Trong lịch sử khoa bảng Việt Nam, ngoài nữ trạng nguyên giả trai Nguyễn Thị Duệ ra, thì người phụ nữ chủ yếu là những người vợ đứng đằng sau, tận tụy lo lắng việc nhà, chăm sóc cha mẹ, nhờ đó mà phu quân của họ mới yên tâm học hành.

Vài hình ảnh người vợ đằng sau các ông tiến sĩ trong lịch sử khoa bảng
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Dân gian vẫn có câu rằng:

Xin chàng kinh sử học hành,
Để em cày cấy cửi canh kịp người.
Mai sau xiêm áo thảnh thơi,
Ơn trời lộc nước đời đời hiển vinh.

Hay như:

Canh một dọn cửa dọn nhà,
Canh hai dệt cửi canh ba đi nằm.
Bước sang cái trống canh năm,
Trình anh dậy học còn nằm làm chi.
Nữa mai chúa mở khoa thi,
Bảng vàng chói lọi kia đề tên anh.
Bõ công cha mẹ sắm sanh,
Sắm nghiên sắm bút cho anh học hành.

Nhưng cũng có những người vợ mẫu mực hơn nữa, trở thành tấm gương, trở thành nguồn cảm hứng cho chồng ăn học thành tài. Chẳng hạn thời Hậu Lê có Trần Thị Chìa là cô gái nết na, thùy mị; không quản vất vả, chăm việc ruộng đồng, dệt vải kéo tơ; vừa phụng dưỡng cha già, lại vừa nuôi chồng là Vũ Tuấn Chiêu ăn học.

Do Tuấn Chiêu học ở làng xa nên Trần Thị Chìa ngoài làm hết việc nhà, hàng tháng lại mang gạo đến nơi trọ học của chồng.

Nhưng Vũ Tuấn Chiêu học kém, thi chẳng đỗ, thầy học trả về. Khi hai vợ chồng gần về đến nhà, nhìn cây cây cột đá chân cầu bị mòn vẹt, cô Chìa nói với chồng rằng: “Nước chảy lâu ngày đã làm mòn những cột đá của cây cầu! Chàng thấy đấy, cột đá là vật cứng rắn, dòng nước thì mềm nhưng qua năm tháng cứ chảy mãi lâu ngày khiến cho đá cũng phải mòn, cho nên làm việc gì nếu có chí, sự kiên trì, nhẫn nại tất sẽ thành”.

Vũ Tuấn Chiêu bừng tỉnh, từ đó quyết tâm dùi mài kinh sử, đến khoa thi năm 1475 dù đã ngoài 50 tuổi, ông vẫn dự thi và đỗ Trạng nguyên với bài Văn sách “dân giàu binh mạnh”.

Người có công lớn nhất giúp Tuấn Chiêu đỗ Trạng Nguyên chính là người vợ Trần Thị Chìa.

Cũng có trường hợp người vợ nghiêm khắc hơn. Ví như thời Lê Hiển Tông có ông Trần Văn Trứ. Ông vốn là người ham chơi, vì thế vợ ông ngoài lo lắng việc nhà lại phải liên tục đốc thúc ông học bài.

Tuy nhiên vì chồng vẫn mê chơi, nhiều lần không nghe lời, bà làm lễ bố cáo với nhà chồng, rời bỏ về nhà bố mẹ đẻ.

Trước sự cương quyết của vợ, Trần Văn Trứ không dám chểnh còn ham chơi nữa mà chăm lo đèn sách, mong vợ trở về. Đến kỳ thi năm 1743, ông thi đỗ Đệ nhị giáp chính Tiến sĩ xuất thân Đệ nhất danh, làm quan đến chức Thiêm đô Ngự sử kiêm Quốc tử giám Tế tửu.

Còn có chuyện hy hữu của ông Giang Sĩ Đoan thời Lê Trung Hưng. Ông Đoan phải đi ở rể tại một nhà trong làng Du Lâm (nay là Từ Sơn, Bắc Ninh). Vợ ông tính khí dữ dằn, hễ thấy bạn của chồng tới chơi là đuổi thẳng, lại còn lớn tiếng nói rằng: “Đồ dài lưng tốn vải ăn no lại nằm chớ gì mà nói năng ỏm tỏi ra chiều bắng nhắng thế!” 

Đến khi có khoa thi, ông sắm sửa để đi, người vợ vốn tính rất keo kiệt, quyết không chịu chu cấp hành lý lệ phí gì cho ông cả. Ông giận dỗi, vùng vằng ra đi, ai dè bà ta đuổi theo, lột hết quần áo, khiến ông phải lội xuống ao để núp.

Bấy giờ có một cô gái ở làng bên cạnh cùng bà mang vải ra chợ bán, thấy cảnh ấy, liền nhờ bà tới hỏi xem đầu đuôi sự thể thế nào. Biết chuyện, cô xé vải tặng cho để ông đóng khố dùng tạm.

Khoa thi năm ấy (1721) ông Giang Sĩ Đoan Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân. Ông được tin tưởng cho vào phủ Chúa làm thầy dạy dỗ cho Thế tử Trịnh Giang, quan lớn trong triều đình.

Quay về, ông cưới cô gái nọ làm vợ, phong là Chính phu nhân của ông. Con của hai người là các quan Bồi tụng là Uông Sĩ Lãng, Tri huyện Cẩm Giàng là Uông Sĩ Thiến, Lại bộ Lang trung là Uông Sĩ Trạch, đều do bà Chính phu nhân sinh ra cả.

Cũng có những người vợ kém hơn một chút, đặt điều kiện bắt chồng phải đỗ cao. Đó là trường hợp vợ Đồng Đắc. Đồng Đắc là em của Đồng Hãng, thần đồng Chí Linh. Trong khi Đồng Hãng có tài mà kiêu ngạo (xem bài: Thần đồng hay chữ vì kiêu căng mà mất ngôi Trạng nguyên), thì Đồng Đắc tài học có phần kém hơn. Khi anh trai đã công thành danh toại thì Đồng Đắc lại rất lận đận, chỉ thi Hương đỗ đến Tú tài là hết.

Sách “Tục biên Công dư tiệp ký” có chép rằng mỗi lần gia đình họ Đồng có dịp hội họp, vợ Đồng Đắc thường ngồi cùng vợ Đồng Hãng. Ông bố thấy thế liền nói với vợ Đắc rằng: “Chồng nó là Tiến sĩ, chồng mày là Tú tài, sao dám ngồi cùng chiếu? Từ nay không được như thế nữa”. Vợ Đắc cả thẹn sau đó uất ức nói với chồng rằng: “Chàng chẳng chịu học để đỗ Tiến sĩ, thiếp không làm vợ chàng nữa”.

Còn sách “Hải Dương phong vật chí” có ghi chép về anh em nhà họ Đồng như sau:

Em là Đồng Đắc, tài học kém ông. Một hôm vợ Đồng Đắc ngồi cùng chiếu với vợ Đồng Hãng, bị phu nhân mắng rằng: Thím là vợ anh Tú tài, sao lại được ngồi với tôi?

Vợ Đồng Đắc về bảo chồng rằng: Nếu ông không đỗ cao thì tôi không thể quét tước, hầu hạ ông được nữa.

Từ đó Đồng Đắc chăm chỉ đèn sách, đến khoa thi năm 1568 đời vua Mạc Mậu Hợp, ông tham dự và đỗ tiến sĩ, được Triều đình bổ nhiệm làm quan.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: Có một loại đức hạnh trong hôn nhân gọi là “Nhẫn”