Hàng ngày người Tày ăn hai bữa chính: bữa trưa và bữa tối. Ngoài ra tuỳ từng gia đình, người ta có thể ăn sáng, ăn chiều trước khi đi làm. Ai có nhu cầu thì ăn chứ không dọn thành mâm, thành bữa. Cơm và thức ăn ở các bữa này là phần dư thừa của các bữa chính hoặc cháo nấu vừa cho con trẻ, cụ già. Vì vậy, với bữa cơm chính thì các bà, các chị thường nấu nhiều, vừa để phòng khách đến gặp bữa cùng ăn, vừa có cơm canh dư cho bữa phụ.

Vào bữa ăn, từ ông bà đến con trẻ, dâu rể cùng ăn uống vui vẻ từ tốn chứ không ăn trước ăn sau. Ông bà, con trẻ được gắp cho miếng ngon miếng lành. Về nếp ăn, nói chung người Tày so với người Kinh không khác biệt lắm, tuy nhiên người Tày cũng có những món ẩm thực rất đặc trưng và hấp dẫn. Dưới đây là vài món như vậy.

Bánh coóc mò

Trong tiếng Tày, coóc mò có nghĩa là sừng bò (coóc: sừng, mò: bò). Gọi thế vì bánh có hình chóp nhọn, trông giống sừng bò. Bánh làm bằng gạo nếp, gói bằng lá chuối hoặc lá dong, không nhân. Bánh coóc mò được làm từ loại nếp ngon nhất mà bà con vùng núi cao trồng trên nương, nên hương vị của bánh rất ngon, thơm, ngọt, dẻo, có thể ăn no mà không thấy ngán.

Banh Cooc mo 01
(Ảnh: QueHuongOnline.vn)

Muốn làm được những chiếc bánh xinh xắn, thơm ngon cũng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ nơi người làm bánh. Gạo nếp phải được vo với nước lã nhiều lần cho đến khi nước vo gạo trong suốt. Tiếp tục ngâm nếp vài giờ cho nếp mềm. Lá chuối xé miếng vuông, cuộn lại thành hình chiếc phễu rồi đổ nếp vào bên trong, vỗ nhẹ bên ngoài cho nếp chặt lại, gấp mép lá và dùng lạt mềm buộc bánh. Công đoạn buộc lạt quyết định chất lượng của chiếc bánh. Nếu buộc lạt lỏng quá thì khi nấu bánh sẽ bị vào nước, nhão, không ngon. Nếu buộc lạt chặt quá, hạt nếp sẽ không nở, bánh bị sần, không dẻo và không thơm.

Bánh coóc mò được xâu thành từng cặp hoặc từng chùm nhỏ, cho vào nồi luộc khoảng hai giờ là bánh chín. Bánh coóc mò có màu xanh nhạt của lá, cái thanh khiết của ruộng đồng vùng núi cao. Tuy bánh không có nhân nhưng càng nhai càng cảm nhận được vị thơm, béo, dẻo ẩn chứa trong từng hạt nếp. Người ưa ngọt có thể ăn bánh coóc mò kèm mật ong hay đường kính.

Người Tày làm bánh coóc mò quanh năm và bánh được bày bán tại các chợ phiên. Trong những dịp đặc biệt như mừng đầy tháng, thôi nôi, thì mọi gia đình đều làm bánh coóc mò.

Bánh gio

Món bánh gio là đặc sản ẩm thực của người Tày, được gọi là “pẻng tầu”. Bánh gio thường được làm vào các dịp lễ tết, là món bánh không thể thiếu trên mâm cỗ cúng tổ tiên, trời đất.

Banh Gio 01
(Ảnh: BacKan.gov.vn)
Banh Gio 02
Đốt củi lấy tro làm bánh. (Ảnh: BacKan.gov.vn)

Bánh được làm bằng gạo nếp và gio. Gio được đốt từ thân cây tầm gửi, cây sấu, cây lai… Gio sau khi đốt được lèn vào rá, để rá trên chậu tạo khoảng cách cho nước từ rá chảy xuống. Người ta đổ nước từ từ vào cho ngấm dần rồi chảy xuống chậu, nước gio có màu vàng nâu giống như mật ong loãng. Gạo nếp gói bánh là loại gạo hạt to, tròn đều, sàng sảy sạch. Gạo sẽ được ngâm trong nước gio.

Làm bánh gio không khó nhưng đòi hỏi sự khéo léo trong cách điều chế nước gio. Nước gio đặc quá, bánh sẽ mặn, mất ngon. Còn nếu nước quá loãng, bánh sẽ không có được hương vị, độ ngon mát cũng như màu sắc cần thiết. Bánh gio có thể tích trữ cả tuần không hư hỏng. Khi ăn chỉ cần dùng chính những sợi lạt quấn quanh bánh để cắt bánh ra thành từng lát mỏng, ăn đến đâu cắt đến đó, rất tiện lợi. Bánh có vị thanh mát, có chút nồng nồng, ngai ngái của nếp, gio, lá dong quyện lẫn vào nhau.

Xôi ngũ sắc

Xôi ngũ sắc là món ẩm thực quan trọng không thể thiếu của người Tày trong các dịp lễ tết, hội hè… Điểm đặc biệt của món xôi này là màu sắc độc đáo. 5 loại xôi mang 5 màu sắc khác nhau: đỏ, vàng, xanh, tím và trắng, đúng với tên gọi “xôi ngũ sắc”.

Văn hóa ẩm thực các vùng miền – Kỳ II: Ẩm thực dân tộc Tày
Xôi ngũ sắc thể hiện triết lý ngũ hành trong văn hóa dân tộc Tày (Ảnh: BacKan.gov.vn)

Xôi ngũ sắc được nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng lúc chín dậy mùi thơm dịu, hạt xôi mềm dẻo, bắt mắt với năm màu sặc sỡ. Màu trắng là màu nguyên thủy của nếp, những màu khác được tạo nên bằng cách ngâm gạo với nước của các loại lá và củ cây rừng. Màu đỏ lấy từ quả gấc hoặc lá cơm đỏ. Màu xanh dùng lá gừng, lá cơm xôi xanh, hoặc vỏ bưởi, vỏ măng đắng, đốt lấy tro ngâm với nước có pha chút vôi. Màu vàng lấy từ củ nghệ giã lấy nước. Màu tím dùng lá cơm đen hoặc lá cây sau.

Xôi ngũ sắc mang đặc trưng hương vị của cỏ cây, là sản vật hội tụ được những giá trị truyền thống, mang triết lý âm dương ngũ hành và ý nghĩa nhân sinh cao đẹp, thể hiện sự đảm đang khéo léo của phụ nữ dân tộc Tày.

Bánh chuối

Chuối là một loại hoa quả gần gũi, rất tốt cho sức khỏe. Từ các loại chuối với nhiều hương vị khác nhau, người Tày ở Nguyên Bình đã chế biến thành sản vật bánh chuối, chứa đựng giá trị tinh thần được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Để làm được một chiếc bánh chuối thơm ngon, giữ được hương vị nguyên vẹn của chuối, người làm bánh phải chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu cần thiết. Lá gói bánh là lá chuối trong vườn, gạo nếp ngon, nhân bánh (đậu xanh hoặc lạc vừng) và một chút đường phên để hương vị bánh chuối thêm đậm đà.

Quả chuối chín, đem bóc vỏ, phơi nắng cho khô, sau đó cho vào nồi hấp và mang ra phơi từ 2 đến 3 nắng. Đặc biệt, nếu muốn có bánh thơm, ngọt, nguyên liệu phải là chuối tiêu; muốn bánh có độ dai dẻo, màu sắc sáng thì chọn chuối goòng, chuối lá… Chuối khô được đem nấu nhừ rồi giã nhuyễn thành bột. Sau đó, trộn với bột gạo nếp, đường phên, giã nhuyễn, nặn rồi hấp.

Bánh chuối Nguyên Bình không giống với bất kỳ loại bánh nào, dễ ăn, vừa ngon vừa lạ, vị chua chua, ngọt ngọt của chuối và đường phên hấp dẫn khách gần xa. Hiện nay, nhiều loại bánh, hoa quả ngon được bán ở các thôn, bản, nhưng phong tục làm bánh chuối và những người yêu thích giá trị tinh thần của loại bánh này mãi còn nguyên vẹn. Người Tày ở Nguyên Bình luôn coi bánh chuối là món ẩm thực quan trọng phải có trong mỗi nghi lễ, vì thế sản vật này luôn tồn tại, trở thành nét văn hóa đặc trưng của người dân nơi đây.

Hy Vọng tổng hợp

Xem thêm:

Mời xem video: