Thân Nhân Trung có câu nói nổi tiếng được khắc trên Văn Miếu: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Các kỳ thi khoa bảng là nơi tìm ra các bậc hiền tài phụng sự Giang Sơn Xã Tắc. Trải qua nhiều Triều đại, các kỳ thi khoa bảng cũng ghi lại nhiều chuyện lạ khác nhau.

Thân Nhân Trung
Bia tiến sĩ ở Văn Miếu. (Ảnh: Gryffindor, Wikipedia, Public domain)

Trạng nguyên nhỏ tuổi nhất

Khoa thi năm 1247 thời vua Trần Thái Tông trở thành khoa thi kỳ lạ bậc nhất trong lịch sử, khi mà 3 vị đỗ đầu tức “Tam khôi” đều còn nhỏ, không có ai đến 18 tuổi cả. Cả Trạng nguyên Nguyễn Hiền và Thám hoa Đặng Ma La chỉ mới 13 tuổi và trở thành Trạng nguyên và Thám hoa nhỏ tuổi nhất lịch sử. Còn Bảng nhãn Lê Văn Hưu mới 17 tuổi, sau này thành nhà sử học nổi tiếng bậc nhất, tác giả “Đại Việt Sử ký”, cuốn quốc sử đầu tiên của Việt Nam.

Trạng nguyên Nguyễn Hiền là Trạng nguyên nhỏ tuổi nhất cũng là Trạng nguyên rất nổi tiếng, có rất nhiều giai thoại và câu chuyện xung quanh vị Trạng nguyên này.

Sĩ tử lớn tuổi nhất

Khoa thi năm 1900 chứng kiến một kỷ lục khác, tại trường thi Hương ở Nghệ An, tất cả giám khảo và 4.000 sĩ tử đều ngơ ngác khi thấy một cụ già râu tóc bạc phơ cũng đến trường dự thi. Hỏi ra mới biết cụ là Đoàn Tử Quang đã 82 tuổi.

Đúng ra thì cụ không dự thi mà là 2 người con trai của cụ dự thi, nhưng trước kỳ thi thì vợ cụ mất, theo lệ của Triều đình thì 2 người con phải chịu tang mẹ 3 năm mới được dự thi. Việc 2 con cụ không dự thi được khiến năm đó trong làng không có ai dự thi, các chức sắc trong làng chỉ còn cách động viên cụ dự thi một chuyến.

Vài chuyện lạ qua các kỳ thi khoa bảng ở Việt Nam
Cụ Đoàn Tử Quang. (Ảnh: Khoahocdoisong.vn)

Dù tuổi cao nhưng cụ vẫn lần lượt qua tam trường và vào trướng tứ tức vòng thi cuối cùng. Theo kết quả chấm bài thi thì người đỗ đầu là Phan Bội Châu, người đỗ thứ 2 chính là cụ Đoàn Tử Quang. Tuy nhiên quy chế khoa cử thời ấy rất nghiêm ngặt, cụ Đoàn Tử Quang không may phạm lỗi nhỏ nên bài của cụ bị đánh rớt xuống còn thứ 29. Nhưng năm đó lấy 30 người đậu, nên cuối cũng cụ cũng đậu kỳ thi Hương, tương đương cử nhân.

Người đỗ cao nhất tức Giải nguyên Phan Bội Châu đã làm bài ca tặng cụ cùng đôi câu đối:

Xảo thật trời kia, xảo thật nguyệt kia, hẵng đem mùi cay đắng thử khách tài hoa, đã toan phụ tám mươi năm nợ nần thư kiếm.
Lạ thay người ấy, sướng thay người ấy, muốn ôm mớ văn chương về trả tạo hóa, mà lại xem muôn ngàn dặm cái phong vân.

(Bản dịch của Ninh Viết Giao)

Tấm gương kiên trì của cụ Đoàn Tử Quang 82 tuổi vẫn dự thi qua tứ trường đã trở thành động lực to lớn giúp cho Phan Bội Châu thêm nghị lực trên con đường đầy chông gai sau này.

Nữ Trạng nguyên duy nhất

Vào thời nhà Lê thế kỷ 16 ở Kiệt Đặc, Chí Linh, Hải Dương có Nguyễn Thị Ngọc Toàn nổi tiếng hay chữ từ nhỏ, xa gầ đều biết tiếng, 4 tuổi đã biết viết chữ, đọc văn thơ. Thế nhưng thưở ấy việc “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” được xem là việc của đàn ông, vì thế mà cảnh đèn sách đi thi của các sĩ tử thì tuyệt chỉ có nam giới, không hề có bóng nữ nhi nào. Vì thế Ngọc Toàn vốn hay chữ đành phải giả làm con trai đến trường học từ năm lên 10 tuổi, sau này đổi tên thành Nguyễn Thị Duệ.

Năm 1594 nhà Mạc mở khoa thi, Nguyễn Thị Duệ năm ấy đã 20 tuổi để được dự thi đã giả trai đăng ký với tên là Nguyễn Du. Nguyễn Thị Duệ đã dự thi trót lọt, vượt qua tất cả các vòng thi và đỗ đầu tức Trạng nguyên trước ánh mắt ngưỡng mộ của nhiều sĩ tử cùng khoa thi. Sau đó vua Mạc Kính Cung dù biết Trạng nguyên là nữ cũng không trách mà còn khen ngợi.

vinh quy bai to 1
Vinh quy bái tổ. (Tranh dân gian)

Sau này quân chúa Trịnh đánh bại nhà Mạc, Nguyễn Thị Duệ bị bắt, nhưng khi biết đây là nữ Trạng nguyên thì ai cũng tôn quý bà. Nguyễn Thị Duệ được giao cho việc khuyến học, ra đề cũng như chấm thi các kỳ thi Hội, thi Đình.

Bỏ giấy trắng vẫn đỗ tiến sĩ

Thời nhà Lê vào thế kỷ 16 ở làng Nguyệt Viên, huyện Hoằng Hóa (nay thuộc xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) có ông Nguyễn Trật vốn là người hiền lành nên được dân làng quý mến. Nhưng dù siêng năng học chữ, đọc nhiều sách nhưng do không sáng dạ nên chẳng nhớ nổi mấy trang. Đến khoa thi dù 40 tuổi ông vẫn quyết định đăng ký.

Thầy giáo rất quý Nguyễn Trật vì ông hiền lành lễ độ, nhưng thầy cũng biết ông tối dạ nên khó đỗ, mới bảo các trò khác vào trường thi nhớ tìm cách giúp Nguyễn Trật. Lúc này thời Lê Trung Hưng mới đánh bại nhà Mạc nên việc thi cử còn lỏng lẻo, nhờ bạn bè giúp đỡ mà Nguyễn Trật qua được tam trường thi Hội. Vào trường tứ thì bạn bè đều rớt cả, chỉ còn lại ông đi thi.

Tại trường thi, trong khi Nguyễn Trật cùng các sĩ tử đang làm bài thi, thì có sĩ tử lều bên cạnh đau bụng, Nguyễn Trật liền tận tình giúp đỡ, rồi cõng ra khỏi trường thi để chữa trị. Sĩ tử này liền tặng ông quyển thi của mình và nói quyển thi này vẫn chưa đề tên, ông có thể để tên mình vào. Nhờ đó Nguyễn Trật nằm trong 7 người đỗ tứ trường và vào kỳ thi cuối cùng là thi Đình.

Vào thi Đình không còn ai giúp đỡ, Nguyễn Trật đành nộp giấy trắng. Triều đình cho rằng Nguyễn Trật ngông nghênh không chịu làm bài nên định đánh rớt. Tuy nhiên lúc này Kinh thành có biến, Nguyễn Trật có công lớn hộ giá Vua vào Thanh Hóa nên tội lỗi được bỏ qua, Triều đình cho ông đỗ tiến sĩ.

Nguyễn Trật
Văn bia tiến sĩ khoa thi năm 1623, Nguyễn Trật đỗ tiến sĩ. (Ảnh: H annom.org.vn)

Sau này Nguyễn Trật làm quan đến chức Công khoa Đô Cấp sự trung. Dù ông không có văn hay, nhưng tính tình hiền lành thương yêu dân chúng, làm quan rất thanh liêm, người dân yêu mến gọi ông là quan Nghè Nguyệt Viên.

Thế mới biết người không có tài nhưng có đức thì ai cũng muốn giúp, làm quan thì dân chúng được nhờ.

Tung quyển thi chọn Trạng nguyên

Một kỷ lục hy hữu nữa là khoa thi năm 1499 có 2 sĩ tử là Lương Đắc Bằng và Đỗ Lý Khiêm đều có văn tài giỏi như nhau, các quan chấm dù rất kỹ lưỡng nhưng không sao xác định bài nào là Trạng nguyên.

Vua liền cho 2 người làm thêm bài ứng chế, nhưng các quan lại cũng thấy cả 2 bài của hai người đều hay tuyệt không thể phân định bài nào nổi trội hơn. Vua liền cho hai người làm thêm bài văn “bái mạng”.

Bấy giờ Đỗ Lý Khiêm qua thời gian dài ở Kinh thành dự thi, tiếp xúc với Lương Đắc Bằng và cảm thấy đây là người rất tài năng, xứng đáng là Trạng nguyên, nên không có ý so tài nữa, vì thế chỉ làm qua loa cho xong.

Bài được đưa lên cho Vua, nhà Vua thấy bài Lương Đắc Bài làm thì tấm tắc khen rất hay, đến bài của Đỗ Lý Khiêm thì thấy kém hẳn, thậm chí kém quá xa những bài đã làm trước đây. Vua đoán biết Đỗ Lý Khiêm có ý định nhường lại ngôi Trạng để gỡ khó khăn cho Triều đình trong việc chọn Trạng.

Lương Đắc Bằng nghe được thì tự lấy làm hổ thẹn, tâu lại với Vua rằng phẩm chất của mình không thể sánh được với Lý Khiêm, nên để ngôi Trạng cho Đỗ Lý Khiêm là hợp lý. Thế là sau đấy cả hai người đều nhường ngôi Trạng nguyên mà không ai muốn nhận.

Vua và Triều đình lại thêm khó xử không biết làm sao. Các quan liền nghĩ ra một cách là vẽ vòng tròn trên sân rồng rồi cho 2 người tung quyển thi vào, quyển thi của ai gần tâm vòng tròn hơn sẽ là Trạng nguyên.

Kết quả quyển thi của Đỗ Lý Khiêm nằm trong vòng tròn, còn quyển thi của Đắc Bằng nằm ngoài vòng tròn. Thế là Đỗ Lý Khiêm đỗ Trạng nguyên, còn Lương Đắc Bằng đỗ thứ hai tức Bảng nhãn.

Đỗ Lý Khiêm đổi tên thành Đỗ Lý Ích, làm quan đến Phó đô Ngự sử, có tiết tháo và yêu thương dân chúng. Khi mất ông được phong tước Thái bảo, hàm Thượng thư, được phong làm Phúc Thần làng Ngoại Lãng quê ông.

Lương Đắc Bằng làm quan đến Tả thị lang bộ Lễ. Đến đòi vua Lê Tương Dực thì ngoài chức Tả thị lang bộ Lễ lại được kiêm thêm Đông các học sĩ, dạy học cho Vua và Thái tử. Sau được phong làm Thượng thư bộ Lại.

Nhận thấy nhà Lê đang suy sụp nếu không có kế sách tri quốc thì tương lai sẽ sụp đổ, ông liền dâng 14 kế sách gọi là “trị bình” mong Vua áp dụng để trị quốc.

Tuy nhiên Lương Đắc Bằng sau đó nhận thấy Vua không còn chú ý nghe theo 14 kế sách của mình nhằm ổn định Triều chính, nên cáo quan về quê dạy học. Ông yêu quý học trò, truyền dạy hết chữ nghĩa và vả đạo lý làm người, học trò của ông sau này rất nhiều người thành tài làm quan lớn và nhân sĩ có tiếng. Học trò mà ông tâm đắc nhất là Nguyễn Bỉnh Khiêm trở thành nhân tài hiếm có, những câu nói của Nguyễn Bỉnh Khiêm với chúa Trịnh và chúa Nguyễn cũng như nhà Mạc đã làm thay đổi cả lịch sử thời bấy giờ.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: