Nhiều người có quan niệm rằng “con quan thì lại làm quan”, xưa nay điều này khá đúng. Tuy nhiên nguyên nhân của nó thì lại khác xa nhau.

Vài nét về việc "con quan thì lại làm quan" thời xưa
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Thế nào mới được làm quan?

Thời xưa dù là con nhà quan hay dân thường thì chỉ có đỗ đạt mới được làm quan, nếu không thi đỗ thì cũng chỉ là dân thường. Có thể lấy ví dụ gần đây nhất là thời nhà Nguyễn.

Khi vua Gia Long lên ngôi, lập ra nhà Nguyễn, việc khoa cử được chú trọng, theo lịch 6 năm tổ chức khoa thi một lần, nhưng chỉ ở cấp độ thi Hương địa phương, chưa có thi Hội.

Đến thời vua Minh Mạng quy định 3 năm tổ chức khoa thi một lần, từ năm 1822 có tổ chức thi Hội để chọn tiến sĩ. Năm 1828, Vua cho đổi tên gọi, đỗ tam trường kỳ thi Hương gọi là tú tài (trước gọi là sinh đồ), đỗ tứ trường kỳ thi Hương gọi là cử nhân (trước gọi là hương cống).

Ai đỗ cử nhân tức vượt qua tứ trường kỳ thi Hương sẽ vào thi Hội. Ai vượt qua tứ trường kỳ thi Hội sẽ vào thi Đình và được đỗ phó bảng hay tiến sĩ. Chỉ những ai đỗ cử nhân, phó bảng hay tiến sĩ mới được Triều đình bổ nhiệm làm quan. Dù là con quan nhưng không đỗ thì cũng chỉ là dân thường.

Vì quy định khoa cử nhà Nguyễn rất khắt khe, nên số người thi đậu qua mỗi khoa thi cũng rất ít. Nếu tính tỷ lệ thì hàng trăm người thi Hương mới có 1 người đỗ cử nhân, hàng chục cử nhân mới có một người đỗ tiến sĩ. Sĩ tử muốn đỗ đạt thì không chỉ cần thông minh mà còn phải kiên trì học tập. Vì thế mà thời xưa những người đỗ ông Nghè (tiến sĩ), ông Cống (cử nhân) đều được xã hội xem trọng. Làm quan từ Tri huyện trở nên đều có dinh thự, mỗi khi ra ngoài đều có ngựa xe hoặc nằm võng, ngồi kiệu có kẻ khiêng.

Sự uy nghi của các vị quan thời ấy cũng gắn liền với chuẩn mực đạo đức, vì việc học thời ấy xoay quanh kinh điển Nho gia. Dân chúng gặp quan lớn, dù chưa tiếp xúc, chưa biết người ấy thế nào, nhưng biết vị ấy làm quan lớn thì chắc chắn phải có nền tảng Nho gia, vì thế mà dân chúng có tâm kính trọng.

Việc thi cử rất nghiêm khắc, không phân biệt con quan hay dân thường

Để tránh trường hợp quan lại cấu kết nhằm giúp đỡ con cái thi đỗ, nhà Nguyễn ban hành luật “Hồi tỵ” quy định rất nghiêm khắc, quan nào có con em thi ở trường nào thì không được phép tham gia hội đồng chấm thi nơi đó.

Trường thi rất công bằng, con quan hay dân thường đều như nhau, bài thi được rọc phách. Bài thi được chấm lần đầu gọi là sơ khảo, rồi lại được chấm lần hai gọi là phúc khảo. Sau đó được chủ khảo hay phó chủ khảo xem lại lần cuối rồi lấy những bài thi đỗ đưa về Kinh đô để bộ Lễ xem xét lại lần cuối.

Từ người chấm sơ khảo đến chủ khảo (Chủ tịch hội đồng trường thi) đều là rất cẩn thận, vì nếu sơ suất sẽ bị phạt rất nghiêm minh, nhẹ thì mất chức, nặng thì bị tù giam hoặc tử hình.

Khoa thi năm 1841 thời vua Thiệu Trị, Cao Bá Quát khi ấy làm chức quan nhỏ ở bộ Lễ, được cử chấm sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Ông thấy một số bài làm văn rất hay, nhưng lại phạm húy. Theo lệ thi nhà Nguyễn, phạm lỗi nhỏ ấy cũng bị đánh rớt. Cao Bá Quát không muốn mất đi người tài nên vẫn muốn chấm đậu. Cao Bá Quát bàn cùng Phan Thời Nhạ ngầm lấy muội đèn làm mực (vì quy định quan giám khảo không được mang mực vào trường thi) chữa cho 24 bài phạm húy. Trong 24 bài này có những bài làm rất tốt, có 5 người sau đó đỗ cử nhân.

Nhưng khi các bài đỗ được gửi lên bộ Lễ, các quan bộ Lễ và Viện Đô sát biết được sự việc, cả Cao Bá Quát và Phan Thời Nhạ bị bắt. Cao Bá Quát đã nhận hết tội về riêng mình, nói: “Tôi thấy các bài hay sính bút làm vậy chứ không ai gửi gắm, dặn dò gì cả”. Các quan cứ theo luật và phê án tử cho Cao Bá Quát.

Án dâng lên, Vua chuẩn y, nhưng sau đó nhận thấy Cao Bá Quát phạm lỗi không vì tư lợi, mà vì không muốn đất nước mất đi nhân tài, vì thế mà Vua cho xóa án tử, bắt phục dịch 3 năm cho các tàu đi công cán nước ngoài.

Các quan chấm thi ở trường Thừa Thiên năm ấy cũng bị liên lụy, nhiều người bị giáng chức.

Cũng có trường hợp có người tìm cách để cho con mình thi đỗ, nên cấu kết với các quan chấm thi. Năm 1834, chủ khảo trường thi Nghệ An là Nguyễn Tú đã đổi quyển thi của sĩ tử bị rớt để được đậu cử nhân, tòng phạm có giám khảo tên Ngạn. Sự việc được phát hiện, chủ khảo Nguyễn Tú bị khép vào tội chết, đồng phạm là giám khảo tên Ngạn bị tội lưu đày.

Các quan lớn nhà Nguyễn đều là do thực học, nhiều người đều làm quan thẳng thắn ghét xu nịnh, vì thế mà không có việc các quan thăng triến nhờ ngoại giao, những ai được cất nhắc thăng chức đều là làm tốt công việc của mình.

Chỉ có một ngoại lệ là nếu Triều đình xét vị quan kia có công rất lớn thì ban thưởng cho phép con cái dù không thi đỗ cũng được “tập ấm” làm quan, nhưng chỉ là chức quan rất nhỏ ở địa phương, thường là những người học hành biết chữ nghĩa chỉ thi đậu tú tài.

Con quan lại được làm quan

Nhìn lại lịch sử nhà Nguyễn, tỷ lệ con quan đỗ đạt rồi lại làm quan cao hơn dân thường. Đó là do con quan thừa hưởng truyền thống hiếu học của dòng họ, chăm chỉ học tập nên thi cử đỗ đạt mà làm quan, chứ không phải do “quen biết” hay “nhờ vả”, “chạy chọt” mà được làm quan.

Ngày nay danh từ “đại gia” thường chỉ gia đình lắm của, nhưng xưa kia nhà nào có truyền thống cha con đỗ đạt làm quan thì dân chúng thường tôn kính gọi là “đại gia”. Còn những gia đình giàu có lắm của thì được gọi là “phú hào”. Những gia đình giàu có nhưng thường ít chữ nghĩa thì bị gọi là “trọc phú”.

Những gia đình có truyền thống học hành khoa bảng ít khi chịu làm thông gia với những gia đình giàu có nhưng ít chữ nghĩa. Chỉ khi gia đình “hào phú” có văn hóa, tâm thuật tốt thì mới kết thông gia. Đối với gia đình “đại gia” có truyền thống khoa bảng thì có phẩm hạnh, siêng năng học hành mới là quan trọng, thà kết thông gia với nhà nghèo chứ quyết không kết thông gia với nhà phóng túng.

Ví như Cao Xuân Dục giữ chức Đông Các đại học sĩ (một trong 4 chức quan đầu triều Nguyễn) đã gả con gái cho Đặng Văn Thuỵ là anh học trò nhà rất nghèo nhưng siêng học. Nhờ sự giúp đỡ về học thuật của cha vợ mà sau này Đặng Văn Thụy đỗ Hoàng giáp Đình nguyên khoa thi Hội năm Giáp Thìn (1904) và làm quan đến Tế Tửu trường Quốc Tử Giám.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: