Nổi bật trong nền văn học phương Tây là hai tác phẩm sử thi của Homer, “Iliad” và “Odyssey”. “Iliad” là câu chuyện về cuộc vây hãm thành Troy của quân đội Liên minh Hy Lạp, trong khi “Odyssey” tiếp nối “Iliad”, lại kể câu chuyện về hành trình trở lại gia đình sau cuộc chiến của Odysseus, người anh hùng Hy Lạp. Nếu như “Iliad” trải ra trước mắt chúng ta một thế giới rộng lớn xa xưa, khi “nhân – Thần đồng tại” (con người và Thần cùng tồn tại), với rất nhiều vị anh hùng mang dòng máu của Thần linh; thì “Odyssey” lại tập trung vào đức hạnh của con người, mà cụ thể là người anh hùng Odysseus, trong thế giới Thần thoại ấy.

Odysseus là vua xứ Ithaco tại Hy Lạp cổ đại, mang trong mình dòng máu của Thần Hermes và là vị tướng cơ trí nhất trong liên minh Hy Lạp. Chính nhờ kế ngựa gỗ của Odysseus mà liên minh Hy Lạp đánh chiếm được Troy, thành trì suốt 10 năm công phá không đổ. Trong số các người anh hùng Hy Lạp tham gia trận chiến, bởi vì bất kính với Thần linh, những người khác đều bị chết trên biển, còn chủ tướng Agamemnon thì bị giết khi trở về nhà bởi chính người vợ của mình, chỉ có mình Odysseus là người may mắn thoát chết. Nói là may mắn, nhưng Odysseus cũng phải trải qua một hành trình vô cùng gian nan…

đức hạnh của Odysseus
Thuyền của Odysseus phải trải qua nhiều hiểm nguy trên biển, ví dụ như đối mặt với lũ người chim Siren phát ra âm thanh mê hoặc các con tàu đi qua nơi chúng ở. (Ảnh chụp bích họa: Wikipedia, Public Domain)

Trên đường quay về quê nhà, Odysseus và những người bạn đồng hành đã bị mắc kẹt trong hang động của Polyphemus, người khổng lồ một mắt chuyên ăn thịt người, con trai của vị Thần biển cả Poseidon. Để thoát khỏi tình trạng khó khăn, Odysseus đã lợi dụng lúc người khổng lồ ngủ thiếp đi để đâm mù con mắt của hắn bằng cây gỗ lớn được được nung đỏ và vót nhọn. Sau đó chàng và các bạn đã tự trói mình dưới bụng bầy cừu để thoát ra ngoài. Sau khi chạy thoát, Odysseus đã quay lại nhục mạ Polyphemus và để lộ danh tính thực sự của mình. Thế là chàng bị nguyền rủa, phải lang thang trên biển suốt 10 năm, mất hết những người bạn đồng hành, và chỉ có thể trở về một thân một mình sau khi nếm trải mọi khó khăn, gian khổ.

Odysseus, người anh hùng Hy Lạp
Odysseus trốn thoát khỏi tay người khổng lồ Polyphemus. (Tranh: Jacob Jordaens, Wikipedia, Public Domain)

Nhưng điều đáng sợ hơn nguy hiểm và gian khổ là sự cám dỗ. Không giống như những người bình thường, nỗi thống khổ và sự cám dỗ mà các anh hùng gặp phải thường đến từ sự thử thách của các vị Thần. Poseidon, vị Thần biển cả, đã gây kiếp nạn cho Odysseus. Trong khi đó, nữ Thần Calypso quyến rũ Odysseus bằng dung mạo và sự trường sinh bất tử.

Nữ Thần Calypso rất yêu Odysseus và chủ động đề nghị Odysseus trở thành chồng mình. Với lý do này, nàng có thể biến Odyssey thành một vị Thần bất tử, lưu giữ vẻ đẹp thanh xuân mỹ lệ trường tồn và sống trong thế giới Thần tiên tuyệt vời mãi mãi. Đối với một người đã chịu đựng quá nhiều đau khổ và nếm trải quá nhiều hiểm nguy, đây quả thực là một sự cám dỗ khó cưỡng. Nhưng Odysseus đã từ chối nữ Thần vì trong tâm chàng khao khát được trở về quê hương, về bên vợ con.

đức hạnh của Odysseus
Nữ Thần Calypso quyễn rũ Odysseus về một cuộc sống thần tiên. (Tranh: William Hamilton, Wikipedia, Public Domain)

Đức hạnh của Odysseus đã khiến nữ Thần Athena cảm động. Vì vậy, trước mặt Thần Zeus, Athena đã cầu xin cho Odysseus. Athena cũng sắp xếp cho con trai của Odysseus ra biển tìm cha và lên kế hoạch cho Odysseus quét sạch tất cả những kẻ đã chiếm giữ cung điện, phung phí tài sản của chàng và buộc vợ chàng phải tái hôn với kẻ khác. Câu chuyện kết thúc với sự trở lại của Vua Odysseus, vợ chồng con cái được đoàn tụ.

Odysseus duc hanh 08
Nữ Thần Athena chỉ đường cho Odysseus về với quê nhà. (Tranh: Giuseppe Bottani, Wikipedia, Public Domain)
Duc hanh va Odyssey 10
Odysseus diệt trừ những kẻ cầu hôn trong cung điện. Tranh vẽ trên mái vòm Palazzo Gerolamo Grimaldi. Họa sĩ Luca Cambiaso. (Ảnh: Superchilum, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Yêu cái đẹp là bản chất của con người. Tại sao Odysseus sẵn sàng từ bỏ cơ hội kết hôn với một nữ Thần xinh đẹp bất tử?

Lại nói, Penelope, vợ của Odysseus, cũng là một người vợ hiền trinh tiết. Odysseus rời khỏi nhà ngay sau khi đứa con trai đầu của hai vợ chồng ra đời. Người anh hùng bước trên con đường chinh phục thành Troy suốt 10 năm, và thêm 10 năm nữa phiêu lưu trên con đường trở về nhà. 20 năm này là 20 năm đẹp nhất trong cuộc đời người phụ nữ, và vẻ đẹp của Penelope hẳn cũng dần phai nhạt. Thời gian đã lấy đi dung mạo xinh đẹp hơn người của Penelope, nhưng lại cấp cho nàng phẩm hạnh xuất chúng, phẩm hạnh đó lẽ nào không phải là cái đẹp sao?

đức hạnh của Odysseus
Mặc dù Odysseus đã trở lại, nhưng Penelope vẫn giữ thái độ ngờ vực, lo lắng rằng mình bị đánh lừa mà phạm sai lầm đánh mất đức hạnh. Chỉ sau khi Odysseus nhắc lại những kỷ niệm chỉ hai vợ chồng mới biết, nàng Penelope mới vui mừng chào đón chồng trở về. (Tranh: Johann Heinrich Wilhelm Tischbein, Wikipedia, Public Domain)

Là một phàm nhân, Penelope không có được sự trẻ trung và xinh đẹp trường tồn như nữ Thần, nhưng đức hạnh của nàng lại không mất đi bởi thời gian, bởi lẽ đức hạnh là một vẻ đẹp vĩnh cửu. Việc một người phụ nữ phàm trần giữ gìn đức hạnh sẽ khó hơn nhiều so với việc một nữ Thần giữ được dung mạo trường tồn. Bởi khó khăn, nên mới có giá trị.

Trường ca “Odyssey” trải ra trước mắt chúng ta những lựa chọn của một người anh hùng: giữa nữ Thần và người vợ hiền, giữa sắc đẹp và đức hạnh, giữa sự bất tử và nhân phẩm. Có thể nói rằng chính đức hạnh của Odysseus đã giúp chàng trở thành vị tướng duy nhất của Hy Lạp có cái kết có hậu sau cuộc chiến thành Troy. Và những giá trị chân chính ấy mới là ý nghĩa tồn tại của sinh mệnh trong bầu trời của lịch sử.

Dựa theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm

Xem thêm:

Mời xem video: