Không rõ khi tiếp xúc hay nhìn thấy những người lớn tuổi hơn mình, đặc biệt là những người thuộc thế hệ đi trước các bạn nghĩ gì trong đầu? Với tôi, mỗi khi gặp những người trẻ tuổi, những người đang ở chặng đường đẹp nhất của cuộc đời con người, tôi lại có cảm giác tiếc nuối và cảm giác ấy mỗi lúc một mạnh lên cùng với thời gian. Tôi ước có một phép thần nào đó để mình trẻ lại như các bạn, để lại được ngồi trên ghế nhà trường, để được đi học, vui chơi cùng bè bạn và mơ mộng.

Học, vui chơi, kết giao bạn bè và mơ mộng có lẽ là những thứ thuộc đặc quyền của tuổi trẻ.

Có bạn sẽ kêu lên rằng “Làm gì có chuyện đó. Người trưởng thành, người già vẫn có thể và trên thực tế vẫn làm những việc đó đấy thôi”.

Đúng thế! Những người trưởng thành như chúng tôi bây giờ, như các thầy cô của các em vẫn làm điều đó hàng ngày. Nhưng có một thứ không thể nào có được, dù rất muốn…

Nó là gì?

Đó là… cảm giác. Nếu thích nói kiểu văn chương, các bạn có thể gọi nó là cảm xúc.

Người trưởng thành có thể học, có thể kết giao bạn bè, có thể mơ mộng. Nhưng cảm xúc thúc đẩy những hành động đó, cảm xúc duy trì chúng và cảm giác khi giành được kết quả từ những hành động đó không bao giờ giống như hay chính xác hơn là không bao giờ được như thời còn trẻ.

Ở độ tuổi của các bạn, được cô bạn gái hay bạn trai mình thích tặng cho một nụ cười, các bạn có thể sung sướng cả ngày, cả tháng, cả năm, thậm chí là suốt cả cuộc đời.

Ở độ tuổi của các bạn, khi đọc những cuốn sách hay, các bạn có thể khóc hay có thể cảm động chảy nước mắt.

Cảm động vì một nụ cười hay rơi nước mắt vì một cuốn sách là chuyện thường chỉ xảy ra khi người ta còn trẻ.

Khi đã trưởng thành, người ta vẫn có thể bị ấn tượng bởi nụ cười của ai đó và cũng có thể cảm động khi đọc sách nhưng sự xúc động với cường độ mạnh và ngân vang không thể nào như thời trẻ nữa.

Cũng ở độ tuổi của các bạn, ai cũng sẽ mơ mộng và sống với thế giới tưởng tượng, thế giới lý tưởng của riêng mình. Bất chấp hiện thực trước mắt ra sao và bản thân đang sống trong hoàn cảnh thế nào, ở thế giới tưởng tượng đó, các bạn sẽ “cho” bản thân mình gặp được người mình yêu, làm công việc mình thích và biến mình thành người có những khả năng đặc biệt.

Khi ở độ tuổi của các bạn tôi cũng đã từng mơ mộng thế. Tôi đã từng mơ mình trở thành nhà bác học rồi sau đó lại mơ mình trở thành một thuyền trưởng tàu viễn dương. Tôi mơ thấy mình biết bay và làm được đủ thứ.

Giấc mơ là tài sản đặc biệt của mỗi người. Vì thế, khi còn có thể mơ ước, các bạn đừng tiếc dành thời gian và tâm tưởng cho nó.

Nhưng, tôi biết hay nói chính xác là tôi đoán, có rất nhiều bạn trẻ ngồi ở đây lại đang mơ ước thành… người lớn, thành những người như tôi và các thầy cô có mặt ở đây.

Các bạn muốn nhanh chóng tốt nghiệp phổ thông, chấm dứt cuộc đời học sinh để khỏi phải thức khuya học bài và dậy sớm đến trường mỗi sáng. Các bạn cũng muốn nhanh chóng được chấm dứt cảnh lo lắng bị gọi lên bảng đầu giờ, bị thầy cô la mắng khi bị điểm kém hay không học bài, bị phụ huynh ép thi trường nọ trường kia…

Một số bạn khác thì lại thích mình nhanh thành người lớn để có thể tự do làm một số việc, tự do đưa quyết định mà không bị bố mẹ, thầy cô ngăn cản. Chẳng hạn, tôi biết ở đây, ngay lúc này, có những bạn muốn mình là người trưởng thành để tự do hò hẹn với cô nàng (anh chàng) nào đó trong lớp mà mình thích.

Như thế, có phải chăng là chúng ta đang tự mâu thuẫn với chính mình?

Ở mỗi cá nhân, trong cuộc đời mình đều sẽ có sự mâu thuẫn ngược chiều kì quặc nhưng lại đầy… hợp lý ấy.

Sự thật ấy nói lên một điều rằng con người muốn sống được cần phải có giấc mơ và ở mỗi độ tuổi nhất định, người ta nhất định nên (hoặc phải) làm điều gì đó hoặc không được làm điều gì đó.

Như đã nói ở trên, ở độ tuổi của các bạn, học, kết giao bạn bè và mơ mộng là việc nhất thiết phải làm vì ở giai đoạn này những việc đó rất thích hợp… Sau này, đương nhiên các bạn vẫn có thể làm, nhưng những cảm xúc dẫn dắt, duy trì những việc làm đó của các bạn sẽ khác.

Việc các bạn sử dụng năng lượng và thời gian của bản thân như thế nào trong giai đoạn còn là học sinh sẽ có ảnh hưởng lớn đến những chặng sau này của cuộc đời. Nếu các bạn phung phí thời gian vào những chuyện vô bổ (ví dụ như chơi trò chơi điện tử chẳng hạn-tôi tạm ví dụ là như vậy) thì sau đó các bạn sẽ thấy luyến tiếc vô cùng. Chơi điện tử không phải là thứ gì thuộc đặc quyền của tuổi trẻ. Sau này trưởng thành và nhàn rỗi, ví dụ trong lúc chờ vợ nguôi cơn giận hay khi chờ bạn gái (bạn trai) trong lần hò hẹn đầu tiên, bạn có thể giết thời gian bằng cách chơi điện tử thoải mái.

Cuộc đời, trong mắt những người trẻ tuổi, là con đường dài tít tắp nhưng trong mắt những người đã không còn tuổi trẻ thì đấy là con đường hữu hạn, thậm chí là con đường đang bị ngắn lại từng giờ.

Nhân sinh là con đường một chiều: chỉ có một chiều đi, không có chiều trở lại. Vì thế người ta cho dù sinh ra trong gia đình nghèo khó hay quyền quý cũng chỉ có tuổi thơ, tuổi trẻ một lần duy nhất trong đời.

Điều đó có nghĩa là những việc của tuổi trẻ, chúng ta chỉ có cơ hội được làm duy nhất một lần trong đời. Tuổi trẻ cho dẫu đẹp cũng sẽ qua đi và không bao giờ quay trở lại.

Các bạn đừng bao giờ quên điều đó.

Cần chuẩn bị gì cho tương lai?

Tuổi trẻ tuyệt vời như thế, nhưng tôi dám chắc rằng, có nhiều bạn ngồi đây ở nhiều phút giây đã lãng phí hoặc lãng quên giá trị của nó.

Chẳng hạn, có lúc có bạn đã thở dài chán nản muốn buông xuôi mọi thứ. Có bạn đã muốn giơ hay tay đầu hàng không muốn theo đuổi giấc mơ của mình nữa. Thậm chí, buồn hơn, có bạn đã sử dụng thời gian thuộc về tuổi trẻ cho những thú vui nguy hiểm như dùng chất kích thích, ma túy hoặc những cuộc vui chơi thiếu lành mạnh như cờ bạc, cá độ, rượu bia…

Tuổi trẻ cho dù tuyệt vời thì đến lúc nào đó các bạn cũng sẽ phải chia tay tuổi trẻ. Vì thế các bạn trong khi phải ý thức sâu sắc về sự quý giá của tuổi trẻ, cũng cần phải chuẩn bị tốt cho chặng đường sau-chặng đường của người trưởng thành.

Như thế nào là người trưởng thành?

Sẽ có rất nhiều câu trả lời khác nhau được đưa ra. Ngay cả các thầy cô giáo rất có thể sẽ có câu trả lời khác với bố mẹ các em. Các nhà tâm lý học cũng sẽ có câu trả lời khác với những người thợ….

Nhưng có lẽ, ai cũng sẽ đồng ý với câu trả lời này: “Người trưởng thành là người có khả năng tự lập về kinh tế nhờ vào nghề nghiệp của bản thân”.

Nghĩa là người đó phải làm một nghề gì đó để có thu nhập trang trải cuộc sống riêng mà không phải dựa vào bất cứ ai. Điều này rất quan trọng.

Một người khi không phải dựa vào ai (giống như một cái cây có bộ rễ vững chắc) thì có thể đứng vững trước sóng gió của cuộc đời và mới không để bản thân mình lẫn vào người khác.

Nghề nghiệp quan trọng như thế cho nên, người Việt chúng ta khi gặp nhau, nếu là người trưởng thành, sau khi hỏi họ tên, quê quán thì thường hỏi “Anh/chị làm nghề gì?”.

Nghề nghiệp không đơn giản chỉ là công cụ kiếm tiền. Bởi vì có rất nhiều người do may mắn có được tài sản của cha ông để lại hay vì một lý do nào đó đã có trong tay tài sản lớn đủ để sống trọn đời. Nhưng trên thế giới này các bạn thấy vẫn có rất nhiều người giàu có vẫn tiếp tục học để có nghề nghiệp, vẫn tiếp tục lao động, thậm chí lao động hăng say hơn cả người bình thường.

Tại sao lại như vậy?

Đơn giản vì ngoài tiền bạc, nghề nghiệp còn đem lại niềm vui để sống và làm cho con người ta khỏi tha hóa, đánh mất nhân tính. Trong lịch sử, lao động đã giúp cho con người ngày một người hơn và giờ đây, lao động vẫn tiếp tục làm điều đó.

Ông cha chúng ta, bằng thực tiễn phong phú của mình đã đúc kết rằng “nhàn cư vi bất thiện” (câu thành ngữ có ý nói rằng việc sống trong nhàn hạ lâu ngày, không có việc gì để làm, rảnh rỗi quá sẽ dễ làm nảy sinh ra các hành động không tốt). Đấy là một lời cảnh báo chân thành, đầy tính thực tiễn và nghiêm khắc.

Nếu lao động giúp chúng ta duy trì và phát triển tính người, thì lười lao động và trốn lao động (vì nghĩ đơn giản lao động là để làm ra tiền mà mình có tiền rồi thì cần gì lao động) sẽ làm cho con người chạy lùi lại quy trình tiến hóa. Con người sẽ bị “thú hóa” khi bị dẫn dắt hoàn toàn bởi bản năng.

Năng lượng vốn dĩ cần phải sử dụng cho lao động nghè nghiệp sẽ bị sử dụng cho những việc vô bổ hoặc những việc xấu. Mà các bạn biết đấy, xét trong lịch sử và trên bình diện rộng là xã hội cũng như nhìn vào các trường hợp cụ thể, các bạn đã tìm thấy trường hợp nào lười lao động, trốn lao động và tha hóa có thể tồn tại lâu dài hay có kết quả cuối cùng tốt đẹp không?

Chọn nghề như thế nào?

Nghề nghiệp quan trọng là như vậy nhưng lựa chọn và làm nghề một cách chuyên nghiệp không dễ?

Nhiều người khi nghỉ hưu mới tâm sự rằng: “Tôi đã chọn sai nghề”.

Có những người khác thì cứ vài năm lại thay đổi nghề vì chưa tìm được nghề gì thích hợp với bản thân mình.

Có nhiều người khác thì thu được thành công nhất định ở nghề họ đang làm, nhưng họ lại cũng có suy nghĩ rằng: “Giá như được làm nghề mơ ước, mình có thể thu được thành công vang dội hơn nữa”.

Một số khác, kém may mắn hơn, đã không thể làm được nghề mà mình muốn dù được đào tạo và cấp bằng.

Các bạn có lẽ cũng đang trong tâm trạng băn khoăn về lựa chọn nghề nghiệp của mình. Mơ ước thì vô cùng nhưng những điều kiện để thực hiện ước mơ lại hữu hạn.

Mỗi người đều sẽ gặp phải những khó khăn riêng như hoàn cảnh gia đình, sức khỏe, học lực hay khó khăn về địa lý.

Trong bối cảnh hiện tại khi thủ khoa tốt nghiệp các trường đại học cũng có thể thất nghiệp và “đi chăn lợn”, sự lựa chọn của các bạn càng trở nên khó khăn hơn.

Vậy, để chọn được nghề thích hợp các bạn sẽ phải làm gì?

Rất khó có thể đưa ra câu trả lời chung cho tất cả mọi người. Nhưng bằng trải nghiệm của mình tôi thấy rằng, muốn chọn được nghề phù hợp các bạn phải hiểu được bản thân mình. Để làm được nghề và yêu nghề giỏi các tri thức giáo khoa (ví dụ toán lý hóa, văn…) không thôi là không đủ. Giỏi các môn đó có thể giúp các bạn thi đỗ dễ dàng vào các trường cao đẳng, đại học để giúp có cơ hội hay chứng chỉ hành nghề đó. Nhưng khi ra trường và đi làm, ngoài kiến thức chuyên môn, các bạn sẽ thấy để làm tốt công việc của mình người ta còn phải có lòng nhẫn nại để vượt khó, cần tinh thần cầu thị để hợp tác với đồng nghiệp, cần lòng yêu thương con người để làm nghề (có nghề nào mà không liên quan đến con người?).

Điều gì sẽ xảy ra khi bác sĩ không yêu thương con người?

Điều gì sẽ xảy ra khi người giáo viên không có lòng nhẫn nại?

Điều gì sẽ xảy ra khi các cá nhân trong xã hội không hợp tác với nhau?

Vì vậy, các bạn cần phải cố gắng hiểu rõ bản thân mình. Hãy suy nghĩ và trả lời xem mình thích gì, mơ ước gì, mạnh về mặt nào, yếu những mặt nào.

Khi chọn nghề các bạn cũng hay đặt lên bàn cân xem nghề nào nghe có vẻ “oai” và nghề nào không.

Tâm lý này dễ hiểu và khá phổ biến. Nhưng nếu như các bạn bị dẫn dắt bởi tư duy đó, các bạn sẽ lựa chọn nghề vượt quá khả năng hoặc tư chất con người mình.

Tâm lý lựa chọn nghề nghiệp nói trên sinh ra từ thiên kiến. Trên thực tế không có nghề sang và nghề hèn. Chỉ có nghề lương thiện và nghề không lương thiện. Vì thế sẽ có những người “sang” và người “hèn” trong những nghề nghiệp ấy.

Một người làm bánh mì, nếu làm ra bánh mì ngon, sạch sẽ, bán đúng giá, được khách hàng tín nhiệm thì đó là một người sang trọng.

Ngược lại một người kĩ sư nhưng lại làm dối, làm ẩu dẫn đến cầu sập, nhà hỏng thì đó là người kĩ sư tồi, một kẻ “hèn” đáng lên án.

Khi lựa chọn nghề, các bạn cũng sẽ gặp phải lời khuyên hay sức ép từ phía cha mẹ. Cha mẹ có lý do để khuyên hay ép các bạn. Họ là người đi trước, có trải nghiệm đời sống, kinh nghiệm nghề nghiệp. Họ cũng là người có thừa tình yêu dành cho các bạn. Nhưng họ cũng không phải là thánh thần và cũng dễ phạm sai lầm vì họ thường yêu thương con quá mức hoặc là vì họ đã không thể trở lại tuổi trẻ hay xa tuổi trẻ quá lâu nên thường quên mất xúc cảm của tuổi trẻ và tôn trọng quyết định của tuổi trẻ.

Bố mẹ dẫu có yêu thương con thế nào đi nữa thì cũng không thể sống với con, che chở cho con suốt cả cuộc đời. Đấy là một thực tế tàn nhẫn.

Vì thế, khi quyết định chọn nghề, các bạn vừa phải lắng nghe bố mẹ vừa phải lắng nghe trái tim mình.

Nếu các bạn đủ tự tin, đủ can đảm để chịu trách nhiệm với quyết định của mình, các bạn hãy quyết định.

Sẽ không công bằng khi các bạn muốn chọn nghề mình thích, trường mình thích nhưng lại trút hết trách nhiệm sang phía gia đình khi lựa chọn đó khiến bạn khổ sở hay thất bại sau này.

Nếu bạn quyết định, bạn phải có trách nhiệm với quyết định đó. Trách nhiệm đó thể hiện bằng sự say mê trong học tập và nỗ lực không ngừng để đạt được mục tiêu đã chọn.

Và tất nhiên, chuyện nghề nghiệp không phải là câu chuyện lựa chọn một lần xong rồi thôi. Sự lựa chọn đi học nghề hay thi đại học, thi trường nào… chỉ là một sự lựa chọn ban đầu. Các bạn sẽ còn có rất nhiều cơ hội để lựa chọn lại và điều chỉnh. Điều đó phụ thuộc vào những suy nghĩ và trải nghiệm các bạn có được khi tốt nghiệp trung học phổ thông, xa gia đình và sống cuộc sống tự lập. Cuộc sống muôn màu ấy sẽ thử thách bản lĩnh của các bạn.

Là một người đi trước và cũng là người đã từng hoang mang rất nhiều khi phải lựa chọn đường đi cho mình, tôi chúc các bạn sẽ luôn có được cảm xúc say mê, hào hứng, mơ mộng và tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ trên chặng đường đời.

Nguyễn Quốc Vương
Hà Nội, 30/10/2017

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: