Cờ vua là trò chơi thú vị và cuốn hút, là môn cờ được nhiều người chơi nhất hiện nay. Cờ vua có nguồn gốc từ xa xưa, vào thời gian nào chưa ai biết rõ. Cũng có những truyền thuyết xa xưa kể về sự ra đời và phát triển của cờ vua.

Vài truyền thuyết thú vị về cờ vua thời cổ đại
(Tranh minh họa: Wikipedia, Public Domain, Darkness1089 chụp)

Bàn cờ cổ thuật lại chiến trận

Trong ghi chép của nhà thơ Ba Tư Firdousi, người viết sử thi khoảng một nghìn năm trước, có câu chuyện kể về sự ra đời của bàn cờ vua cổ như sau.

Ở một vương quốc Ấn Độ, nữ hoàng có hai người con trai sinh đôi đặt tên là Gave và Talhand. Khi đến lúc phải chọn người kế vị, nữ hoàng không biết chọn ai. Vì thế mà hai hoàng tử quyết định tổ chức một trận đấu, ai thắng sẽ được lên ngôi vua.

Đấu trường được tổ chức bên bờ biển, có hào bao quanh để không ai có thể rút lui. Quân của hai hoàng tử sẽ giao chiến với nhau, thể lệ không được giết nhau mà chỉ cần đánh bại đối phương giành chiến thắng.

Tuy nhiên trong trận chiến, người em là Talhand không may bị chết. Nữ hoàng vô cùng thất vọng và trách mắng Gave mặc dù Gave đã giải thích rằng mình không hề gây tổn hại gì cho thân thể em mình. Lý do Talhand chết là do đánh đến kiệt sức. Nữ hoàng đã lệnh cho Gave phải tường thuật lại trận đấu để tìm hiểu liệu có phải Talhand chết do kiệt sức không.

Gave cùng với các tùy tùng đã quyết định dựng lại chiến trận. Họ lấy một tấm bảng, đánh dấu các ô trên đó thể hiện hai phe đối địch nhau, có các quân chủng khác nhau, phía trước là binh lính, hàng giữa có hoàng tử, bên cạnh là người hộ tống, hàng sau là các voi, ngựa, lạc đà… mỗi quân chủng đều có cách di chuyển khác nhau. Nhờ đó hoàng tử thuật lại cho nữ hoàng về trận đấu này.

Cũng nhờ sự việc này mà bàn cờ cổ được sinh ra. Lúc ban đầu bàn cờ có 100 ô cờ và mỗi bên xếp thành 3 hàng, dần dần phát triển được gọi là Chaturanga. Đây được coi là tiền thân của cờ vua sau này.

Toàn bộ thóc của vương quốc cũng không đủ trả cho nhà thông thái

Có một câu chuyện được biết đến rộng rãi hơn. Vào khoảng thế kỷ thứ 3 TCN, Ấn Độ nằm dưới thời vua Kaid trị vì, trong nước thanh bình yên ấm, lân bang không dám xâm phạm. Nhà vua có phần thảnh thơi nhàn nhã, cảm thấy muốn được làm điều gì đó để thỏa mãn mong muốn được điều binh khiển tướng.

Nhà vua thổ lộ điều này với một nhà thông thái. Nhà thông thái liền hướng dẫn vua vào cuộc chơi mô phỏng cuộc chiến lớn trên bàn cờ 64 ô, gọi là Chaturanga.

Nhà vua học cách chơi và vui vẻ thỏa mãn thú vui của mình. Vì chơi mãi cũng không cảm thấy chán, vua cho phép nhà thông thái được tự chọn phần thưởng cho mình.

Nhà thông thái chỉ xin nhà vua cho mình một số thóc tương ứng với 64 ô cờ, ô thứ nhất 1 hạt thóc, và các ô sau có số thóc gấp đôi ô trước. Nhà vua cảm thấy có phần nực cười trước phần thưởng ít ỏi, liền xuống lệnh sai người đếm thóc đưa cho nhà thông thái.

Tuy nhiên đám quân thần tính số thóc rất lâu khiến nhà vua sốt ruột, sau hồi lâu tính toán, đám quân thần tâu lên nhà vua rằng số thóc này rất lớn. Không chỉ số thóc trong kho của triều đình, mà số thóc của cả vương quốc cũng còn xa mới đủ số thóc phải trả cho nhà thông thái.

Tất nhiên cuối cùng nhà thông thái chỉ khiêm tốn lấy một số thóc rất nhỏ mà tự mình có thể mang đi được.

Nhờ chơi cờ mà tự tin đánh bại kẻ địch

Một truyền thuyết khác kể rằng sau khi vua Fur nổi tiếng hiển hách của Ấn Độ qua đời, hoàng tử mới lên ngôi còn non trẻ, các nước lân bang thù địch nhòm ngó và phát động tấn công Ấn Độ.

Trước tình thế cấp bách, các nhà thông thái họp mặt và cùng dâng lên vua mới bộ cờ Chaturanga và nói rằng: “Chiến trận với những nguyên tắc chiến thuật được phản ánh một cách tuyệt vời qua trò chơi này. Ngài phải luyện tập sự thận trọng và mạnh mẽ trong tấn công cũng như bình tĩnh tự tin trong phòng ngự ở đây, sau đó áp dụng vào chiến trường thực tế”.

Vua tìm hiểu và học chơi cờ. Các ván đánh với những nhà thông thái giúp vua luyện tâp được sự cẩn trọng và mạnh mẽ trong tấn công, cũng như bình tĩnh tự tin khi phòng thủ. Khi nắm được nguyên lý của trò chơi, vị vua mới cảm thấy tự tin khi trực tiếp cầm quân bảo vệ đất nước.

Vua đưa quân phản kích và giành lại chiến thắng trên mọi mặt trận và trở về trong vinh quang chiến thắng. Từ đó mà vua dành tình yêu đặc biệt cho môn cờ Chaturanga. Cờ Chaturanga ngày càng phát triển, dần dần lan sang khắp thế giới và trở thành môn cờ vua sau này.

Trần Hưng tổng hợp

Xem thêm:

Mời xem video: