Cuộc sống của người xưa có một mối liên hệ rất sâu sắc với ngọc. Ngọc xuất hiện ở nhiều nơi, đeo trên người, bài trí trong nhà, điển lễ… Ngay cả những câu thành ngữ, tục ngữ cũng có rất nhiều câu nói về ngọc như “đình đình ngọc lập” (người nữ mỹ lệ), “ngọc thụ lâm phong” (người nam khí khái). Ngọc chiếm vị trí vô cùng đặc biệt trong văn hóa truyền thống.

Nguyên nhân người xưa yêu thích ngọc
(Tranh minh họa: Vision Times tiếng Trung)

Ngọc dùng để cúng tế

Ngọc (玉) trong chữ giáp cốt về tổng thể nhìn tựa như ba miếng ngọc được xâu trên một sợi dây. Liên quan đến ngọc còn có chữ Lễ. Trong chữ Hán cổ, phần trên của chữ Lễ (礼) là hai chuỗi ngọc thạch, phần dưới là dụng cụ hiến tế. Điều này có ý nghĩa là hai chuỗi ngọc đẹp được đặt trên dụng cụ tế để thờ thần. Chính vì thế, ngọc lúc ban đầu là dùng để hiến tế. 

Trong “Thuyết văn giải tự”, tác giả Hứa Thận thời nhà Hán viết: “Ngọc, thạch chi mĩ giả”, tức ngọc chính là viên đá xinh đẹp. Ngọc ẩn nấp trong đá và phải mất hàng nghìn năm mới có thể hình thành. Ngọc hấp thụ tinh hoa của trời đất, nên được xưng là “Thạch chi vương”, vua của các loại đá. Người xưa dùng ngọc để cúng tế Thần linh, tiến hành câu thông với Thần linh. 

Trong cuốn “Chu Lễ” viết rằng: “Lấy ngọc làm lục khí để lễ bái thiên địa bốn phương: Lấy thương bích lễ trời, lấy hoàng tông lễ đất, lấy thanh khuê lễ phương đông, lấy xích chương lễ phương nam, lấy bạch hổ lễ phương tây, lấy huyền hoàng lễ phương bắc”.

Thương bích là ngọc màu xanh dương hình tròn ở giữa có lỗ tròn, hoàng tông là ngọc màu vàng hình vuông ở giữa có lỗ tròn. Người xưa cho rằng trời tròn đất vuông cho nên dùng thương bích tế trời và hoàng tông tế đất.

Về phương diện màu sắc của ngọc, người xưa dùng màu sắc khác nhau để cúng tế các phương vị khác nhau. Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ đối ứng với ngũ phương. Phương đông thuộc mộc đối ứng với màu xanh cho nên người xưa dùng ngọc xanh lá (thanh khuê) để cúng tế. Phía nam thuộc hỏa đối ứng với màu đỏ cho nên người xưa dùng ngọc đỏ (xích chương) để cúng tế. Phía tây thuộc kim đối ứng với màu trắng cho nên người xưa dùng ngọc trắng (bạch hổ) để cúng tế. Phía bắc thuộc thủy đối ứng với màu đen cho nên người xưa dùng ngọc đen (huyền hoàng) để cúng tế. Ở giữa đối ứng với thổ, màu vàng nên dùng ngọc vàng (hoàng tông) để cúng tế.

Người xưa ngoài việc dùng ngọc để cúng tế Thần linh ra thì còn dùng ngọc trong các ngôi mộ. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy rất nhiều ngọc tông, ngọc khuê trong mộ phi tử của Vũ Đinh triều Thương. Đây được cho là ngôi mộ vương thất có nhiều ngọc thạch nhất thời Thương được phát hiện.

Ngọc dùng trong nghi lễ

Người xưa ngoại trừ dùng ngọc để làm vật cúng tế ra còn dùng ngọc làm lễ khí. Triều nhà Chu rất coi trọng việc dùng lễ nhạc giáo hóa nên thường dùng chuông nhạc và khánh để diễn tấu. Khánh mà thời nhà Hạ, nhà Thương, nhà Chu sử dụng trong các buổi lễ đều được làm bằng ngọc thạch. Thanh âm mà ngọc phát ra vô cùng thanh thúy, trong trẻo và dễ nghe. Âm thanh của chuông ngọc cùng với tiếng đập của chuông đồng ăn khớp hòa nhịp với nhau, nên được gọi là “Ngọc chấn kim thanh”

Vào thời nhà Chu, khi thiên tử cùng chư hầu gặp nhau đều sẽ cầm ngọc khuê. Thân phận địa vị không giống nhau sẽ cầm ngọc khuê có chiều dài khác nhau. Triều nhà Chu có bộ phân chuyên môn quản lý ngọc, gọi là ngọc nhân. Chức trách của ngọc nhân chính là chế tác các loại ngọc khác biệt về hình dạng và cấu tạo cho thiên tử, các tầng lớp xã hội khác như công, hầu, bá, tử… sử dụng. Mục đích là dùng ngọc để phân chia thân phận.

Ngoài ra, có những loại ngọc thường được dùng làm vật tượng trưng cho hòa bình và hữu nghị. Thời cổ, khi hai nước xảy ra tranh chấp, không muốn xung đột xảy ra thì sẽ tặng ngọc cho nhau để thể hiện mong muốn hòa bình.

Ngọc cũng tượng trưng cho danh dự uy tín của Hoàng đế, bởi vì từ triều Tần đến triều Thanh, ấn chương của Hoàng đế đều được làm từ ngọc thạch, gọi là “Ngọc tỉ”. Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất sáu nước đã sai người đem một khối ngọc khắc thành ngọc tỉ truyền quốc, lại lệnh cho Lý Tư khắc ở phía trên tám chữ triện, “Thụ mệnh vu thiên, kí thọ vĩnh xương”.

Ngọc dùng làm vật trang sức

Trong “Lễ ký ngọc tảo thiên” viết: Thời cổ, người quân tử thích đeo ngọc. Khi tiến hay lùi, ngọc sẽ phát ra âm thanh trong trẻo dễ nghe. Vì vậy, người quân tử khi ngồi trên xe có thể nghe được tiếng chuông vang, còn khi đi bộ thì nghe được âm thanh của ngọc, như thế tai liên tục nghe được chính âm của ngũ thanh, nhờ vậy mà những ý niệm bất chính sẽ không sản sinh ra. 

Ngọc thạch ôn hòa trơn bóng mang một vẻ đẹp tao nhã tựa như vẻ thanh nhã của hoa lan, là vật trang sức mà người xưa rất yêu thích. Vô luận là về phẩm chất, màu sắc, hay cảm xúc, ngọc thạch đều phù hợp với quan điểm thẩm mỹ của người phương Đông, đặc biệt là tầng lớp thượng lưu, quý tộc thời xưa.

Người xưa yêu thích ngọc còn bởi vì ngọc tượng trưng cho phẩm đức. Khổng Tử từng nói: “Quân tử bỉ đức vu ngọc”, ví ngọc với người quân tử, đại biểu cho phẩm hạnh cao quý của người quân tử, gắn liền với người quân tử không tách rời. Người xưa đeo ngọc bên mình để thời thời khắc khắc nhắc nhở bản thân chú ý về lời nói và hành vi, không được vượt quá phép tắc. 

Đạo gia cho rằng: “Thánh nhân bị hạt hoài ngọc”, ý nói bậc thánh nhân tuy rằng bề ngoài mặc quần áo giản dị thô xơ nhưng trong lòng ôm giữ ngọc quý, đó chính là lương tri, là bảo hộ thiên tư của mình, không để lạc mất bản tính tiên thiên của mình. Đây cũng là dụng ý chính của việc người xưa khi mang ngọc bên mình.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: