Người Việt các miền đều có nét văn hóa ẩm thực độc đáo riêng biệt, nhưng có một điểm chung là chúng ta đều dùng đũa…

Văn hóa dùng đũa của người Việt
(Ảnh: Manhhai, Flickr, CC BY 2.0)

Miền Bắc xưa có lũy tre làng, người dân cũng thường lấy thân tre già để làm đũa. Miền Nam lại được chở che bởi những tán dừa, người miền Nam dùng thân dừa để làm nên đôi đũa. Thường thì đũa miền Bắc có phần ngắn hơn một chút so với miền Nam. Nhưng nói chung, đũa truyền thống Việt Nam có thân tròn và để mộc, không sơn quét, trang trí, đầu đũa cũng thường không quá nhỏ.

Ở nhiều quốc gia châu Á khác cũng dùng đũa, đũa Nhật Bản thường có trang trí hoa văn, đũa Hàn Quốc thì thường dẹt và làm bằng kim loại. Đũa Nhật và đũa Hàn có đầu khá nhỏ. Độ dài đũa ở từng nước cũng khác nhau.

So sánh giữa các vật dụng trên bàn ăn của phương Đông và phương Tây, thật không khó để nhận ra đôi đũa của phương Đông là một thứ đồ dùng linh hoạt. Mặc dù học cầm đũa thì khó hơn cầm dao và dĩa, nhưng đũa lại có thể thay thế cho hầu hết các vật dụng khác, và dùng cho hầu hết các món ăn.

Nói về cách cầm đũa thì người Việt làm quen với đũa từ bé nên không nghĩ gì nhiều, nhưng cầm đũa cũng có bài bản riêng. Trước khi cầm đũa, phải xếp hai đầu đũa cho đều nhau, lúc sử dụng chỉ động tới cạnh trên của đũa, dùng 3 đầu ngón tay: ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa nhẹ nhàng cầm đũa. Móng tay của ngón áp út đặt dưới mặt đũa, ngón cái và ngón trỏ kẹp chiếc đũa, cố định chúng lại, phần cuối đũa thừa ra khoảng 1 phân.

Nói là nói như vậy, nhưng vì cầm đũa từ nhỏ nên người Việt chỉ cần cầm đũa sao cho thoải mái dễ gắp và dễ nhìn thì đã đủ. Trong gia đình, mỗi người có cách cầm đũa của riêng mình, có em nhỏ lên 3, lên 4 đã được ông bà, bố mẹ dạy cách dùng đũa để ăn cơm, gắp thức ăn rồi.

Van hoa dung dua cua nguoi Viet 04
(Ảnh: Manhhai, Flickr, CC BY 2.0)

“Học ăn, học nói, học gói, học mở” cũng chính là câu tục ngữ được cha ông để lại nhằm răn dạy, giáo dục mỗi người ngay từ thuở còn thơ. Trẻ con được dạy rằng trước bữa ăn phải so đũa, chú ý đến đầu đũa có đúng hướng hay không, sau bữa ăn phải đặt đũa xuống một cách ngay ngắn, không nên để đũa bị so le hay xô lệch. Nếu không thể cầm đũa đúng cách thì cũng phải chú ý đến ngón tay của mình, không nên duỗi thẳng ngón tay ra khi cầm đũa vì như vậy trông như đang chỉ thẳng vào người đối diện.

Trẻ con cũng được dạy rằng không nên ngậm đũa và mút đũa vì đó là điều bất lịch sự trên bàn ăn; khi gắp thức ăn thì không được xới tung cả đĩa thức ăn để tìm thứ mình thích; hoặc khi trò chuyện trong bữa ăn không được vừa nhai nhồm nhoàm vừa nói, vừa cầm đũa vừa hoa tay múa chân kể chuyện; khi chấm thức ăn thì cũng nên chú ý không để đũa chạm vào nước chấm và không để nước chấm dây bẩn ra bàn; cũng không nên dùng đũa của mình để khuấy nước chấm hay khuấy vào bát canh. Những điều đó tuy nhỏ nhặt, nhưng nếu không để ý thì cũng khiến bạn xấu đi trong mắt người khác.

Van hoa dung dua cua nguoi Viet 02
(Ảnh: Manhhai, Flickr)

Trong văn hóa dân gian, người Việt Nam kiêng không gõ đũa vào nhau, không gõ đũa vào bát, cũng không nên tạo nên tiếng “động bát động đũa” ồn ào, càng không nên có tiếng nhai tóp tép…

Khởi đầu bữa ăn, đặc biệt là trong những bữa cỗ truyền thống, trước khi gắp đồ cho chính mình, người ta dùng đôi đũa còn sạch để gắp đồ ăn mời người khác. Trong suốt bữa ăn, khi muốn mời ai món gì đó, thường theo phép lịch sự, người ta phải đảo đầu đũa để gắp bằng đầu còn lại. Đó là vào thời xưa, còn thời nay khi cuộc sống vật chất dư dả rồi thì người ta cũng chỉ gắp cho trẻ nhỏ như vậy chứ hiếm khi gắp mời nhau.

Văn hóa dùng đũa của người Việt
(Ảnh: Manhhai, Flickr)

Đũa không chỉ là một dụng cụ trên bàn ăn, văn hóa dùng đũa còn thể hiện sự quan tâm, chia sẻ một cách tinh tế của người Việt.

Minh Nguyên

Xem thêm:

Mời xem video “Người Nhật trung thực đến mức nào?”: