Lực hấp dẫn của một người không phải đơn thuần đến từ dung mạo bên ngoài mà là trực tiếp đến từ tâm tính. Bảo trì một tâm tính tốt là phương pháp làm đẹp hữu hiệu nhất. Đây là điều mà người xưa giảng là “Tướng do tâm sinh”.

Trong tướng thuật, “tướng” thông thường là chỉ hình dạng khuôn mặt, nhưng cũng chỉ đại thể toàn bộ cách đi đứng, vận động của một người. “Tướng do tâm sinh” là có ý nói rằng, một người có tâm tính như thế nào thì sẽ có tướng mạo như thế ấy. Tâm tư ý nghĩ và hành vi của một người có thể thông qua các đặc điểm trên khuôn mặt mà được hiển hiện ra.

Tướng do tâm sinh: Người thiện tâm có tướng mạo hiền lành phúc hậu
(Ảnh minh họa: Lesya Pogosskaya, Shutterstock)

Trong “Tứ khố toàn thư” viết: “Đừng nhìn tướng mạo người mà trước tiên hãy nghe thanh âm của người ta, đừng nghe thanh âm người mà trước tiên hãy quan sát hành vi của người ta, đừng quan sát hành vi người mà trước tiên hãy xét cái tâm của người ta”. Điều này cho thấy cái “tâm” quyết định cái “tướng” của con người, rằng biến hoá của tướng là biểu hiện ra bên ngoài của sự biến hóa nội tâm.

Có câu cổ ngữ rằng: “Hữu tâm vô tướng, tướng do tâm sinh; hữu tướng vô tâm, tướng tùy tâm diệt”, ý nói rằng tướng là tùy theo tâm, có tướng ấy mà không có tâm ấy thì tướng sẽ bị tiêu mất, không có tướng ấy mà có tâm ấy thì tướng cũng theo đó mà sinh ra. Do đó, tướng mạo của một cá nhân thuận theo niệm thiện-ác của cá nhân ấy mà biến hoá.

Đông Y cổ đại cũng cho rằng tướng mạo là do hai bộ phần “hình” “thần” tạo thành. Hình là đặc thù của sinh lý còn thần vừa bao hàm nhân tố sinh lý, vừa phụ thuộc vào sự tu chỉnh quyết định. Nhất cử nhất động từng ý từng niệm trong cuộc sống, qua một thời gian thì dần dần sẽ ngưng đọng trên khuôn mặt, nghĩa là “hữu chư nội tất hình chư ngoại” (có gì bên trong ắt xuất hình bên ngoài).

Tâm niệm nảy sinh, cũng sẽ ảnh hưởng lên thân thể. Nếu như nội tâm an hoà tĩnh tại thì thần thanh khí sảng, lạc quan, đôn hậu, quang minh ngay chính. Điều đó sẽ khiến cho khí huyết điều hoà, ngũ tạng an định, công năng chính thường, thân thể khoẻ mạnh. Từ đó người ta ắt sẽ thể hiện ra mặt mũi sáng sủa, thần thái phấn khởi, ai gặp mặt cũng cảm thấy thoải mái, có cảm giác thân thiện an hoà một cách tự nhiên.

Đông y thời cổ đại có thể thông qua nhìn tướng mạo mà biết được nguyên nhân của bệnh. Người xưa giảng “Tứ chẩn”, gọi là “Vọng, Văn, Vấn, Thiết”, tức là bốn phương pháp để thầy thuốc thăm khám bệnh, gồm có Vọng (nhìn), Văn (nghe), Vấn (hỏi), Thiết (sờ). Trong đó, Vọng chính là nhìn thần sắc. Vọng đứng đầu trong “Tứ chẩn”, cho nên nó được đánh giá là rất quan trọng trong chẩn đoán bệnh.

Nếu mắt nhìn không được rõ thì chứng minh gan có vấn đề. Đầu lưỡi không cảm giác rõ vị thì tim có vấn đề. Môi tái nhợt, không có sắc thì tính khí bất hòa. Mũi ngửi mà không rõ mùi vị thì phổi có vấn đề. Tai nghe không rõ thì chức năng thận suy yếu. Các bộ phận khác nhau của tướng mạo là có liên quan mật thiết đến lục phủ ngũ tạng trong thân thể người. Cho nên, người ta nhìn sự biến hóa của tướng mạo bên ngoài sẽ biết được nguyên nhân then chốt của bệnh.

Đối với người lớn tuổi, từng trải, cũng có thể thông qua nhìn tướng, nhìn cách đi, nghe giọng nói, mà biết được tính cách, sở thích và tình trạng bệnh của người này. Có rất nhiều điều khiến người ta tin rằng đã được định trước trong mệnh, nhưng cũng có rất nhiều điều đều là do tư tưởng không tốt, thói quen không tốt và hành vi không thiện của bản thân tạo thành.

Cho nên, cũng có thể nói rằng “tâm” là nhân của “tướng”, “tướng” là quả của “tâm”. Nếu nội tâm của một người yên bình, tĩnh lặng, lạc quan, từ bi, ngay chính, lương thiện thì cơ thể của người ấy sẽ hoạt động một cách trơn tru, người ấy đương nhiên sẽ có được một sức khỏe tốt, tinh thần tốt và dung mạo phúc hậu.

Khoa học hiện đại cũng có làm một số thí nghiệm thực chứng về phương diện này. Chẳng hạn có một thí nghiệm đánh giá sự ảnh hưởng của dung mạo bên ngoài và nội tâm bên trong của một người đối với người tiếp xúc. Trong nghiên cứu này người ta cho một số người lên giới thiệu về bản thân, và mời một số người không quen biết đánh giá. Căn cứ để chấm điểm là hình dáng bên ngoài, biểu hiện cảm xúc, kỹ năng giao tiếp, cuối cùng đánh giá xem bản thân mình có yêu thích người ấy hay không. Kết quả cho thấy, những nhân tố bên ngoài có sức ảnh hưởng nhỏ nhất, những nhân tố tích cực bên trong lại có sức ảnh hưởng lớn nhất đối với người tiếp xúc.

Về y học hiện đại mà nói, khi trong lòng cảm thấy vui vẻ, dễ chịu, lượng máu chảy về phía bề mặt da sẽ tăng lên làm cho sắc mặt hồng hào và sáng bóng hơn. Những trạng thái cảm xúc không tốt như căng thẳng, ức chế, hốt hoảng, sợ hãi sẽ làm rối loạn nội tiết khiến cho lượng máu cung cấp cho da sẽ giảm đi. Từ đó, khiến sắc mặt mất đi vẻ sáng bóng mà trở nên khô, thậm chí xuất hiện nếp nhăn.

Ngoài ra, sự bài tiết hormone do thần kinh chi phối, nên vào lúc tâm tình không vui, thì tuyến mồ hôi và tuyến bã nhờn bị ức chế, khiến sự bài tiết dầu trên da bị bất thường. Nếu như tâm tình không tốt kéo dài trong một thời gian sẽ làm suy nhược thần kinh, mất ngủ, làm da bị lão hóa. Do đó, nếu như một người thường xuyên vui vẻ, thì vẻ mặt sẽ dễ chịu, tường hòa. Đây là nguyên nhân vì sao có một số người có khuôn mặt cũng không phải xinh đẹp xuất chúng nhưng lại rất ưa nhìn.

Tướng do tâm sinh, người tâm thiện có vẻ mặt hiền lành, phúc hậu, ưa nhìn. Tổng kết này của cổ nhân chiếu từ văn minh cổ đại hay y học hiện đại đều rất sâu sắc và đúng đắn.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: