Trần Nhân Tông không chỉ là một vị minh quân mà còn là một người tu hành. Thời ông trị vì, Giang Sơn Đại Việt từng hai lần phải đứng trước vó ngựa xâm lăng của đại quân Nguyên Mông hùng mạnh, nhưng cả hai lần Đại Việt đều khiến kẻ xâm lăng thảm bại, phải tháo chạy về nước.

Trần Nhân Tông là vị vua thứ ba của nhà Trần. Cũng như các đời vua Trần trước đó, ông có niềm tin tín ngưỡng rất cao, ngay từ nhỏ đã học thông tam giáo, hiểu sâu kinh Phật.

Khi 16 tuổi ông được vua cha Trần Thánh Tông chỉ định làm thái tử nối ngôi, nhưng ông muốn nhường lại cho em mình. Bởi vua Thánh Tông không đồng ý nên cuối cùng ông đành thuận theo.

Trần Nhân Tông lên ngôi vua năm 1278, khi mới 20 tuổi. Chỉ 7 năm sau đó, ông vua trẻ đã phải đối diện với cuộc xâm lược từ phương Bắc của quân Nguyên Mông.

Khi Mông Cổ chuẩn bị lương thảo và 50 vạn quân để tiến đánh Đại Việt lần thứ hai, vua Trần Nhân Tông phải củng cố sức mạnh trong nước chuẩn bị chống giặc. Năm 1283, Vua gạt bỏ thành kiến, phong cho Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thống lĩnh quân Đại Việt chống giặc. Đây là điều mà nhiều người không dám, vì e sợ Hưng Đạo Vương có thể làm phản. (Nguyên nhân xem loạt bài: Trần Quốc Tuấn và lá số thánh nhân bất bại)

Vua Nhân Tông cũng cùng Thượng hoàng Thánh Tông tổ chức hội nghị Bình Than, từ Vua đến dân cùng đồng lòng quyết tâm đánh giặc.

Vua không chỉ trọng dụng tướng lĩnh giỏi là hoàng thân quốc thích, mà còn trọng dụng người tài trong nước không phân biệt xuất thân, từ những người có địa vị thấp kém nhất như Dã Tượng, Yết Kiêu, đến thường dân có tài như Phạm Ngũ Lão, và còn liên kết chặt chẽ với các tướng lĩnh dân tộc thiểu số phía bắc.

Trần Khánh Dư vốn là một tướng tài của nhà Trần nhưng bởi phạm tội nặng mà bị mất hết chức tước, điền sản. Chính vua Trần Nhân Tông đã phục chức cho Trần Khánh Dư. Không phụ lòng Vua, Trần Khánh Dư lập công lớn trong cả hai lần chống quân Nguyên vào năm 1285 và 1288. Trong đó nổi bật nhất là chiến thắng tại Vân Đồn, đánh tan đội thuyền lương của Trương Văn Hổ, khiến 70 vạn thạch lương của quân Nguyên chìm xuống biển, góp phần quan trọng nhất vào việc quân Nguyên rút về nước. (Xem bài: Chiến công trọng yếu tại Vân Đồn của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư)

Sau khi đánh đuổi đại quân Mông Cổ ra khỏi bờ cõi, vua lại lo lắng cho muôn dân trăm họ, bởi quân xâm lược “đốt phá hết chùa miếu trong nước, khai quật phần mộ tổ tiên, cướp bóc dân gian, phá phách sản nghiệp trăm họ, mọi tàn ác không việc nào trừ…”

Dù quốc khố triều đình sau cuộc chiến còn khó khăn, Vua lại ra ngay chiếu dụ miễn toàn bộ các khoản thuế trong nhiều năm cho những vùng bị tàn phá, đồng thời cứu tế những nơi thiếu lương thực, nhanh chóng giúp người dân ổn định cuộc sống.

Khi thấy bộ máy quan lại cồng kềnh từ triều đình đến địa phương, Vua đã cắt giảm bớt nhằm giảm thuế, nhẹ bớt gánh cho người dân.

Nhà Vua dùng từ tâm đối xử với dân chúng, giáo hóa từ quan đến dân, nên dù những năm đói kém thì lòng dân vẫn ổn định, không ghi nhận có cuộc nổi dậy nào.

555
Cảnh Thượng hoàng Trần Nhân Tông (ngồi thiền trên lọng) xuất sơn trong bức “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ”. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Năm 1293, sứ nhà Nguyên là Lương Tăng và Trần Phu sang Đại Việt đã vô cùng kinh ngạc khi mới sau chiến tranh đã có một Đại Việt phồn vinh “lúa mỗi năm gặt bốn lần, tuy vào mùa đông rét, mạ vẫn phơi phới”, hay “thôn xóm đều có chợ, mỗi hai ngày họp một lần, trăm món tạp hóa đều dồi dào” và “thuyền bè các nước mọi ngoài biển đều đến rất đông, buôn bán trên thuyền rất rộn rịp” (theo An nam tức sự của Trần Phu).

Khi thấy Thái tử đã trưởng thành, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con, lên làm Thượng hoàng rồi tiếp tục con đường tu luyện. Năm 1299, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông rời đến Yên Tử rồi sau này khai sáng thiền phái Trúc Lâm.

Trong tu luyện làm được chân tu, thực tu không phải việc đơn giản, vua Trần Thái Tông từng viết rằng:

Chẳng riêng người tục
Cả đến thầy Tăng
Kinh luận tranh giành
Cùng nhau công kích
Chê các sư trưởng
Nhiếc đến mẹ cha
Cỏ nhẫn lụi vàng
Lửa độc rực cháy
Buông lời đau vật
Cất tiếng hại người
Không nghĩ từ bi
Không theo luật cấm
Bàn thiền tựa thánh
Trước cảnh như ngu
Dẫu ở cửa Không,
Chưa thành Vô Ngã.

Vua Nhân Tông dù hướng Phật nhưng vẫn không quên chức phận làm vua, dùng Phật Pháp giáo hóa dân chúng, giúp ổn định Xã Tắc, cùng Thượng hoàng Trần Thánh Tông và Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương để lại một trang sử đẹp cho dân tộc.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: