Câu chuyện được biết tới phổ biến về quốc hiệu Việt Nam là chuyện vua Gia Long chọn quốc hiệu.

Năm 1802, Nguyễn Vương Nguyễn Phúc Ánh thống nhất đất nước, lên ngôi Vua, hiệu là Gia Long. Song song với việc ổn định đất nước, Vua cũng muốn đặt quốc hiệu để khẳng định sự chính thống của triều đại mới.

Vài tìm hiểu về quốc hiệu Việt Nam
Lăng Gia Long nhìn từ trên cao. (Ảnh: Nguyen Quang Ngoc Tonkin, Shutterstock)

Vua quyết định đặt quốc hiệu theo tên cũ là Nam Việt với ý nghĩa người Việt ở phương nam. Vua chọn tên này vì “các đời trước mở mang cõi viêm bang, mỗi ngày một rộng lớn, bao gồm cả các nước Việt Thường, Chân Lạp, dựng quốc hiệu là Nam Việt, truyền nối hơn 200 năm. Nay đã vỗ yên được toàn cõi Việt, nên cho khôi phục hiệu cũ để chính danh tốt”.

Năm 1802, vua Gia Long cử đoàn sứ bộ do Thượng thư Bộ Binh Lê Quang Định làm Chánh sứ, sang nhà Thanh xin phong vương cho vua Gia Long và xin đặt quốc hiệu là Nam Việt (Theo “Đại Nam thực lục”).

Nhưng tên Nam Việt khiến triều đình nhà Thanh nhớ đến đất nước Nam Việt từ năm 204 TCN đến 111 TCN do Triệu Đà sáng lập. Nam Việt xưa kia có diện tích rất lớn, bao gồm hầu hết tộc người Việt trong nhóm Bách Việt, biên giới phía bắc đến dãy Ngũ Lĩnh (phía nam vùng Giang Nam, Trung Quốc ngày nay), phía tây đến Dạ Lang (nay là Quảng Tây, Trung Quốc), phía nam đến dãy Hoàng Sơn (Hà Tĩnh, Việt Nam ngày nay), phía đông đến Mân Việt (Phúc Kiến, Trung Quốc ngày nay), tức bao gồm một phần không nhỏ lãnh thổ Trung Hoa.

ban do nam viet 1 image
Bản đồ Nam Việt. (Tranh: I Love Triệu Đà, wikipedia.org, CC BY-SA 3.0)

Nhà Thanh lo nhà Nguyễn dựa vào quốc hiệu Nam Việt để lấy lý do đòi lại vùng đất khi xưa nên không đồng ý cho lấy tên này, lấy lý do là từ “Nam” trong “Nam Việt” dễ nhầm với “Đông”, “Tây” của tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây.

Tuy nhiên vua Gia Long cũng không chọn tên khác, mà hai, ba lần cử người sang đưa thư và nói rằng nếu không đồng ý tên Nam Việt thì cũng không nhận thụ phong nữa.

Trước tình thế này nhà Thanh đành xuống nước, nhưng yêu cầu đổi “Nam Việt” ngược lại thành “Việt Nam”. Bức thư trả lời của nhà Thanh có đoạn “…Nên lấy chữ Việt mào ở trên để tỏ rằng nước nhân đất cũ mà nối được tiếng thơm đời trước, lấy chữ Nam đặt ở dưới để tỏ rằng nước ở bờ cõi Nam giao… Tên xưng chính đại, chữ nghĩa tốt lành, mà đối với tên gọi cũ của Lưỡng Việt ở nội địa vốn xưa đã có tên là Nam Việt lại phân biệt được ra”.

Vua Gia Long thấy nhà Thanh đã xuống nước, nên cũng đồng ý lấy tên “Việt Nam”. Sau khi nhận được sắc phong, tháng 2/1804, Vua ban chiếu đặt quốc hiệu mới như sau:

Đế vương dựng nước, trước phải trọng quốc hiệu để tỏ rõ nhất thống. Xét từ các đấng tiên thánh vương ta xây nền dấy nghiệp, mở đất Viêm bang, gồm cả đất đai từ Việt Thường về Nam, nhân đó lấy chữ Việt mà đặt tên nước. Hơn 200 năm, nối hòa thêm sáng, vững nền thần thánh dõi truyền, giữ được vận trong ngoài yên lặng. Chợt đến giữa chừng, vận nước khó khăn, ta đem tấm thân nhỏ bé lo dẹp giặc loạn, nên nay nhờ được phúc lớn, nối được nghiệp xưa, bờ cõi Giao Nam, đều vào bản tịch. Sau nghĩ tới mưu văn công võ tướng, ở ngôi chính, chịu mệnh mới, nên lấy ngày 17 tháng 2 năm nay, kính cáo Thái miếu, cải chính quốc hiệu là Việt Nam, để dựng nền lớn, truyền lâu xa. Phàm công việc nước ta việc gì quan hệ đến quốc hiệu và thư từ báo cáo với nước ngoài, đều lấy Việt Nam làm tên nước, không được quen xưng hiệu cũ là An Nam nữa. (Theo “Đại Nam thực lục”).

Tên Việt Nam được lấy làm quốc hiệu là lần đầu tiên. Nhưng kỳ thực cái tên này đã tồn tại trong lịch sử từ rất lâu. Cụ thể, tên “Việt Nam” đã được ghi lại trong rất nhiều thư tịch khác nhau. Từ “Việt Nam” xuất hiện sớm nhất được biết đến là vào thế kỷ 14. Hồ Tông Thốc làm quan dưới thời vua Trần Nghệ Tông có tác phẩm “Việt Nam thế chí”.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng nhiều lần nhắc đến Việt Nam. Trong “Sấm Trạng Trình” có câu “Việt Nam khởi tổ xây nền”. Trạng Trình cũng có bài thơ “Việt Nam sơn hà hải động thưởng vịnh” (Vịnh về non sông đất nước Việt Nam). Trong những lá thư ông gửi cho Trạng nguyên Nguyễn Thiến và Trạng nguyên Giáp Hải đều có nhắc đến Việt Nam.

Sau khi vua Gia Long mất, để lại di sản là một đất nước hùng mạnh cho vua Minh Mạng kế thừa. Vua đưa quân sang Cao Miên đánh bại Xiêm La, lập ra trấn Tây Thành bảo hộ đất nước này, rồi sáp nhập vào bản đồ Việt Nam.

Các vùng đất của Ai Lao như Sầm Nứa, Trấn Ninh, Cam Môn và Savannakhet giáp với Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị cũng mong được bảo hộ và sáp nhập vào Việt Nam.

lãnh thổ Việt Nam
Bản đồ Việt Nam thời nhà Nguyễn sau khi sáp nhập vùng đất từ Lào. (Ảnh: [email protected])

Với sự sáp nhập từ vùng đất này, đến năm 1835, lãnh thổ Việt Nam vô cùng rộng lớn, rộng 575.000 km2, tức gấp 1,7 lần so với Việt Nam bây giờ (331.698 km2 tính cả diện tích trên biển).

Với sự lớn mạnh của mình, năm 1839, vua Minh Mạng cho đổi tên nước từ Việt Nam thành Đại Nam, tức quốc gia rộng lớn hùng mạnh phương nam.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: