Vua và dân phải giữ phép vua tôi, học trò với thầy giáo cũng cần có lễ nghĩa. Vua từ nhỏ nếu không được thầy nghiêm khắc dạy bảo cũng khó làm người. Bởi vậy thân làm Vua nhưng đối với thầy giáo của mình cũng cần tôn sư trọng đạo. Dưới đây là vài câu chuyện dân gian được truyền tụng về đạo thầy trò của các ông vua Việt.

Vài chuyện dân gian về người thầy của các ông vua Việt
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Vua Lê Hiến Tông thăm thầy cũ

Lê Hiến Tông là vị Vua thông minh, nhân từ và ôn hòa. Ông thừa hưởng thành quả trị quốc từ vua cha Lê Thánh Tông, đất nước thái bình. Sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi lại câu chuyện khi Vua thăm thầy học cũ của mình là Nguyễn Bảo như vậy.

Khi đến cổng làng Châu Khê, Vua xuống kiệu bảo mọi người ở lại, chỉ mình Vua cùng vài vị cận thần cùng một vị quan sở tại đi vào nhà thầy. Vua nói những người khác rằng: “Hôm nay trẫm về đây là để thăm thầy chứ không phải vi hành công cán, vì vậy cho phép các khanh về nghỉ ở công quán”.

Vua cùng ít người đi bộ vào nhà thầy giáo như những thường dân khác, không kèn không trống, không có lính hô dẹp đường. Thầy giáo già gặp Vua thì sụp xuống lạy theo nghi lễ. Vua vội dùng hai tay đỡ thầy lên rồi nói: “Xin lão tiên sinh bình thân để cho đệ tử không bị thất lễ”.

Vua bảo mọi người đứng cả dậy rồi nói: “Hôm nay trẫm đến đây là học trò về thăm thầy, chứ không phải thiên tử đi kinh lý, nghi lễ ở chốn triều đình dùng vào lúc khác!”

Nhà thầy giáo giản dị, cổ kính, gọn gàng như phong thái của nhà Nho. Vua nói thầy ngôi lên sập giữa để mình vấn an, thầy liền vội nói: “Tâu bệ hạ đâu lại có thể như thế được. Đạo thầy là nặng, song phép nước cao hơn, xin hoàng thượng cho lão phu này được đứng hầu! Người ngoài trông vào sao tiện!”

Vua đáp rằng: “Thưa tôn sư, họ đã biết mục đích của trẫm hôm nay rồi. Tôn sư cho phép đệ tử ngồi chung là đã quá lắm rồi”.

Rồi hai người vừa là vua tôi, vừa là thầy trò cùng đàm đạo. Nhà Vua hỏi thăm sức khỏe của thầy cùng gia đình, rồi xem những bài thơ thầy mình làm khi nhàn rỗi ở chốn thôn dã.

Hai thầy trò, vua tôi vừa thưởng trà, vừa nói chuyện với nhau thật tâm đắc. Vua nói với mấy người theo mình rằng: “Trẫm cho các ngươi lui! Chiều nay trẫm không dùng ngự thiện, trẫm xin với lão tiên sinh cùng gia đình ăn bữa cơm quê. Trẫm muốn được ngồi chung mâm với thầy cũ cho thoả tình thầy trò, chắc lão tiên sinh cho phép”.

Hai thầy trò ăn uống trò chuyện rôm rả thoải mái, thầy Nguyễn Bảo thật vui vẻ hạnh phúc khi có học trò dù ngồi trên ngai vàng vẫn nhớ đến mình.

Vua Hàm Nghi được dạy bảo nghiêm khắc

Nhà Nguyễn rất chú trọng việc giáo dục cho hoàng thân quốc thích. Vua Gia Long có xây dựng “Tập Thiện Đường” để các hoàng tử học tập. Sau đó Triều đình lại cho xây dựng “Tôn Học Đường” để cho các hoàng tử, con em hoàng thân học tập.

Vài chuyện dân gian về người thầy của các ông vua Việt
Lầu Tứ Phương Vô Sự, nơi các hoàng tử và công chúa học tập vào cuối thời Nguyễn. (Ảnh: Trần Anh Đức, Wikipedia, CC0 1.0)

Người được giảng cho hoàng thân quốc thích đương nhiên được tuyển chọn rất kỹ. Thời vua Tự Đức năm 1879, thầy giáo Nguyễn Doãn Cử, quê Vũ Thư – Thái Bình được mời dạy cho các hoàng thân nhà Nguyễn. Khi đó thầy Nguyễn Doãn Cử đang giữ chức Đốc học ở Nghệ An, là thầy của các danh sĩ xứ Nghệ như Phan Đình Phùng, Phan Trọng Mưu, Phan Huy Nhuận.

Được mời dạy cho các hoàng tử trong Triều, thầy không chỉ dạy cách dùng Nho gia trị quốc mà còn chú trọng dạy đạo đức.

Một lần cậu bé Ưng Lịch không thuộc bài, thầy Doãn Cử đã phạt trò thẳng tay bất chấp trò là dòng dõi Vương tôn. Sau đó thầy Doãn Cử nghĩ mình khó tránh bị trách phạt liền dâng sớ tạ tội rồi xin được về quê.

Vua Tự Đức biết chuyện thì không trách mà còn đưa thêm roi cho thầy rồi nói: “Khanh quý trẫm vì nể trọng khuôn phép, chứ không phải nể quyền uy nơi trẫm. Nếu không nghiêm như vậy thì làm sao đào luyện được tài năng, hoàng tộc sẽ không có người kế nghiệp xứng đáng”. Thầy Doãn Cử dạy học trong Kinh thành 2 năm thì xin nghỉ hưu về quê.

Một người thầy khác bấy giờ là Nguyễn Nhuận, dù không đỗ cao nhưng là nhà Nho liêm khiết, quang minh, được nhiều người kính nể, vì thế mà Nguyễn Nhuận được chọn dạy cho các hoàng thân.

Trong số các trò có Ưng Lịch vốn học hành chỉ bình thường nhưng tính tình ngỗ nghịch. Thầy giáo Nguyễn Nhuận đã dùng đức cảm hóa được cậu bé Ưng Lịch, khiến Ưng Lịch bỏ tính ngỗ nghịch mà chăm chỉ học tập các kinh điển của Nho gia.

Cậu bé Ưng Lịch sau này trở thành vua Hàm Nghi. Nhờ thuở nhỏ gặp được những người thầy dạy dỗ nghiêm khắc mà trở thành vị Vua có tâm chống Pháp đến cùng.

Theo sách “Thầy dạy vua Hàm Nghi”, vua Hàm Nghi nhớ công ơn thầy giáo, muốn phong cho thầy Nguyễn Nhuận một chức quan to trong Triều. Nhưng Nguyễn Nhuận thấy vùng Tuyên Hoá quê mình nghèo khổ, dân chúng ít học, nên xin được về quê. Vua Hàm Nghi liền cho thầy mình làm Tri huyện Tuyên Hóa.

Tuyên Hóa nhờ có quan Tri huyện như vậy mà từ đó trong vùng không có ăn xin, cũng không có trộm cướp, ngay cả hoa quả ngoài vườn cũng không bị mất, vườn tược nhà nhà thông thương, chủ nhà đi vắng cũng không quan tâm đến việc khóa cửa hay không nữa.

Trần Hưng tổng hợp

Xem thêm:

Mời xem video: