Vũ Khâm Lân là người ở xã Ngọc Lặc, huyện Tứ Kỳ (nay là thôn Ngọc Lặc, xã Ngọc Sơn, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Ông sinh năm 1703 trong một gia đình nghèo khó, từ nhỏ đã mất mẹ, nến phải sớm vất vả làm lụng mưu sinh trong cảnh mẹ kế con chồng.

Dù khó khăn vất vả là thế, Khâm Lân lại rất ham học, tận dụng thời gian để học chữ nghĩa. Lớn lên một chút thì cậu quyết định ra Thăng Long, ở trọ tại Dịch Vọng, vừa làm thuê vừa học.

Vài giai thoại về “Nho trung lương tướng” Vũ Khâm Lân
Nhà thờ Tiến sĩ Vũ Khâm Lân tại Hải Dương. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Giai thoại về cô gái giúp đỡ anh học trò nghèo

Năm nọ làng Dịch Vọng có hội, mời một cô đào họ Nguyễn (có nơi nói tên là Diễm Hương) có tiếng trẻ đẹp lại hát hay đến biểu diễn, người xem đứng kín vòng trong vòng ngoài. Mỗi khi cô đào hát xong một tiết mục thì người xem lại đưa tiền để thưởng cho cô đào. Khâm Lân cũng đến xem, nhưng không có tiền để thưởng cho cô đào nên đứng bên cột đình làng nghe biểu diễn.

Cô đào Diễm Hương chú ý đến anh học trò khác hẳn với đám công tử phong lưu khác. Tìm hiểu thấy Khâm Lân rất khó khăn nhưng ham học, Diễn Hương liền giúp đỡ, thỉnh thoảng lại gửi cho một ít gạo tiền giúp cậu học trò nghèo nuôi chí lớn khoa bảng. Từ đó Khâm Lân thêm động lực quyết tâm học tập tấn tới.

Đến khoa thi năm 1727, Vũ Khâm Lân 24 tuổi đăng ký dự thi và đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, vinh quy bái tổ tại quê nhà.

Vào thời ấy những gia đình danh giá đều muốn gửi gắm con gái cho những ai giỏi chữ nghĩa, vì thế mà những sĩ tử đỗ đại khoa đều được các gia đình quyền quý, giàu có đặt vấn đề thông gia. Vũ Khâm Lân cũng không phải ngoại lệ, nhiều nhà giàu và quyền quý muốn gửi gắm con gái cho ông. Gia đình Khâm Lân cũng lựa đươc một phú hộ, nhưng vì Khâm Lân đã hẹn ước với Diễm Hương nên cương quyết không đồng ý.

Song sự phản đối của Khâm Lân không đủ thuyết phục được cha, nên đám cưới vẫn được tiến hành. Diễm Hương biết việc Vũ Khâm Lân kết hôn thì rất đau lòng và hẹn gặp một lần cuối rồi từ biệt. Sau này Vũ Khâm Lân nhiều lần đi tìm nhưng không còn thấy Diễm Hương nữa.

Ra đề thi không ai giải được

Thi đỗ, Vũ Khâm Lân làm quan trải qua các chức vụ khác nhau, được phong làm Giám sát Ngự sử đạo Sơn Nam, sau đó làm Hữu thị lang bộ Lại.

Vũ Khâm Lân có lòng với Giang Sơn Xã Tắc, có nhiều việc muốn làm cho dân nhưng chẳng biết phải làm thế nào. Vì thế mà đến khoa thi năm 1746 khi được làm giám khảo, ông lấy vấn đề khó khăn không giài quyết được của Triều đình để ra đề bài. Việc này được “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” ghi chép lại như sau:

“Bấy giờ, quan lại không có lương bổng thường xuyên mà phải sống nhờ vào việc kiện tụng. Những việc đại loại như khám xét, bắt tội hay giam giữ, các quan dưới cũng như trên đều làm sai lẽ, xem ra, có đến hơn một nửa số giấy tờ trong triều đình và chính phủ là đơn từ kiện tụng, các quan có trách nhiệm về việc này hầu như không bao giờ được rỗi nên thường hay chán nản.

Đến đây, (triều đình) ban bố rõ cấm lệnh như sau: phàm những việc không cấp bách hoặc giả là không gây tổn hại gì cho ai thì không được tố cáo, kiện tụng lẫn nhau. Lệnh này chỉ cốt giảm bớt kiện, nhưng thói tục đã quen, rốt cục cũng chẳng đổi thay được gì. Nhưng, cũng có chỗ thì ngược lại: như có vụ giết người hoặc là làm hại người, nếu kẻ trong cuộc vì sợ lệnh mà không tố cáo thì quan địa phương dẫu có biết cũng chẳng bắt tội vào đâu được.

Quan Hữu thị lang bộ Lại là Vũ Khâm Lân, nhân được giao việc chấm thi, bèn ra đầu bài, hỏi học trò rằng :

– Ví thử như có người làm quan, thấy kẻ giết người giữa ban ngày, nhưng khổ chủ lại ham của đút lót mà ỉm đi, không chịu tố giác, khiến cho quan phải lúng túng, vì lấy luật để xử hung thủ thì sai lệ, mà theo lệ để ngồi nhìn thì sai luật, muốn làm đúng cả luật lẫn lệ thì phải như thế nào ?

Đây là câu có ý chỉ trích chính sự đương thời bị uốn nắn sai lệch quá, nhưng rồi về sau, chính (Vũ) Khâm Lân được vào giữ công việc trong chính phủ (chỉ việc ông được trao chức Tham tụng), cũng không thay đổi được gì cả”.

Khi ra đề thi này Khâm Lân cũng đoán rằng sẽ làm khó và chẳng có ai trả lời được, “Việt sử giai thoại” đánh giá rằng: “Hình như Tiến sĩ Vũ Khâm Lân vừa thông minh lại vừa… rất ngây thơ. Ông đi tìm ánh trăng trong đêm trừ tịch, phỏng có được chăng? Hỏi thí sinh câu mà chính giảm khảo cũng không sao trả lời được, lạ thay”.

Vũ Khâm Lân được cử đi sứ nhà Thanh, rồi phong làm Tham tụng (tương đương Tể tướng), làm việc trong phủ chúa ông lập không ít công lao, được ban tước Ôn Đình hầu rồi Ôn Quận công.

Ông có tiếng giỏi văn chương và hay chữ, bổ sung thêm cho “Lĩnh Nam chích quái”, soạn và cho khắc bia bài “Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn Công Văn Đạt phổ ký” nói về cuộc đời Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Gặp lại người xưa

Vũ Khâm Lân vẫn nhớ và rất ân hận chuyện với cô đào Diễm Hương, nên cố công dò tìm. Cuối cùng ông cũng tìm được người xưa sau 20 năm xa cách, lúc này Diễm Hương đang chăm sóc cho mẹ già.

Diễm Hương có người em đã phá tan mất cơ nghiệp gia đình, nên phải đưa mẹ già đến Tràng An ca hát kiếm sống. Khâm Lân đề nghị đưa cả Diễm Hương và mẹ đến nhà mình, Diễm Hương vì muốn mẹ già có chỗ nương tựa lúc cuối đời nên đồng ý. Được hơn một năm thì bà cụ mất, ông tổ chức tang lễ chu đáo, nhưng Diễm Hương cũng từ biệt ra đi, ông cố giữ lại nhưng không được, tặng rất nhiều tiền bạc nhưng cũng không nhận. Sau này ông mới biết cô đào là người huyện Chương Đức xứ Sơn Nam (nay là huyện Chương Mỹ, Hà Tây)

Câu chuyện của vị tiến sĩ với Diễm Hương được nhiều người biết và lưu truyền thành giai thoại trong dân gian.

Vũ Khâm Lân để lại nhiều tác phẩm, nhưng rất nhiều bị thất truyền. Ngôi nhà chính ông để lại cho con cháu sau này được làm thành nhà thờ ông, trên bàn thờ còn 4 chữ “Nho trung lương tướng” do Vua ban tặng.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video “Bí ẩn tâm lý Hội chứng Stockholm”: