Xưa nay khi trị quốc thì bên cạnh luật pháp không thể thiếu đạo đức, trong đó đạo đức mới được coi là điều căn bản. Ngay tại Hoa Kỳ, nơi có một hệ thống luật pháp đồ sộ, nơi nói nhiều đến sự thượng tôn pháp luật, thì John Adams, vị Cha Lập quốc, Tổng thống thứ 2 của Hoa Kỳ, cũng từng nói: “Hiến pháp của chúng ta chỉ dành cho người có đạo đức và tín ngưỡng. Nó hoàn toàn không thích hợp cho chính quyền của những kiểu người khác.” Bởi vì trị quốc là dựa trên nền tảng đạo đức, nên quản lý đất nước thì không thể thiếu thiện tâm, không thể thiếu sự khoan hồng vậy. Tại Hoa Kỳ, nói đến “khoan hồng” thì cần nhắc đến John Augustus.

Vài suy ngẫm về John Augustus - Quốc phụ khoan hồng của nước Mỹ
(Ảnh: Victor Moussa, Shutterstock)

John Augustus được mệnh danh là “Quốc phụ khoan hồng” (Father of Probation) và cũng được coi là nhân viên “khoan hồng” đầu tiên của Hoa Kỳ. Ông sinh tại Woburn, Massachusetts vào năm 1785. Những năm 1820, ông tới định cư tại Boston và mở một công việc kinh doanh đóng giày. Augustus tôn sùng lối sống lành mạnh và quen biết với một số hội nhóm ở Washington, cách Boston hơn 700km. Khi ấy tại Washington, hầu hết mọi người đều tránh xa rượu, và cho rằng những người hư hỏng vì rượu, vì rượu mà làm điều xấu, đều có thể được cảm hóa, và nên được thuyết phục thay vì bị kết án và vào tù. Vụ việc đầu tiên mà Augustus đứng ra bảo lãnh tại Boston cũng có liên quan đến vấn đề này.

Năm 1841, John Augustus tham gia vào phiên tòa xử một thanh niên nghiện rượu, say xỉn, gây rối trật tự công cộng. Đây là một tội nhẹ, nhưng gia đình cậu ta không có tiền để bảo lãnh bị cáo. Nếu được bảo lãnh thì người thanh niên này có thể chấp hành án phạt bên ngoài trại giam. Nhận thấy sự ăn năn hối hận của bị cáo, Augustus đã đứng ra làm người bảo lãnh cho cậu ta. Tấm lòng của Augustus cùng tâm ý của người thanh niên đã khiến quan tòa nhân nhượng. Tòa đồng ý trì hoãn xử lý vụ án, cho cậu thanh niên được tại ngoại để chứng tỏ bản thân, 3 tuần sau đó, cậu ta được yêu cầu xuất hiện tại tòa để nghe phán quyết.

Đến ngày phán quyết, cậu thanh niên bước vào tòa án như một người khác. Trong suốt 3 tuần này, cậu ấy không hề uống một giọt rượu nào, chăm chỉ làm việc, chăm sóc cho người thân, và làm việc công ích khi có thời gian rảnh rỗi. Cảnh sát và mục sư ở nhà thờ nơi cậu sinh sống đều đồng ý đứng ra ký tên làm chứng cho cậu. Quan tòa biết chuyện thì cảm thấy rất vui và đã ra lệnh thả cậu thanh niên ra, đồng thời chỉ phạt cậu dưới hình thức tượng trưng. Kể từ đó trở đi, cậu đã bỏ rượu và trở thành một công dân tốt.

Trong suốt 18 năm sau đó, John Augustus đã bảo lãnh cho 1946 bị cáo, trong đó không chỉ có người nghiện rượu, và không phải tất cả đều được ông tự mình theo sát. Ông đã bỏ công sức để quan sát những người phạm tội, tìm ra những người mà ông nhận thấy là có thể hoàn lương. Nhiệt tâm và sự kiên trì của Augustus không chỉ khiến các phạm nhân cảm động, mà ông còn nhận được nhiều sự giúp đỡ và đóng ghóp của cộng đồng dân cư, các nhà từ thiện, và các tổ chức tại Boston. Trong số 1946 người mà ông giúp bảo lãnh, chỉ có 10 người vi phạm giao ước. Đây là một thành công ngoài sức tưởng tượng của mọi tiêu chuẩn hiện đại, là minh chứng cho sức mạnh cảm hóa nhân tâm của cái Thiện.

Ngày nay, người ta cho rằng Hoa Kỳ là một đất nước thượng tôn pháp luật, và luật pháp Hoa Kỳ càng ngày càng đồ sộ và “hoàn thiện” hơn. Tuy nhiên, khi luật pháp càng chặt chẽ, con người lại cảm thấy càng có ít không gian để sinh tồn. Kỳ thực, Hiến pháp Hoa Kỳ không được xây dựng với ý nghĩ luật pháp quản thúc con người, không phải là để “trị người”. Các vị Cha Lập quốc Hoa Kỳ hy vọng rằng người dân Hoa Kỳ sẽ tuân thủ luật pháp dựa trên nền tảng đạo đức. Do đó, John Adams, vị Cha Lập quốc, Tổng thống thứ 2 của Hoa Kỳ, từng nói: “Hiến pháp của chúng ta chỉ dành cho người có đạo đức và tín ngưỡng. Nó hoàn toàn không thích hợp cho chính quyền của những kiểu người khác.” Bởi vậy có một thực tế không phải ai cũng dám thừa nhận, đó là Hiến pháp Hoa Kỳ có rất nhiều lỗ hổng, chủ yếu là thông qua việc “diễn giải” Hiến pháp trong các trường hợp khác nhau.

Câu chuyện về John Augustus không khỏi khiến người ta nhớ tới một câu chuyện khác không kém phần nổi tiếng ở phương Đông. Trong Tư Trị Thông Giám của sử gia Tư Mã Quang đời Tống có chép lại một sự kiện vào năm Trinh Quán thứ 6 của nhà Đường.

Bấy giờ là cuối năm, Hoàng đế Đường Thái Tông muốn thị sát nhà giam của những người sẽ bị tử hình. Thời đó việc tử hình sẽ được thực hiện vào một thời gian cố định trong năm, nên các tử tù đều bị giam chờ đến lúc đó. Đường Thái Tông cảm thương cho số phận của các tử tù, nên hỏi về tâm nguyện cuối cùng của họ trước khi bị hành hình. Hầu hết tù nhân đều nói họ chỉ muốn được về quê hương để vĩnh biệt thân nhân.

Sau khi cân nhắc, nghĩ tới việc đầu năm các gia đình đoàn tụ, Đường Thái Tông đau xót, bèn hạ lệnh thả những tử tù này về nhà, quy định cho họ tới mùa thu sang năm tự quay lại Trường An thụ hình. Quan Thượng thư bộ hộ kiêm Đại Lý Tự Khanh là Đái Trụ tâu: “Họ đều là phạm nhân giết người cướp của, tội ác tày trời không thể tin tưởng được, đến lúc đó không quay lại biết phải làm sao? Xin hoàng thường suy nghĩ lại”.

Đường Thái Tông vẫn kiên quyết đáp: “Dùng lòng thành để đổi lấy lòng trung, ta tin họ sẽ không bội ước sự tín nhiệm này của ta”.

Năm sau tới đúng dịp hẹn, 390 tử tù trong tình huống không có người giám sát, không có người áp tải, đều tự đến triều đình đúng hạn, không một ai vắng mặt.

Nhận thấy khi được trao cho lòng tin, những tử tù từng hành ác cũng có thể tôn trọng chữ tín, biết giữ đạo nghĩa dù đứng trước việc sống chết của bản thân, Đường Thái Tông đã quyết định giảm hình phạt đối với họ. Có thể nói đây chính là thánh đức, là giáo hóa mà cổ nhân tôn sùng.

Đạo Đức Kinh viết rằng: “Thiện giả, ngô thiện chi; bất thiện giả, ngô diệc thiện chi, đức thiện”, người thiện ta đối xử thiện; người bất thiện, ta cũng đối đãi thiện; lấy đức đối xử thiện vậy. Trong trời đất này, sức mạnh của Thiện càng thăng hoa thì càng bao la, có thể nói là vô cùng vô tận, không gì là không làm được.

Theo Vision Times tiếng Trung
Quang Minh biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: