1. Plato – Nhà triết học và nhà giáo dục danh tiếng của thời Cổ Hy Lạp

Plato (427? – 347? trước CN) là nhà triết học và nhà giáo dục của thời Cổ Hy Lạp. Plato còn là một trong các nhà tư tưởng và nhà văn quan trọng bậc nhất trong lịch sử của nền văn hóa phương Tây.

Văn học thời cổ Hy Lạp
(Ảnh: Capitoline Museums, Wikipedia, Pulbic Domain)

Plato sinh tại Athens trong một gia đình lâu đời và rất đặc biệt. Mẹ của ông là Perictione, một người có họ hàng với Solon tức là nhà làm luật danh tiếng của kinh thành Athens. Cha của Plato là Ariston đã qua đời khi Plato còn nhỏ. Perictione đã kết hôn với người chú là Pyrilampes và Platon được nuôi dạy trong tòa nhà của Pyrilampes. Pyrilampes lại là bạn thân của Pericles, một chính khách đã điều hành kinh thành Athens trong các năm giữa 400 năm trước CN.

Khi là một thanh niên trẻ tuổi, Plato đã muốn trở nên một nhà chính trị. Vào năm 404 trước CN, một nhóm các người giàu có, trong đó có người bà con của Plato là Critias và người chú là Charmides, đã là các nhà độc tài (dictators) của kinh thành Athens. Vào năm 403, người dân Athens đã trừ bỏ được các nhà độc tài và thiết lập nền dân chủ. Plato lại muốn đi vào con đường chính trị nhưng người bạn và cũng là nhà triết học Socrates bị đưa ra tòa và kết án tử hình vào năm 399 trước CN. Quá bất mãn, Plato rời Athens và du lịch trong một số năm.

Vào năm 387 trước CN, Plato trở lại Athens và thiết lập một ngôi trường dạy triết học và khoa học, có tên là Academos (Hàn Lâm Viện). Đây là một trong các trung tâm giáo dục cao cấp, với các môn học như thiên văn, sinh vật, toán học và chính trị học. Một học trò nổi tiếng của ngôi trường Academos này là Aristotle, nhà triết học người Hy Lạp.

Plato đã viết rất nhiều sách vở, đề cập tới triết học, đạo đức, tâm lý, chính trị và luật pháp.

2. Aristotle – Nhà triết học, giáo dục và khoa học danh tiếng của thời Cổ Hy Lạp

Aristotle (384 – 322 trước CN) là nhà triết học người Hy Lạp, kiêm nhà giáo dục và nhà khoa học, là một trong các nhà tư tưởng vĩ đại nhất và nhiều ảnh hưởng nhất trong nền văn hóa phương Tây. Aristotle còn là nhà triết học cổ điển được nhiều người học hỏi nhất.

Van hoc co Hy Lap 02 Jastrow Ludovisi Collection Pulbic Domain
(Ảnh: Jastrow, Ludovisi Collection, Wikipedia, Pulbic Domain)

Aristotle sinh tại Stagira, một thị trấn nhỏ ở phía bắc Hy Lạp, có cha tên là Nichomachus, là y sĩ riêng của Amyntas II, vua của xứ Macedonia. Cha mẹ của Aristotle mất sớm nên Aristotle được nuôi dạy do người giám hộ tên là Proxenus.

Khi được 18 tuổi, Aristotle vào trường Academos của Plato tại Athens và đã ở ngôi trường này trong 20 năm trường. Plato coi Aristotle là người học trò thông minh nhất và uyên bác nhất. Khi Plato qua đời vào năm 347 trước CN, Aristotle rời trường Academos để đi theo nhóm đồ đệ cũ của Plato hiện đang sinh sống với Hermeias, là nhà cai trị của các thị trấn Atarneus và Assos trong miền Tiểu Á (Asia Minor). Aristotle đã ở với Hermeias trong 3 năm và kết hôn với người con gái nuôi của nhà cai trị, tên là Pithias.

Vào năm 343 trước CN, Philip II, Vua của xứ Macedonia, đã mời Aristotle đến giảng dạy cho người con trai còn trẻ là Alexander. Sau này, Alexander đã chinh phục cả xứ Hy Lạp, lật đổ đế quốc Ba Tư và trở thành Đại Đế Alexander.

Năm 334 trước CN, Aristotle trở về Athens và lập nên ngôi trường Lyceum. Sau khi Đại Đế Alexander qua đời vào năm 323 trước CN, Aristotle bị người kinh thành Athens kết án là thiếu kính trọng các Thần linh (Gods), do có lẽ họ ghen ghét ông vì ông là thầy của Alexander. Aristotle không quên số phận của Socrates nên ông đã bỏ chạy về Chalcis và qua đời một năm sau đó.

Các tác phẩm của Aristotle được chia làm 3 nhóm: (1) các bài viết phổ thông (popular writings), (2) các sách ghi chép (memoranda) và (3) các sách luận đề (treatises).

3. Herodotus – Sử gia đầu tiên người Hy Lạp

Herodotus (484?-425? trước CN) là sử gia đầu tiên người Hy Lạp. Herodotus sinh tại Halicarnassus, trong miền Tiểu Á (Asia Minor), ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey). Trong thời trẻ, ông đã đi du lịch rất nhiều nơi như Hy Lạp, Trung Đông và Bắc Phi, tại mọi nơi, ông đã nghiên cứu phong cách, tập quán, lịch sử và tôn giáo của người dân.

Văn học thời cổ Hy Lạp
(Ảnh: Julius Tang, Wikipedia, Pulbic Domain)

Herodotus nổi tiếng vì 9 cuốn sách được ông viết về sự thăng tiến của Đế Quốc Ba Tư (the Persian Empire), các cuộc xâm lăng của Ba Tư vào Hy Lạp vào các năm 490 và 480 trước CN, cuộc chiến đấu dũng cảm của người Hy Lạp chống lại các kẻ xâm lược và sự vinh quang cuối cùng của Hy Lạp.

Herodotus coi các cuộc chiến tranh giữa 2 nước Ba Tư và Hy Lạp là một phần của các tranh chấp giữa các triều đại miền Đông và miền Tây, các chu kỳ hạnh phúc và đau khổ của quốc gia và cá nhân đã đóng các vai trò quan trọng trong lịch sử và Herodotus nghĩ rằng các Thiên Thần (the Gods) đã dùng các chu kỳ này để trừng phạt con người.

Vào khoảng năm 447 trước CN, Herodotus đã thăm viếng Athens rồi 3 năm sau, ông định cư tại nơi thuộc địa Thurii (the colony of Thurii) và qua đời tại nơi này.

4. Thucydides – Sử gia danh tiếng của Cổ Hy Lạp

Thucydides (khoảng 460 – 400 trước CN) là sử gia của thời đại Cổ Hy Lạp, nổi tiếng vì tác phẩm “Lịch sử của cuộc Chiến tranh Peloponnesian”. Trong tác phẩm này, Thucydides đã mô tả trận chiến giữa hai xứ Athens và Sparta. Cuộc chiến tranh này xẩy ra từ năm 431 tới năm 404 trước Công Nguyên nhưng cuốn Lịch sử đã viết xong vào năm 411 trước CN.

Van hoc co Hy Lap 04 Shakko Wikipedia CC BY SA 30
(Ảnh: Shakko, Wikipedia, CC-BY-SA-3.0)

Các học giả không biết rõ khi nào Thucydides sinh ra và qua đời vào lúc nào, nhưng họ biết rằng ông ta là một công dân của kinh thành Athens, được ra đời trong một gia đình quý tộc. Thucydides đã chiến đấu trong trận chiến tranh Peloponnesian và đã là một vị tướng (a general). Vào năm 424 trước CN, ông ta bị tố cáo đã không bảo vệ được kinh thành Amphipolis nên bị đầy ra khỏi kinh thành Athens. Trong khi sinh sống lưu vong, Thucydides đã viết lịch sử rồi trở lại Athens vào năm 404.

Thucydides nghĩ rằng trận chiến tranh Peloponnesian xứng đáng được ghi lại bởi vì đây là trận chiến lớn lao nhất mà người Hy Lạp đã chiến đấu. Ông đã cố gắng viết sử một cách chính xác, không thành kiến khi cắt nghĩa chiến tranh. Thucydides đã thăm viếng các mặt trận, nói chuyện với kẻ sống sót từ cả hai phía. Ông đã phân tích các nguyên do chính trị của cuộc chiến tranh. Ông cũng kể lại các bài diễn văn chính trị để trình bày các quan điểm đối nghịch và lý do của một số hành động.

5. Aeschylus – Nhà văn viết bi kịch đầu tiên thời Cổ Hy Lạp

Aeschylus (525 – 456 trước CN) là nhà văn đầu tiên viết bi kịch thời Cổ Hy Lạp. Aeschylus sinh ra trong một gia đình nổi danh tại Eleusis, gần kinh thành Athens. Aeschylus viết hơn 80 vở kịch, ngày nay chỉ còn lại 7 vở. Các vở kịch này chứng tỏ tác giả là một nghệ sĩ có tinh thần rất ái quốc và tôn giáo, và tác giả Aeschylus đã đưa nền bi kịch của Hy Lạp tới độ trưởng thành. Trước Aeschylus, bi kịch chỉ có một diễn viên đáp lại các câu hỏi của ban nhạc. Aeschylus đã tăng số diễn viên lên 2 người, tạo ra cuộc đối thoại khiến cho có phản ứng tương quan giữa các nhân vật trong vở kịch.

Văn học thời cổ Hy Lạp
(Ảnh: Zde, Wikipedia, CC-BY-SA-4.0)

Nội dung các vở kịch của Aeschylus đơn giản, phần lớn đặt trọng tâm vào sự tương phản giữa lòng mong muốn của cá nhân và quyền lực Thần linh đang ngự trị thế giới. Các vở bi kịch của Aeschylus rất giàu về ngôn ngữ và phức tạp về tư tưởng mà chỉ có nhà viết kịch người Anh là William Shakespeare mới được kể là ngang hàng.

Tác phẩm lớn nhất của Aeschylus là bộ kịch “Oresteia” (458 trước CN), gồm có 3 phần là các vở “Agamemnon”, “The Libation Bearers” và “The Eumenides” (The Furies). Trong các vở kịch này, Aeschylus đã diễn tả sự nổi giận của Vua Agamemnon sau khi từ kinh thành Troy trở về và vở kịch là sự hòa giải của sự đau khổ của con người với quyền lực Thần linh.

Các tác phẩm còn sót lại của Aeschylus là các vở kịch “The Persians” (472), “Seven Against Thebes” (467), “The Suppliants” (463?) và “Prometheus Bound”, vở kịch sau cùng có lẽ được tác giả viết vào cuối đời.

6. Sophocles – Nhà văn viết bi kịch thứ hai của thời đại Cổ Hy lạp.

Sophocles (496-406 trước CN), là nhà văn Hy Lạp viết bi kịch (tragedy) danh tiếng thứ hai, sau Aeschylus hạng nhất và Euripides hạng ba.

Van hoc co Hy Lap 06 Shakko Wikipedia CC BY SA 30
(Ảnh: Shakko, Wikipedia, CC-BY-SA-3.0)

Sophocles sinh tại Colonus, gần kinh thành Athens. Nhờ các tác phẩm bi kịch, ông đã nhận được nhiều giải thưởng trong những kỳ dự thi. Sophocles là một vị tướng của kinh thành Athens và là thành viên của nhiều ban đại biểu tại các quốc gia khác. Sophocles cũng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tôn giáo tại Athens. Ông viết tác phẩm danh tiếng “Oedipus tại Colonus” (Oedipus at Colonus) khi đã gần 90 tuổi.

Các vở kịch của Sophocles đề cập tới sự nỗ lực của một cá nhân mạnh mẽ chống lại định mệnh, sự nỗ lực này khiến cho cá nhân có khi phải chịu đựng đau khổ, có khi chịu chết, nhưng cách sống này làm cho cá nhân cao thượng hơn và có lợi cho nhân loại. Sophocles không tạo ra các nhân vật tầm thường bị chỉ trích vì nền luân lý theo tập tục như là Euripides đã làm. Nhà triết học Hy Lạp Aristotle nói rằng Sophocles mô tả con người theo lý tưởng còn Euripides mô tả con người như thực tế.

Theo cấu trúc nghệ thuật, các vở kịch của Sophocles chải chuốt hơn là các vở kịch của Aeschylus hay Euripides. Aristotle đã coi các công trình của Sophocles là mẫu mực. Các vở kịch của Sophocles kích thích trí tò mò và sự hồi hộp. Trong hơn 120 vở kịch mà Sophocles đã viết ra, chỉ còn lại 7 vở, đó là: “Ajax”, “Antigone”, “Trachinian Women”, “Oedipus Rex”, “Electra”, “Philoctetes” và “Oedipus at Colonus”. Một phần của vở kịch “The Trackers” đã được tìm thấy vào năm 1907.

7. Aristophanes – Nhà văn viết hài kịch bậc nhất thời Cổ Hy Lạp

Aristophanes (445?-385? trước Công Nguyên), là nhà văn viết hài kịch bậc nhất thời Cổ Hy Lạp. Các vở kịch của ông đã phối hợp nhiều đặc tính như tính kỳ lạ (fantasy), sự thông thái vui vẻ, các lời văn thơ trữ tình duyên dáng… để chỉ trích nặng nề các vấn đề chính trị, phong cách, giáo dục, âm nhạc và văn chương. Aristophanes cũng là một bậc thầy về bài hát và nhịp điệu do ông có một trí tưởng tượng phong phú.

Văn học thời cổ Hy Lạp
(Ảnh: Alexander Mayatsky, Wikipedia, CC-BY-SA-4.0)

Các hài kịch của Aristophanes đã cung cấp hình ảnh trung thực nhất của đời sống tại kinh thành Athens vào thời đại rực rỡ nhất. Các hài kịch này cũng cung cấp cho chúng ta các thí dụ sớm nhất và tốt nhất về cách khôi hài chính trị và xã hội. Aristophanes đã bắt đầu viết ra các hài kịch khi ông chưa đầy 20 tuổi. Ông đã viết hơn 40 kịch bản, 11 kịch bản còn lưu lại tới ngày nay. Đó là các vở kịch: “Acharnians” (425 t.CN), “Knights” (Các Hiệp Sĩ, 424), “Clouds” (Các Đám Mây, 423), “Wasps” (Các Con Ong vò vẽ, 411), “Peace” (Hòa Bình, 421), “Birds” (Các con chim, 414), “Lysistrata” (411), “Thesmosphoriazusae” (411), “Frogs” (Các con nhái, 405), “Ecclisiazusae” (393 hay 392?), và “Plutus” (388).

Các vở kịch phổ thông nhất của Aristophanes là “Frogs” (các con nhái) chỉ trích Euripides, “Clouds” (các đám mây) chế nhạo Socrates, “Birds” (các con chim) nói về một thành phố trên bầu trời, và “Lysistrata” trong đó có đề cập tới các phụ nữ Hy Lạp khuyên các ông chồng ngưng chiến tranh chống lẫn nhau.

8. Homer – Nhà thơ danh tiếng của thời Cổ Hy Lạp.

Các học giả hầu như không biết rõ về nhà thơ danh tiếng Homer (850 tr.CN). Vài người tin rằng Homer có lẽ đã sinh sống trong một thành phố nói tiếng Hy Lạp trên bờ biển phía đông của Biển Aegea hay là trên hòn đảo Khios. Có học giả khác lại cho rằng không có Homer, nhưng theo kể lại thì Homer là một nhà thơ mù.

Van hoc co Hy Lap 08 British Museum Public Domain
(Ảnh: British Museum, Wikipedia, Public Domain)

Homer được coi là nhà thơ đã sáng tác ra hai tập thơ anh hùng ca tên là Iliad và Odyssey. Người dân Hy Lạp thời xa xưa biết tới các lời thơ của Homer do nghe đọc lại hay viết lại. Khi viết, người chép thơ có thể phạm phải lỗi lầm hay cố ý sửa chữa bản văn. Vào năm 300 trước CN, vài phiên bản hơi khác nhau của hai tập thơ Iliad và Odyssey đã tìm thấy tại Hy Lạp.

Từ năm 300 trước CN tới năm 100 trước CN, các học giả tại Thư Viện Alexandria của xứ Ai Cập đã cố gắng sửa chữa hai tập thơ kể trên và phục hồi theo hình thức gốc, trong khi đó lại có người cho rằng 2 tập thơ kể trên phải do hai nhà thơ khác nhau bởi vì sự khác nhau về quan điểm, ngôn ngữ và chủ đề của hai tập thơ này.

Tập thơ Iliad

Iliad có lẽ được Homer sáng tác vào các năm 700 trước CN, mô tả một số biến cố của năm cuối cùng của trận chiến tranh Trojan (the Trojan War). Đây là trận chiến giữa xứ Hy Lạp và kinh thành Troy. Theo truyền thuyết, trận chiến này kéo dài trong 10 năm cho tới khi xứ Hy Lạp đánh bại được thành Troy.

Theo truyện Iliad, Helen là người vợ đẹp của Vua Menelaus của xứ Sparta. Helen bị Paris, một người con trai của Vua Priam, xứ Troy, bắt cóc mang về Troy. Người em của Vua Menelaus là Agamemnon đã dẫn một đạo quân Hy Lạp để mang Helen trở về.

Truyện Iliad được chia thành 24 quyển (books = sections). Trong gần 3.000 năm, đọc giả đã thấy trong truyện này các đặc tính anh hùng, lý tưởng và bi kịch của chiến tranh, đồng thời tập thơ cũng bàn tới danh dự và bổn phận xã hội của người dân.

Tập thơ Odyssey

Odyssey có lẽ là tác phẩm phổ thông nhất và gây nhiều ảnh hưởng nhất trong nền văn chương Cổ Hy Lạp và trở nên một kiểu mẫu cho nhiều truyện phiêu lưu sau này.

Odyssey gồm 24 quyển (books = sections) và câu truyện xẩy ra trong 10 năm. Truyện Odyssey bắt đầu kể về hòn đảo Ogygia, tại nơi này Odysseus là tù nhân của nữ thần biển cả Calypso trong 7 năm. Tại buổi họp các thần linh trên núi Olympus, thần Zeus quyết định rằng thời gian đã tới với Odysseus được trở về với vợ Penelope ở Ithaca.

Tại lâu đài ở Ithaca, một nhóm quý tộc trẻ muốn Penelope xác nhận chồng của bà ta đã chết và Penelope phải kết hôn với một người trong bọn họ và như vậy chọn lựa một vua mới cho Ithaca. Con trai của Odysseus là Telemachus phẫn nộ với các nhà quý tộc. Nữ thần Athena đã khuyến khích Telemachus nên đi tìm cha và Telemachus đồng ý rồi từ bỏ Ithaca, ra đi.

Thần Hermes đã bắt Calypso phải thả Odysseus. Odysseus ra biển trên một cái bè nhưng thần biển cả Poseidon đã gây nên bão tố khiến cho Odysseus bị đắm tầu, dạt vào hòn đảo của người Phaeacians. Nausicaa là con gái đẹp của Vua Phaeacian, đã tìm thấy Odysseus.

Odysseus kể lại thời kỳ lang thang từ khi cuộc chiến tranh thành Troy cho các người Phaeacians nghe. Anh ta kể về các người ăn hoa sen (the lotus-eaters) với đồ ăn thần bí làm cho người ăn quên đi quê hương. Odysseus cũng kể về người khổng lồ có một mắt tên gọi là Cyclops, về người nữ làm say mê người khác, tên là Circe. Circe biến các người theo Odysseus thành các con heo (pigs) và biến Odysseus thành người tình. Odysseus cũng thăm viếng địa ngục, đã gặp các bóng ma của bà mẹ anh ta và của các anh hùng trong trận chiến tranh thành Troy.

Sau khi kể xong các câu chuyện, người Phaeacians đã đưa Odysseus về Ithaca. Thần Athena khuyên Odysseus khi tới lâu đài thì cải trang thành một gã ăn mày. Penelope đã đồng ý kết hôn với người đàn ông nào có thể sử dụng cái cung thật lớn của Odysseus và bắn một mũi tên qua 12 trục (12 axes). Odysseus đã thắng cuộc thi, giết chết được người quý tộc và đoàn tụ với Penelope.

Odysseus là một truyện phiêu lưu khéo léo, đã phối hợp những thực tế của đời sống trong xứ Hy Lạp cổ với các truyện thần tiên kể về các mảnh đất tưởng tượng. Cuốn truyện cũng chứa đựng đặc tính khôn khéo. Odysseus là một mẫu người nam can đảm và cương quyết. Anh ta không bao giờ từ bỏ mục đích trở về nhà, biết vui hưởng đời sống, khéo léo và có nhiều mưu mẹo, nói dối dễ dàng khi cần thiết. Penelope tượng trưng cho một người vợ thủy trung, yêu chồng. Telemachus biểu tượng cho người trẻ từng trải do phải đương đầu với các thách đố khó khăn. Các cuộc phiêu lưu của Odysseus và Telemachus có thể tượng trưng cho các hành trình của con người để tìm kiếm sự tự tìm hiểu mình và sự hoàn thành ước nguyện của chính mình.

9. Demosthenes – Nhà hùng biện bậc nhất của thời đại Cổ Hy Lạp

Demosthenes (384?-322 trước CN) là một chính khách của kinh thành Athens, thường được coi là nhà hùng biện bậc nhất của thời đại Cổ Hy Lạp. Demosthenes nổi danh nhất do loạt bài chống đối Vua Philip II của xứ Macedonia, nhà vua này bị tác giả coi là một mối đe dọa đối với nền độc lập của Hy Lạp, và loạt bài này được gọi tên là Philippics.

Văn học thời cổ Hy Lạp
(Ảnh: Eric Gaba, Louvre Museum, Wikipedia, CC-BY-SA-2.5)

Demosthenes có cha là một người giàu có, qua đời khi ông ta còn nhỏ và Demosthenes được nuôi dưỡng do ba người giám hộ, các người này đã ăn cắp phần lớn tài sản thừa kế của Demosthenes.

Demosthenes học luật và phương pháp hùng biện nên về sau, ông ta đã đưa các kẻ giám hộ ra tòa, rồi sau đó ông bước vào ngành chính trị.

Demosthenes đã gặp rất nhiều khó khăn khi muốn trở nên một nhà hùng biện (an orator) bởi vì ông có tầm vóc thấp lùn, giọng nói khàn và thiếu hơi, cũng như dáng điệu vụng về. Theo truyền thuyết, ông đã tập nói bằng cách gào thét với sóng biển trong khi mồm ngậm đầy đá cuội.

Demosthenes là một trong những người đầu tiên nhận ra tham vọng của Vua Philip II là muốn xâm lăng Hy Lạp. Ông đã thúc giục người dân của kinh thành Athens phải đóng thuế để củng cố quân lực và hải quân, phải phục vụ trong quân đội thay vì nhờ cậy vào lính đánh thuê.

Khi Vua Philip II kiểm soát được Delphi, trung tâm của Hy Lạp vào năm 346 trước CN, Hy Lạp bị phân chia thành các quốc gia kinh thành (city-states), mỗi nơi gồm kinh thành và vùng phụ cận. Demosthenes đã thúc dục các quốc gia kinh thành này nên đoàn kết lại để chống Vua Philip II. Sau đó Athens và Thebes đã hợp tác với nhau.

Năm 338 trước CN, Vua Philip II đánh bại các đạo quân của Athens và Thebes trong trận Chaeronea, gần Levadhia ngày nay. Athens xin cầu hòa nhưng Demosthenes vẫn chống cự lại lực lượng Macedonian. Bài diễn văn “Về Vương Quyền” (On the Crown) của ông được nhiều chuyên gia coi là “gần như hoàn hảo” trong Lịch Sử (the most nearly perfect speech in history).

Vào năm 323 trước CN, Demosthenes lại vận động người Hy Lạp chống lại phe Macedonia nhưng cuộc tấn công thất bại, Demosthenes uống thuốc độc tự tử để khỏi bị bắt.

10. Aesop – Nhà Văn viết truyện ngụ ngôn bậc nhất thời Cổ Hy Lạp.

Aesop (620?-565? trước CN) là một người Hy Lạp chuyên kể các câu truyện ngụ ngôn (fables) và người ta đã nghi ngờ không biết Aesop là một người thực hay là một nhân vật huyền thoại.

Van hoc co Hy Lap 09 Shakko Wikipedia CC BY SA 30
(Ảnh: Shakko, Wikipedia, CC-BY-SA-3.0)

Cuộc đời của Aesop có thể tìm thấy trong các nguồn tài liệu rải rác trong các tác phẩm của Aristotle, Herodotos và Plutarch. Theo các tài liệu cổ xưa, Aesop ra đời vào khoảng năm 620 trước CN tại Thrace trên bờ Biển Đen, nơi này về sau trở nên thành phố Mesembia. Theo Aristotle và Herodotus, Aesop là một tên nô lệ tại Samos và người chủ đầu tiên của ông ta tên là Xanthus. Aesop được trả tự do vì đã cãi lý cho một ông nhà giàu tại Samos, còn Plutarch viết rằng Aesop đã tới Delphi do một nhiệm vụ ngoại giao của Vua Croesus xứ Lydia, rồi Aesop đã xỉ vả người Delphians nên bị kết án tử hình và bị ném xuống biển từ một mỏm đá cao.

Giống như phần lớn các truyện ngụ ngôn, mỗi truyện của Aesop giảng giải về một điều luân lý và cung cấp lời khuyên hữu ích. Phần lớn các nhân vật trong các truyện ngụ ngôn của Aesop là các con vật biết nói và hành động giống như con người. Các truyện này mô tả các khuyết điểm và các đức tính của bản chất con người theo một cách vừa đơn giản, vừa khôi hài. Mỗi truyện ngụ ngôn kết thúc bằng một câu cách ngôn (proverb) và câu này tóm tắt điều luân lý và lời khuyên của câu truyện.

Câu truyện ngụ ngôn nổi tiếng nhất của Aesop là truyện “Con Rùa và Con Thỏ” (the Tortoise and the Hare), trong đó kể lại cuộc chạy đua giữa con rùa chậm chạp và con thỏ nhanh nhẹn. Tới giữa cuộc đua, con thỏ đã đi được quá xa và vì tin tưởng ở thắng lợi, nó đã ngủ giữa đường. Con rùa từ từ tiến bước, đã vượt qua được con thỏ và đạt tới đích. Câu ngụ ngôn nói rằng “chậm và tiến từ từ sẽ thắng cuộc đua” (slow and steady wins the race) và nhấn mạnh rằng sự kiên nhẫn thì quan trọng hơn là tốc độ.

Người ta không rõ Aesop đã thực sự sáng tác ra bao nhiêu câu truyện. Vài truyện có thể đã có từ xa xưa và có thể Aesop đã kể lại chúng và làm cho nhiều người biết tới các câu truyện đó.

Qua rất nhiều năm, các truyện ngụ ngôn của Aesop được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ kia. Vào khoảng 300 năm trước CN, một nhà chính trị của kinh thành Athens tên là Demetrius (of Phaleron) đã thu gom được 200 truyện thành tuyển tập gọi là “Tập Hợp các Truyện của Aesop” (Assemblies of Aesopic Tales). Rồi vào khoảng năm 230 sau CN, nhà văn người Hy Lạp Valerius Babrius đã tập hợp các truyện của Aesop với vài truyện của Ấn Độ rồi dịch sang tiếng Hy Lạp. Từ đó, các nhà văn khác cũng kể lại các truyện ngụ ngôn và khai triển ý nghĩa khiến cho các truyện này mất đi tính đơn giản và hấp dẫn căn bản của thời xa xưa.

Phạm Văn Tuấn
Trích đăng từ Đặc San Lâm Viên (www.dslamvien.com)

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org; Britannica Encyclopedia.

Mời xem video “Thần, Phật, Chúa vì sao không giúp để con người hết khổ?”: