không hiểu. Hàng ngày ông thường cùng các danh sĩ ngắm cảnh vịnh thơ chốn sơn thủy.

Tùng Thiện vương có số lượng sáng tác rất phong phú bao trùm các lĩnh vực triết học, lịch sử, âm nhạc, văn chương, thi ca, v.v.. Ông sáng tác 14 tập thơ Trong đó có 7 tập đã được khắc in. Trong đó nổi tiếng là “Thương sơn thi tập” với 54 quyển chia ra 8 tập với hơn 2.200 bài thơ.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: